ngobadung

31 tháng 12, 2023

"QUÂN LỆNH NHƯ SƠN"

"QUÂN LỆNH NHƯ SƠN"
Năm Mậu Ngọ 1798 trong lúc chiến sự giữa nhà Nguyễn và Tây Sơn đang diễn ra ác liệt. Chúa Nguyễn Ánh đã ban 32 điều quân chính răn dạy tướng lĩnh và binh sĩ dưới quyền.
   + Sĩ tốt tòng chinh, nếu ai tự tiện vào nhà dân hãm hiếp đàn bà con gái và cướp lấy của cải, thì chém ngay, rao trong quân. Nếu vào đất giặc mà có người đem của cải biếu riêng, dám công nhiên nhận lấy, việc phát giác thì chánh phạm bị xử chém ngay.
   + Ra trận đối địch cứ tướng sĩ ai bắt được quân giặc, cứ mỗi người thưởng 5 quan, bắt được hộ quân, quán quân, đô ty, đô úy của giặc thưởng 20 quan, bắt đô đốc thưởng 100 quan... chém lấy thủ cấp thì cũng y thế mà thưởng.
   + Thắng địch không được giết chóc thẳng tay. Như địch hàng phục, phải bắt giải nộp, tự tiện giết phải tội nặng.
   + Trong quân không được đánh bạc, uống rượu. Nếu phát hiện thì quan hay quân đều bị đánh 100 roi, tiền mặt bắt được trong sòng thì thưởng cho người tố cáo.
  + Thám tử ở đất địch trở về, không được đón đường hỏi chuyện, thám tử cũng không được tiết lộ công việc. Ai làm trái đều bị chém.
  +  Binh lính ra trận mà co lùi chạy thì chém. Những chi, hiệu,đội, thập, ngũ nào mà lùi chạy thì người trưởng đều bị chém để răn mọi người. Ai dung tha thì đồng tội.
 + Hẹn họp mà đến sau thì chém đầu để răn bảo mọi người; ở trường thao diễn cũng trị tội nặng.
              Theo Sử quán triều Nguyễn.

   * Đúng là "quân lệnh như sơn" . Riêng chuyện đi họp quân mà ai đến sau (trễ) cũng bị chém thì quá kinh. Nếu áp dụng vào bây giờ thì dao rựa mô mà chém cho ngạ!

LÍNH KHỐ VÀNG TRIỀU NGUYỄN.

LÍNH KHỐ VÀNG TRIỀU NGUYỄN.
   Sau Hiệp ước Patenôtre 1884 quân đội Nhà Nguyễn hùng mạnh một thời có lúc đông đến 200.000 người nhưng sau 1884 chỉ còn vài ngàn người gọi nôm na là Lính khố Vàng chỉ đặt ở kinh đô Huế.
       Để phân biệt với lính khố Đỏ và lính khố Xanh cũng là lính người Việt nhưng do Pháp chỉ huy.
Đỏ - Xanh - Vàng là phân biệt qua thắt lưng màu vải có phần lòng thòng dưới bụng gọi là "Khố".
Khố đỏ, khố xanh được trang bị súng trường của Pháp. Còn lính khố vàng chỉ được trang bị súng điểu thương của ta và của tàu dài như cây sào giữ vịt.
       Súng điểu thương nạp thuốc đạn nén chặt phía nòng súng với viên chì. Muốn bắn phải dùng dây mồi như tim pháo, đốt cháy mới phát tiếng nổ. Tầm sát thương chừng 30m, muốn bắn viên thứ 2 phải mất vài phút. Cứ 02 hoặc 03 lính được trang bị 01 khẩu điểu thương như thế nên chiến đấu ít hiệu quả.
       Bởi vậy người xưa mới có mấy câu:
"Ngang lưng thì thắt đai vàng,
Đầu đội nón dấu, vai mang súng dài.
Một tay thì cắp hoả mai,
Một tay cắp giáo, quan sai xuống thuyền.
Tùng tùng trống đánh ngũ liên,
Bước chân xuống thuyền nước mắt như mưa" 
        là vậy!


16 tháng 12, 2023

Tấm ảnh đúng 111 năm ở Đà Nẵng.

Tấm ảnh đúng 111 năm ở Đà Nẵng.
Ảnh chụp ở ga Chợ Hàn, ngay trước cổng sau Chợ Hàn trên đường Bạch Đằng bây chừ.
Tàu lửa có đầu máy chạy bằng than nên lửa khói mù mịt với tiếng động cơ xình xịch đặc trưng. Tàu lửa cũng là thủ phạm của những vụ cháy nhà (nhà tranh) ven đường rầy.
      Hồi đó những chuyến tàu lửa nầy đã chạy qua cầu De Lattre (Trần Thị Lý) để vào Hội An hay ngược ra Sơn Trà để lấy hàng.
     Nhờ có tàu hỏa mà giữa Huế và Đà Nẵng đã ngắn lại dầu chỉ cách có một con đèo.




8 tháng 12, 2023

HỔ TƯỚNG HÔ OAI, NGƯƠI CỨU VUA TỰ ĐỨC THOÁT CHẾT TRONG GANG TẤC.


NGƯỜI CỨU VUA TỰ ĐỨC THOÁT CHẾT TRONG GANG TẤC.
Đêm 16.9 năm 1866 ở kinh đô có cuộc biến loạn do anh em Đoàn Hữu Trưng cầm đầu. Lực lượng tham gia đông cả vài trăm người, đa phần là binh lính và thợ thủ công đang xây lăng cho vua Tự Đức.
Quân khởi nghĩa do có nội ứng là Tôn Thất Cúc nên đêm hôm đó đã lọt vào hoàng cung chiếm Điện Thái Hòa và Điện Cần Chánh và tiến sát vào Tấu Môn nơi ngủ của vua Tự Đức nhưng rất may có sự xuất hiện kịp thời của viên chưởng vệ Hồ Oai cùng nhóm binh sĩ Cẩm y đã có mặt và họ nhanh chóng đóng cánh cửa Tấu Môn đúng lúc.
      Trong gang tấc lưỡi gươm của Đoàn Hữu Trưng chỉ kịp róc dọc khe cửa chém rớt một lỗ tai của Hồ Oai.
      Sau lần lập công to nầy, Hồ Oai được trọng thưởng và thăng chức. Vua Tự Đức cũng không quên cho đúc một lỗ tai bằng vàng ròng gọi là "đền" cho người có công.
Đối với công trạng "cứu chúa" nầy. Nếu lỡ có mất 01 cánh tay đi nữa cũng được vua "đền" một cánh tay khác bằng vàng y huống chi chỉ một lỗ tai!
Tiếc là y học thời đó chưa đủ trình độ gắn lại chiếc tai sứt cho ông tướng họ Hồ.

TRƯƠNG TIỂU HOC THƠI NAM KY THUÔC PHÁP

 Một trường Tiểu học ở nông thôn thời thuộc Pháp.
Trường tiểu học ở Nam Kỳ, bắt đầu đào tạo lớp "trí thức" đầu tiên cho Nam kỳ lục tỉnh. Ban đầu họ lấy học sinh primaire để đào tạo thành thông ngôn, thư ký, trả lương cao để rồi... "tối tối sâm banh sáng sữa bò".
         Thời kỳ mà chữ ta của các thầy đồ, đào tạo ra những ông Nghè, ông Cống cũng phải chịu "cảnh nằm co" thất thế!.
         Cũng cái thuở ban đầu ấy, nhiều nhà giàu còn ngại chưa cho con theo học chữ tây vì lo triều đình sẽ quay trở lại đất Nam Kỳ. Sinh ra cảnh oái ăm, họ cho con tá điền, đi ở, giữ trâu đi học chữ tây thay cho con mình... về sau con cái của những người làm thuê có người làm tới Đốc Phủ sứ!

CHUYÊN XƯA: ÔNG QUÁCH ẤU ĐI KIÊN

ĐƠN KIỆN XƯA (ĐÃ 126 NĂM)
     Thạch An tổng - Xa Man thôn
     Dân bản Triều Châu Quách Ấu.
     Bẩm quan lớn đặng hiểu (rõ). Vào hồi ngày mồng 02 tháng 02 năm Bính Thân có tên Hỏa Tỳ (người Hoa) tên Thiên Bữu, tên Phụng Tống (người Việt) ngụ làng Xa man có vay của tôi 120₫00 giao mãn năm (cuối năm) thì trả cho tôi 460 giạ lúa thì trừ hết số bạc ấy, có tên Kiên làm giấy cho tôi mà nay 03 tên không chịu trả lúa cho tôi. Nên tôi xin quan lớn đòi 03 tên đó tới tòa dạy nó trả 460 giạ lúa cho tôi. Bằng (nếu) nó không có trả thì biến (phát) mãi gia sãng (sản). Nếu nó không có gia sãng (sản) thì xin quan lớn bắt bỏ tù nó.
                           Nay bẩm
                    Le 13 Fevier 1897
Quách Ấu.


      * Đời vốn bất công, lừa lọc cho nên kiện tụng trong dân là chuyện muôn đời thời nào cũng có.
Nhà giàu Quách Ấu, dân Hoa kiều ngụ cư ứng tiền trước cho dân bản địa tới mùa lấy lúa. Đây cũng là kiểu cho vay phổ biến thời đó. Ngặt là 03 ông nhận tiền ăn tiêu hết nhưng không chịu trả lúa nên mới bị ông Quách Ấu kiện.
       Đơn kiện nầy chắc cụ Quách phải nhờ thợ viết thảo đơn. Đơn quá "dài tay", hướng dẫn quan lớn tịch thu tài "sảng" bán biến mãi. Nếu không có tài sản thì bắt bỏ tù nó.
       Nghĩa là cụ Quách quyết chí bắt tù 03 tên lường gạt cho bỏ ghét dầu có mất mấy trăm giạ lúa cũng đặng.
                *1 giạ lúa bằng 20kg lúa.

25 tháng 11, 2023

"CÚP" ĐẦU PHỒNG CHỒNG CHÊ!

"CÚP" ĐẦU PHỒNG CHỒNG CHÊ!
      Thập niên 50, 60 của thế kỷ trước, các bà các cô đều thích chải tóc kiểu đầu phồng, đi guốc cao gót.
      Thời trang nầy làm các bà, các cô trông cao hơn và đẹp hơn!
       Do vậy mới có câu nói khía (do người lớn bày) và con nít hay hát khi thấy ai "cúp" đầu phồng.
"CÚP BUM BÊ CHÊ CHỒNG, CÚP ĐẦU PHỒNG CHỒNG CHÊ".
      Ảnh bốn cô đầu phồng cũng chơi cùng tông. Nếu còn sống cũng chừng 80.

QUAN GIÁM KHẢO TRẦN SĨ TRÁC. Chief examiner Tran Si Trac 1901

QUAN GIÁM KHẢO TRẦN SĨ TRÁC.
Sinh năm Quý Mão 1843, quê quán Nghi Xuân, Hà Tĩnh - ông đậu Tiến Sĩ thời vua Thành Thái khi ấy đã ngoài 50 tuổi.
Cuộc đời làm quan của ông nổi tiếng rất trung trực và nghiêm khắc. Vì vậy ông thường được cử làm giám khảo các kỳ thi Hương ở nhiều trường thi trong cả nước. Về sau làm Toản tu chuyên ghi chép Sử.
       Ảnh ông đang làm công việc Lễ ở một trường thi ở Nam Định.

     *Đi thi mà bí thì chịu rớt chớ gặp ông chắc không ai dám quay cóp hay giở tài liệu.

NAM Ô - ĐÀ NẴNG - LÀNG NƯỚC MẮM - LÀNG PHÁO TRƯỚC 1995

NAM Ô - ĐÀ NẴNG - LÀNG PHÁO, LÀNG NƯỚC MẮM.
Là làng cổ của Quảng Nam thế kỷ XVI ban đầu có tên là Quán Sảng, Chơn Sảng rồi Nam Ô (Đà Nẵng).
Nam Ô có 02 nghề rất nổi tiếng là làm nước mắm và pháo nhưng đến nay đã mai một.
Riêng làng pháo đã chấm dứt vào năm 1995 khi chính phủ cấm đốt pháo.
         Thời kỳ hoàng kim của nghề pháo, pháo Nam Ô được ưa chuộng vì pháo nổ giòn tan, không xì không lép.
         Người làm pháo đôi khi cũng trả giá bằng sinh mạng của mình và gia đình. Có người kể vụ nổ thuốc pháo trước thời điểm cấm không lâu. Một tai nạn thương tâm do thuốc pháo mà tiếng nổ đã thổi tung vài căn nhà trong làng pháo, làm vài người chết trong đó có người trên 60kg nhưng sau vụ nổ chỉ tìm thấy vài lạng xương thịt, có người chết mà xác văng lên mái nhà đối diện tìm hoài không thấy!
        Mà thôi nghề pháo quá nguy hiểm, chấm dứt cũng được nhưng Nam Ô mất đi thương hiệu nước mắm Nam Ô là quá uổng!

VUA MINH MẠNG XỬ QUAN THAM NHŨNG

VUA MINH MẠNG XỬ QUAN THAM NHŨNG.
    Năm Minh Mạng thứ 8 vua sai hai Kinh lược sứ là Nguyễn Văn Hiếu và Hoàng Kim Xán đi thanh tra Nam Định.
Cai án(1) Nam Định Phạm Thanh và Thư ký Bùi Khắc Kham nổi tiếng tham lam, hung ác. Nghe tin đã bỏ ấn đi trốn.
      Việc đến tai vua, vua nghiêm trách Hiếu và Xán, nếu bắt không được thì quy tội "cố thả"(2).
      Đối với Trấn thần Nam Định là Đỗ Văn Thịnh, Trần Đức Chính vua cũng nghiêm dụ về tội "dung túng, thiên vị" và tội "nịnh chức" hạn cho 03 tháng phải bắt cho được kẻ phạm tội, nếu không phải nghiêm trị.
Sau đó Thanh và Kham đều bị bắt, giải đến chợ trấn Nam Định chém ngang lưng, gia sản bị tịch thu chia cho dân nghèo.
      Cũng trong đợt thanh tra nầy các quan chức của Phủ Kiến Xương, Ứng Hòa, Đại An đều bị bãi chức và hàng chục viên chức nhỏ cũng đã bỏ trốn.
Vua bảo Bộ Hình "Giết bọn lại mọt ấy dẫu là việc nhỏ, mà quan hệ đến việc khuyên răn rất lớn".
               (theo Đại Nam Thực lục)
(1) Ngang chánh án.
(2)Thông đồng, bao che.

       * Hình luật xưa xem tội tham nhũng là trọng tội, bị xã hội và đồng liêu coi khinh.
          Đặc biệt vua Minh Mạng rất ghét quan chức tham nhũng, ông từng "thẳng tay" nhiều vụ từ cung đình cho đến địa phương.
         
Vua buộc 02 Kinh Lược Sứ và 02 quan đầu tỉnh phải có nhiệm vụ bắt cho bằng được 02 viên quan đã bỏ trốn để quy án, nếu không sẽ ghép vào các tội "bao che - thông đồng - dung túng - thiên vị "!.
        Thử hỏi xử và áp chế cấp trên có liên quan như vậy làm những ông quan chực tham nhũng nghe thôi đã xanh mặt - lòng dạ mô còn dám nghĩ tới kế sách "Hy sinh đời bố cũng cố đời con" như thiên hạ ngày nay hay nói?
(ảnh chỉ có tính minh họa)

8 tháng 11, 2023

Ông kẹo kéo kéo kẹo kéo.

    Cô bé thèm thuồng nhìn ông kẹo kéo kéo kẹo kéo.
    01 đồng, 02 đồng, 05 đồng ông cũng kéo.
    Dùng miếng vải túm một đầu ổng kéo rất khéo ở chỗ mỗi cây kẹo dù 01 hay 05 đồng, ổng cũng kéo chỉ vừa gang tay.
         Cây kẹo 05 đồng luôn to và mập, dĩ nhiên bên trong nhiều đậu phụng, còn cây kẹo 02 đồng thì ốm "giơ xương" mình nổi u cục. Tội nhất là cây kẹo kéo 01 đồng vừa kẹp miếng giấy khỏi tay liền cụp đầu đứng không nổi trước khi vô miệng.
        Kẹo kéo vừa dẽo vừa ngọt vừa có nhân đậu phụng giòn giòn, béo béo, bùi bùi đúng là sự pha trộn rất hợp khẩu vị của mọi người.
        Hồi nhỏ ai cũng thích và thèm ăn kẹo kéo nhưng đời dễ mấy khi. Tui thường mua hai cây mỗi cây 01 đồng cho lợi nhưng so kỹ lại cũng không lợi chi, có khi lại lỗ!
       Đã lâu lắm rồi không còn thấy ai rao kẹo kéo nữa và con nít bây giờ trong nhà kẹo bánh ê hề chẳng đứa nào chờ mua kẹo kéo như xưa!

Ông Lương Văn Thế . Cai đội kỵ binh thời Nhà Nguyễn/Mr. Luong Van The. Commander of the cavalry squad under the Nguyen Dynasty

Ông Lương Văn Thế sinh năm 1816, quê quán Duy Xuyên, Quảng Nam.
    Là Cai Đội kỵ binh hoàng cung cùng tham gia phái đoàn đi sứ sang Pháp với cụ Phan Thanh Giản.
   Vì là con nhà võ nên tướng mạo cứng cáp, lưng thẳng dáng cao lớn.
          Ảnh chụp năm ông 47 tuổi lúc sang Pháp năm 1863

Chiếc ngai vàng vương triều Nguyễn./王位はグエン王朝のもの/The throne belongs to the Nguyen Dynasty/Le trône appartient à la dynastie des Nguyen/

Chiếc ngai vàng vương triều Nguyễn.
      Có tuổi hơn 200 năm được các thợ giỏi trong nước chế tác dưới thời vua Gia Long.
    Ngai vàng được làm bằng gỗ rất quý có tên nanmu (pơ mu?) lấy từ miền Nam bên Trung Quốc.
    Đây là loại gỗ quý hiếm bền bỉ chịu được mối mọt, kháng khuẩn có mùi thơm vì vậy được chọn để làm ngai vàng. 
       Ngai vàng là biểu trưng cho quyền lực tối thượng của chế độ quân chủ nên chỉ có một mình vua mới được ngồi. Ai kê đít, dù ướm thử ( thợ mộc)đều phải mắc tội khi quân và cái đầu sẽ không còn trên cổ là điều chắc chắn!
     Chiếc ngai vàng trong ảnh được truyền 13 đời vua từ Gia Long cho đến vua Bảo Đại - 143 năm.
Hiện nay Nhà nước xếp chiếc ngai nầy là Bảo vật Quốc gia.


NGHỀ KHÔNG SỢ Ế

NGHỀ KHÔNG SỢ Ế.
    Thời buổi suy thoái, nhiều ngành nghề lâm cảnh khó khăn như buổi chợ chiều.
    Duy có nghề nầy là đều đều bán ra.
    Giàu nghèo, già trẻ chi trước sau cũng phải sắm một cái.
      Có điều thời xưa ván xẻ quá dày nên lâu mục!
                ( ảnh trăm năm trước)

LĂNG ÔNG LÊ VĂN DUYỆT & BÀ ĐỖ THỊ PHẨM

LĂNG ÔNG & BÀ PHẨM 
Ngôi song mộ chôn cạnh Tả Quân Lê Văn Duyệt trong ảnh là Đỗ Thị Phẩm (hay còn gọi là Phận). Bà Phận nguyên là phi tần của vua Gia Long được vua "ban gả" cho Tả quân dù ông vốn bị "bệnh kín" không có con.
      Bà là con gái viên quan họ Đỗ trong triều, tính tình hiền hậu, xinh đẹp. Hết lòng hầu hạ cho chồng đến cuối đời.
     Bà mất sau ông cả chục năm, mộ táng cạnh Ông.
Tên bà cũng được vua Gia Long đặt lại từ Phận (an phận) thành Phẩm (phẩm giá).



    Chuyện vua GL đem phi tần của mình gả cho Tả quân Lê Văn Duyệt là trường hợp rất đặc biệt. Chính vua đã đứng ra làm lễ chủ hôn cho sự tác hợp đặc biệt nầy.
    Đây là "đặc ân" duy nhất mà nhà vua ban cho người có công. Bản thân Tả quân dù không muốn nhưng không thể từ chối vì ông có tật bẩm sinh không thể lập gia đình. Việc nầy ông đã thẳng thắn nói rõ với bà ngay từ đầu.
    Dưới triều vua Minh Mạng, Tả quân đã thấy sự chẳng lành cho mình. Ông căn dặn bà sau khi ông mất nên về xóm Chợ Rẫy (quê bà) để tránh liên lụy.
    Quả thực vua Minh Mạng dù cho san bằng mộ của Đức Ông với 8 chữ khắc trên bia "Quyền yêm Lê Văn Duyệt phục pháp xử" nhưng không quy tội cho bà vì chỉ xem bà không là vợ chính thức của một người hoạn.
    Dưới thời vua Tự Đức, Tả quân được minh xét cho phục hàm chức cũ, mộ được gỡ xiềng xích.
Về sau bà mất, con cháu đưa vào chôn bên cạnh như hiện nay.

Gia đình ông Nguyễn Hữu Hào và bà Lê Thị Bính.

Gia đình ông Nguyễn Hữu Hào và bà Lê Thị Bính.
Bà Bính là con gái ông bà Lê Phát Đạt, hay còn gọi là Huyện Sĩ rất giàu có ở Nam Kỳ. Ông đã bỏ tiền túi ra xây ngôi nhà thờ Thiên Chúa giáo ở số 01 đường Tôn Thất Tùng Q1, Saigon rồi đặt luôn tên ông là nhà thờ Huyện Sĩ. Khi chết mộ ông Huyện Sĩ chôn bên trong nhà thờ.
         Rể ông Huyện Sĩ là ông Nguyễn Hữu Hào (ảnh) cũng là đại điền chủ ở Nam Kỳ, có tài sản hơn 1.000 mẫu ruộng, giàu có còn hơn cha vợ.
        Ông bà Nguyễn Hữu Hào có 02 người con gái, cô chị lấy Nam tước, cô em làm vợ vua.
        Bà Agnès Nguyễn Hữu Hào và cô em là Nguyễn Hữu Thị Lan (ảnh lúc bà 03 tuổi) tức Hoàng hậu Nam Phương sau nầy.
       Mộ phần của ông bà chôn trong khu đất rất to hiện ở Dalat.

3 tháng 11, 2023

Cụ Trần Tử Luông năm, học sinh trường d' Adran Saigon năm 17 tuổi.

     Cụ Trần Tử Luông năm 17 tuổi.
     Sinh năm 1846 tại Saigon, là học sinh lứa đầu của trường dòng d'Adran Saigon.
    Ông được chính quyền Pháp ở Nam Kỳ cử tham gia hỗ trợ về ngôn ngữ cho phái đoàn của cụ Phan Thanh Giản sang Pháp đi chuộc đất Nam Kỳ theo lệnh của vua Tự Đức vào năm 1863.
     Trong chuyến đi đó Ông Luông ở lại Pháp học tiếp. Về sau về nước làm Tri huyện. Gia đình ông nhiều đời "gắn bó" với nước Pháp, cha ông là Đốc Phủ Sứ Trần Tử Ca bị giết năm 1884. Ông có người cháu nội là tướng Trần Tử Oai, Chỉ huy trưởng trường võ bị Đà Lạt sau nầy!

THỜI VUA MINH MẠNG 1824 - LÀM CẦU - CẦU SẬP PHẢI ĐỀN !

 

LÀM CẦU - CẦU SẬP PHẢI ĐỀN !

Năm Minh Mạng thứ 5 tháng 10 năm 1824 chiếc cầu ở cửa Đông Bắc kinh thành Huế (tức cầu ở cửa Trài) thông ra với phố Bao Vinh mới xây được 02 năm đã bị lún sập do mưa to nhiều ngày.
        Đốc công Nguyễn Khoa Minh xin nhận trách nhiệm tu sửa lại để bồi thường nhưng xin Vũ Khố (kho) cấp vật liệu để làm. Giám thủ vũ khố là Trần Đăng Long không cho mà còn bắt tự bỏ công, bỏ của ra mà đền.
       Ức quá Khoa Minh đem việc tâu lên vua. Vua Minh Mạng cho triệu Trần Đăng Long đến bảo: "Cầu sập là trách nhiệm của người xây nhưng bắt bỏ công đền thì được chứ bắt tự bỏ của riêng ra thì của nào mà đền cho nổi".
       Nói rồi sai xuất vật liệu cho Nguyễn Khoa Minh để huy động nhân công tu sửa cho kịp.
              Theo Quốc sử quán triều Nguyễn.

*   Quá rõ ràng, ai làm sai thì phải bồi thường. Ông quan Vũ khố đã theo luật mà làm.
    Chẳng qua ông quan họ Nguyễn được vua xem xét là do thiên tai vả lại không có chuyện bòn rút vật liệu chi ở đây nên mới gia giảm cho một phần đó thôi.

Chim Sơn Ca/Yellow bellied Prinia


Chiền Chiện là tên ở quê
Khi ra thành phố đổi thành Sơn Ca
Nhà cao đất rộng bao la
Sớm mai đã dựa ban công hát hò!

Người Việt trên đất nước mình. Cớ sao Mỹ hỏi "dái tờ you đâu?


    Hồi đó ra đường, giấy căn cước là vật "bất ly thân".
   Thỉnh thoảng lính Mỹ củng hỏi giấy tờ của người Việt nhất là trong vùng hành quân.
      Bằng giọng lơ lớ tiếng Việt "can cuoc, can cuoc" hoặc "dái tơ dai to" ?(1)
Họ chỉ kiểm tra xem ảnh đối chiếu cho có lệ nhưng ai không có thì gặp rắc rối ngay và bị nghi là "Vi Xi".
       Trong ảnh một ông già giữ thẻ căn cước nhiều lớp trong bao ny lông đang xuất trình cho Mỹ kiểm tra.
          Vì vậy có câu:
                 Người Việt trên đất nước mình,
                 Cớ sao Mỹ hỏi "dái tờ you đâu"?
                             (1) căn cước - giấy tờ.

TRÂU VÀ CÒ

Trâu và cò
Một hôm trâu nói với cò
Sao mầy luẩn quẩn làm gì bên ta
Cò rằng trâu chớ có la
Cứ lo gặm cỏ cho đầy bụng đi
Trưa nằm phe phẩy nhâm nhi
Bọn ruồi, mòng muỗi có tui dẹp rồi
Đôi khi dưới cỏ có mồi
Cào cào dế nhũi hoặc trùn cò xơi
Chớ đừng tị nạnh trâu ơi
Chỉ là tương trợ để mà kiếm ăn!
*
* *
Trâu nằm suy nghĩ hồi lâu
Từ nay trâu kết bạn chung với cò!

Chân dung và trang phục của một người lính dưới thời vua Tự Đức.

   Chân dung và trang phục của một người lính dưới thời vua Tự Đức.
   Ông tên Dân, 27 tuổi, quê quán Thừa Thiên.
   Ông có mặt trong đoàn đi sứ sang Pháp để chuộc đất do cụ Phan Thanh Giản dẫn đầu gồm 63 người và cũng là một trong số 19 lính Cẩm vệ đến Pháp và được Pháp cho chụp ảnh.
      Tuy ông chỉ là lính nhưng có tư thế chững chạc, rắn rỏi, vẻ mặt cương nghị!
      Năm ấy là 1863 - thời đó nước ta chưa ai biết thế nào là chụp ảnh? Ngay cả vua Tự Đức cũng chưa có ảnh để... thờ như ông lính nầy.

ĐẠI THẦN BỊNH LIỆT GIƯỜNG - THIÊN TỬ ĐẾN THĂM SAO CHO PHẢI PHÉP?

ĐẠI THẦN BỊNH LIỆT GIƯỜNG - THIÊN TỬ ĐẾN THĂM SAO CHO PHẢI PHÉP?
   Nguyễn Văn Nhân gốc người Gia Đinh từng là "Công thần Vọng Các" (2), đang giữ chức Tổng Trấn Gia Định(1) bị ốm nặng khi về chầu và đang nằm dưỡng ở kinh. Vua Minh Mạng muốn tới thăm nhưng e ngại.
      Vua bảo với Trịnh Hoài Đức rằng "Nguyễn Văn Nhân là bậc đại thần huân cựu, là trung thần cẩn hậu. Khi trẫm được tin ốm nặng muốn (đích) thân tới thăm nhưng nghĩ lễ vua tôi, nếu cho phép nằm thì dám không yên, mà gượng dậy thì mỏi mệt. Cho nên trẫm cử hoàng tử đến thăm".
        Đến khi Nhân mất, vua mới ngự giá đến tận nơi, (đích) thân vua rót rượu cúng (nhưng không lạy vì là LỄ vua -tôi).
        Rồi cho xuất kho ban vàng bạc cùng 100 thân binh di quan về quê.
            Triều đình hôm ấy bãi chầu!
                         Theo Đại Nam Thực lục

    * Rõ ràng Vua Minh Mạng rất áy náy trong lòng. Cho nên mới đem chuyện nầy kể cho nhà chép sử như ngụ ý muốn nhờ sử gia họ Trịnh thanh minh giúp mình.
(1) Lúc nầy chưa có luật Hồi tỵ
(2) Nhưng người cựu trào có công phò chúa Nguyễn Ánh sang Bangkok Thái Lan.
(3) Ảnh chỉ có tính minh họa.

Rạp Xi nê ở Đà Nẵng xưa

Rạp "xi nê" Kim Châu (Lê Độ), Đà Nẵng trước 1975.
Bãi xe của khách xem phim toàn Honda dame, loại xe rất được ưa chuộng thời ấy.
Hồi đó Đà Nẵng có 06 rạp phim.
    1. Rạp Kinh Đô (Độc lập) sạch sẽ, lịch sự chuyên chiếu phim tình cảm Âu Mỹ có phụ đề Việt.
    2. Rạp Kim Châu gần đó cũng chiếu phim Âu Mỹ thêm phim Hongkong, Đài Loan.
   3. Rạp Lido trên đường PCT gần ngã năm cũng sạch sẽ. 
   4. Rạp Trưng Vương vừa chiếu phim vừa là sân khấu ca nhạc (cả 04 rạp trên đều có máy lạnh).
   5. Rạp Kim, rạp nầy sinh sau đẻ muộn của 01 thương gia bán vàng ở ĐN. rạp nầy sau giao cho trường Phù Đổng làm sân TDTT.
  6. Rạp Chợ Cồn (Tân Thanh) rạp nầy kém vệ sinh nhất - khu vực khán giả luôn hôi mùi nước đái.
     Chủ nhân ban đầu là ông Ấn Độ con mắt lúc nào cũng trợn trợn con nít rất ớn!
     Tui là khán giả "không tiền" (fan cứng) của rạp nầy.

23 tháng 10, 2023

Đi làm sở Mỹ - thời Đà Nẵng xưa.

 

Đi làm sở Mỹ - thời Đà Nẵng xưa. (Mà cũng không riêng chi ĐN)

  Thời chiến tranh nhiều người dân đi làm cho Mỹ. Công việc chủ yếu ở lĩnh vực dân sự như thông dịch, thư ký (cho đơn vị), cắt tóc, hầu phòng, giặt ủi (cho cá nhân) ...sáng đi chiều về, có xe đưa rước. Gọi chung là "đi làm sở Mỹ".
     Làm sở Mỹ được trả lương cao (được trích từ lương của lính Mỹ, nếu họ có nhu cầu cá nhân) , làm vài tháng, đôi khi có chị được lính Mỹ "tặng thêm" cho cái bụng bầu, chín tháng mười ngày tự nhiên có chú Mỹ con mắt xanh, tóc vàng. Có khi đen thui tóc quăn rất dễ thương... Cũng nhờ chịu khó nuôi mà nhiều chị và gia đình sau nầy được đến Mỹ.
       Hồi đó xóm tôi có ông Tham Liệu, trước làm cho Pháp. Ông lớn hơn bà 10 tuổi, lúc ấy ông đà lọm khọm nhưng bà còn phốp pháp đẫy đà.
Bà đi làm sở Mỹ một thời gian thì có đứa con lai mắt xanh tóc vàng đặt tên là thằng Thính giữa bầy con 5 đứa tóc đen, da vàng, mũi tẹt. Hệt như gà con lông trắng giữa bầy lông đen!
      Thằng Thính là con út nhưng to lớn hơn và khác biệt so với mấy anh chị của nó.
      Cũng từ dạo ấy ông Tham Liệu ít nói, suốt ngày chỉ ở trong nhà còn bà thì vẫn đi làm sở Mỹ.
      Sau 75 một thời gian nghe đâu bà và mấy người con đều đi Mỹ!

Pic 1: Buổi sáng có xe thùng đón các chị đi làm.
Pic 2: Giờ giải lao ở "Sở Mỹ
  

Quán nước và cô chủ thuở xưa.

Quán nước và cô chủ thuở xưa.
    Bán bia nước ngọt và thuốc lá.
    Nhìn hàng hóa toàn nội địa là biết thời nầy Mỹ chưa vào miền Nam.
Bia con cọp, xá xị con cọp, Coca cola, bia 33. Còn tủ thuốc lá toàn Cotab, Ruby, Bastos, Melia ... một thời thuộc Pháp.
      Hồi đó thấy mấy ông vác gạo cho nhà bác tôi hút Bastos xanh - loại nầy rẻ tiền, nặng mùi dành cho lớp bình dân!
     Ruby thì sang hơn, Cotab mắc nhất còn Melia "the the" thì dành cho phụ nữ.

Đà Nẵng trước 1975 - trạm bán xăng di động

    Đà Nẵng xưa trước 1975.
Trạm bán xăng di động trên sông Hàn.
    Do ông Trần Hưng Hiền, tức cây xăng Thái Hòa (ngã ba Cai Lang) làm chủ chuyên cung cấp xăng dầu tận nơi cho các ghe tàu đánh bắt ở Đà Nẵng trước 1975.
    Người đội nón cối là ông Vĩnh Lô phụ trách tàu. Trên tàu có trang bị máy phát, cây bơm xăng và câu mời chào lịch sự.




18 tháng 10, 2023

11 tháng 10, 2023

XÓM ĐƯỜNG RẦY (RAIL) ĐÀ NẴNG XƯA.

XÓM ĐƯỜNG RẦY (RAIL) ĐÀ NẴNG XƯA.
     Ở Hà Nội có xóm đường rầy nổi tiếng, du khách tây chen nhau cà phê "check in" chụp ảnh.
     Đà Nẵng cũng có xóm đường rầy chạy cắt ngang thành phố. Uổng là đường rầy nay đã bị tháo đi rồi.
      Nếu còn đường rầy, còn cầu Vồng thì đây cũng chẳng thua chi Hanoi về cái khoản "check in check out"!
        Từ sau 1975 cho đến nay; xóm đường rầy là "kinh đô" của dép lốp, dây thun cột hàng. Hễ ai cần việc chi liên quan đến cao su là thợ ở đây có thể cắt theo yêu cầu!

PHÉP LỊCH SỰ


PHÉP LỊCH SỰ.
    Nghề làm dịch vụ cần phải ăn mặc lịch sự.
        Nay đeo cà vạt cho kín cổ- xưa đóng khố che hạ bộ thảy đều là phép lịch sự.
        Có điều là lịch sự kiểu ta có khác lịch sự kiểu tây chính là ở chỗ cái nào cần nên che.

4 tháng 10, 2023

ĐÀ NẴNG PHƯỚC TƯỜNG XƯA

ĐÀ NẴNG PHƯỚC TƯỜNG XƯA
  Con đường trong ảnh dẫn đến núi Phước Tường, trên đó có nhiều căn cứ của quân đội Mỹ nên đèn sáng suốt đêm, xe cộ không ngớt.
      Ảnh nầy chụp trước năm 1968 vì còn đường đất đỏ, bụi bay mù mịt khi xe di chuyển. Ai ở dọc đường QL1 (Trường Chinh) đều khổ sở bởi bụi đường đất đỏ, ngày quét nhà không biết bao nhiêu lần! (Chừng cuối năm 1968 người Mỹ mới tráng nhựa đường nầy)
     Chỗ đó nay mở rộng có tên là đường Lê Trọng Tấn, thuộc phường Hòa Phát, Cẩm Lệ Đà Nẵng.

BƯU ẢNH XƯA - BÊN TRONG TỬ CẤM THÀNH HUẾ

BƯU ẢNH XƯA - BÊN TRONG TỬ CẤM THÀNH.
    Là khu vực được canh giữ rất nghiêm ngặt, đi đứng phải đúng phép tắc. Nơi chỉ dành cho hoàng gia, không ai được bén mảng.
      Vậy mà vẫn có 02 người với tư thế đứng ngồi rất tự do? Có thể họ là những viên Thái giám chuyên hầu hạ các bà phi tần trong cung cấm, trong giây phút rảnh rỗi đang đứng ngồi tâm sự!
     Cuộc đời của thái giám thường buồn bã, tẻ nhạt, từ nhỏ đã xa gia đình để học làm các công việc của thái giám - không con cái - về già nhiều người phải nương tựa nơi cửa Phật.
     Chùa Từ Hiếu xưa ở Huế là một ngôi chùa đẹp, có khung cảnh thơ mộng do các thái giám hùn tiền xây dựng để lo cho mai hậu của họ khi về già!

TẤM ẢNH XƯA Ở HỘI AN.

TẤM ẢNH XƯA Ở HỘI AN.

Hai anh em sinh đôi - hai người là anh em bạn dì với tôi.
     Ảnh chụp trước nhà cũng là quán bán tạp hóa của dì tôi trên đường Cường Để trước "chùa" Phúc Kiến. (tức Trần Phú, Hoian bây giờ).
     Quán nhỏ nhưng bán toàn đồ Mỹ như rượu, bánh kẹo, đồ hộp. Mỗi lần tôi từ An Hội ghé qua là mỗi lần được dì ân cần hỏi han khi về còn cho túi đồ hộp B1, B2...
     Hoian hồi đó vắng vẻ và yên ắng, buổi trưa từ đầu cho đến cuối phố người ta có thể nghe rõ những tiếng guốc gỗ khua lóc cóc trên đường, tiếng giũ chiếu bộp bộp trên sông, tiếng rao của chè đậu ván, tàu hủ.
    Hội An nhưng ngày ấy tuy nghèo nhưng hồn cốt, tình người khác nhiều so với bây giờ lắm!