ngobadung

27 tháng 8, 2022

NGUYỄN HUỆ MẤT VÌ BỆNH GÌ ?

Tranh vẽ Nguyễn Huệ
VÌ SAO NGUYỄN HUỆ MẤT ĐỘT NGỘT?
   Mùa thu tháng 7 năm 1792 Nguyễn Huệ mất.
    Trước đó một hôm, ông ngồi uống trà, bổng lơ mơ thấy một ông già đầu bạc, mặc áo trắng, cầm gậy sắt chỉ vào mặt Huệ mà bảo rằng: "Ông cha mầy sinh ở đất vua, đời đời làm dân vua, sao mầy vô lễ xúc phạm lăng tẩm?" (1).
     Rồi đánh vào trán một cái, Huệ mê ngất ngã ra. Tả hữu đều sợ. Giờ lâu mới tĩnh lại. Huệ đem việc ấy nói với Trung quân Trần Văn Kỷ nhưng y vẫn không ngồi dậy được bèn kêu Quang Toản (còn có tên là Trác) đến bên giường bảo "Nghệ An là đất của cha mẹ ta, đất ấy là nơi hiểm yếu có thể trông cậy được. Ta đã cho đắp thành dày làm Trung đô là kế Tấn Dương(2) cho mầy. Sau khi ta chết mầy nên về đó. Nếu có biến cố thì còn giữ được".
        Một ngày sau thì Nguyễn Huệ chết.
         (Theo Quốc sử quán triều Nguyễn).
       * Qua câu chuyện trên ta có thể khẳng định Nguyễn Huệ chết vì căn bệnh đột tử mà ngày nay y học gọi là tai biến mạch máu não chớ không phải nguyên nhân bị đầu độc như có giả thuyết đã từng nêu!
        Nguyễn Huệ đã biết khi mình mất, con còn trẻ lại non dạ, chỉ biết hưởng thụ nên sẽ không giữ được Phú Xuân (Huế) mà phải dời đô về Phượng Hoàng Trung đô, tức huyện Hưng Nguyên, Nghệ An nhưng sau đó Toản đã bỏ ngoài tai.
         Toản xưng vua là Cảnh Thịnh lại tôn cậu là "tham quan" Bùi Đắc Tuyên làm quốc sư nhiếp chính, Tuyên chỉ biết thao túng quyền hành, lo vơ vét đầy túi nên Tây Sơn ngày càng suy yếu, thêm lại chia rẽ giữa Phú Xuân và Quy Nhơn nên dẫn đến sụp đổ là điều tất nhiên!
   (1) Theo quan điểm của nhà viết Sử lúc đó muốn nhấn mạnh tính chính danh của nhà Nguyễn.
   (2) Nơi Nhà Đường khởi nghiệp.

PHOTOS OF HOIAN OLD TOWN IN 2022 - By ngobadung

HỘI AN OLD TOWN






 





CHỢ CÁ MÂN THÁI - THỌ QUANG

Chợ cá Mân Thái - Thọ Quang
    CHỢ CÁ MÂN THÁI.
     Chợ đông khi trời chưa sáng và giải tán khi trời vừa hừng sáng.
Những rổ cá lia chia đủ loại như cá phèn, bả trầu, cơm, cá trác, ngân... tươi rói mà trước đó mấy giờ còn "bơi" dưới biển.
Khách đi chợ phần nhiều là "đờn ông" đi tập thể dục về ghé xuống mua lập công với dợ!





23 tháng 8, 2022

Tháng 3 năm 1793 NGUYỄN ÁNH CHO LẬP ĐÔNG CUNG THÁI TỬ.

Tranh vẽ Hoàng Tử Cảnh
lúc ở Pháp - 5 tuổi
NGUYỄN ÁNH CHO LẬP ĐÔNG CUNG THÁI TỬ.
     Tháng 3 năm 1793 chúa cho Nguyễn Phúc Cảnh làm Đông Cung để kế nghiệp tương lai, năm ấy Hoàng tử vừa 14 tuổi.
     Sắc có đoạn: " Nguyễn Phúc Cảnh là con cả của nhà, là vua sau của nước. Tuy trạc tuổi còn trẻ nhưng gian hiểm đã từng trải qua. Nay lập Đông Cung Cảnh Quận công để thống nhất lòng dân, hợp lời nghị luận".
       Rồi ban cho lĩnh dinh Tả quân, chỗ ở gọi là súy phủ (sau gọi là Tân Phủ); dựng nhà Thái học để Đông cung học hành, cử thầy giỏi là Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định lo việc dạy học cho.
             Theo Đại Nam Thực lục
      * Giai đoạn thập kỷ 1790 - 1800 như "dầu sôi, lửa bỏng" đối với Nhà Nguyễn nhưng Nguyễn Ánh đã không quên đến việc chọn người cho việc kế vị.
Hoàng tử Cảnh lúc bấy giờ đã có thời gian tiếp xúc với văn minh phương Tây, có phong cách lịch lãm, cỡi mở, giao tiếp tốt bằng tiếng Pháp và là người theo đạo Thiên Chúa. Hoàng tử ở vai Đông Cung năm 14 tuổi đến 22 tuổi thì mất vì bệnh đậu mùa. Trong khoảng 04 năm sau, ông giữ chức vụ là người đứng đầu Tân Phủ Gia Định, tức đứng đầu tp. Sài Gòn ngày nay.

                


18 tháng 8, 2022

VÌ SAO NGUYỄN HUỆ GIẾT VÕ VĂN NHẬM?


VÌ SAO NGUYỄN HUỆ GIẾT VÕ VĂN NHẬM?
     Võ Văn Nhậm (VVN) cùng với Ngô Văn Sở (NVS) là những tướng lãnh lập công lớn đối với KN Tây Sơn.
      Sau khi ổn định tình hình Bắc hà Nguyễn Huệ phong cho VVN làm Lưu thủ, NVS làm phó, cùng coi giữ Bắc Thành (cả đồng bằng và miền núi bắc bộ).
      NVS vốn có hiềm khích với VVN nên mật báo với Nguyễn Huệ kể tội của VVN:
     + Tự ý, tự quyết tôn Lê Duy Cẩn làm "giám quốc" (ngang với vua Lê).
     + Tự đúc ấn riêng.
     + Xây thành, đắp thêm lũy để phòng ngự. (phản)
Chừng đó tội của VVN làm Nguyễn Huệ tức giận,
ông âm thầm mang quân ra Bắc, VVN không hay biết ra đón Nguyễn Huệ đưa vào Bắc Thành.
       Nguyễn Huệ cho bắt VVN, Nhậm một mực khóc lóc kêu oan. Nguyễn Huệ bảo "Mầy thiệt không có tội nhưng làm ta sợ là có tội rồi!"
     Rồi sai giết Nhậm, cử Ngô Văn Sở lên thay, bấy giờ là tháng 4 năm 1788.
                Theo Quốc sử quán Triều Nguyễn.

      * Võ Văn Nhậm, người Quảng Nam vốn có tên Sĩ, là tiểu tướng nhà Nguyễn bỏ ngũ theo Tây Sơn, được Nguyễn Nhạc gã con gái cho nên nhà Tây Sơn tin tưởng giao trọn binh quyền.
     Nhưng một khi anh em nhà Tây Sơn bất hòa thì cái gai Võ Văn Nhậm trong con mắt của Nguyễn Huệ cần phải dẹp bỏ!
     Theo mật tấu của Ngô Văn Sở thì tội của Võ Văn Nhậm vẫn chưa rõ ràng. Trước khi bị giết Nhậm còn khóc lóc kêu oan nhưng chính Nguyễn Huệ đã nói "Mầy không có tội nhưng mầy làm ta sợ là đã có tội rồi" 
      Đó là lý do mà Võ Văn Nhậm phải chết!

11 tháng 8, 2022

ĐƯỜNG SẮT RĂNG CƯA XƯA.

ĐƯỜNG SẮT RĂNG CƯA XƯA.
Đường sắt đặc biệt, có răng cưa để bám lên dốc, chỉ có ở Đà Lạt và Thụy Sĩ (vùng núi Alpes)
     Ảnh xưa cho thấy những người thượng phải làm công việc nặng nhọc dưới sự quản lý bằng roi vọt của cai tây đen.
     Bây giờ người ta tính bỏ ra hơn ngàn tỷ để khôi phục đường sắt răng cưa độc đáo nầy trong khi trước đó mấy chục năm "các ông nội" đã cho tháo dỡ bán với giá sắt phế liệu!


8 tháng 8, 2022

Vua Thành Thái đi xe đạp


Vua Thành Thái bên chếc xe đạp
VUA THÀNH THÁI ĐI XE ĐẠP.
Thời Tự Đức có cụ Nguyễn Trường Tộ đi tây về khoe, người ta đi xe 02 bánh mà không té, điều cụ nói cũng chẳng ai tin.
     Đến đời vua Thành Thái, ngài đã sắm chiếc xe đạp sớm nhất nước. Vua dùng xe nầy đi lại trong Đại nội. Nghe nói buổi tập đi xe đạp đầu tiên các quan đại thần và các bà phi, có cả phóng viên báo chí "Phú Lang Sa" cùng chứng kiến.
       Đội cẩm y vì sợ vua té nên chạy theo để đỡ muốn hụt hơi.
       Đó là chiếc xe sườn ngang, bánh đặc, chỉ có phanh trước với đèn xe thắp bằng dầu phụng !
Lúc bấy giờ ở An Nam nhiều người mới tin điều cụ Nguyễn Trường Tộ tấu mấy năm trước là đúng.
Ảnh: Vua Thành Thái và chiếc xe đạp.

VỤ ÁN GIAN LẬN TRONG THI CỬ DƯỚI THỜI VUA MINH MẠNG


Các Tân khoa đang nhận áo mão xưa
VỤ ÁN GIAN LẬN TRONG THI CỬ THỜI VUA MINH MẠNG.
Tuần phủ Quảng Trị là Nguyễn Tú và Án sát Thanh Hoa Lê Đức Ngạn được cử làm Chánh, phó chủ khảo trường thi Nghệ An.
     Kỳ thi đã có kết quả nhưng Tú và Ngạn lại sửa cho Nguyễn Văn Giao từ liệt sang đỗ tú tài, Nguyễn Thái Để từ Tú tài sang hạng cử nhân. Bằng cách cho 02 thí sinh nầy chép quyển khác rồi phê lại. Nội vụ bị phát hiện và tâu lên vua.
       Vua rất giận sai Cẩm y đi bắt Tú và Ngạn cách chức và xiềng xích giải về kinh.
      Án xong, Nguyễn Tú bị trảm giam hậu. Lê Đức Ngạn bị tội lưu. Giám sát trường thi là Trương Tăng Diễn, giám khảo Nguyễn Huy Hựu đều bị tội đồ.
Hai thí sinh Nguyễn Văn Giao và Nguyễn Thái Để nghe theo quan trường, viết lại quyển văn để đỗ là tội cầu may, không biết xấu hổ, làm nhơ tiếng học trò nên bị đánh 100 roi, cho về làm sai dịch, suốt đời bị cấm đi thi!
     
       * Việc truy xét cho thấy hai ông Nguyễn Tú và Lê Đức Ngạn không có động cơ ăn hối lộ nhưng do lòng thương hại vì hai thí sinh có tiếng là học giỏi ở địa phương nên đánh bạo làm liều, không những hai ông bị tội mà nhiều người khác vì vị nể, nghe theo phải mang họa!
     Hai thí sinh bị đánh đòn và cấm thi suốt đời.
Âu cũng là bài học răn kẻ sĩ phải trung thực trong thi cử.

3 tháng 8, 2022

THI CỬ THỜI XƯA









THI CỬ THỜI XƯA
        Năm Giáp Ngọ 1834 Bộ lễ tâu cho phép đặt lệ kỳ thi Hương.
     1. Cả nước có 06 trường thi, đặt tại Thừa Thiên, Gia Định, Nghệ An, Thanh Hoa, Hanoi, Nam Định.
       Kỳ thi tổ chức trong 03 ngày - chấm thi và yết bảng sau 12 ngày. Ngày yết bảng cũng là ngày ban áo mũ và cho ăn yến.
     2. Ba tháng trước kỳ thi, các địa phương sát hạch lại và lập danh sách thí sinh.
     3. Các sĩ tử phải về quê quán để ứng thí, riêng thí sinh từ Biên Hòa trở vô mà quê ở xa được phép thi tại Gia Định.
    4. Các quan trường thi phải may sẵn áo mão để ban phát cho cử nhân.
    5. Chọn các quan chủ khảo, phó chủ khảo, giám khảo, Đề điệu (đánh phách, hồi phách, giữ bài), Giám sát, Mật sát (bí mật), Lại điển (thư ký)
   6. Bài chấm theo thang Ưu, Bình, Thứ, Liệt. Những quyển chấm đỗ giao cho Phúc viện xem xét lại.
   7. Các quan nội và ngoại trường cấm tiếp xúc với nhau. Quan lại và sĩ tử vi phạm đều bị tội đồ, phạt trượng.
   8. Ai viết không đủ quyển hoặc bỏ trắng đều bị cách.
             Theo Đại Nam Thực lục.

     * 
     Theo đó thì học trò Phú Yên, Quảng Bình phải về Huế; học trò Cao Bằng, Lạng Sơn phải xuống Hà Nội; học trò Hà Tiên, An Giang, Khánh Hòa phải cơm đùm gạo bới về Gia Định để thi.
Quy định về thi cử và hình phạt cũng nghiêm ngặt.
Các quan coi việc thi cử bị phạt mà lịch sử có nhắc đến như Lê Quý Đôn, Cao Bá Quát.
     Học trò Tôn Thọ Tường học giỏi đi thi giùm (hộ) đã phải can án!
   


Ảnh xưa: Các tân khoa ở trường thi Nam Định được đãi yến tiệc.