ngobadung

31 tháng 12, 2021

TỔNG ĐỐC HẢI DƯƠNG NGUYỄN CÔNG TRỨ VỚI ĐỀ NGHỊ TIỂU TRỪ BỌN CƯỚP BIỂN

            Giặc biển mạn Đông Bắc luôn quậy phá, cướp bóc ngang ngược, phần lớn đến từ Hải Nam và dân mạn biển. 

      Tổng đốc Hải Dương Nguyễn Công Trứ tâu xin chọn 10 chiếc thuyền chài, cho thủ hạ mang vũ khí giả làm thuyền buôn dụ cướp biển rồi đánh úp tiêu diệt. Thủ hạ xin lấy người Nam Định để dễ điều khiển.
       Vua dụ "Ngươi có chức trách giữ bờ cõi hai tỉnh Hải Dương, Quảng Yên, quân dân ở đó là thuộc hạ ngươi, há tuyệt nhiên không có người nào có thể sai khiến mà lấy người tỉnh khác mới là người sai phái được việc hay sao?
         Vả lại, ngươi là quan to lại còn dùng một hạng thủ hạ đã là vô lý, huống chi trong đám ấy chắc đâu không có đứa lý lịch không rõ ràng và bọn vô lại trà trộn mập mờ để làm bậy hay sao? Vậy việc xin lấy thủ hạ không cho làm.
        Nếu ngươi biết tìm cách dẹp được giặc thì đó là chức phận của ngươi thì không kể thuyền công, thuyền tư, cốt có chỉ huy giỏi thì thành công, ta cũng chẳng ở xa mà ngăn cản. Có điều ngươi không nên thỉnh cầu điều không minh chính như thế, coi chừng ta cho đình thần nghị xét đấy".
                    Theo Đại Nam thực lục

 * Bảo quốc an dân là việc chính nghĩa, không việc gì phải dùng "thủ hạ" từ địa phương khác? Trong tay ông Tổng đốc Nguyễn Công Trứ có gần 500 binh sĩ và hàng chục thuyền chiến sao không làm việc đó?
     Hay là cụ Trứ không tin tưởng lực lượng tại chỗ, do quan hệ bà con, họ hàng khó làm việc?
    Đề xuất và làm những việc táo bạo là cá tính của cụ Nguyễn Công Trứ nhưng đối với vua Minh Mạng theo thuyết chính danh, thiên mệnh nên vua không bao giờ đồng ý.

THỔ QUAN MA THẾ SIÊU BỊ TẬN SỐ

 

Ảnh minh họa

ÔNG MA THẾ SIÊU TẬN SỐ

Là thổ quan, người dân tộc Tày, cai đồn Chợ Chu, Thái Nguyên. Siêu can tội dung túng tội phạm nên bị phát đi làm lính ở Bình Thuận. Trên đường áp giải, vợ Siêu đi theo vào kinh đón ngự giá vua(1) xin cho chồng về quê phụng dưỡng mẹ già.
Vua cho nhận đơn, cho xem xét rồi dụ với Bộ Hình: "Ta lấy hiếu trị nước, muốn cho dân chúng ai cũng hiếu thảo với cha mẹ, cho nên kẻ phạm tội mà nhà cha mẹ có con một thường nới phép rộng ơn.
Ma Thế Siêu giữ đồn gần đó mà để ban ngày cướp nổi lên giết luôn 03 mạng người. Một người thoát chạy đi báo cũng bị bọn nó giết mất tích!
Việc phát giác, đã có lệnh bắt nã thì Siêu không bắt còn giúp nhiều tiền để chúng trốn xa. Đến nay chưa tìm ra xác, mà người chết cũng chưa được bồi thường. Đó là do Thế Siêu dung túng tội nhân. Nay mượn cớ nuôi cha mẹ để cầu may, thực là điêu ngoa gian xảo.
Vậy giao cho tỉnh Thái Nguyên xét theo luật, còn vợ do thiết tha với chồng thì miễn (tội) cho".

* Phải chi người vợ không đón xa giá vua để xin thì Ma Thế Siêu (người Tày) chỉ đi làm lính ở Bình Thuận. Vì do trực tiếp tới vua nên vua mới cho lật hồ sơ vụ án thì thấy tội Thế Siêu là phạm tày đình. Kết quả cuối cùng thì Ma Thế Siêu bị tội chém, cấp trên Siêu cũng liên lụy.
             Âu cũng là do tận số!

26 tháng 12, 2021

HOÀNG SA DƯỚI THỜI CHÚA NGUYỄN PHÚC KHOÁT 1754


HOÀNG SA DƯỚI THỜI CHÚA NGUYỄN
Tháng 7 năm 1754 thời chúa Nguyễn Phúc Khoát.
Đội Hoàng Sa Quảng Ngãi ra đảo theo lệ bị gió bão đánh trôi dạt vào Quỳnh Châu(1) nước Thanh. Tổng đốc Thanh hậu cấp cho về, chúa sai viết thư cảm ơn.
Ngoài biển thuộc xã An Vĩnh (2), Bình Sơn, Quảng Ngãi có hơn 130 bãi cát kéo dài không biết mấy nghìn dặm, tục gọi là "Vạn lý Trường Sa". Trên bãi có giếng nước ngọt. Sản vật có hải sâm, đồi mồi, ốc hoa, vích, ba ba v.v..
Đặt đội Hoàng Sa gồm 70 người, lấy dân An Vĩnh sung vào, hàng năm độ tháng 3 đi thuyền ra đó, độ 03 ngày thì đến bãi, cho tìm lượm hóa vật, đến tháng 8 thì về nộp. Lại có đội Bắc Hải lấy dân Bình Thuận và tứ chánh ra Côn Lôn để tìm lượm hóa vật. Đội nầy cũng do đội Hoàng Sa kiêm quản.
Theo Quốc Sử quán triều Nguyễn)
* Giếng nước ngọt mà Sử triều Nguyễn đã nêu ở trên là những giếng cổ ở Hoàng Sa; giếng Tiên ở Cù Lao Chàm; giếng cổ ở xã đảo Tam Hải; giếng Vua ở đảo Lý Sơn. Ra đời cùng với hệ thống giếng ven biển trên đất liền, dọc miền trung từ Quảng Trị vô Quy Nhơn.Đó là hệ thống giếng để cung cấp nước ngọt cho các chuyến hải trình mà dân tộc Chămpa đã xây dựng từ nhiều thế kỷ trước. Điều nầy cũng được nhà sư Trung Quốc Thích Đại Sán xác nhận trong "Hải ngoại Ký sự" ghi chép trên đường đi thuyết giảng ở đàng Trong năm 1695. Điều đó đã minh chứng Hoàng Sa chưa bao giờ thuộc về Trung Quốc.
(1) Eo biển Quỳnh Châu thuộc tỉnh Quảng Đông.
(2) nay là Huyện đảo Lý Sơn.

24 tháng 12, 2021

TỪ NGƯỜI GIỮ TRÂU TRỞ THÀNH QUÂN SƯ CỦA CHÚA NGUYỄN

TỪ NGƯỜI GIỮ TRÂU TRỞ THÀNH QUÂN SƯ CỦA CHÚA NGUYỄN.
        Đào Duy Từ gốc Thanh Hoa, học giỏi, thông suốt kinh sử, thiên văn nhưng khi đi thi, Hiến ty Thanh Hoa xét lý lịch con nhà phường chèo nên gạch tên.
        Duy Từ bất mãn, lại nghe chúa Nguyễn ở đàng trong yêu quý học trò nên bỏ nhà trốn vào - năm ấy là 1625.
        Ban đầu Duy Từ đi giữ trâu ở Hoài Nhân, Quảng Nam (1) được Trần Đức Hòa là hào mục ở đây thấy người khôi ngô, tuấn tú đối đáp lưu loát nên gã con gái cho, mặc khác tiến cử cho chúa Nguyễn Phúc Nguyên. Sau lần tiếp xúc chúa đã tin dùng Duy Từ và cho giữ chức Nha úy nội tán chuyên coi quân cơ và tham lý quốc chính (2)
        Đào Duy Từ là tác giả của lũy Trường Dục hay còn gọi là lũy Thầy ở Quảng Bình, lũy đắp rất kiên cố để ngăn chặn sự hăm he đe dọa của chúa Trịnh ở đàng Ngoài.
        Mọi việc đối nội, đối ngoại từ tuyển chọn nguời tài, chính sách thuế má, tuyển quân cho đến sách lược đối phó và tổ chức chiến tranh với chúa Trịnh ở đàng Ngoài đều có bàn tay của Đào Duy Từ.
       Ông mất năm 63 tuổi, chúa thương tiếc khôn nguôi.
" Duy Từ có tài lược văn võ, giúp việc ta có 08 năm mà công nghiệp rỡ ràng, đứng hàng đầu trong số công thần khai quốc"
Lời điếu của Chúa Nguyễn Phúc Nguyên.
      (Viết theo Quốc sử quán triều Nguyễn).
(1) Quảng Nam hồi đó rộng đến Bình Định.
(2) Bàn việc nước.



*     Thi tuyển để chọn hiền tài mà chỉ dựa vào lý lịch thì người tài bỏ đi là lẽ đương nhiên.
     Tiên chúa Nguyễn Hoàng cũng là người tài bị bạc đãi nên đã tìm cách vào Nam mưu dựng cơ đồ.
     Chúa Nguyễn có Đào Duy Từ cũng như Lưu Bị có Khổng Minh vậy.
     Về sau con cháu Đào Duy nhiều người học giỏi đỗ đạt làm quan.




19 tháng 12, 2021

VUA GẢ MỘT LÚC CHO 02 CÔNG CHÚA ĐI LẤY CHỒNG.

 


Tranh vẽ của Phi Hùng
VUA GẢ MỘT LÚC CHO 02 CÔNG CHÚA ĐI LẤY CHỒNG.
Mùa xuân năm 1833, trong hoàng thành có 02 đám cưới. Công chúa Chương Gia lấy Nguyễn Văn Túc, công chúa Uyển Diễm lấy Võ Mỹ, cháu của Đại công thần Võ Tánh.
Vua truyền "lễ sính nên tùy theo sở năng, chớ có xa xỉ".
Lấy chồng chưa được một năm thì cha chồng công chúa Chương Gia là Nguyễn Văn Hiếu mất. Bộ Lễ liền tâu nên cho công chúa để tang rút (ngắn) đi.
Vua dụ" Công chúa đã hạ giá rồi, phải nên về nhà chồng, kính hiếu cha mẹ chồng mới hợp lễ. Ta là vua một nước, vẫn nghĩ sâu sắc mình là gốc phong hóa, phải làm gương cho thiên hạ về việc dạy đạo hiếu để suy làm đạo trung" Vua bèn đặc cách cho công chúa để tang cha chồng 01 năm.
* Sử không nói phò mã Nguyễn Văn Túc làm chức gì nhưng cha của Túc là quan to có chức Đô thống phủ Chưởng phủ sự.
Dù có con của vua đi nữa thì đạo hiếu nghĩa phải theo phong hóa ngàn xưa.

16 tháng 12, 2021

TRẤN HẢI DƯƠNG TẤU CHO CÓ LỆ - BỊ VUA PHÊ BÌNH.


Trấn Hải Dương xưa
 TRẤN HẢI DƯƠNG TẤU CHO CÓ LỆ - BỊ VUA PHÊ BÌNH.

1827 Hải Dương tâu báo mừng giá gạo rẻ, nhân có nói thêm rằng: "Do trời không mưa, nắng nhiều nên ruộng lúa hơi tốt".
Vua dụ: "Xem tờ tâu thực không hiểu được, có lẽ nào việc làm ruộng ở hạt ấy lại khác, chỉ thích nắng không cần mưa? Tóm lại bọn ngươi không quan tâm đến việc làm ruộng, nói hão cho xong việc".
Trấn thần Trần Văn Toản làm sớ xin chịu tội. Vua miễn cho.

* Vua Minh Mạng rất quan tâm đến nghề nông. Trấn thần Hải Dương không hiểu về nghề nông tưởng tâu cho qua chuyện, không ngờ bị vua bắt "liệt vị" và phê bình nghe cũng hơi nặng nhưng lại cho qua.
Sau đó vài tháng Trấn thần ở đây là Trần Văn Toản và Hiệp Trấn Nguyễn Hựu Nhân bị cách chức về tội để thuộc cấp đánh chết người.
Làm quan mà không sâu sát, để mặc cho cấp dưới lộng quyền.
Vua mới tha lần trước, lần nầy phải bị cách chức cũng đáng.

Trạm rada Sơn Trà do người Mỹ xây dựng trước 1975 ở Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng.

 


Trạm rada Sơn Trà do người Mỹ xây dựng trước 1975 ở Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng.
Liệu một ngày nào đó "trái banh" sẽ lăn xuống núi?

15 tháng 12, 2021

NGƯỜI DÂN THÀNH PHỐ HỘI AN NÓI KHÔNG VỚI THỊT CHÓ

Chó mèo là động vật thân thiện ở Hội An
Hội An cùng với Tổ chức bảo vệ động vật nuôi FOUR PAWS cam kết sẽ là thành phố du lịch thân thiện bằng cách không ăn thịt chó.
Người dân Hội An phần đông vốn không ăn thịt chó, mèo từ nhiều đời nay.
    Tưởng cũng cần nói thêm, từ năm 2019 thành phố Hội An đã vận động người dân không dùng túi nylon để bảo vệ môi trường.

VUA MINH MẠNG VÀ 2.200 NGÔI MỘ VÔ THỪA NHẬN Ở NAM ĐỊNH.


VUA MINH MẠNG VÀ 2.200 NGÔI MỘ VÔ THỪA NHẬN Ở NAM ĐỊNH.
    Năm 1832, tỉnh Nam Định chuẩn bị khởi công xây phủ thành và hào quách bao quanh nên Tổng đốc(1) là Đặng Văn Thiêm tâu mồ mả vô thừa nhận ở đây nhiều hơn 2.200 ngôi. Xin cấp mỗi mả 01 quan tiền, 10 thước vải để thuê dân bốc đi chỗ khác.
     Vua dụ với Bộ Hộ:"Những mồ mả ấy bỏ hoang đã lâu, không nơi nương tựa! Nay chỉ giao cho dân, chi khỏi làm qua loa cho xong việc, lòng ta thực chẳng nỡ! Vậy ra lệnh cho lấy tiền kho, cấp cho mỗi mả 2 quan, sức cho mua tiểu(2) và vải, rồi chọn chỗ đất sạch sẽ, giao cho quan địa phương phải đứng ra trông nom việc chôn cất và cho tế lễ một tuần"
                Theo Đại Nam thực lục.
* Tưởng cũng nên nhắc lại, từ lúc lên ngôi, vua đã nhiều lần mở kho cứu chẩn cho dân nhiều địa phương mỗi khi bị dịch bệnh, thiên tai, mất mùa thiếu đói. Vua cũng quy định thành lệ cứ mỗi tháng/2 lần các tỉnh phải báo cáo tình hình giá gạo ở địa phương để Nhà nước kịp thời xuất kho điều hòa giá lúa gạo.
Nay vua lại lo chu cất cho những mồ mả vô thừa nhận!
(1) Thay cho tên gọi Trấn Thủ từ 1832.
(2) Tiểu sành dùng để cải táng.


VỤ ÁN CẤM ĐẠO ĐẦU TIÊN Ở KINH ĐÔ DƯỚI THỜI VUA MINH MẠNG.

Linh mục Phan Văn Kinh tức Jasccard
VỤ ÁN CẤM ĐẠO ĐẦU TIÊN Ở KINH ĐÔ DƯỚI THỜI VUA MINH MẠNG.
Làng Dương Sơn thuộc huyện Hương Trà có nhiều người theo đạo Gia Tô đã lâu. Phan Văn Kinh (1) là người Tây dương làm đạo trưởng. Quan phủ gọi hết dân đến công đường khuyên bỏ đạo lần thứ 03 nhưng không ai chịu bỏ đạo.
Vua giao Bộ Hình làm án.
       Án tâu cựu Lý trưởng Phạm Văn Khoa tội giảo giam hậu(2), lý trưởng Trần Văn Tài mãn lưu(3), 13 người lính là giáo dân bị đóng gông 01 tháng rồi phát đi Quảng Ngãi. Đàn ông, đàn bà đều bị đánh roi rồi cho tha. Riêng đạo trưởng tây dương Phan Văn Kinh tha nhưng cho làm lính ở kinh thành. Nhà thờ bị dở bỏ.
* Xứ đạo Dương Sơn đã có từ thời Chúa Nguyễn.
Lúc nầy (1832) vua Minh Mạng chưa cấm đạo gay gắt. Nên nhà nước chỉ "nắm đầu người có tóc" như lý trưởng và binh lính có đạo, còn giáo dân thì đánh roi cho về.
Riêng ông linh mục người Pháp thì quản thúc cho làm lính trong triều nhưng thực ra là làm thông ngôn cho vua.
(1) Tức linh mục Jaccard - về sau linh mục bị hành hình trong một vụ khác.
(2) Giam chờ chết.
(3) Đày đi biệt xứ.




8 tháng 12, 2021

VUA MINH MẠNG TRIỆU TẬP 09 QUAN ĐỐC HỌC VỀ KINH

VUA MINH MẠNG GẶP 09 ÔNG ĐỐC HỌC.
  Mùa thu 1832 vua triệu các đốc học(1) về kinh.
> -Định Tường có Vũ Đức Mẫn
-Quảng Trị: Vũ Đức Cao
-Nam Định: Dương Huy Kiều
-Bắc Ninh: Lâm Văn Bính
-Quảng Yên: Lê Sỹ Thường
-Phúc Yên: Phạm Gia Lâm
-Hưng Yên: Vũ Đình Tuấn
-Hà Tĩnh có Vũ Thúc
-Biên Hòa: Đào Trinh

 Tại đây vua hỏi về sự học ở các địa phương.

    Đốc học Hà Tĩnh suốt buổi ngồi yên, không có chính kiến, vua bèn cách chức cho về hưu.

    Đốc học Biên Hòa Đào Trinh trước đây say rượu, nói năng bừa bãi bị đàn hặc (2) cũng bị cách chức.
    Đốc học Hưng Yên trước mắc tội tham tang(3) vua thấy ghét cũng bị cách chức và người đề cử Tuấn là Trấn thành Hưng Yên Nguyễn Khoa Minh cũng bị phạt (cắt) lương 06 tháng
     Sau đó vua dụ Nội các: "Phải rà xét, ai mẫn cán thì cho làm việc, ai ươn hèn thì cứ chỉ tên giáng cách, ai già yếu thì bắt về hưu. Đừng nghĩ bọn ấy được ta đặc cách lựa chọn rồi mà làm việc không nổi cũng chẳng dám tâu".
       Vua còn dụ "Hạt nào sĩ tử ít tấn tới (tiến bộ) là do đốc học không giỏi. Ta truyền phải sát hạch các đốc học, giáo thụ, huấn đạo thuộc hạt mình. Nếu có kẻ học thức nông cạn, làm việc tầm thường thì hặc tâu để ruồng bỏ.
            (Theo Đại Nam thực lục)

* Vua triệu 09 đốc học về kinh chầu đã 03 ông bị cách chức tại chỗ mà không qua thủ tục rườm rà!
Vua kết luận chính xác - nơi nào không có thầy giỏi thì nơi đó không có học trò tiến bộ.
(1) Đứng đầu ngành giáo dục tỉnh.
(2) tố cáo
(3) tham nhũng.
Ảnh xưa chỉ có tính minh họa


Ảnh minh họa

GIẢI TỎA ĐỀN BÙ THỜI 200 NĂM TRƯỚC NHƯ THẾ NÀO?

Ảnh xưa minh họa
GIẢI TỎA ĐỀN BÙ XƯA
Bộ Hộ tâu "Từ trước đến nay khi xây dựng thành trì, đường sá mà trúng mồ mả của dân đều có châm chước ân cho. Vậy từ nay hễ có công việc xây đắp mà mở trúng nhà ở hay phần mộ của dân. Nếu có thân nhân nhận thì cấp cho 03 quan tiền, vải 01 tấm. Không có thân nhân thì cấp theo lệ người chết đường là 01 quan tiền và vải 01 tấm. Sai tổng lý tùy tiện chôn cất. Tránh chuyện kêu ca lảm nhảm". Vua nghe theo.
         Theo Đại Nam thực lục.
      *Có giải tỏa thì có đền bù, có điều là thỏa đáng hay không mà thôi?
      "Công văn" của Bộ Hộ có cụm từ "kêu ca lảm nhảm" chứng tỏ có chuyện không bằng lòng của dân, để dân phải khiếu kiện?
        Bộ Hộ cũng đề nghị đền bù cho nhà ở và mộ phần bị giải tỏa đều chung một mức là 03 quan tiền, điều đó cho thấy nhà cửa của dân lúc ấy đa phần tạm bợ, tranh tre, vách phên. Còn đất ở là tài nguyên vô tận, là thứ "không đáng" để đề cập vào lúc "Đất rộng' người thưa đó!

XƯA - GỖ LIM ĐƯỢC XEM LÀ HÀNG QUỐC CẤM

Ảnh xưa  - minh họa
XƯA - GỖ LIM LÀ HÀNG QUỐC CẤM.
         Ngày xưa gỗ lim là hàng quốc cấm. Ngoài các công trình quốc gia và Hoàng cung còn lại không ai được buôn bán hay sử dụng.
        Tang vật chỉ cần 10 lạng trở lên cũng bị phát vãng đi biên giới, gia sản bị tịch thu sung công.
         Lý trưởng và lân bàng(1) không trình báo cũng phạt trượng.
         Ngay các công trình Nhà nước nếu có tu tạo gì cần dùng gỗ lim cũng phải được Bộ Công chuẩn cho.
        Xưa Thanh Hoa(2) có nhiều lim, có năm thu mua được 11.500 cây lim lớn nhỏ từ dân bán lại cho Nhà nước. Số gỗ nầy dùng để đóng thuyền Điện Hải, số còn lại đưa ra Bắc thành để xây kho tàng.
* Gỗ lim thuộc hàng danh mộc, quý hiếm, gỗ rất chắc, chịu nước và mối mọt nên được xem là vật liệu quý để xây các công trình của quốc gia. Tuy cho tư nhân khai thác nhưng phải bán lại toàn bộ gỗ cho nhà nước.
Gỗ lim có thời là mặt hàng chẳng ai dám chứa trong nhà, còn hơn chứa ma túy bây giờ!
(1) hàng xóm
(2) Có nhiều gỗ lim - tên cũ của Thanh Hóa.


NGƯỜI MỸ MUỐN LẬP BANG GIAO VỚI ĐẠI NAM DƯỚI TRIỀU VUA MINH MẠNG GẦN 200 NĂM TRƯỚC

Tàu Hải quân Hoa Kỳ Peacock 1813
TÀU HOA KỲ MANG QUỐC THƯ ĐẾN ĐẠI NAM NĂM 1832 XIN BANG GIAO.
    Sử chép "Quốc trưởng nước Nhã Di Lý hay còn gọi là Ma Ly Căn(1) sai bọn bề tôi là Nghĩa Đức Môn La Bách Đại(2) và Úy Đức Tâm Gia(3) mang quốc thư xin thông thương ở vụng Lấm(4) Phú Yên.
        Vua sai Nguyễn Tri Phương và Lý Văn Phức đi gặp và được họ thiết tiệc trên tàu, rồi hỏi họ đến làm gì? Họ nói "Chỉ muốn giao hiếu và thông thương", họ nói năng rất ôn tồn, cung kính. Đến lúc dịch thư ra có nhiều chỗ không hợp thể thức (5)
        Vua cho không cần đệ trình thư ấy. Rồi giao cho quan Thương bạc làm tờ trả lời. Đại lược "Nước ấy muốn xin thông thương, cố nhiên là ta không ngăn trở nhưng phải tuân theo pháp luật đã định. Từ nay nếu có đến buôn bán thì cho đỗ ở vụng Trà Sơn(6), tấn sở Đà Nẵng, không được lên bờ làm nhà, vượt quá kỷ luật, rồi giao thư rồi bảo họ đi"
              Theo Đại Nam thực lục
     
      Sự việc tàu Mỹ đến Đại Nam có ghi trong văn khố Hoa Kỳ, đó là chiếc Peacock của Hải quân Mỹ đã đến Phú Yên năm 1832 do thuyền trưởng Edmond Roberts dẫn đầu mang theo thư của Tổng thống Hoa Kỳ Andrew Jackson
        Bức thư ấy được dịch như sau:(Xin trích vài đoạn "Andrew Jacksons, Tổng thống Hợp chủng quốc Hoa Kỳ,
  "Kính gởi quý hiền hữu.
Bức thư nầy được chuyển tới ngài bởi ông Edmond Roberts, một công dân đúng mực của Hoa Kỳ. Ông ấy được cử làm đặc phái viên của chính phủ chúng tôi để xin bàn bạc với ngài những vấn đề hệ trọng. Kính xin ngài giúp đỡ ông ta trong khi thi hành nhiệm vụ được giao phó... Hãy vững tin vào những gì mà ông ta thay mặt chúng tôi để trình bày, nhất là tình thân hữu trọn vẹn và tấm thịnh tình của chúng tôi đối với ngài.
        Để làm bằng, chúng tôi đã đóng dấu của chính phủ Hoa Kỳ trên văn kiện nầy.
  
     Washington 1932, năm độc lập thứ 56 của Hoa Kỳ
                      Ký thay Tổng thống
         Bộ trưởng Ngoại giao Edw Livingston".
             Theo XHVN dưới mắt người nước ngoài của Lê Nguyễn.
(1) Phiên âm Hán Việt từ USA hay American.
(2)Edmond Roberts
(3) Georges Thompson
(4) Vũng Rô(?)
(5) Chức vụ của người ký thư ủy nhiệm.
  
     *Nước Đại Nam vào năm 1832 đã bỏ lỡ cơ hội bang giao với Hoa Kỳ. Khi vua luôn có ý nghi kỵ với người phương tây. Lại thêm sẵn tâm lý câu nệ hình thức văn bản, người ký văn bản là Bộ trưởng Ngoại giao nên cho rằng "không tương xứng" và triều đình tỏ ta lạnh nhạt nên họ rời đi!.



VÌ MỘT CON CÁ SẤU MÀ 03 ÔNG QUAN TRIỀU NGUYỄN MẤT CHỨC

Ảnh minh họa của ngobadung
CHUYỆN CON CÁ SẤU XƯA Ở HUẾ.
       Ở kinh thành nhiều người không biết con cá sấu nên quản cơ Nguyễn Cửu Tường mới gởi cho cai đội Nguyễn Văn Hổ chở ra 01 con. Tào Quang Lệ là thầy dạy hoàng tử trong cung mới đem dâng cho hoàng tử Miên Định con sấu ấy để nuôi chơi cho biết nhưng sấu xổng ra cắn người bị thương.
         Vua biết được dụ: "Cá sấu là vật ác, muốn cho tuyệt giống chứ chẳng phải nuôi. Thế mà trẻ dại không biết đem cho nhau. May bắt trói kịp, nếu nó xuống nước sinh nở càng nhiều, thì hại không ít"
         Truyền đánh Nguyễn Cửu Tường và Nguyễn Văn Hổ mỗi tên 100 trượng xong cách chức.
Tào Quang Lệ là thầy mà dâng con vật ác cho trẻ thì chức trách ở đâu? Cũng truyền cách chức.
Hoàng tử Miên Định thì bị quở trách.
          Lại truyền cho Tổng trấn Gia Định Lê Văn Duyệt thông báo từ nay nghiêm cấm chở cá sấu ra kinh (đô), ai vi phạm phải nghiêm trị. 
               (Theo Đại Nam thực lục)

    *Có 01 con cá sấu mà 03 ông quan mất chức, trong đó 02 ông bị ăn đòn!
      Nhờ lệnh vua mà từ đó trở đi, cá sấu chỉ ở Saigon - Gia Định, không dám bén mảng ra Huế!
                               



VUA MINH MẠNG KIỂM TRA VIỆC BỔ NHIỆM CỦA BỘ LẠI

Trấn thành NAM Định xưa

Một hôm vua đòi Bộ Lại dâng sổ danh sách các quan để vua xem.

    Vua trả sổ, Bộ Lại thấy lời phê của vua ngay chỗ Viên ngoại lang(1) Bộ Lại Đặng Văn Nguyên "Mưu mô cho tội bỏ trốn lại được vào chỗ tuyển bổ quan lại. Thực là khôn khéo, thực là thân thế".
    Đọc lời phê của vua, Bộ Lại sợ hải xin nhận tội và xin bổ Đặng Văn Nguyên đi nơi khác.
     Đặng Văn Nguyên vốn là cử nhân Gia Định, nguyên Tham hiệp Sơn Nam(2) can án tha kẻ cướp mà bị giáng bổ đi nơi khác, đến nay được Bộ Lại thăng cấp lên Viên Ngoại lang.
     Vua nghĩ lại cho rằng "Phàm ai cũng có lúc lỗi lầm, lầm lỗi mà biết thay lòng rửa ruột, lo bỏ lỗi thì Trẫm cũng cất dùng, nếu không biết hối thì đem cả tội mới và tội cũ ra xử. Nay việc đã qua rồi, cứ giữ như cũ, không nên thay nữa"!
                     Theo Đại Nam thực lục.
* Bộ Lại lại thở phào trước lời dụ có tình của vua về trường hợp của Viên ngoại lang Đặng Văn Nguyên. Qua đó có câu thành ngữ "Thay lòng rửa ruột" mà nay không còn ai nhắc đến nữa!
Vua Minh Mạng quả có trí nhớ rất ... dai!
(1) Tương đương chức Chánh văn phòng Bộ Nội vụ bây giờ.
(2) Bao gồm Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình.
Ảnh Trấn thành Nam Định xưa.

7 tháng 12, 2021

CỤ NGUYỄN DU TỪNG BỊ VUA MINH MẠNG QUỞ TRÁCH

Cụ Nguyễn Du
Vua Minh Mạng từng quở trách cụ Nguyễn Du:
"Nhà nước dùng người, duy có tài là dụng, không phân biệt Nam Bắc. Khanh được làm quan đến chức Á khanh, nên điều gì biết thì nói ra hết, dâng điều hay, sửa điều dở cho hết chức mình. Sao cứ rụt rè sợ hãi, chỉ biết vâng dạ mãi !
Đến khi có mệnh đi sứ nhà Thanh, chưa đi thì chết. Vua thương tiếc xuất chi 20 lạng bạc, một cây gấm Tống. Khi đưa tang về quê lại cho thêm 300 quan tiền". (Theo Đại Nam thực lục)

     * Đại thi hào Nguyễn Du tác giả của Truyện Kiều nổi tiếng ai cũng biết.
Ông xuất thân dòng dõi khoa bảng, có cha làm đến chức Đại Tư Đồ dưới thời vua Lê, chúa Trịnh. Ông cũng từng tham gia chống lại triều Tây Sơn, ủng hộ Nguyễn Ánh nên khi vua Gia Long lên ngôi, ông được trọng dụng làm tới chức Hữu Tham tri Bộ Lễ tức Thứ trưởng bây giờ, Trận dịch tả vào năm 1820 làm chết hàng ngàn người. Không may, cụ Nguyễn Du cũng mất trong trận dịch ấy.
Được người đời phong là Đại văn hào, được thế giới phong là Danh nhân văn hóa thế giới nhưng làm quan, làm chính trị thì bị vua chê.
Ở đời khó mà vẹn toàn văn võ.


NẠN DỊCH NĂM 1820 DƯỚI TRIỀU VUA MINH MẠNG


Năm Minh Mạng thứ 1 (1820) trong nước có dịch. Hà Tiên, Vĩnh Thanh (Vĩnh Long), Định Tường, Bình Thuận ra tới Quảng Bình rồi Bắc Thành đều có dịch phát to. Vua cho lấy Bạch đậu khấu trong kho làm phương thuốc chữa dịch. Sắc cho các địa phương mỗi nơi lập một đàn để cầu trời tế lễ. Người ốm thì cấp thuốc, người chết thì cấp 03 quan tiền và 01 tấm vải để lo tẩm liệm. Lại sai cho các quan địa phương phải thân đi cấp tiền tuất, hỏi thăm dịch khí nhẹ hay dữ. Nắm số quân dân bị chết, cứ ngày một lần tâu.
     Lúc đó Phú Yên dân chết nhiều, quan trấn là Nguyễn Văn Quế dâng biểu xin chịu tội.
Vua bảo" Trẩm không có đức, trên can phạm hòa khí của trời, bốn phương có dịch đều là lỗi của trẩm. ngươi chỉ là một mục thủ mà còn tự nhận là lỗi mình, huống trẫm là vua thiên hạ, có thế chối lỗi được sao?" (Theo Đại Nam thực lục)

* Dịch ở đây có lẽ là dịch đậu mùa và dịch tả, những thứ dịch và đã từng cướp đi 03 người anh em của vua Minh Mạng và hàng chục ngàn dân lúc đó.
Dĩ nhiên không có vaccine, chỉ có bạch đậu khấu là thứ thảo dược trị nhiễm trùng tiêu hóa, hạ sốt nhưng không rõ công hiệu tới đâu?
Bất lực với dịch người ta tin vào cầu đảo thần linh. Khắp nơi lập đàn cầu khấn do quan trấn đầu tỉnh đứng ra chủ trì. Dân làng cúng bái, đánh chiêng, gõ mõ thả bè chuối để xua đuổi dịch lệ ra sông!
Dịch xãy ra vua cũng tự nhận mình có lỗi vì thiếu đức nên trời mới trừng phạt thần dân!
Ôi "ôn hoàng dịch vật" thời nào cũng khổ!

6 tháng 12, 2021

NHỮNG HÌNH ẢNH TRÊN ĐƯỜNG ĐI HÒA BẮC _ HÒA PHÚ THUỘC HUYỆN HÒA VANG - ĐÀ NẴNG

Trên bến Khe Răm - phía xa là nhà thờ

Cánh đồng mía thuộc thôn An Định

Đường đi Hòa Bắc

Anh nông phu và chú  trâu đang làm việc

Đàn bò đang gặm cỏ trên đường 14G

Sông Túy Loan

Một gia đình và chú cún nhỏ

Đường dây điện cao thế trên đường vượt Trường Sơn mang dòng điện xuống đồng bằng

Những chú chim chèo bẽo đang chờ bắt chuồn chuồn

Tuyến đường 14G với nhiều bóng mát


 

4 tháng 12, 2021

VUA MINH MẠNG CÁCH CHỨC ÔNG QUAN HAY ĐÁNH VỢ



Ảnh xưa chỉ minh họa
VUA MINH MẠNG CÁCH CHỨC ÔNG QUAN HAY ĐÁNH VỢ
      Năm Minh Mạng thứ 12, Tham Hiệp Quảng Nam (1) là Nguyễn Đức Hội bị tội, phải cách chức.
Số là Hội cư xử trong gia đình không có khuôn phép. Người vợ của Hội thường bị đuổi đánh bèn ra kinh (đô) kêu (cứu).
       Đình thần bàn rằng Hội là người nuôi dạy dân mà không cảm hóa được người đàn bà, làm nhục cả đám quan thân(2). Xin giải chức giao cho Trấn xét hỏi.
      (Ông) Hội cuối cùng bị cách chức nhưng phái theo Bộ Lễ để gắn sức chuộc tội.
                       Theo Đại Nam thực lục.
*
Chuyện bà vợ ra tới kinh đô kêu cứu chứng tỏ đến lúc "Tức nước vỡ bờ".
Nhờ hối cãi 02 năm sau ông được thăng lại làm án sát(3) Bình Định.
Không biết sau vụ đó ông Hội có còn cho bà Hội đi Bình Định với mình hay không?
(1) Ngang cấp phó đầu tỉnh.
(2) Mão áo ám chỉ quan lại.
(3) Tức Viện Kiểm sát bây chừ.
Ảnh minh họa

LẤY VÀNG TRẢ BẠC


Tháp Chiên Đàn Quảng Nam
LẤY VÀNG TRẢ BẠC
Năm Minh Mạng thứ 11, Trấn thần Quảng Nam tâu ở vùng núi Chiên Đàn (1) của đất Mán(2) có nhiều vàng, xin vua cho đào.
Vua sai Trương Phúc Cương vào dò xét. Cương sắm đủ lễ "tam sinh" (3) để kính cáo thần núi và bắt 300 dân trong vùng đào vàng.
     Bộ Hộ ra lệ cứ đào một đồng hai phân vàng (4) thì được trả một đồng cân bạc.
     Sau hai tháng đào vàng Trương mang về kinh được 84 lạng vàng cám. Vua lại sai Trương Văn Uyển điều 1.000 quân đi đào tiếp nhưng số vàng ngày càng ít đi, về sau thấy không có lợi bèn bãi bỏ việc đào vàng. (Theo Đại Nam thực lục)

    * 300 người, hai tháng đào được 84 lượng vàng cám, được nhà nước trả công chừng 80 lạng bạc. Lấy vàng trả bạc vẫn không thấy lợi mà bỏ. Hèn chi sau nầy Pháp cũng đào vàng Bồng Miêu nhưng cũng bỏ!
Giá đương thời 1 lạng vàng bằng 12 lạng bạc tương đương 60 quan tiền. Tiền lương lính một tháng 01 quan tiền.
(1) Thuộc Tam Kỳ, Quảng Nam.
(2)Tên gọi chung các tộc Chàm.
(3) Cúng bò, heo, dê.
(4) Một chỉ 2 phân.
Tháp Chiên Đàn, Quảng Nam.

2 tháng 12, 2021

VUA CÂN NHẮC KHI BỔ NHIỆM NGƯỜI LÀM THẦY.


Các Hương Cống xưa
VUA CÂN NHẮC KHI BỔ NHIỆM NGƯỜI LÀM THẦY.
Năm Minh Mạng thứ 10, Bộ Lại dâng sớ cử Nguyễn Văn Anh là cống sinh làm chức huấn đạo. Đến lúc sát hạch chỉ đạt hạng thứ.
Vua dụ "Chức huấn đạo dù nhỏ nhưng quan hệ đến phong hóa, người tầm thường đương sao được chức ấy" bèn không cho.
Có người tâu lấy quan lại bị truất cách khởi phục làm giáo chức thì sẽ không thiếu người.
Vua dụ "kỷ cương làm trọng, bọn nó có tội phải bị truất nay vội dùng ngay thì những người mới đỗ đạt theo gương làm bậy rồi vẫn có đường trở lại làm việc thì làm sao mà gạn lọc quan trường"
*Huấn đạo là chức coi về giáo dục của một huyện. Tuy là chức quan nhỏ vua không cho bổ vì chưa xứng đáng.
Lại có đề nghị lấy những người đã làm quan mà bị kỷ luật cho đi dạy. Vua cũng không cho vì như thế sẽ làm hư hỏng nền phong hóa giáo dục nước nhà.
Ảnh minh họa.

NĂM 1825 VUA MINH MẠNG TUẦN DU QUẢNG NAM VÀ ĐÀ NẴNG


Thuyền rồng của vua Thành Thái ở Tourane

VUA MINH MẠNG TUẦN DU QUẢNG NAM VÀ ĐÀ NẴNG
1825 Vua tuần du Quảng Nam, vua dụ: "Loan giá cốt thăm dân, nhà phố, chợ búa, hương thôn cứ làm ăn bình thường, chớ bày biện gì cả"
      Xa giá qua núi Hải Vân thưởng cho dân trên núi mỗi nhà 01 lạng bạc. Đến Nam Chân(1) có ông già dâng chén pha lê chịu nóng, vua thưởng 10 lạng bạc. Từ Nam Chân vua đi thuyền đến Đà Nẵng.
Ngày Mậu Tuất vua đi thuyền đến Hóa Khuê(2) thăm chùa Trang Nghiêm và Bảo Đài(3) trên núi Ngũ hành, cho 02 làng Hóa Khuê và Quán Khái(4) được giảm thuế.
       Ngày Nhâm dần vua đến Hội An tha một nửa thuế cho dân Minh Hương(6). Qua chùa Quan công(7) cho 300 lạng bạc; qua đền Thiên Phi(8) cho 100 lạng bạc; Về Đà Nẵng qua xã Hải Châu Chính, đặt tên ngôi chùa mới là Phúc Hải(9) rồi vua hồi loan.
Theo Đại Nam thực lục

* Từ ngày lên ngôi, đây là lần thứ 2 vua đi tuần du xa kinh thành.
Năm 1821 vua ra Bắc Thành là chuyến dài ngày nhất, lần nầy tuần du Quảng Nam mất 10 ngày. Vua đã thăm thú tìm hiểu cuộc sống của dân cũng như ban thưởng nhiều nơi mà vua đã ghé thăm.
So với Hội An hồi ấy Đà Nẵng chưa có gì. Vì vậy thời gian vua thăm Hội An lâu hơn ở Đà Nẵng.

(1) Nam Ô
(2) Nay thuộc 02 phường Khuê Mỹ và Khuê Trung.
(3) Linh Ứng và Tam Thai.
(4) Nay là thôn Khái Tây thuộc phường Hòa Quý.
(5) Dinh trấn Thanh Chiêm thuộc xã Điện Phương, Điện Bàn.
(6) Người Hoa.
(7) Chùa Ông.
(8) Hội quán Phúc Kiến.
(9) Đình làng Hải Châu.

1 tháng 12, 2021

VÌ SAO 03 QUAN CHỨC XƯA Ở ĐÀ NẴNG BỊ MẤT CHỨC?

Ảnh minh họa - Đà Nẵng xưa
VÌ SAO 03 QUAN CHỨC XƯA Ở ĐÀ NẴNG BỊ MẤT CHỨC?
      Năm 1830 tàu của Phú Lang sa(1) đến đậu ở cửa Đà Nẵng nói là vâng mệnh vua nước họ muốn gặp người có chức trách nói chuyện. Vua sai Trương Đăng Quế đến gặp. Thuyền trưởng nói vua nước ấy muốn cùng nước ta giao hiếu. Nay nghe tin nước Hồng Mao(2) có mưu đồ xâm lấn Quảng Đông, trước sau gì cũng lan đến nước ta. Vậy đừng giúp bọn Hồng Mao.
Quế về tâu, vua cười dụ rằng: "Nước ấy muốn mượn việc đó để làm ơn với ta để lấy cớ giao hiếu. Chuyện đó có can dự gì đến ta".
       Lại có tin thuyền trưởng thuyền ấy tự tiện lên núi Tam Thai (3) để xem xét, lại nói cần một hoa tiêu(4)cùng đi ra Bắc Thành để vẽ bản đồ với họ.
Trấn thủ Đà Nẵng báo về - Bộ Binh tâu lên.
Vua dụ: "Vào nước người ta phải hỏi những điều cấm. Vượt qua hải phận còn có điều lệ ngăn cấm huống chi muốn vào mà vẽ địa đồ mang về. Sao họ vô lý đến thế? Trấn thủ không biết nghiêm nghị mà cự tuyệt, động một tý là báo cáo. Sao không có định kiến"?
Rồi sai Nguyễn Tri Phương đến hiểu thị họ mới đi.
Sau đó bọn Thành thủ hai thành An Hải và Điện Hải là Lê Văn Tường, Nguyễn Văn Ngữ, Trương Vân Loan vì không ngăn cản họ lên núi, đều bị cách chức. Sai Lê Sách làm quyền Án thủ hai đồn kiêm quản pháo đài Định Hải, cử Chủ sự Bộ Hộ là Nguyễn Tiến Trung quyền Thủ Ngự Đà Nẵng.
(1) Pháp
(2) Anh
(3) Núi Non Nước.
(4) Dẫn đường.


*Đà Nẵng là cửa ngõ của kinh thành. Các quan Thủ ngự, Thành thủ đã lơ là trách nhiệm trong việc bảo vệ chủ quyền. Vì vậy không trách vì sao người Pháp có bản đồ chi tiết về lực lượng phòng thủ ở đây trước khi đánh Đà Nẵng.


Trong buổi lễ Đại khánh mừng thọ tứ tuần vua Minh Mạng


Vua Minh Mạng
TRONG LỄ MỪNG THỌ VUA 40 TUỔI
     1830, Nhà nước làm lễ đại khánh mừng thọ tứ tuần nhà vua tại điện Thái Hòa.
     Hoàng tử, các quan văn võ, các trấn, các nước chư hầu, đại diện người làng quý hương ở Thanh Hóa... đều dâng biểu mừng.
     Trong đó Thị lang Nội các là Phan Thanh Giản và Trương Đăng Quế dâng bài tụng mừng đại khánh hết mực tâng bốc vua.
     Vua phê: "Bọn ngươi không lo cố gắng làm hết chức phận, cứ ngày đêm lầm lỗi có bổ ích gì? Trẫm có thích nịnh ngoài mặt đâu? Vậy ném trả lại và truyền chỉ quở mắng".
                            Theo Đại Nam thực lục.
    *Hai ông Phan và Trương phụ trách Văn thư phòng, sau đổi thành Nội các, là cơ quan giúp việc, cố vấn cho vua trong việc kiện toàn guồng máy Nhà nước.
Dưới thời Minh Mạng Nội các không đứng trên lục bộ mà ngang quyền với lục bộ để cân bằng, tránh thao túng quyền lực.
Dầu ra sức giúp vua nhưng công việc ở cơ quan Nội các thường rất bận rộn nên việc thiếu sót là chuyện không tránh khỏi và đã làm vua bực mình. Nên nhân việc hai ông dâng bài tụng có lời lẽ sáo mòn, tâng bốc nên vua giận quở trách mà "ném trả"!

                    

30 tháng 11, 2021

VUA LÊ THÁNH TÔN TRONG MẮT VUA MINH MẠNG


VUA LÊ THÁNH TÔN
TRONG MẮT VUA MINH MẠNG
     Vua Lê Thánh Tôn là vị vua mà vua Minh Mạng luôn kính mến về phương diện trị nước và văn thơ phong nhã.
     Mặc dầu hai triều đại cách nhau gần 400 năm nhưng vì yêu quý vua Lê Thánh Tôn mà vua Minh Mạng đã sai Bộ Lễ tư hỏi dân ở Bắc Thành và Thanh - Nghệ - Ninh Bình:
      "Phàm những ai còn giữ những thơ văn từ thời Hồng Đức thì Nhà nước mua lại hoặc đưa đến cho quan sao chép để khắc mộc bản để in mà lưu giữ lâu dài".
        Về phía mình, lục bộ đã có tấu xin lấy thơ văn của vua Minh Mạng mà khắc mộc làm bản in nhưng vua không đồng ý và tự nhận thơ mình "còn nhạt nhẽo vì không có lời hoa hòe chải chuốt để cho người ta thích nghe nên ta chưa cho".

*Miếu vợ chàng Trương
"Nghi ngút đầu ghềnh toả khói hương,
Miếu ai như miếu vợ chàng Trương.
Bóng đèn dầu nhẫn đừng nghe trẻ,
Cung nước chi cho luỵ đến nàng.
Chứng quả đã đôi vầng nhật nguyệt,
Giải oan chi lọ mấy đàn tràng?
Qua đây mới biết nguồn cơn ấy,
Khá trách chàng Trương khéo phũ phàng".
       Đây là một trong những bài thơ của vua Lê Thánh Tôn được đưa vào chương trình dạy cho học sinh phổ thông trước 1975 và cũng nhờ vua Minh Mạng mà hơn 300 bài thơ của vua Lê Thánh Tôn cũng như các tác phẩm của "Nhị thập bát tú" trong hội Tao Đàn đã được thu thập, lưu giữ cho muôn đời sau.
       ảnh Miếu nàng Vũ Thị, thờ vợ chàng Trương ở Hà Nam.

28 tháng 11, 2021

CÁC QUAN DỰ BÁO THỜI TIẾT KINH THÀNH HUẾ BỊ ĐÓNG GÔNG ĂN ĐÒN VÌ BÁO CÁO SAI

Đài Quan tượng xưa

QUAN DỰ BÁO THỜI TIẾT BỊ ĐÓNG GÔNG ĂN ĐÒN VÌ BÁO CÁO LÁO.
     Năm ấy vua cho đóng gông các quan coi việc dự báo thời tiết ở Khâm Thiên giám kinh thành là Hoàng Văn Thông, Nguyễn Danh Giáp, Hoàng Công Dương và đánh đòn cả thảy29 người tùy theo chức vụ để răn.
     Số là đêm đó kinh thành mưa như trút nước. Vua cho nội giám đem vại sành ra hứng nước mưa, từ giờ tý đến giờ sữu đo được 1 tấc 7 phân nhưng đến sáng các quan khâm thiên báo cáo lại sai số rất lớn!       (Theo Đại Nam thực lục)

* Cơ quan nầy lập ra để theo dõi khí tượng, làm lịch, tư vấn phong thủy.
     Từ giờ tý đến giờ sữu đã khuya, trời lạnh, mưa to, chắc các cụ đi ngủ sớm quên đo? Sáng ra theo lệ gởi báo cáo... láo cho vua.
    Không may đêm đó vua thức khuya, cho người đo trước!
   29 cụ ăn bổng nhà nước quen thói lười biếng, báo cáo nhảm thì bị gông và đánh đòn là quá xứng!
                  Ảnh đài khâm thiên xưa.

LUẬT XƯA XỬ TỘI NGOẠI TÌNH RẤT NẶNG!

Tranh vẽ 01 phụ nữ bị xử tội giảo
XƯA XỬ TỘI NGOẠI TÌNH RẤT NẶNG!
  +Hòa gian (*dâm)(1) hay điêu gian(2) với đàn bà có chồng thì gian phu, gian phụ đều phải tội giảo hậu(3).
  +Tội cưỡng gian(4) thì gian phu trảm quyết(5);
  + Cưỡng gian mà chưa xong thì gian phu bị tội mãn trượng và lưu (6).
  +Nếu quan chức mà thông gian với vợ quan chức thì gian phu, gian phụ đều phải tội giảo quyết(7)...
           Theo Đại Nam thực lục - quyển XLV

* Chú thích của tác giả
  (1) đôi bên bằng lòng thông dâm.
  (2) dụ dỗ để thông dâm.
  (3) giam chờ giết. (thắt cổ hoặc ép uống thuốc độc)
  (4) tội hiếp dâm.
  (5) Chém ngay.
  (6) đánh 100 trượng và đi đày.
  (7) giết ngay nhưng cho toàn thây.
        Những điều luật kèm theo hình phạt rất nặng.
Theo đó thì tội hiếp dâm, luật quy định giữa hai hành vi cũng "rất mỏng" để xử tội chết và xử cho sống.
       Không chỉ luật Hoàng triều mà luật Nhà Thanh cũng xử nặng với tội "quan hệ ngoài luồng"!
         Tranh xử 01 phụ nữ phạm tội giảo.

CHÚ VOỌC SƠN TRÀ ĐÁNG YÊU







 

Đường THỐNG NHẤT Đà Nẵng xưa

Đường THỐNG NHẤT Đà Nẵng xưa

     Ở Đà Nẵng xưa, có ai còn nhớ con đường nầy?
     Mấy cô trong ảnh đang đến trường, chắc là nữ sinh Hồng Đức?
      Đây là con đường Thống Nhất, vừa qua ngã tư Thống Nhất  - Yersin xuống cầu Vồng. 
      Tòa nhà phía sau là khách sạn Thống Nhất, về sau cho một cơ quan dân sự của Mỹ thuê, có thời sợ bị ném lựu đạn nên người ta rào thép gai kín bưng từ trên xuống dưới. Sau 1975 tòa nhà nầy được lấy làm khu tập thể bệnh viện. Nay là khu thương mại.
      


    

MÁNH LỚI ĂN CẤP CỦA THỦ KHO PHÚ THUẬN THỜI XƯA

MÁNH LỚI ĂN CẮP GẠO THỜI XƯA
Bọn Nguyễn Văn Thắng, cai đội kho Phú Thuận, ở Kinh thành đã mài thấp miệng bát bằng đồng để ăn bớt của công, việc phát giác. Lấy cái phương của nhà nước để đo thì mỗi phương giảm mất 5 phân. Giao cho Bộ Hình trị tội. Bèn giao đúc lại bát mới.
Theo Đại Nam thực lục.


        *Một phương gạo thời xưa bằng 30 bát, bát trong dân gian thường làm bằng gỗ, người Quảng hay gọi là "ao".
       Ở các kho do nhà nước quản, cái bát ấy được Bộ Công cân đo và làm bằng đồng để giao cho các cai đội kho quản để đong gạo.
      Dụng cụ đo do nhà nước quản, tưởng đâu khó có chuyện đong thiếu và cũng vì bằng đồng nên các thủ kho đã ma lanh mài cạnh bát đi cho mất vài phân để ăn bớt.
      Ăn theo kiểu chuột sa hủ gạo mỗi ngày mỗi ít rồi cũng thủng kho!
      Không biết sau vụ phát giác nầy cai kho bị xử phạt ra sao? Chưa thấy viết nhưng có vài tài liệu không biết lấy từ nguồn nào? Nói là họ bị chặt tay?
      Nếu so với nay thì ông cai kho Nguyễn Văn Thắng tội nghiệp kia phải gọi "ngược"các quan tham giữ rừng, giữ kho bây chừ là ông cố tổ!

21 tháng 11, 2021

LÀM VIỆC NHÀ NƯỚC XƯA VẪN BỊ ĂN ĐÒN ROI.


Phu trạm xưa
LÀM VIỆC NHÀ NƯỚC XƯA VẪN BỊ ĂN ĐÒN ROI.
     Nhân viên phu trạm xưa chuyên chạy công văn, giấy tờ từ kinh về các địa phương và ngược lại.
      Theo đó nhà nước quy định:
      Từ kinh thành đi Quảng Nam, tối khẩn 1 ngày, 1 giờ.
      Đi Phú Yên, tối khẩn 03 ngày, 11 giờ.
      Đi Nghệ An, tối khẩn 2 ngày, 06 giờ...
      Ai đi sớm hơn và đúng giờ được thưởng từ 01 đến 05 quan tiền. Ai đi trễ thì tùy thời gian trễ mà bị đánh từ 10 đến 50 roi.
      Nhờ thưởng phạt rõ ràng nên công văn đóng dấu thượng khẩn, thứ khẩn... thường được các phu trạm thi nhau vận chuyển đúng hạn không kể ngày đêm.
      Ngày nay nhờ có internet mà công văn đi và đến liền xãy ra tức thì nên các nhân viên bưu tá sinh ra thất nghiệp mà ví dụ nếu có bê trễ thì cũng không còn bị ăn đòn như xưa nữa.

NGHE THANH TRA, NHIỀU QUAN THAM BỎ TRỐN

ảnh minh họa
NGHE THANH TRA, NHIỀU QUAN THAM BỎ TRỐN.
Năm Minh Mạng thứ 8 vua sai hai Kinh lược sứ là Nguyễn Văn Hiếu và Hoàng Kim Xán đi thanh tra Nam Định.
Cai án(1) Nam Định Phạm Thanh và Thư ký Bùi Khắc Kham nổi tiếng tham lam, hung ác. Nghe tin đã bỏ ấn đi trốn.
      Việc đến tai vua, vua nghiêm trách Hiếu và Xán, nếu bắt không được thì quy tội "cố thả"(2).
Đối với Trấn thần Nam Định là Đỗ Văn Thịnh, Trần Đức Chính vua cũng nghiêm dụ về tội "dung túng, thiên vị" và tội "nịnh chức" hạn cho 03 tháng phải bắt cho được kẻ phạm tội, nếu không phải nghiêm trị.
       Sau đó Thanh và Kham đều bị bắt, giải đến chợ trấn Nam Định chém ngang lưng, gia sản bị tịch thu chia cho dân nghèo.
       Cũng trong đợt thanh tra nầy các quan chức của Phủ Kiến Xương, Ứng Hòa, Đại An đều bị bãi chức và hàng chục viên chức nhỏ cũng đã bỏ trốn.
Vua bảo Bộ Hình "Giết bọn lại mọt ấy dẫu là việc nhỏ, mà quan hệ đến việc khuyên răn rất lớn". ( theo Đại Nam thực lục)
    (1) Ngang chánh án.
    (2)Thông đồng, bao che.

    * Không những cai án Nam Định bỏ trốn mà hàng chục viên chức cấp huyện, xã cũng sợ mà bỏ trốn. Điều đó cho thấy tệ tham nhũng, ức hiếp dân lành rất phổ biến.
Đám xôi thịt ấy bỏ trốn nhiều nên bộ máy cai trị ở các địa phương nầy thiếu người nghiêm trọng đến nổi nhà nước phải lấy học trò mới đỗ đạt ra thay!
Vì vậy không trách chi nhiều cuộc khởi nghĩa lớn có hàng ngàn người tham gia đã nổ ra!