ngobadung

17 tháng 1, 2023

TẾT - GÓI BÁNH CHƯNG, BÁNH TÉT


TẤM ẢNH ĐÃ 30 NĂM.
Ngày 27 tết năm Quý Dậu 1993, Mẹ tôi cùng con dâu và cháu nội gái ngồi gói bánh chưng, bánh tét.
Tết về là nhớ cảnh quây quần thâu đêm để châm nước, thêm củi canh nồi bánh chưng

VIỆC XỬ DỤNG LẠI CÁC QUAN CHỨC NHÀ TÂY SƠN TRONG BỘ MÁY NHÀ NƯỚC MỚI KHI CHÚA NGUYỄN TIẾN RA PHÚ XUÂN (HUẾ) NĂM 1801


VIỆC XỬ DỤNG LẠI CÁC QUAN CHỨC NHÀ TÂY SƠN TRONG BỘ MÁY NHÀ NƯỚC MỚI KHI 
CHÚA NGUYỄN TIẾN RA PHÚ XUÂN (HUẾ)
     Năm 1801 trên đà thắng lợi, chúa treo thưởng trong các cánh quân, ai bắt Quang Toản (vua Tây Sơn) thưởng 10.000 quan (lương lính 2 quan/ tháng), bắt các người em của Toản thưởng 1.000 quan, em gái 300 quan, ai bắt được Trần Văn Kỷ, Nguyễn Văn Tứ (Trung quân) 3.000 quan, Lê Văn Lợi (nội quân), Nguyễn Văn Trị (phò mã) hay ai bắt cha mẹ, vợ con của Trần Quang Diệu, Võ Văn Dũng đều thưởng 1.000 quan... (Quang Diệu và Võ Văn Dũng đang bận vây Võ Tánh và Ngô Tùng Châu ở Quy Nhơn).
          Đích thân chúa Nguyễn Ảnh chỉ huy đại quân tiến ra Phú Xuân, giúp việc quân có Lê Văn Duyệt và Lê Chất.
         Ngày Mậu Dần tháng 5.1801 Nguyễn Ánh lấy lại kinh đô cũ, nhân dân kinh đô lũ lượt kéo đến dâng biểu lạy mừng. Trước đó Quang Toản, Quang Thùy mang theo châu báu kịp chạy thoát ra Nghệ An.
         Dân phủ Triệu Phong (Quảng Trị bây giờ) chặn bắt được Quang Cương, Quang Tự, Quang Điện đều là em của Quang Toản cùng 30 người đàn bà, con gái đem nộp.
        Các tướng Tây Sơn là Lê Văn Lợi, Văn Tiến Thể,Hồ Công Diệu... thi nhau ra xin quy phục đều được chúa Nguyễn sử dụng để sai phái.
Sai thả La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp, quân sư của nhà Tây Sơn, trước đó chúa gặp mặt trực tiếp khuyên về nhà "khéo đào tạo nhiều học trò để phò giúp nước, đừng phụ tấm lòng mến lão kính hiền của ta".
            Theo Đại Nam Thực lục.


         * Khi đại quân Tây Sơn do Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng bao vây thành Quy Nhơn thì lực lượng ở Phú Xuân rất mỏng đây là thời cơ để chúa Nguyễn tái chiếm để lấy lại kinh đô.
        Nhằm thực hiện khoan hòa, Chúa Nguyễn Ánh chủ trương:
      +Không lạm sát hàng binh, bảo vệ tài sản, vợ con của các quan chức nhà Tây Sơn đã quy hàng.
      + Thu nạp hàng binh bổ sung ngay vào lực lượng quân đội nhà Nguyễn.
     + Sử dụng các quan chức cấp cao của Tây Sơn đã quy hàng vào công việc phù hợp.
     + Đặc biệt 02 phủ Triệu Phong và Quảng Bình gồm 8 huyện và 01 Châu đều tái sử dụng bộ máy và quan lại thời Tây Sơn vào tiếp quản công việc cũ.
Những chủ trương khoan hòa của chúa Nguyễn cũng bị những phản ứng trong giới tướng lãnh vì vậy đã từng có tờ biểu "kiến nghị tập thể" của giới của 10 quan chức do Nguyễn Văn Thành đứng đầu đơn tỏ ý không bằng lòng với sự đối đãi đó.
Một mặt chúa Nguyễn có dụ trấn an và giải thích cho yên lòng tướng sĩ.
       Chúa Nguyễn có tầm nhìn xa vì lúc đó thế lực của nhà Tây Sơn tuy không còn mạnh nhưng cũng chưa tan rã, ít ra vẫn còn trên vạn quân thủy bộ của Quang Diệu và Võ Văn Dũng ở đàng Trong.
Còn ở Đàng Ngoài từ Quảng Bình trở ra vẫn còn bộ máy chính quyền Tây Sơn, nhất là Quang Toản, Quang Thùy đã chạy thoát ra Nghệ An và đã cho người sang nhà Thanh cầu cứu. Vì vậy không thực hiện khoan hòa, không đối xử nhân đạo với hàng binh đã quy phục lúc nầy thì sẽ đẩy hàng vạn binh sĩ Tây Sơn còn lại vào thế quyết chống cự quyết liệt để tìm con đường sống!




10 tháng 1, 2023

AI NHÁT GAN MỚI MƯỢN RƯỢU!

        Đại quan  Nguyễn Văn Thành 
AI NHÁT GAN MỚI MƯỢN RƯỢU!
      Từ năm 1800 quân nhà Nguyễn thắng lớn, khi ra trận, Nguyễn Văn Thành và Lê Văn Duyệt hay ngồi trên bành voi có cắm cờ tướng lệnh để chỉ huy các cánh quân. Nguyễn Văn Thành thích uống rượu nên mỗi lần ra trận đem bầu (rượu) ra tự rót uống, ông rót một chén đưa cho Lê Văn Duyệt. Duyệt không chịu uống, Thành cố ép nói : "Nay trời lạnh, uống một chén cho mạnh thêm lên!" Duyệt nói :" Ai nhát, yếu mới phải mượn rượu. Còn tôi thì trước mắt không thấy có giặc nào mạnh, cần gì đến rượu". Thành có vẻ xấu hổ do đó căm (tức) Duyệt.
         (Theo Quốc Sử quán triều Nguyễn)


    * Chức vụ của Nguyễn Văn Thành lúc bấy giờ là Thống lĩnh tướng sĩ Tiền quân kiêm dinh Tiên phong. Trong khi Lê Văn Duyệt là Đô Thống chế Tả dinh. Có nghĩa là Lê Văn Duyệt vẫn dưới quyền của Nguyễn Văn Thành.
      Tả quân Lê Văn Duyệt vốn tính cương nghị, ưa nói thẳng không nể nang. Trong khi Nguyễn Văn Thành là người văn võ song toàn. Ông có áng văn rất nổi tiếng đó là "Văn tế chiến sĩ trận vong" được đưa vào chương trình SGK cho học sinh lớp 10 ban C trước 1975.
      Tuy nhiên cả hai công thần đều có số phận không may lúc cuối đời!


3 tháng 1, 2023

CHUYỆN PHÓ TƯỚNG NGUYỄN CÔNG ĐIỀN.


CHUYỆN PHÓ TƯỚNG NGUYỄN CÔNG ĐIỀN.
         Như đã nói kỳ trước, năm 1798 sau khi Nguyễn Ánh ban 32 điều cấm kỵ trong quân chính. Người đầu tiên bị xử chém trong hàng ngũ tướng lãnh của chúa Nguyễn là Phó tướng Hậu quân Nguyễn Công Điền, trong trận Cà Đáo, ông đã vào nhà dân ở ấp Tây Sơn cướp lấy con gái và của cải, đến bây giờ việc phát (hiện), sai chém bêu đầu để răn và trả lại con gái và của cải cho dân; truyền dụ cho nhân dân sở tại đều biết.
      Theo Quốc sử quán Triều Nguyễn.

   * Nguyễn Công Điền nguyên là Đô đốc Tây Sơn quy hàng chúa Nguyễn và được phong ngay chức Khâm sai Phó tướng Cai cơ Hậu quân. Nay y mắc tội phải bị chém.     
      Trong hàng ngũ của chúa Nguyễn không riêng gì Nguyễn Công Điền mà còn có dũng tướng Đại đô đốc Lê Chất, Đô đốc Nguyễn Văn Thiệu... đều nguyên là tướng Tây Sơn đã quy hàng đều được chúa Nguyễn phong chức mới tại mặt trận và tin dùng sau nầy.
       Có điều sau khi chém Điền, chúa sai đem trả lại của cải và con gái cho nhà dân?
      Vàng bạc trả lại được còn chuyện kia lấy mô mà trả hè ?




2 tháng 1, 2023

"QUÂN LỆNH NHƯ SƠN"

"QUÂN LỆNH NHƯ SƠN"
        Năm Mậu Ngọ 1798 trong lúc chiến sự giữa nhà Nguyễn và Tây Sơn đang diễn ra ác liệt. Chúa Nguyễn Ánh đã ban 32 điều quân chính răn dạy tướng lĩnh và binh sĩ dưới quyền.
           + Sĩ tốt tòng chinh, nếu ai tự tiện vào nhà dân hãm hiếp đàn bà con gái và cướp lấy của cải, thì chém ngay, rao trong quân. Nếu vào đất giặc mà có người đem của cải biếu riêng, dám công nhiên nhận lấy, việc phát giác thì chánh phạm bị xử chém ngay.
            +Ra trận đối địch cứ tướng sĩ ai bắt được quân giặc, cứ mỗi người thưởng 5 quan, bắt được hộ quân, quán quân, đô ty, đô úy của giặc thưởng 20 quan, bắt đô đốc thưởng 100 quan... chém lấy thủ cấp thì cũng y thế mà thưởng.
           +Thắng địch không được giết chóc thẳng tay. Như địch hàng phục, phải bắt giải nộp, tự tiện giết phải tội nặng.
           +Trong quân không được đánh bạc, uống rượu. Nếu phát hiện thì quan hay quân đều bị đánh 100 roi, tiền mặt bắt được trong sòng thì thưởng cho người tố cáo.
           +Thám tử ở đất địch trở về, không được đón đường hỏi chuyện, thám tử cũng không được tiết lộ công việc. Ai làm trái đều bị chém.
           +Binh lính ra trận mà co lùi chạy thì chém. Những chi, hiệu,đội, thập, ngũ nào mà lùi chạy thì người trưởng đều bị chém để răn mọi người. Ai dung tha thì đồng tội.
          +Hẹn họp mà đến sau thì chém đầu để răn bảo mọi người; ở trường thao diễn cũng trị tội nặng.
Theo Sử quán triều Nguyễn.  

* Đúng là "quân lệnh như sơn" . Riêng chuyện đi họp quân mà ai đến sau (trễ) cũng bị chém thì quá kinh. Nếu áp dụng vào bây giờ thì dao rựa mô mà chém cho ngạ!






CỤ LÝ

Cụ Lý
Tức Lý Trưởng - xếp ngang với chủ tịch Phường bây chừ nhưng có khác là làm việc không lương và là do dân bầu.
      Công việc của cụ Lý khá bận rộn ngoài việc trông coi làng xã, xử các vụ xích mích, trộm cắp vặt... cho đến việc thờ cúng thành hoàng, xây dựng hương ước, quản lý dân đinh, đôn đốc sưu thuế, đắp đường sá, đê điều. Tuy không lương nhưng Lý trưởng được cấp con dấu mộc để chứng thực việc mua bán, xác thực nhân thân cho dân trong hạt.
      Giúp việc cụ Lý có phó Lý, hương trưởng (thôn), tuần đinh, mõ làng...
      Lý Trưởng là cánh tay nối dài của hệ thống chính quyền phong kiến VN. nhưng nhiều lúc cũng là "thành trì" mà luật pháp Nhà nước muốn tới phải đi đường vòng vì "Phép vua thua lệ Làng".
     Bưu ảnh Cụ Lý ăn mặc tử tế để chụp ảnh, phía trước cụ là quyển sách lật sẵn để cho thấy cụ cũng xuất thân từ nho sinh, trí thức hẵn hoi.

CHỢ BẾN NGỰ - HUẾ


Chợ Bến Ngự, do cách đó vài trăm mét, ngày xưa có bến thuyền của vua nên có tên Bến Ngự.
        Cụ Phan Bội Châu cũng có biệt danh "Ông già Bến Ngự" vì cụ hay câu cá ở đây khi còn bị giam lỏng ở Huế!
       Dương Thiệu Tước cũng có bài hát nổi tiếng "Đêm tàn Bến Ngự" và chợ Bến Ngự cũng ăn theo tên địa danh đó, các chị cũng hay họp chợ trên đường PĐP với sản phẩm "cây nhà lá vườn" tươi rói do các nhà vườn ở vùng lân cận mang đến.
Ảnh họp chợ trên đường trong những ngày đông chí mưa lạnh ở Huế.