ngobadung

30 tháng 11, 2021

VUA LÊ THÁNH TÔN TRONG MẮT VUA MINH MẠNG


VUA LÊ THÁNH TÔN
TRONG MẮT VUA MINH MẠNG
     Vua Lê Thánh Tôn là vị vua mà vua Minh Mạng luôn kính mến về phương diện trị nước và văn thơ phong nhã.
     Mặc dầu hai triều đại cách nhau gần 400 năm nhưng vì yêu quý vua Lê Thánh Tôn mà vua Minh Mạng đã sai Bộ Lễ tư hỏi dân ở Bắc Thành và Thanh - Nghệ - Ninh Bình:
      "Phàm những ai còn giữ những thơ văn từ thời Hồng Đức thì Nhà nước mua lại hoặc đưa đến cho quan sao chép để khắc mộc bản để in mà lưu giữ lâu dài".
        Về phía mình, lục bộ đã có tấu xin lấy thơ văn của vua Minh Mạng mà khắc mộc làm bản in nhưng vua không đồng ý và tự nhận thơ mình "còn nhạt nhẽo vì không có lời hoa hòe chải chuốt để cho người ta thích nghe nên ta chưa cho".

*Miếu vợ chàng Trương
"Nghi ngút đầu ghềnh toả khói hương,
Miếu ai như miếu vợ chàng Trương.
Bóng đèn dầu nhẫn đừng nghe trẻ,
Cung nước chi cho luỵ đến nàng.
Chứng quả đã đôi vầng nhật nguyệt,
Giải oan chi lọ mấy đàn tràng?
Qua đây mới biết nguồn cơn ấy,
Khá trách chàng Trương khéo phũ phàng".
       Đây là một trong những bài thơ của vua Lê Thánh Tôn được đưa vào chương trình dạy cho học sinh phổ thông trước 1975 và cũng nhờ vua Minh Mạng mà hơn 300 bài thơ của vua Lê Thánh Tôn cũng như các tác phẩm của "Nhị thập bát tú" trong hội Tao Đàn đã được thu thập, lưu giữ cho muôn đời sau.
       ảnh Miếu nàng Vũ Thị, thờ vợ chàng Trương ở Hà Nam.

28 tháng 11, 2021

CÁC QUAN DỰ BÁO THỜI TIẾT KINH THÀNH HUẾ BỊ ĐÓNG GÔNG ĂN ĐÒN VÌ BÁO CÁO SAI

Đài Quan tượng xưa

QUAN DỰ BÁO THỜI TIẾT BỊ ĐÓNG GÔNG ĂN ĐÒN VÌ BÁO CÁO LÁO.
     Năm ấy vua cho đóng gông các quan coi việc dự báo thời tiết ở Khâm Thiên giám kinh thành là Hoàng Văn Thông, Nguyễn Danh Giáp, Hoàng Công Dương và đánh đòn cả thảy29 người tùy theo chức vụ để răn.
     Số là đêm đó kinh thành mưa như trút nước. Vua cho nội giám đem vại sành ra hứng nước mưa, từ giờ tý đến giờ sữu đo được 1 tấc 7 phân nhưng đến sáng các quan khâm thiên báo cáo lại sai số rất lớn!       (Theo Đại Nam thực lục)

* Cơ quan nầy lập ra để theo dõi khí tượng, làm lịch, tư vấn phong thủy.
     Từ giờ tý đến giờ sữu đã khuya, trời lạnh, mưa to, chắc các cụ đi ngủ sớm quên đo? Sáng ra theo lệ gởi báo cáo... láo cho vua.
    Không may đêm đó vua thức khuya, cho người đo trước!
   29 cụ ăn bổng nhà nước quen thói lười biếng, báo cáo nhảm thì bị gông và đánh đòn là quá xứng!
                  Ảnh đài khâm thiên xưa.

LUẬT XƯA XỬ TỘI NGOẠI TÌNH RẤT NẶNG!

Tranh vẽ 01 phụ nữ bị xử tội giảo
XƯA XỬ TỘI NGOẠI TÌNH RẤT NẶNG!
  +Hòa gian (*dâm)(1) hay điêu gian(2) với đàn bà có chồng thì gian phu, gian phụ đều phải tội giảo hậu(3).
  +Tội cưỡng gian(4) thì gian phu trảm quyết(5);
  + Cưỡng gian mà chưa xong thì gian phu bị tội mãn trượng và lưu (6).
  +Nếu quan chức mà thông gian với vợ quan chức thì gian phu, gian phụ đều phải tội giảo quyết(7)...
           Theo Đại Nam thực lục - quyển XLV

* Chú thích của tác giả
  (1) đôi bên bằng lòng thông dâm.
  (2) dụ dỗ để thông dâm.
  (3) giam chờ giết. (thắt cổ hoặc ép uống thuốc độc)
  (4) tội hiếp dâm.
  (5) Chém ngay.
  (6) đánh 100 trượng và đi đày.
  (7) giết ngay nhưng cho toàn thây.
        Những điều luật kèm theo hình phạt rất nặng.
Theo đó thì tội hiếp dâm, luật quy định giữa hai hành vi cũng "rất mỏng" để xử tội chết và xử cho sống.
       Không chỉ luật Hoàng triều mà luật Nhà Thanh cũng xử nặng với tội "quan hệ ngoài luồng"!
         Tranh xử 01 phụ nữ phạm tội giảo.

CHÚ VOỌC SƠN TRÀ ĐÁNG YÊU







 

Đường THỐNG NHẤT Đà Nẵng xưa

Đường THỐNG NHẤT Đà Nẵng xưa

     Ở Đà Nẵng xưa, có ai còn nhớ con đường nầy?
     Mấy cô trong ảnh đang đến trường, chắc là nữ sinh Hồng Đức?
      Đây là con đường Thống Nhất, vừa qua ngã tư Thống Nhất  - Yersin xuống cầu Vồng. 
      Tòa nhà phía sau là khách sạn Thống Nhất, về sau cho một cơ quan dân sự của Mỹ thuê, có thời sợ bị ném lựu đạn nên người ta rào thép gai kín bưng từ trên xuống dưới. Sau 1975 tòa nhà nầy được lấy làm khu tập thể bệnh viện. Nay là khu thương mại.
      


    

MÁNH LỚI ĂN CẤP CỦA THỦ KHO PHÚ THUẬN THỜI XƯA

MÁNH LỚI ĂN CẮP GẠO THỜI XƯA
Bọn Nguyễn Văn Thắng, cai đội kho Phú Thuận, ở Kinh thành đã mài thấp miệng bát bằng đồng để ăn bớt của công, việc phát giác. Lấy cái phương của nhà nước để đo thì mỗi phương giảm mất 5 phân. Giao cho Bộ Hình trị tội. Bèn giao đúc lại bát mới.
Theo Đại Nam thực lục.


        *Một phương gạo thời xưa bằng 30 bát, bát trong dân gian thường làm bằng gỗ, người Quảng hay gọi là "ao".
       Ở các kho do nhà nước quản, cái bát ấy được Bộ Công cân đo và làm bằng đồng để giao cho các cai đội kho quản để đong gạo.
      Dụng cụ đo do nhà nước quản, tưởng đâu khó có chuyện đong thiếu và cũng vì bằng đồng nên các thủ kho đã ma lanh mài cạnh bát đi cho mất vài phân để ăn bớt.
      Ăn theo kiểu chuột sa hủ gạo mỗi ngày mỗi ít rồi cũng thủng kho!
      Không biết sau vụ phát giác nầy cai kho bị xử phạt ra sao? Chưa thấy viết nhưng có vài tài liệu không biết lấy từ nguồn nào? Nói là họ bị chặt tay?
      Nếu so với nay thì ông cai kho Nguyễn Văn Thắng tội nghiệp kia phải gọi "ngược"các quan tham giữ rừng, giữ kho bây chừ là ông cố tổ!

21 tháng 11, 2021

LÀM VIỆC NHÀ NƯỚC XƯA VẪN BỊ ĂN ĐÒN ROI.


Phu trạm xưa
LÀM VIỆC NHÀ NƯỚC XƯA VẪN BỊ ĂN ĐÒN ROI.
     Nhân viên phu trạm xưa chuyên chạy công văn, giấy tờ từ kinh về các địa phương và ngược lại.
      Theo đó nhà nước quy định:
      Từ kinh thành đi Quảng Nam, tối khẩn 1 ngày, 1 giờ.
      Đi Phú Yên, tối khẩn 03 ngày, 11 giờ.
      Đi Nghệ An, tối khẩn 2 ngày, 06 giờ...
      Ai đi sớm hơn và đúng giờ được thưởng từ 01 đến 05 quan tiền. Ai đi trễ thì tùy thời gian trễ mà bị đánh từ 10 đến 50 roi.
      Nhờ thưởng phạt rõ ràng nên công văn đóng dấu thượng khẩn, thứ khẩn... thường được các phu trạm thi nhau vận chuyển đúng hạn không kể ngày đêm.
      Ngày nay nhờ có internet mà công văn đi và đến liền xãy ra tức thì nên các nhân viên bưu tá sinh ra thất nghiệp mà ví dụ nếu có bê trễ thì cũng không còn bị ăn đòn như xưa nữa.

NGHE THANH TRA, NHIỀU QUAN THAM BỎ TRỐN

ảnh minh họa
NGHE THANH TRA, NHIỀU QUAN THAM BỎ TRỐN.
Năm Minh Mạng thứ 8 vua sai hai Kinh lược sứ là Nguyễn Văn Hiếu và Hoàng Kim Xán đi thanh tra Nam Định.
Cai án(1) Nam Định Phạm Thanh và Thư ký Bùi Khắc Kham nổi tiếng tham lam, hung ác. Nghe tin đã bỏ ấn đi trốn.
      Việc đến tai vua, vua nghiêm trách Hiếu và Xán, nếu bắt không được thì quy tội "cố thả"(2).
Đối với Trấn thần Nam Định là Đỗ Văn Thịnh, Trần Đức Chính vua cũng nghiêm dụ về tội "dung túng, thiên vị" và tội "nịnh chức" hạn cho 03 tháng phải bắt cho được kẻ phạm tội, nếu không phải nghiêm trị.
       Sau đó Thanh và Kham đều bị bắt, giải đến chợ trấn Nam Định chém ngang lưng, gia sản bị tịch thu chia cho dân nghèo.
       Cũng trong đợt thanh tra nầy các quan chức của Phủ Kiến Xương, Ứng Hòa, Đại An đều bị bãi chức và hàng chục viên chức nhỏ cũng đã bỏ trốn.
Vua bảo Bộ Hình "Giết bọn lại mọt ấy dẫu là việc nhỏ, mà quan hệ đến việc khuyên răn rất lớn". ( theo Đại Nam thực lục)
    (1) Ngang chánh án.
    (2)Thông đồng, bao che.

    * Không những cai án Nam Định bỏ trốn mà hàng chục viên chức cấp huyện, xã cũng sợ mà bỏ trốn. Điều đó cho thấy tệ tham nhũng, ức hiếp dân lành rất phổ biến.
Đám xôi thịt ấy bỏ trốn nhiều nên bộ máy cai trị ở các địa phương nầy thiếu người nghiêm trọng đến nổi nhà nước phải lấy học trò mới đỗ đạt ra thay!
Vì vậy không trách chi nhiều cuộc khởi nghĩa lớn có hàng ngàn người tham gia đã nổ ra!





NĂM MINH MẠNG THỨ 6 CÓ VỤ ĂN TRỘM SÚNG Ở NGAY HOÀNG THÀNH.

NĂM MINH MẠNG THỨ 6 CÓ VỤ ĂN TRỘM SÚNG Ở NGAY HOÀNG THÀNH.
      Súng bị mất là một khẩu hóa sơn bằng đồng. Vua ra lệnh gông tống giam người có trách nhiệm và toán binh lính trong phiên trực rồi giao cho Bộ Hình truy xét.
     Bộ Hình dâng án là do năm trước Cai đội Nguyễn Văn Thành hộ giá vua ra Bắc, giữa đường rơi súng, không báo. Nay nhờ Đội trưởng Nguyễn Tiến Viết lấy trộm súng để thế vào.
     Án xử Tiến Viết bị cách chức giáng làm lính đi Ai Lao (Lào), Thành bị đánh trượng, cách chức, bắt đền súng.
* Súng hóa sơn được trang bị cho quân đội nhà Nguyễn, cứ 10 người được 01 khẩu, súng bắn đạn chì, nhồi thuốc rồi điểm hỏa, một phát mất 30 giây.
Cai đội Nguyễn Văn Thành được trang bị khẩu hóa sơn đi hộ giá vua ra bắc, đường xa súng nhét lưng quần rơi súng lúc nào không biết, đến khi biết thì súng đã không còn. Do sợ phạt nên ông Thành mới nhờ ông Tiến ăn trộm súng.
"Bụng làm dạ chịu" đã đành còn làm cho đám lính vô can cũng gánh họa lây!

18 tháng 11, 2021

DỠ NHÀ DÂN ĐỂ PHÒNG CHÁY?

Bắc Ninh 1886 - ảnh minh họa
DỠ NHÀ DÂN ĐỂ PHÒNG CHÁY?
Mùa hạ 1826 Thừa Thiên nắng nóng như lửa đốt. Đề đốc kinh thành là Đoàn Văn Trường tâu xin dỡ nhà dân để đề phòng nạn cháy. Vua nói "Phòng hỏa không gì bằng chứa nước. Cứ sai dân để ý giữ gìn thì lửa không thể hại được, hà tất phải dỡ nhà làm gì"?


* Qua đó cho thấy tuy là chốn kinh thành nhưng dân chúng còn nghèo, đa phần là nhà tranh.
Nhà tranh mà gặp trời nắng nóng dễ phát hỏa gây cháy.
Ông quan đề thành Đoàn Văn Trường (cảnh sát bây chừ) đề xuất quá lạ đời ?
Trời nắng nóng mà dỡ nhà thì dân ngụ ở đâu?
May mà vua không nghe theo lời tấu xàm!
Thường "các quan" hay sợ trách nhiệm, cứ "trăm dâu đổ đầu tằm". Chuyện chi khó cứ bắt dân chịu cho khỏe!

NGƯỜI CÓ CÔNG ĐÀO SÔNG, LÀM CẦU VĨNH ĐIỆN VÀ ĐẮP ĐƯỜNG ĐI HỘI AN.


NGƯỜI CÓ CÔNG ĐÀO SÔNG, LÀM CẦU   VĨNH ĐIỆN VÀ ĐẮP ĐƯỜNG ĐI HỘI AN.
       Sông Vĩnh Điện được đặt tên vào năm 1824, trước đó chỉ là con sông nhỏ nông hẹp.
       Đốc công là cai bạ Lê Đại Cương, huy động 3.000 dân đào trong vòng 02 tháng thì xong. Lại xin làm cầu và xin đắp đường xuống tới cửa Đại. Vua y cho và cấp cho mỗi công một tháng 03 quan tiền và 01 phương gạo.
      Vua dặn Lê Đại Cương "Đào sông, làm cầu, đắp đường, công việc kế nhau, nhân dân đã khó nhọc, bọn ngươi khéo phủ dụ".
                    Theo Đại Nam thực lục.


      * Hoan hô cụ cai bạ Lê Đại Cương, được đàng chân, lấn đàng đầu. Một lúc xin vua, vận động dân làm 03 việc lớn cho xứ Quảng là đào sông, làm cầu, đắp đường khai thông thủy bộ từ dinh trấn Thanh Chiêm về cửa Đại Chiêm, Hội An trong một thời gian ngắn.
       Cầu và sông ấy đều có tên Vĩnh Điện, đường ấy dọc theo sông là tiền thân của đường tỉnh lộ 608 hiện nay.
       Lê Đại Cương, một nhân vật lịch sử tài giỏi nhưng rất kỳ lạ, quê Tuy Phước, Bình Định cuộc đời làm quan của ông đến 5 lần bị cách chức rồi được phục chức, mà mỗi lần phục chức lại giữ chức vụ cao hơn. Ông là một "tổng kiến trúc sư" của hệ thống đê điều Bắc bộ, một nhà giáo dục, từng làm chánh chủ khảo kỳ thi của đất học Bắc thành, một nhà ngoại giao tài giỏi trong bang giao với nhà Thanh, sứ thần ở Cao Miên rồi Tổng đốc nhiều tỉnh từ Sơn Hưng Tuyên đến An Giang - Hà Tiên. Chức vụ cao nhất của ông là Thượng thư Bộ binh nay ngang với Bộ trưởng Quốc phòng.
Riêng thời kỳ làm cai bạ ở Quảng Nam với 03 công trình Sông - cầu - đường nhưng rất tiếc lịch sử xứ Quảng đã quên tên ông khi không có con đường nào mang tên Lê Đại Cương?

16 tháng 11, 2021

Chim Di - những hình ảnh




 










AI ĐẶT TÊN NƯỚC VIỆT NAM?


AI ĐẶT TÊN NƯỚC VIỆT NAM?
      
Ngài Nguyễn Ánh - ảnh lưu vong ở Xiêm
Tháng 02. 1804 vua Gia Long xuống chiếu đặt tên nước ta là Việt Nam. (Tức ngày 28.3.1804)
      Chiếu có đoạn: "Đế vương dựng nước, trước phải trọng quốc hiệu để tỏ rõ nhất thống. Ngày 17 tháng 02 ta kính cáo Thái Miếu, cải chính quốc hiệu là Việt Nam. Phàm công việc nước ta việc gì quan hệ đến quốc hiệu và thư từ báo cáo với nước ngoài, đều lấy Việt Nam làm tên nước, không được quen xưng hiệu là An Nam nữa".

*Như vậy ngày 17 tháng 02 cũng là ngày đáng nhớ.
Từ đó mà ta có tên Việt Nam, Việt Nam!
Ảnh thời còn lưu vong ở Xiêm.

15 tháng 11, 2021

Ông Quỳnh viện cớ chống lệnh

ÔNG QUỲNH VIỆN CỚ CHỐNG LỆNH.
Năm Minh Mạng thứ 6, Bộ Lại dâng sớ cử Huấn Đạo Hải Lăng là Dương Quỳnh đi làm Giáo thụ ở Bình Thuận.
Quỳnh tự trần rằng Bộ Lại từng có nghị định phàm Hương cống tuổi 40 trở lên mới được bảo cử giáo chức. Quỳnh chưa đủ tuổi, ngại hãnh tiến.
Vua giao cho Bộ Lại bàn, Bộ cho rằng tuổi dưới 40 là bảo cử lần đầu, đằng nầy từ Huấn đạo thăng lên Giáo thụ theo bậc mà lên. Do Quỳnh bụng suy tị nên viện dẫn nói càng. Bộ Lại đề nghị "bổ mà không đi thì đánh trượng, cách chức, không bổ dụng nữa" vua cho theo lời bàn.

*     Cụ Dương Quỳnh làm huấn đạo Hải Lăng tức ngang với trưởng phòng Giáo dục bây chừ, năm đó cụ được bổ làm giáo thụ tức ngang với trưởng ty nhưng viện cớ "không đủ tuổi 40" để xin thoái thác không đi.
      Bình Thuận cách Hải Lăng bảy, tám trăm cây số, phải chi bổ giáo thụ Quảng Đức hay Quảng Nam thì cụ đã không từ chối.
     Kết quả đã không được bổ nhiệm mà còn bị đánh bằng trượng và cách chức cho lui về dạy học.
    Luật xưa quá nghiêm đối với những ai chống lệnh!
                       (Hình minh họa)

9 tháng 11, 2021

Vua Minh Mạng đặt lệ khen thưởng cho các cụ sống thọ xưa


 Năm Minh Mạng thứ 3, vua giao cho bộ Lễ định lệ khen thưởng cho người già sống thọ trên 100 tuổi.
     Phần thưởng là vàng, bạc, vải lụa gấm, ghế, gậy, lại cấp biển ngạch hai chữ "Thọ dân" sơn son thiếp vàng để treo trước nhà.
     Năm đó các địa phương lập danh sách người trên 100 tuổi để tâu:
Quảng Trị 33 người; Quảng Bình 03; Quảng Nam 37; Gia Định và các trấn 07; Nghệ An 10; Bắc Thành 14; Quảng Đức 06(*); Thanh Hoa 01.
       Có 04 địa phương tâu chậm, nên các cụ chết trước mà chưa báo nên các quan đầu tỉnh nơi đó bị giáng một cấp.
              Theo Đại Nam thực lục.

     * Ban thưởng cho người thượng thọ trên 100 tuổi đã có trên 100 cụ, so với số dân lúc đó chừng vài trăm ngàn người, chứng tỏ tỷ lệ người sống thọ khá cao.
       Có lẽ do môi trường sống tốt, nguồn nước, thực phẩm và không khí trong lành là điều kiện để sống thọ.
      Nhà nước ban thưởng tiền, vật phẩm. Đặc biệt ban biển "thọ dân" để treo trước nhà cũng là hình thức trọng người già. Có điều giữa "thọ dân" thì đàn ông được ban thưởng nhiều hơn đàn bà. Thọ quan 80 tuổi cũng được thưởng. Trong khi thọ dân phải đúng 100!
      (*) nay là Thừa Thiên - Huế.
            Ảnh minh họa

8 tháng 11, 2021

VUA MINH MẠNG CÁCH CHỨC NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU VÌ ĐỂ DÂN ĐÓI.

Hoàng thành Huế xưa

CÁCH CHỨC NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU VÌ ĐỂ DÂN ĐÓI.
       Năm Minh Mạng thứ 5, vua cách chức Trấn thủ Nghệ An Nguyễn Văn Xuân và Hiệp trấn Nguyễn Kim Truy và triệu 02 ông về kinh.
    -Vua: "Hai ngươi có trách nhiệm chăn dân, dân đói không tâu lên, để dân mặt xanh, mình gầy là sao"?
    - Đáp "Dân bị chết đói là đồn nhảm"
    - Vua lại hỏi "Tháng trước ta sai Vũ Xuân Cẩn phát chẩn, có hơn trăm người đến chỗ phát chẩn rồi, chịu không nổi mà chết đói, còn bảo là đồn nhảm sao?
   - Lại đáp "Đến lĩnh chẩn, hoặc có người chết là do khí độc nên đó thôi"
   - Vua quát "Dân đói chẳng biết nuôi nấng lại tìm cách nói che đậy, đạo làm tôi có thế ư?
    - Truy và Xuân sợ hãi xin chịu tội.
                 Theo Đại Nam thực lục


* Năm 1823 có bão lớn, nhiều nơi mất mùa, giặc giã nổi lên khắp nơi, dân tình đói kém nhưng quan đầu tỉnh Nghệ An vì "bệnh thành tích" mà giấu nhẹm, không tâu lên. Trong khi có hơn ngàn người chết đói. Riêng đến điểm nhận phát chẩn đã có hơn trăm người chết do kiệt sức và tai nạn lật đò vì chen đi lãnh chẩn!
Được tin, vua cho cách chức 2 ông quan đứng đầu Nghệ An và cử Trấn thủ Quảng Ngãi là Nguyễn Văn Soạn và Vũ Xuân Cẩn làm Hiệp trấn ra thay.
May cho hai ông Xuân, ông Truy nhờ thuộc diện "Công thần Vọng Các"(*) nên chỉ mất chức nhưng còn giữ được cái đầu để đội nón!.
(*) Những người từng phò Nguyễn Ánh sang Bangkok năm xưa.

Xử chém vì tham nhũng một lạng vàng

Nội vụ phủ
Thư lại Nội vụ phủ là Lý Hữu Diệm lấy trộm 01 lạng vàng trong phủ. Bộ Hình nghĩ xử chém nhưng sau chuẩn cho tội đồ. Án tâu lên vua Minh Mạng.
Vua dụ "Khoảng năm Gia Long, bọn Nguyễn Đăng Dược thông đồng với thợ bạc Nguyễn Khoa Nguyên đúc ấn giả, để đổi ấn ngụy cất ở kho, đều xử chém ngay. Nay Hữu Diệm chuyên cân vàng mà dám công nhiên lấy trộm, huống chi của kho thì sao? Thế là trong mắt hắn đã không có pháp luật. Vậy Lý Hữu Diệm phải ngay tới chợ Đông, chém đầu cho mọi người biết"
               Theo Đại Nam thực lục.

     *  Vàng đã làm mờ mắt Lý Hữu Diệm, suốt ngày cân kiểm vàng, bạc để sung kho, ông Diệm mỗi ngày cân thiếu một ít để bòn rút hơn 01 lạng vàng, sự việc bại lộ ông bị bắt. Bộ Hình nghĩ cũng là tội tham nhũng vặt nên chuẩn cho tội Đồ (đi đày) nhưng không ngờ vua bắt phải chém ngay chợ Đông Ba để làm gương.
       Qua vụ nầy ta còn biết vào thời Gia Long cũng có vụ trộm tráo ấn làm giả vàng pha bạc để đổi lấy ấn vàng ròng tịch thu của vua Tây Sơn cất trong kho.
     Vàng làm nhiều người mờ mắt, dù biết chết cũng xông vào!

ảnh Nội vụ phủ

NẠN TRỘM CƯỚP DƯỚI TRIỀU VUA MINH MẠNG


Người chịu án chém
NẠN TRỘM CƯỚP DƯỚI TRIỀU VUA MINH MẠNG
Năm Minh Mạng thứ 4 vua xem danh sách thấy Bắc Thành một năm xử chém hơn 200 người, bảo bộ Hình rằng "Án ăn cướp trong luật vốn có điều riêng, duy những đứa đi theo đứng gác ngoài, tiếp nhận của cải, những đứa chưa vào nhà, xuống thuyền cướp của, những đứa bị hiếp dỗ đi theo hoặc ăn cướp lần đầu, hoặc số tang không nhiều, đều là những tình nên thứ. Nếu cứ lấy luật mà xử thì có phải vâng theo ý thương xót đâu. Vậy truyền từ nầy về sau nếu có ăn cướp như loại ấy thì phải tâu xét định"
              Theo Đại Nam Thực lục
* Luật Hoàng triều xưa thường xử rất nghiêm tội ăn cướp và trộm cắp, bất kể chủ mưu hay tòng phạm đều bị xử chém. Hình phạt nặng nhưng trộm cướp không giảm. Chỉ giảm thật sự khi mất mùa, ai ai cũng đói kém!
Bắc Thành bao gồm Hà Nội bây giờ và vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng mỗi năm phải xử chém trên 200 tội nhân cướp là không nhỏ. Khi duyệt án vua cũng thấy ra nguyên nhân của nạn trộm cướp không ngoài lý do đói khổ, bần cùng của dân nên vua nghĩ lại và muốn điều chỉnh luật theo hướng giảm nhẹ cho tòng phạm gây tội ít nghiêm trọng chăng?

2 tháng 11, 2021

KHÔNG ĐƯỢC CHỬI CON NHÀ TÔN THẤT


Tái hiện lịch sử tại Hoàng thành Huế
KHÔNG ĐƯỢC CHỬI CON NHÀ TÔN THẤT.
Vệ úy Nội hầu là Nguyễn Hữu Khâm thấy vệ binh trong triều toàn là con nhà tôn thất, sợ khó sai khiến nên xin vua cử đại thần trông coi.
     Vua không những không cho mà còn nghiêm khắc răn:
"Người trong họ vua thì không ai được chửi mắng mà thôi. Mi làm quản suất, ai làm trái đã có phép nước, sao lại phải nhờ đến đại thần"?

  *Thời nào cũng vậy, loại "con ông cháu cha" luôn ỷ thế nên nhiều lúc "Trên bảo dưới không nghe". Nguyễn Hữu Khâm, là võ quan chỉ huy lực lượng cấm vệ hoàng cung, đôi lúc cũng bất lực nên phải xin từ chức để triều đình cử đại thần trông coi đám khinh binh cứng đầu nầy!
Vua cho rằng con cháu tôn thất cũng giống như những binh lính khác duy chỉ có điều, cấm thiên hạ không được chửi bọn họ mà thôi !
Vì chửi bọn họ tức là đụng chạm đến vua!

 

Tái hiện lịch sử tại Hoàng thành Huế

Vua Minh Mạng từng nhiều lần "đốt lò và lò luôn rực lửa".

    
Một cảnh xét xử thời xưa

Vua Minh Mạng từng nhiều lần "đốt lò"và lò luôn rực lửa.
        Năm 1822, ở Thanh Hóa xãy ra 02 vụ án:
    I. Thuyền buôn của người nước Thanh đậu ở cửa biển Y Bích (1)bị dân cướp hết hàng hóa, chủ hàng tố cáo Thủ ngự Phan Văn Lý dung túng việc cướp.
  II. Vụ án đốt nhà cướp của, có người vu cho Ngô Văn Thiệu ở Phủ Hà Trung. Tri phủ Hà Trung Đỗ Xuân Thái thiếu tra xét mà khép tội Thiệu. Thiệu ức mà chết trong nhà giam. Sự việc đến tai vua, vua cử Thiêm sự Hình bộ Vũ Viết Trường và Lang Trung Nguyễn Công Duy đi tra hỏi nhưng họ lại làm qua loa, chiếu lệ, đoán chừng nên gây thêm phẩn uất!
Vua không bằng lòng bèn giao cho đình thần xét hỏi lại. Đình thần cho lột áo mão, cho hai ông mặc áo xanh(2) chờ xét.
     Vũ Viết Trường sợ quá thắt cổ chết, bộ Hình tâu lên. Vua nói "Tội hắn không đến nỗi chết, sao kiến thức lại kém cỏi quá thế!". Sai cho cấp tiền tuất.
     Sau đó vua duyệt thẩm án xử Phan Văn Lý tội Đồ (3); Đỗ Xuân Thái tội trảm giam hậu(4); Nguyễn Công Duy giảm tội chết, phát đi sung quân (5).
               Theo Đại Nam thực lục.

* Vua Minh Mạng nổi tiếng nghiêm khắc với tội tham nhũng và tội tắc trách trong công việc. Hai vụ án ở Thanh Hóa có liên quan đến 02 viên quan cấp huyện và 02 viên quan cao cấp ở Bộ Hình, những viên quan nầy do tắc trách trong công việc mà bị xử tội rất nặng để làm gương cho người khác.
Kẻ gây hàm oan dẫn đến cái chết cho người dân thì bị tước hết chức vụ và giam chờ chém. Còn người có quyền nhưng làm việc tắc trách thì từ trưởng ty mà cách chức xuống làm lính ở địa phương là sự trừng phạt nặng.
(1) Tức cửa Lạch Trường hiện nay.
(2) Tạm đình chỉ chức vụ.
(3) Đi đày biệt xứ.
(4) Giam chờ chém.
(5) Cách chức, cho làm lính.