ngobadung

18 tháng 4, 2024

VUA MINH MẠNG LÀM THƠ CẦU MƯA./ Minh Mang King wrote poetry to pray for rain/Le roi Minh Mang a écrit de la poésie pour prier pour la pluie

Ảnh chỉ minh họa
VUA MINH MẠNG LÀM THƠ CẦU MƯA.
Tháng 8 - mùa thu 1820 ở Kinh thành nắng nóng, vua bằng làm 02 bài thơ tả việc mong mưa rồi sai Nội các là Nguyễn Tri Phương mang đến Miếu Đô thành hoàng cầu đảo và rồi được mưa liền. Sau đó Vua sai sửa lễ Tam sinh đến miếu tạ và thưởng cho Nguyễn Tri Phương Kỷ lục một thứ.
           Theo Đại Nam Thực lục

    *Chuyện cầu mưa ở mấy trăm năm trước nghe còn được. Nay ở TK XXI mà còn nói chuyện cầu mưa thì cũng chuyện lạ thời nay!
     Lệ thường Tháng 8 mà vẫn còn nắng nóng là trái mùa. Vua chỉ làm 02 bài thơ gởi "ông trời" thì trời cho mưa.
    Không biết do quyền uy phép thuật hay gặp may mà có mưa?
Sự việc trên được chép đàng hoàng trong sử sách ắt là có thực 100% và cụ Nguyễn Tri Phương đã ghi một điểm dưới con mắt vua Minh Mạng.
Ghi chú:
*Miếu Đô thành hoàng có thể là Miếu cổ Bao Vinh?
*Tam sinh là vật tế lễ bằng bò - dê và heo.


VUA MINH MẠNG VÀ HẢI VÂN QUAN.

VUA MINH MẠNG VÀ HẢI VÂN QUAN.
    Dãy Hải Vân ngăn cách giữa Thuận Hóa và Quảng Nam, đường đi khó khăn vắng vẻ. Nhiều người muốn tìm lối đi khác khi Bộ Công cho người đi khám thì không còn lối mở nào khác hơn lối cũ. (như hiện nay).
    Vua bảo rằng: "Nếu làm lợi cho muôn đời thì công vạn, của kho cũng không tiếc, huống chi cửa quan hùng tráng ấy là nơi hiểm (yếu) tự nhiên để làm nơi che chở bảo vệ nước nhà, nếu đang cao mà làm cho thấp thì còn gì là chỗ hiểm yếu".
         Rồi dụ cho quan huyện ở kinh và quan tỉnh Quảng Nam thông sức cho dân
     "Ai muốn làm nhà hai bên đường núi thì miễn các thứ thuế và miễn đi phu. Ai không đủ sức làm nhà thì cấp tiền cho. Cốt sao từ chân cho đến đỉnh núi, hai bên đều có nhà liền nhau. Miễn sao cho người đi đường có nơi dừng chân tạm trú, đói có chỗ ăn, khát có chỗ uống".
       Kết quả có 06 hộ dân ngoại tịch ở Quảng Nam xin làm nhà ở đường núi, vua chuẩn cấp mỗi người 10 quan tiền.
          (Theo Quốc sử quán triều Nguyễn).

      *Một chủ trương đúng nhưng chỉ có 06 hộ dân hưởng ứng. Phải chi nguồn trợ cấp gấp 10 lần lúc đó thì người định cư chắc sẽ khá hơn.
     Bài thơ "Tàn tốt" của Tùng Thiện Vương ra đời 20 năm sau có câu.
"Ỷ TRƯỢNG ĐỘC CÔ SƠN TỬU ĐIẾM..."
(Chống gậy một mình tìm quán rượu - trong bài thơ Người lính thất trận) cho thấy trên dãy Hải Vân lúc đó đã có lác đác dân cư mở hàng quán sinh sống.
      Nay thì trên núi Hải Vân (phía Đà Nẵng) những khu đất rộng có "view" đẹp hướng ra biển đã mọc lên những khu dừng chân vui chơi có bán vé vào cổng!

PHƯỚC TƯỜNG - HÒA PHÁT, ĐÀ NẴNG NĂM 1970 Photo của Robert Alexander

PHƯỚC TƯỜNG - HÒA PHÁT, ĐÀ NẴNG NĂM 1970
     Các "chú" học trò trường Lê Bảo Tịnh (nay là PTCS Nguyễn Đình Chiểu) đi học về, vỡ sách đều kẹp vào sườn xe đạp.
     Phía bên kia đường là Hòa Phát, có đường rầy xe lửa chạy song song!
    Các "chú" chừng 12, 13 tuổi tức sinh năm 1957, 1958. Nhìn sang bên kia đường còn thấy bảng hiệu Photo Lê Toàn. Chỗ đó nay là gần trụ đèn tín hiệu giao thông cách Hiệu thuốc Trường Sinh chừng 200m.
     Thời điểm đó phía đối diện là cổng vào của đơn vị Mỹ.
         Photo của Robert Alexander

11 tháng 4, 2024

Mùa thu năm 1837- vua Minh Mạng cho mở khoa thi để chọn nhân tài/ 1837 - Minh Mang King opened an examination to select mandarins

Năm 1837, mùa thu - vua Minh Mạng cho mở khoa thi Hương ở 03 khu vực Thừa Thiên, Gia Định, Nghệ An.
   Khoa đó đỗ Cử nhân cả thảy 51 người.
    Trường Thừa Thiên 35 người gồm Lê Doãn Xuân, Nguyễn Tường Vĩnh, Hoàng Trọng Từ, Lê Đức, Lê Văn Đạt, Phạm Chân, Phạm Văn Tuyển, Lê Tiến Ích, Tạ Kim Vực, Trình Nho, Trần Kim Vỹ, Lê Thúc Đôn, Nguyễn Văn Dục, Trần Tiễn Thành, Thái Viết Điến, Nguyễn Văn Mưu, Lê Văn Thành, Trần Công Chính, Lê Dần, Trần Nguyên Phóng, Nguyễn Doãn Thành, Lưu Lượng, Phạm Văn Trị, Nguyễn Văn Đĩnh, Tạ Kim Pha, Mai Văn Mỹ, Lê Văn Nhượng, Phan Huy Cảnh, Nguyễn Công Tùng, Hoàng Công Tính, Bùi Đạo, Nguyễn Công Chính, Tiết Văn Hanh, Hoàng Văn Thận,Trần Ngọc Diễm. Sau đó Bộ Lễ duyệt lại truất 03 người xuống Tú tài là Nguyễn Công Tùng, Bùi Đạo , Mai Văn Mỹ (Mỹ là con trùm hát bội).
      Trường Gia Định 11 người gồm Nguyễn Văn Chiêm, Bùi Văn Phong, Nguyễn Công Dự, Nguyễn Văn Trị, Nguyễn Khắc Điều, Lê Văn Dự, Nguyễn Tiến Hội, Nguyễn Văn Quyển, Vũ Doãn Nguyên, Trần Thành Lập,Hoàng Mẫn Chính.
       Trường Nghệ An 05 người gồm Vương Đình Chiểu, Vũ Nguyên Danh, Nguyễn Phong, Phạm Trọng Cát, Phan Quang Nhiễu.
       Vua phê bình trường Nghệ An rằng: "Học trò Thanh Hoa, Nghệ An, Hà Tĩnh vốn có tiếng là văn học, học trò hợp thí hơn 3.000 người sao ngạch đỗ ít ỏi như thế? Triều đình mở khoa thi là muốn được nhiều nhân tài để giúp việc Nhà nước mà lại hẹp hòi. Tội của bọn Vũ Đức Khuê( Chánh chủ khảo trường Nghệ An) là không thể chối được". Vua bèn sai quan đường 06 Bộ đem hết các quyển đỗ cũng như hỏng xem xét lại, sau đó lấy thêm 15 Cử nhân nữa là: Mai Thế Tuấn, Phan Đình Phong, Đinh Viết Thận, Hồ Sỹ Tuần, Nguyễn Hữu Độ, Đặng Văn Khải, Lê Triết, Đỗ Xuân Trường, Lê Cán, Nguyễn Thái Thông, Phan Hữu Khải, Phan Đình Tuyển, Hoàng Bá Nghi, Vũ Văn Dật, Nguyễn Côn.
     Cũng chưa yên tâm, vua ra dụ sai quan tỉnh dẫn 5 người lấy đỗ trước và 15 người lấy đỗ thêm vào Kinh để sát hạch lại, bèn sai Đại học sĩ Trương Đăng Quế và Hà Quyền làm đồng Chủ khảo xét hạch trực tiếp. Kết quả đánh hỏng 05 người là Phan Đình Tuyển, Đặng Văn Khải, Lê Cán, Nguyễn Phong và Phan Đình Phong.
      Sau vụ nầy Vũ Đức Khuê và Lâm Duy Nghĩa là Chánh - Phó Chủ khảo trường Nghệ An bị giáng 01 cấp.
              Theo Quốc sử quán triều Nguyễn.

* Xem danh sách các tân khoa năm Đinh Dậu 1837, chúng ta thấy bóng dáng của tổ tiên, ông bà từng một thời khó nhọc đèn sách lai Kinh ứng thí đem sự học ra phụng sự Quốc gia.
Những tân khoa ngày đó có nhiều người sau nầy làm quan to, nắm giữ vận mệnh dân tộc mà sử sách còn nhắc tới.


CHIẾC XE HON ĐA DAME C50 Ở ĐÀ NẴNG (Trước 1975)./HONDA DAME C50 MOTO IN DA NANG (Before 1975).

CHIẾC XE HON ĐA DAME C50 Ở ĐÀ NẴNG
       (Trước 1975).
    Trong ảnh đoạn nầy bây giờ là đường Ngô Quyền, thuộc quận Sơn Trà hướng về bán đảo Sơn Trà.
    Chiếc Honda dame C50 mới cứng vừa lấy từ đại lý ra thì phải?
    Năm 1968 ba tui cũng mua 01 chiếc, nghe nói giá 38.000đ.

BẢN ĐỒ THỊ XÃ ĐÀ NẴNG TRƯỚC 1972./Map of Da Nang Town before 1972/1972년 이전의 다낭 타운 지도









     BẢN ĐỒ THỊ XÃ ĐÀ NẴNG TRƯỚC 1972.
        Bản đồ địa hình Thị xã Đà Nẵng do người Mỹ vẽ trước 1972.
        Đà Nẵng vốn có sông, có biển, có rừng, có đồng bằng - trung du và đồi núi.
       Đặc biệt có vũng Thùng vừa kín gió với độ sâu lý tưởng >15m nên tàu to có thể ra vào dễ dàng.
       Theo bản đồ thì vùng biển bắc Sơn Trà có độ sâu sâu nhất, xấp xỉ 30m nên các hàng không mẫu hạm của Mỹ thường neo đậu ở đây mỗi khi ghé Đà Nẵng. 
       Vùng biển ở phía đông có bờ cát dài và nông thích hợp tắm biển nhưng ra chừng vài hải lý cũng đã đạt độ sâu trên 20m thuận lợi cho đánh bắt hải sản.
       Đà Nẵng vừa đa dạng về địa hình, lại vừa đẹp, người dân hiền hòa thân thiện.

Ngày xưa đâu đó trên đường Phan Châu Trinh hay Lê Lợi - Đà Nẵng.


"NHỨT SĨ"
Ngày xưa đâu đó trên đường Phan Châu Trinh hay Lê Lợi - Đà Nẵng.
Hằng ngày hay chạy xe trên đường nầy cứ nghĩ đến "Nhất Sĩ nhì Nông hết gạo chạy rông - nhất Nông nhì Sĩ"... lại cười thầm.
      Chừ quên mất nó nằm ở chỗ nào?
      Theo anh Nguyễn Văn Gia, sau nầy trở thành cà phê Tuổi Ngọc, nhìn xéo qua bên kia đường là nhà Bác sĩ Trần Đình Nam.

1 tháng 4, 2024

Mòng biển đuôi đen - Larus Crassirostris


Mòng biển đuôi đen - Phân bố ở Đông Á bao gồn Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan và Triều Tiên, chúng vừa có cánh rộng, chân lại có màng như vịt. Đây là loài chim di cư hiếm, lần đầu tiên chúng đến đây và đang thong dong kiếm ăn ở bờ biển Đà Nẵng.







24 tháng 2, 2024

THƯ CỦA PHẠM PHÚ THỨ & HOÀNG DIỆU GỞI KHÂM SAI HỌ HOÀNG VỀ VIỆC CỨU TẾ CHO DÂN QUẢNG NAM BỊ ĐÓI DO THIÊN TAI

Cụ Phạm Phú Thứ 1821 -1882

   Tuy làm quan ở xa quê nhà nhưng 02 danh sĩ đất Quảng là Phạm Phú Thứ, Tổng đốc Hải Dương - Quảng Yên và Hoàng Diệu, Tổng đốc Hà Nội vẫn canh cánh nỗi đau do thiên tai gây cảnh mất mùa đói kém, người chết ở quê nhà Quảng Nam.
     Hai ông cùng đứng tên gởi Khâm sai họ Hoàng (Hoàng Kế Viêm ?) đang được vua cử đi cứu tế khẩn cấp cho dân Quảng Nam, mặt khác ông cũng nhờ vào mối quan hệ của mình với người Pháp để nắm tin tức và nhờ họ cùng cứu tế giúp.
      Đọc thư của 02 ông mới hiểu thêm tấm lòng với quê nhà.
      Thư nầy được viết vào cuối năm 1876 do Phạm Phú Cường cháu đời thứ 5 của ông gởi cho tôi.
Cảm ơn Cuong Pham Phu .



     Thư của Phạm Phú Thứ và Hoàng Diệu
GỬI QUAN KHÂM SAI HOÀNG ĐẾN QUẢNG NAM CỨU GIÚP – KÝ KHÂM SAI HOÀNG VÃNG QUẢNG NAM ĐIỀU TẾ
      Tỉnh Quảng Nam ta đang ở tình huống cấp bách khó khăn về lương thực. Từ khi được quý đài cầm cờ tiết đến cứu giúp, người trong tỉnh trông cậy vào điều ấy. Người ở xa cũng vui mừng khôn xiết. 
          Nhưng trung tuần tháng này, Thứ tôi tiếp quan Năm (Đại tá), phái viên của nước Pháp đến nói, tàu chiến của họ trên đường ra Bắc qua cảng Đà Nẵng vừa gặp gió bão tràn đến, nhà tranh trôi nổi, quan dân cất chứa thóc lúa vì bị lũ lụt nên kho trống rỗng, bị đói tràn lan và chết rất nhiều. Nha Thương chính đã gửi thư cấp báo và đến hỏi sự thực, trước sau một lời là phải gấp kêu gọi thuyền gạo đến bán để cứu sự cháy bỏng đã đến chân mày (ý nói việc cấp bách).
       Hỡi ôi ! Sinh linh phương này kiếp vận đến thế ư ! Quy về nơi điạ lợi thì chưa phục hồi, nhân hòa chưa đáng tin, tức đã có lời này. Nhưng từ xưa chưa từng có vùng đất nào mà trong hơn 20 năm phải chịu tai ách, đói kém đến như thế này. Thực là không biết việc đó sao lại như thế. Tỉnh Đông (Hải Dương) nơi Thứ tôi phụng mệnh triều đình, tổng đốc Hải An kiêm Tổng lý Thương chánh ở đây đã ra lệnh đến các thuyền buôn gạo phụ vào với các thuyền của Tây đi nhanh đến nơi, và tiếp sau thêm ba, bốn chiếc thuyền lớn nữa. Dùng người ngoại quốc để cứu dân ta đang lúc đói khát, thật là tình trạng hiện nay ẩn nỗi xót xa. Huống gì ta khuyến khích họ nhanh tới đến cứu chẩn, họ lại có thể theo đó mà đánh chiếm nơi này ư ! Ngày trước đã gửi sớ trình xin miễn thuế cảng (chưa tiếp được bản sao của Bộ), khiến họ vui vẻ ứng cứu dân bị đói. Gạo bán và gạo nhà nước tiếp tục lưu thông nhờ đó sớm chiều có thể nhân đó mà trù hoạch kỹ càng kế sách tốt đẹp về sau.
      Quý đài gần đây đích thân xem xét cứu giúp có phương sách, tưởng rằng toàn cõi sẽ yên lành không lâu sau. Vào tiết Nhất dương, thuận cầu huynh may mắn.
                     PHẠM PHÚ THỨ
(PHẠM PHÚ CƯỜNG, Cháu 5 đời chép lại).





4 tháng 2, 2024

NGƯỜI LÀM MẶT NẠ HÁT BỘI Ở HỘI AN /会安的面具艺术家/AN ARTIST MAKES MASK IN HOI AN/アーティストがホイアンでマスクを作る

Ông Bùi Quý Phong trước gian hàng
NGƯỜI LÀM MẶT NẠ HÁT BỘI Ở HỘI AN 
      AI ĐẾN HỘI AN HÃY NHỚ GHÉ THĂM GIAN HÀNG MỸ NGHỆ VÀ CŨNG LÀ NƠI CHẾ TÁC NHỮNG TÁC PHẨM NGHỆ THUẬT CỦA NGHỆ NHÂN BÙI QUÝ PHONG.
     NHỮNG MẶT NẠ MANG NHỮNG KHUÔN MẶT ĐẦY BIỂU CẢM THỂ HIỆN TÂM TRẠNG HỈ - NỘ - BI - ÁI - Ố - CỦA NHỮNG NHÂN VẬT TRONG NGHỆ THUẬT TUỒNG CỔ VIỆT NAM. 
     NHỮNG TÁC PHẨM CỦA ÔNG ĐƯỢC ĐẮP NHIỀU LỚP  GIẤY VÀ ĐƯỢC TÔ VẼ CÔNG PHU ĐẦY SỰ SÁNG TẠO VỚI NHỮNG GAM MÀU RỰC RỠ.
   ĐẾN ĐÂY DU KHÁCH CÓ THỂ XEM VÀ MUA NHỮNG TÁC PHẨM ĐẶC BIỆT NẦY VỚI MỨC GIÁ 300.000 VNĐ (Tương đương 12 đô la Mỹ). KHÔNG NHỮNG THẾ DU KHÁCH CÒN ĐƯỢC MỜI CHỤP ẢNH VÀ GIAO LƯU VỚI NGHỆ NHÂN ĐỂ TÌM HIỂU VỀ BỘ MÔN NGHỆ THUẬT NẦY.
    ĐỊA CHỈ GIAN HÀNG 58/7 ĐƯỜNG LÊ LỢI, THÀNH PHỐ HỘI AN.













23 tháng 1, 2024

TRÙNG TU CHÙA CẦU HỘI AN. - RESTORATION OF COVERED BRIDGE IN HOIAN/ホイアンの屋根付き橋の修復

Chùa Cầu Hội An 1920


TRÙNG TU CHÙA CẦU HỘI AN.
Là biểu tượng của Hội An, có tuổi đời hơn 400 năm, được xây dựng dưới thời Chúa Nguyễn Phúc Nguyên bởi các thương nhân Nhật Bản. Đây là lần thứ 9 Chùa Cầu được trùng tu sửa chữa lớn.
Các lần trùng tu trước vào các năm 1653, 1763, 1817, 1875, 1917, 1962, 1986, 1996 và 2023.
       Đây là phần còn lại sau khi đã hạ giải.
   Tấm ảnh đen trắng về Chùa Cầu được chụp chừng 1920 tức sau lần trùng tu thứ 5 dưới thời vua Khải Định.






Đình Ông Voi ở Hội An

Đình Ông Voi hay còn gọi là đình Hội An, là ngôi đình cổ của người Việt có từ thời Hậu Lê, nằm trên đường Lê Lợi, Hội An mặt quay về hướng Nam.
Sau mấy mươi năm bị trưng dụng làm trường mẫu giáo nay được trả lại đúng chức năng của ngôi đình làng như xưa.
Không biết tên của ngôi đình xưa được lấy để làm tên cho thành phố nầy hay không?