ngobadung

30 tháng 5, 2021

Chuyện chưa biết về Cô Giang

Chuyện chưa biết về Cô Giang
        Cô Giang, vợ Nguyễn Thái Học một phụ nữ có nhan sắc, thông minh, gan dạ, để chuẩn bị khởi nghĩa và giữ bí mật. Bà thường trực tiếp chuyển các tài liệu đến các đầu mối liên lạc. Sau khi Nguyễn Thái Học bị bắt, mật thám Pháp truy lùng bà ráo riết. Có 02 lần bà cải trang thành nam giới để thoát khỏi sự theo dõi của mật thám. Vào đầu tháng Năm 1930 mật thám bắt Ký Con ở Nam Định, bà có mặt ở đó nhưng đã may mắn trốn thoát.
       Đến khi Nguyễn Thái Học và các chiến sĩ VNQDĐ bị xử tử ở Yên Báy hôm 17.6.1930, Bà đã cải trang có mặt tại pháp trường Yên Báy để theo dõi. Qua hôm sau 18.6 bà về làng Thổ Tang thăm cha mẹ chồng, cũng là báo tin buồn cho 02 cụ. Lúc sau bà mặc luôn đồ tang đi ra một chòi lá giữa đồng rồi rút súng lục bắn vào thái dương tự tử theo chồng. 
       Sự việc có người nhìn thấy. Khi khám xét thấy có 02 bức thư. Để cho chắc chắn, Chánh mật thám Arnoux đem theo 02 yếu nhân VNQDĐ đã quy hàng về nhận dạng thi thể mới an tâm cho chôn!
              (Theo báo PNTV. năm 1931)





23 tháng 5, 2021

Đọc báo xưa: Sài Gòn Nhật báo số ra 23 Janvier 1931



     ĐỌC BÁO XƯA
      "Con beo chụp thằng mọi ở Xuân Lộc" - Saigon Nhật báo, số ra 23 Janvier 1931 đăng:
     "Hồi 7 giờ sáng ngày 19 Janvier, tên mọi Mót ở làng Cam Mỹ (Xuân Lộc) lội ra suối tắm chơi, lúc đi ngang lùm cây nó dòm thấy một con beo ngồi chò hỏ. Trong lúc ấy mọi Mót có mang tên ná liền nhắm nhía muốn thảy con beo một phát, ai dè chưa kịp lãy tên, con beo đã nhảy vồ ra chụp vai tên mọi Mót, táp vào đầu nó và quào mặt mày, lưng ngực nó tan nát, máu chảy dầm dề.
       Tên mọi la làng, dân quanh đó xì chó chạy ra tiếp cứu. Bầy chó ào vô cắn con beo, beo liệu thế thả mồi mà chạy.
       Coi lại thì Mót chưa chết nhưng đã ngất ngư. Người ta khiêng nó vô nhà thương sở cao su Xuân Lộc băng bó rồi khiêng luôn lên nhà thương Biên Hòa, coi bộ bịnh tình nặng lắm. Còn con beo nhờ có bầy chó bủa vây, dân sự đã xúm vô đập chết nó rồi. Xác con beo nằm nhăn răng to như con cọp.

     
Xem ra với lối hành văn mộc mạc nhưng rất hình tượng. Đọc tin ta cũng hình dung gần 100 năm trước, nhiều nơi ở xứ ta còn hoang vu lắm. Cọp beo còn luẩn quẩn sống chung với người".

17 tháng 5, 2021

Danh sĩ Tôn Thọ Tường 1827 -1877

   Danh sĩ Tôn Thọ Tường 1825 -1877.
       Quê quán Gia Định - Saigon. Vì ra cộng tác với Pháp thuộc lớp đầu tiên nên bị dư luận chỉ trích mạnh mẽ.
       Để thanh minh cho mình, ông có bài thơ trần tình khá nổi tiếng. Phía chỉ trích ông có cụ Phan Văn Trị cũng có bài họa đối đáp mà người đương thời gọi là "Cuộc bút chiến". Cả hai bài thơ của hai ông được đưa vào chương trình SGK lớp 9, môn Văn học Sử, phần cổ văn trước 1975.
Ông Tường ví mình với nhân vật Tôn Phu nhân, là em gái của Tôn Quyền, vua nước Đông Ngô lấy chồng là Lưu Bị, vua nước Thục Hán. Hai nước là cựu thù của nhau. Bài thơ thể hiện tâm trạng dằn vặt của danh sĩ họ Tôn trước việc bỏ triều đình theo Pháp cũng giống như "Tôn phu nhân rời Ngô quy Thục".


"Cật ngựa thanh gươm vẹn chữ tòng,
Ngàn thu rạng tiết gái Giang Đông.
Lìa Ngô bịn rịn chòm râu bạc;
Về Hán trau tria phận má hồng.
Son phấn thà cam dày gió bụi;
Đá vàng chi để thẹn non sông.
Ai về nhắn với Chu Công Cẩn
Thà mất lòng anh, đặng bụng chồng".
+ Bài họa lại của Phan Văn Trị, ông Trị là bạn thân của ông Tường, có lập trường chống Pháp.
"Cài trâm sửa trấp vẹn câu tòng,
Mặt ngã trời chiều biệt cõi Đông.
Tơ toả trời Ngô in sắc trắng,
Duyên về đất Thục được màu hồng.
Hai vai tơ tóc bền trời đất,
Một gánh cang thường nặng núi sông.
Anh hỡi Tôn Quyền anh có biết,
Trai ngay thờ chúa gái thờ chồng".
Ông Tôn Thọ Tường làm đến chức Đốc Phủ Sứ, tức Tỉnh trưởng Gia Định Saigon xưa.

Miêng Công tử, con nhà giàu thành dân giang hồ đất Sài Gòn xưa

Cậu nhỏ chừng 7 tuổi là
Huỳnh Công Miêng

  Lại nói thêm về Lãnh binh Huỳnh Công Tấn.
Ông Huỳnh Công Tấn có con trai là Huỳnh Công Miêng (cậu nhỏ chừng 7 tuổi trong ảnh).
Ông Miêng được cha cho đi du học bên Pháp, khi về nước được Pháp bổ làm thông ngôn nhưng ông tỏ ra bất mãn, sớm từ chức.
        Miêng Công tử nổi tiếng chơi rất sang, xài tiền như nước nên chẵng mấy chốc tài sản như núi của cha để lại cũng tiêu tán hết. Ông cũng còn nổi tiếng là người nghĩa hiệp lại giỏi võ nghệ. Luôn hành hiệp cứu người cô thế nên được dân chúng Saigon kính nể khi còn sống cũng như lúc chết.
       Chính vì tính hào hiệp bênh người bị ức hiếp mà ông bị "thế lực ngầm" lúc bấy giờ đoạt mạng bằng dao kiếm.
       Người miền Nam nói chung, dân SG nói riêng rất sòng phẳng, chuyện chi ra chuyện đó. Đối với cha là Huỳnh Công Tấn theo giặc, ác với dân, họ sẵn sàng lật đổ bàn thờ- bia mộ nhưng với con là Huỳnh Công Miêng dù là dân chơi giang hồ nhưng sống có nghĩa khí, hào hiệp thì dân sẵn lòng lập miếu mà thờ là vậy.
        Ngày nay ai đi qua cầu Ông Lãnh, nếu có rảnh thì quẹo trái xuống đường Cô Giang, tới đình Nhơn Hòa, nơi hậu đình có bài vị thờ Miêng công tử.

Đình Nhơn Hoà, đường Cô Giang, Quận 1- Nơi có bài vị thờ Miêng Công tử


Những số phận bất hạnh với những hậu duệ của Đông cung Thái tử Nguyễn Phúc Cảnh.

            

Đây là các thành viên thuộc đời thứ 03 của gia đình Đông cung Thái tử Nguyễn Phúc Cảnh. (Hoàng tử Cảnh).
      Ngai vàng sẽ về tay ông nếu ông không mất vì bệnh đậu mùa vào năm 22 tuổi.
      Theo lệ thường Mỹ Đường (con Hoàng tử Cảnh) tức cháu nội đích tôn của vua Gia Long sẽ làm vua chớ không phải vào tay ông chú là Hoàng tử Đảm (Minh Mạng).
       Sau đó vợ Hoàng tử Cảnh là bà Tống Thị Quyên bị hành hình và các con là Mỹ Đường và Mỹ Thùy đã vướng vào tù tội vì vụ án mà lịch sử cho là không rõ ràng dưới triều vua Minh Mạng?
      Đông cung và gia đình ông đều sùng đạo Thiên chúa. Có phải đó là nguyên nhân ?

10 tháng 5, 2021

TQLC Mỹ đổ bộ vào Đà Nẵng vào ngày 08 tháng 03 năm 1965



            
Đoàn convoy Mỹ vượt sông Hàn qua bờ Tây

TQLC Mỹ đổ bộ ở bờ biển Xuân Thiều - Nam Ô

        Đà Nẵng 1965- đoạn gần bến phà đường Bạch Đằng.
       Từng đoàn convoy của người Mỹ qua phà và người dân Đà Nẵng tò mò theo dõi!
      Qua ảnh của Terence Spencer, ta biết thêm ngoài việc đổ quân vào Nam Ô, Phú Lộc, Thanh Bình. Họ còn đưa quân từ phía biển bên Thọ Quang qua sông vào nữa!
           Ảnh của Terence Spencer.

Người sống qua 03 thế kỷ xưa?



  Bưu ảnh đóng dấu bưu điện Tourane 1904.
"Nhân sinh thất thập cổ lai hi" nhưng ở Hanoi xưa cũng có cụ thọ 103 tuổi, thật là hiếm!
    Bưu ảnh có dấu bưu điện 1904 thì ảnh đã chụp trước đó một thời gian. 
   Ví dụ chụp 1901 hay 1902 thì cụ sinh vào năm 1798 hay 1799 như vậy đã sống qua 03 thế kỷ. (18,19,20)

Chuyện chưa biết về Ông Ích Khiêm

  • Mộ Ông Ích Khiêm ở Phường Hoà Thọ; quận Cẩm Lệ Đà Nẵng
  • Ảnh trên Internet

 Ông Ích Khiêm nguyên là họ Ong (gốc Chàm). Vua Tự Đức đổi cho họ Ông, lại bổ làm Tri huyện Kim Thành, Hải Đông (Hải Dương).
         Do tính nóng nảy, hay cãi nên bị quan trên không ưa nên bàn nhau cho hoán đổi ra huyện ngoài miền bể (biển) Kiến An, chỗ đất giặc giã hay hoành hành. Biết bị chèn ép nên còn dùng dằng chưa nhận nhiệm vụ mới thì hay viên Tri huyện ở "huyện giặc" đã hòm xiểng về định thay thì bị ÔIK bắt đem nộp cho quan Thượng với lý do "Huyện là chỗ đất giặc, thế mà dám bỏ về, ngộ mất huyện thì sao"?
     Quan Thượng biết rằng ÔIK "chướng" nhưng không làm sao bắt bẽ được!
     Từ ngày ra huyện mới ÔIK ra sức dẹp giặc. Ông thường đóng khố cùng hàng chục thân binh xông pha đột phá sào huyệt giặc, mà giặc vùng biển phần lớn là Tàu ô rất hung hăng.
     Quan đại Nguyễn Tri Phương biết tiếng ban cho chức Tiểu Phủ Sứ (sau nầy dân Quảng Nam hay gọi Tiểu Phong Lệ - Phong Lệ là làng của ÔIK).
Tiểu Phủ Sứ chức thì nhỏ nhưng việc thì lớn, ông thường đem quân dẹp giặc lúc lên rừng, lúc xuống biển, có lần mang quân đánh giặc Tàu Ngô Côn, ông cũng bị cho là người đè vua Hiệp Hòa đổ thuốc độc vào miệng cho đến chết theo lịnh của cụ Thuyết vì vua chủ trương hòa hoãn với Pháp.
       Là người khí khái, yêu nước ông từng có thơ
"Áo chúa cơm vua đã bấy lâu. Đến khi có giặc phải thuê Tàu". (Nhà Nguyễn mượn Tàu để kiềm chân Pháp)
   Khi bị giam trong tù ông còn hăm he.
"Truông qua chưa khỏi đừng khinh khái (cọp)
Chim sổ lồng ra để đó coi"
 
(viết theo báo Lục Tỉnh Tân Văn, năm 1935)

Hoà Phát, Phước Tường - Đà Nẵng 1965

Photo by Marine Corps



       Đà Nẵng, Phước Tường - Hòa Phát 1965.
Ảnh chụp từ căn cứ của Mỹ. Có lẽ nhằm ngày chủ nhật nên giáo dân ăn mặc đàng hoàng để đi lễ.
Hồi đó xóm dọc đường xe lửa hầu hết là đồng bào miền Bắc di cư.

Bắt chí




             Đồng bào dân tộc Tây Nguyên xưa đang bắt chí (chấy) cho nhau trong lúc rảnh!
             Hồi nhỏ thấy người kinh cũng hay bắt chí bỏ miệng cắn.
             Không biết ai bắt chước ai?

Pont des Messageries Maritimes -cầu Mống xưa và nay

Cây cầu xưa nhất Saigon có tuổi đời gần 130 năm, nối giữa Quận1 và Quận4 - Cầu Mống.
Cầu Mống xưa - Pont des Messageries Maritimes



5 tháng 5, 2021

NGƯỜI ĐÃ TỪNG SỐNG 180 NGÀY TRÊN ĐẢO LỚN HOÀNG SA.

Ông Phạm Công Hối
NGƯỜI ĐÃ TỪNG SỐNG 180 NGÀY TRÊN ĐẢO LỚN HOÀNG SA.
     Ông Phạm Công Hối, 84 tuổi, dân gốc Thạc Gián, trú tại Lưu Quý Kỳ, Phường HCN, Đà Nẵng.
    Từng có thời gian "lưu đày" 180 ngày, làm lao công trên đảo Hoàng Sa, năm 1965 nhóm của ông gồm 06 lính hải quân VNCH bị phạt quân kỷ phải ra đảo làm lao công dưới quyền của viên Trung úy và trung đội TQLC đóng tại đây.
    Trên đảo chỉ có trạm khí tượng với 04 người và hơn 30 lính trấn đảo. Công việc của ông và nhóm lao công là đắp công sự, quét dọn vệ sinh doanh trại hằng ngày. Cơm ăn ngày 02 bữa do bếp của trung đội cung cấp.
      Trên đảo thứ nhiều nhất là chim biển và phân chim, phân đóng dày cả mét. Chim mòng biển rất nhiều nhưng không ăn được vì thịt quá tanh!
Sau chim biển là vích (rùa biển) to bằng cái nia, hay di chuyển lên bờ để đào hố đẻ trứng. Lính đảo chỉ việc lật ngửa vích rồi làm thịt phơi khô dự trữ.
Phần thịt thừa mang đổ ra biển, nghe tanh lũ cá mập kéo vào quậy tung bờ.
      Sò biển to bằng cái bát cũng là đặc sản ở đây, nhiều quá, phải lấy thịt phơi khô để dành ăn dần trong mùa biển động.
     Paracels hay Hoàng Sa chỉ là quần đảo khô cằn, trên đảo chỉ có cây nhàu mọc lưa thưa, ở chỗ cao nhất là một ngôi miếu nhỏ và tấm bia chủ quyền của Việt Nam bằng chữ nôm và chữ Pháp đã cũ kỷ.
Ngoài trạm khí tượng, truyền tin còn có doanh trại lợp ngói cho những người lính trú ngụ. Doanh trại được xây từ thời Pháp chừng 60m2, phía dưới là một hầm mà dung tích cũng chừng 60m3 để chứa nước mưa, nước được hứng từ mái doanh trại theo các máng xối thu xuống. Đây là nguồn nước ngọt duy nhất trên đảo dùng để uống và nấu ăn.
     Trên đảo còn có một giếng cổ nhưng nước lơ lợ chỉ dùng để tắm giặt vì ít ai dám xuống biển do sợ cá mập tấn công!
    Trung đội TQLC có trách nhiệm ra giữ đảo đến 06 tháng lại có trung đội khác ra thay. Về sau mới thay bằng các lực lượng Địa phương quân thuộc huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam ra để thay thế.
     Theo ông Hối, thời gian ra đảo theo quyết định là 03 tháng nhưng do thời tiết biển động nên kéo dài 06 tháng mới có tàu hải quân ra đón về, tuy lao động đơn giản nhưng rất buồn vì không có radio hay phương tiện giải trí gì khác. Suốt ngày chỉ nghe gió và sóng biển rì rào, hơn nữa với thân phận là quân nhân bị kỷ luật nên càng không có tin tức gì về đất liền và gia đình.
       Đã ngoài 80 nhưng ông vẫn còn nhớ như in những ngày trên đảo Hoàng Sa.
"Nếu nói vẽ, tôi có thể nhớ và vẽ đầy đủ các công trình kiến trúc và địa hình trên đảo Hoàng Sa ngày đó".
                                                                                          Ngô Bá Dũng