ngobadung

22 tháng 8, 2023

VUA MINH MẠNG KỂ CHUYỆN CON VOI CỦA CHÚA TIÊN.

VUA MINH MẠNG KỂ CHUYỆN CON VOI CỦA CHÚA TIÊN.
   Một hôm trong lúc rảnh vua kể với Phan Huy Thực rằng: Tiên triều ta (ý nói chúa Nguyễn Hoàng) có con voi đực tên Tế. Khi quân Trịnh vào lấn (xâm chiếm) Chúa sai tướng cưỡi nó đi cự chiến bên bờ bắc (vượt sông Gianh) rồi lội về bờ Nam. Quan quân ta nhiều người chết. Voi bèn lấy vòi dò trên bành biết là không có chủ tướng, nó bèn tự lội quay trở lại bên kia sông rồi tìm thấy tướng mục bị thương mang về tới bờ Nam rồi rống lên một tiếng ngã lăn xuống đất chết. Đến nay còn thờ. Đó là bằng chứng rõ ràng về tính tốt của giống voi".
               Theo Quốc sử quán nhà Nguyễn.


       * Người được vua kể chuyện là thầy dạy các hoàng tử, sau nầy làm Thượng thư Bộ Lễ - Phan Huy Thực.
        Chuyện con voi thời chúa Tiên, gặp lúc nguy nan không quên chủ tướng của mình, nó lao vào chốn hiểm nguy để cứu chủ đến nổi phải bỏ mạng vì cung tên giáo mác thật là con vật vừa có Nghĩa vừa có Dũng.
       Theo câu chuyện trên, con voi được nhà nước cho lập đền thờ nhưng không rõ thời gian và chiến tranh ngôi đền còn hay mất ở bờ Nam sông Gianh?


SAIGON - phụ nữ tân thời 100 năm trước.



Phụ nữ tân thời 100 năm trước.
    Phụ nữ Saigon tay mang dù Nhật Bản, y phục toàn lãnh Ba Biên láng bóng, guốc gỗ vông (loại thời trang rất mới thời ấy - loại gỗ rất nhẹ), tay và cổ đeo vòng, kiềng ... phong cách ngồi cũng "nhất hạng" .
    Chị nầy nổi tiếng vì có nhiều hình được in trên bưu ảnh xưa, chỉ sau Cô Ba Saigon mà thôi!


21 tháng 8, 2023

ĐẠI LÃO HÒA THƯỢNG XƯA QUA BƯU ẢNH


    Y phục của nhà sư toàn gấm Tống đắt tiền. Đồ bày biện chung quanh cũng rất sang trọng.
    So sánh những tấm ảnh cùng thời của các quan đại thần, các nhà giàu hay cả các vua triều Nguyễn cũng không thấy ai ăn mặc sang hơn?
    Chứng tỏ người trong ảnh là vị chân tu có uy tín và được trọng vọng ở kinh đô.

Mấy ông bà "con nít" ở Đà Nẵng xưa đều biết ông bán cà rem nầy ?

    Mấy ông bà "con nít" ở Đà Nẵng xưa đều biết ông bán cà rem nầy ?
   Ổng bán kem trên chiếc xe đẩy ba bánh và tự đặt cái tên tây cho oai "Kem Many đây" - để tiết kiệm hơi nhiều lúc ổng chỉ rung chuông "leng keng- leng keng" là con nít biết ra mua.
      Kem được múc trong cái muỗng chuyên dùng của Mỹ bằng inox sáng bóng - cứ 5 đồng 2 viên kem có rắc ít đậu phụng rang và một ít sữa đặc nằm trong cái phểu cũng là thứ bánh giòn ăn được.
    Hồi đó Đà Nẵng không lớn như bây giờ nên vài bữa lại nghe "Ai kem Many - leng keng leng keng"!

GAZ 63 - xe tải quân sự Liên Xô

GAZ63 
GAZ 63 - xe tải quân sự Liên Xô.
Trước đây ở miền Nam, nhiều người chỉ biết qua báo chí dưới cái tên Motolov thay vì Gaz.
    Motolov là đối tượng bị không quân Mỹ săn lùng trên cung đường Hồ Chí Minh mà người Mỹ gọi là "Ho Chi Minh trail".
      Gaz 36 cỡ trung, hai cầu bền bỉ - thích hợp chở quân, chở hàng. Mạnh mẽ trong việc trèo đèo lội suối phục vụ cho chiến trường.
      Sau tháng 03 năm 75 từng đoàn Gaz 36, Zil, Giải phóng lấm bùn từ bỏ những con đường đồi núi hiểm trở để tiến theo những con đường bằng phẳng QL số1 vào Nam.
      Những chiếc xe mình mang nhiều thương tích chiến trường như xe không kính, xe mất đèn, móp vè, thiếu lốp (sau)... với những câu viết trên thùng xe "Còi to cho vượt" "Yêu xe như con, quý xăng như máu"... đã gây sự tò mò, lạ lẫm của lớp trẻ chúng tôi thời ấy!
     Nay Gaz36, Zil ... đa số đã được "tái sinh" trong các lò nấu quặng.
     Gần đây điều lạ là với vô vàn thương hiệu xe hơi Nhật, Hàn, Âu, Mỹ tối tân, hiện đại, ta vẫn bắt gặp Gaz Nga có logo "con nai co giò" dưới những chiếc xe 16 chỗ chở khách du lịch hay loạt xe bus 16 chỗ mới trình làng ở Đà Nẵng.
       Tò mò đứng hỏi một tài xế Gaz 16c được biết tuy không bằng Transit Ford hay Hyundai 16c nhưng được giá rẻ chỉ trên 800 triệu (bên kia 1 tỷ - 1 tỷ 2) mau lại vốn. Khung gầm chắc chắn, máy Gaz lại bền (theo niềm tin từ trước) nên "chiến" thôi!
     Bữa nào rảnh sẽ leo lên chiếc bus Gaz ni thử!



GAZ 16 chỗ


15 tháng 8, 2023

Faifoo - Hoian đầu TK XX.

Faifoo - Hoian đầu TK XX.
Những thương nhân ngoại quốc lấy vợ Việt gồm người Tây (Bồ Đào Nha) và Tàu cùng chụp ảnh.
Phía sau là sông Hoài, vị trí có thể là trên sân thượng của căn nhà sát khu vực hô bài chòi hiện nay.
   (Hậu duệ của ông râu xồm trong ảnh đang là rể trong họ tộc toi).


10 tháng 8, 2023

Copy

Copy
    Đời học trò trừ những đứa quá giỏi thì ai cũng có lần copy bài.
   Hồi xưa học trò có câu châm chọc nhau.
   "Copy copy ông già
Đem về cho má mầy xem
     Má mầy đi bán cà rem chưa về".
          Tức nhất đang copy ngon lành mà hắn lật qua trang khác!

LÀNG ĂN MÀY CỨU CHÚA NGUYỄN ÁNH

LÀNG ĂN MÀY CỨU CHÚA NGUYỄN!
Theo cụ Vương Hồng Sển, làng có tên Nhơn Ngãi thuộc tỉnh Gia Định,
    Xưa ở đây là "xóm cái bang" chuyên nghiệp. Hằng ngày xách bị gậy đi ăn xin khắp nơi, tối về tụ tập ăn uống.
    Một hôm ngài Nguyễn Ánh bị Tây Sơn truy đuổi, một mình chạy lạc vào đây. Thấy người bị nạn, những người ăn mày ra tay cứu giúp đưa Nguyễn Ánh đi trốn. Số còn lại la hét, đập soong nồi ầm ĩ. Làm quân Tây Sơn tưởng lọt vào ổ phúc kích nên tháo lui.
        Về sau để nhớ ơn làng ăn mày Nhơn Ngãi (nhân nghĩa) vua ban thưởng cho những người có công và ban cho tên mới là Tân Lộc Phường.
Tên phường xưa, tôi đã tra, nay ở đâu đó gần giáo xứ Chợ Quán thuộc phường 2, quận 5, tp HCM.

Hương hỏa

NGHE HOÀI MÀ CHƯA HIỂU TƯỜNG TẬN.
     Hương hỏa: Hương là thắp nhang; Hỏa là thắp nến.
    Trên bàn thờ xưa "hương hỏa" được thắp dài dài là tượng trưng cho sự trường tồn của gia đình dòng họ.
Vì vậy mà ta hay gọi nhà hương hỏa là nhà để thờ để... "hương hỏa", con cháu không được bán.
           Theo giải thích của cụ Sơn Nam.

2 tháng 8, 2023

GIẾT CHA ĐỂ LÀM THỊ LANG!



GIẾT CHA ĐỂ LÀM THỊ LANG!
"Sát tứ phụ nhi Thị lang".
Câu nói mà người đời ám chỉ đến Ngô Thời Nhậm.
"Sát tứ phụ" tức là "giết" 04 người cha để con làm Thứ trưởng.
         1. Ngô Thì Sỹ (cha)
         2. Trịnh Khải (chúa)
         3. Lê Khắc Tuân (bạn của cha)
         4. Nguyễn Khản ( bạn của cha) Quân - Sư- Phụ.
    Lúc nầy chúa Trịnh Sâm có ý phế con trưởng là Khải và lập con thứ là Cán ở ngôi chúa.
    Khải được sự bảo trợ của 2 viên quan Trấn thủ Kinh Bắc là Tuân và Trấn thủ Sơn Tây là Khản sẽ mang quân về tiếp ứng để Trịnh Khải lên làm chúa.
    Âm mưu trên đến tai Ngô Thì Nhậm, Nhậm bèn báo cho phe Đặng Thị Huệ (mẹ Trịnh Cán) biết.          Huệ báo cho Sâm âm mưu trên nên phe âm mưu soán ngôi bị Trịnh Sâm thanh trừng, số bị giết, số bị bãi chức, bị giam. Người ta gọi là vụ nầy là vụ án năm Canh Tý (1780).
Trịnh Sâm giao cho Ngô Thì Nhậm điều tra lấy cung các nghi phạm.
      Cha Nhậm là Ngô Thì Sĩ đã phản đối từ khi Nhậm đứng về phía Đặng Thị Huệ.
     Ông Sĩ uất nên uống thuốc độc tự tử, ba người còn lại là chúa và bạn của cha đều chịu liên lụy (01 chết, 01 giam, 01 bị bãi chức.
      Sau vụ án Canh Tý, Ngô Thì Nhậm được phong Tả Thị Lang Bộ Công nên người đời có câu "Sát tứ phụ nhi Thị Lang" là vậy!
            Theo Đại Việt Sử ký.


      * Ngô Thời Nhậm về sau bỏ chúa Trịnh ra làm quan cho triều Tây Sơn lên đến chức Thượng thư Bộ Binh.
     Tây Sơn sụp đổ Nhậm ra yết kiến Gia Long được tha tội. Về sau bị dư luận sĩ phu Bắc Kỳ lên án nên vua giao cho nhân sĩ Bắc thành luận tội. Nhậm bị đánh đòn ở Văn Miếu. Sau trận đòn Nhậm về nhà mấy hôm rồi chết.
      Nghi án: Đặng Trần Thường trả thù Nhậm khi trước Thường nhờ vả Nhậm giúp đề cử với nhà Tây Sơn nhưng bị Nhậm sỉ nhục - Thường giận bỏ vào Nam theo nhà Nguyễn đến nay cũng giữ chức Thượng thư cho chính quyền mới.
        Ông Thường cũng là người chủ trì đánh đòn 02 ông Thượng thư 01 ông Thị Lang triều Tây Sơn ở Văn Miếu hôm đó nhưng chỉ ông Nhậm chết!
"Sát tứ phụ nhi thị lang" thật ra là gián tiếp. Người đời, nhất là nhân sĩ Bắc Hà phần đông không ưa ông. Vì khi cha ông giận ông mà chết ông bèn xin về chịu tang việc truy án do Lê Quý Đôn tiếp tục cho đến kết thúc vụ án năm Canh Tý.

RÁC MỸ


XÓM tôi ở Hòa Phát trước 75 có ông Hào nhờ thầu rác Mỹ mà giàu có. "Xài như Mỹ" là câu nói cửa miệng của nhiều người khi nói về sự phung phí, thừa mứa của lính Mỹ từ thực phẩm, nhiên liệu, đồ dùng, phương tiện...
          Tuy vậy nhiều khi lính Mỹ cũng thèm bánh mỳ nóng giòn từ các lò thủ công, cà rem cây, kẹo đậu phụng, hay các loại trái cây nhiệt đới như dưa hấu, mít...
          Binoctan là loại thuốc an thần có in số 10mg rất lớn ngoài bao bì, không biết vì sao nhiều lính Mỹ biết mà tìm mua, với tiếng lóng là "Number Ten".
         Chắc dùng thứ nầy để họ quên đi tâm trạng lo lắng, mất ngủ vì đạn bom chiến tranh?

BÁN CHIẾU DẠO Ở ĐÀ NẴNG TRƯỚC 75.

BÁN CHIẾU DẠO Ở ĐÀ NẴNG TRƯỚC 75.
Mấy ông bán chiếu dạo ở đây rất ưa nói thách. Vì lúc ra giá thường gấp 2 hay gấp 3 giá bán cuối cùng.
           "Nói thách" dường như đã thành thói quen trong mua bán và làm người mua bị hớ - tức anh ách!. Có người nói nghề bán chiếu dạo luôn gánh nặng, đau vai nên đa phần là đàn ông đi bán.
Nhớ xưa Út Trà Ôn có bài "Tình anh bán chiếu" được ca đi ca lại trên đài phát thanh hoài.
            Người Quảng thường có câu: "Nói thách như mấy thằng cha bán chiếu" là vậy.
" C .h .i .ế. u không"? tiếng rao lanh lãnh của mấy ông bán chiếu từ rất lâu nay đà vắng bóng!

ÔNG CÒ - MÃ TÀ - ĐỘI XẾP.

ÔNG CÒ - MÃ TÀ - ĐỘI XẾP.
Trong Nam gọi là ông cò, ngoài Bắc gọi là đội xếp.
Saigon rộng lớn dân đông phải tuyển thêm người Ấn, Mã Lai làm cảnh sát nên gọi những người nầy là Mã Tà.
       Bởi vậy khi có nhà cháy, trộm cướp, đánh lộn, dân Saigon thường la " "Bớ mã tà". Giống như gọi cảnh sát bây chừ!
         Vì vậy mã tà là lực lượng "phụ trợ" cho các ông cò người Pháp khi tiếp xúc với dân bản xứ.
Ông cò thường đi 02 người bằng xe đạp, đeo súng lục nhưng mã tà cũng đeo bao da của súng lục nhưng lép kẹp chỉ nhét giẽ lau bên trong cho oai, chủ yếu bên hông đeo chiếc ma trắc dùi cui là chính.
           Theo nhà văn Tô Hoài, "họ thường phạt những ai đi xe đạp không phanh, không đèn, phạt đánh lộn, phạt phơi tả lót, phơi mền chiếu trước cửa, phạt những ai đứng đái đường. Mỗi lần đái là phạt 06 hào (cắc)... vì vậy các phu kéo xe mắc đái thì vừa chạy vừa đái vào bẹn".
"Ban đêm xe không đèn cũng 06 hào, không đủ tiền thì để xe lại chừng nào đem tiền đến thì lấy giấy phạt và đem xe về. Ai không có tiền thì chịu khó vô bót ngồi 24 tiếng nhịn đói, muỗi chích xong thì về"!
          Một xã hội mà không có mã tà, ông cò, đội xếp một ngày thì ... sẽ loạn!


CHUYỆN TÔI CHỤP CỔ VẬT CHAMPA.

CHUYỆN TÔI CHỤP CỔ VẬT CHAMPA.
       30 năm trước -hàng xóm tôi ở Đà Nẵng là người chuyên sưu tầm & buôn đồ cổ nên rất giàu có.
      Thuở ấy tôi có nghề tay trái nhiếp ảnh nên mỗi khi có món đồ mới, ông thường kêu tôi qua nhà chụp các mẫu vật. Chắc vì thấy tôi làm nghề tay trái lại là thầy giáo còi còm kín tiếng nên có ý giúp đỡ tôi qua trả công những tấm ảnh có phần hậu hĩnh.
          Trong vô số đồ cổ ấy phần lớn là đồ cổ Champa... những chiếc nhẫn kim loại to dị thường có đính ngọc, đồ tế lễ bằng vàng pha đồng, các tượng thần, tượng phật, tượng các con voi bằng bạch ngọc, các con dấu, gương soi mặt bằng đồng,  các đồ gốm nhỏ...
         Tôi có nhiệm vụ sắp xếp các cổ vật để chụp cho đẹp ở nhiều góc cạnh và sau đó giao ảnh cho ông.
            Hôm nọ ông đem một cổ vật được quấn khăn đỏ từ trong tủ ra một cách rất cẩn thận để cho tôi chụp. Đó là bức tượng thần rất oai dũng cao chừng 60cm, chân đạp trên chiếc đầu lâu, tay cầm kiếm chỉ xuống đất. Chiếc tượng rất thần thái, các chi tiết rất sắc nét thể hiện trình độ nghệ thuật rất cao mà tôi chưa từng thấy kể cả qua các ảnh bao giờ.
           Vài tuần sau ông qua nhà và tặng tôi cuốn tạp chí có bài viết bằng tiếng Anh và hình tôi chụp pho tượng.
          Tiếng Anh tôi chỉ biết lem nhem nhưng chi tiết tôi còn nhớ đó là thần Shiva bằng đồng pha vàng giá trị của bức tượng chừng hơn 100.000 đô la (thời giá 1993)- đây là bức tượng cực hiếm vì các tượng thần Hindu đa phần được chế tác bằng đá là chủ yếu nhưng đây là tượng bằng đồng pha vàng nên không bị hư hại theo thời gian!
            Sau vụ đó một vài tháng, vợ ông mang bệnh và đột ngột qua đời, tiếp sau cũng cùng năm ấy đến lượt ông nối gót ra đi. (Có điều là ông bà đang mạnh khỏe và còn là thầy thuốc Bắc nổi tiếng ở Đà Nẵng có nhiều bịnh nhân nhà giàu). Còn tôi thì đau ngất ngư... may nhờ trời mà qua khỏi.
            Không biết vì khi chụp, tôi trực tiếp sờ mó bức tượng nghi có tẩm chất độc chi không?
            Sau 02 cái chết đó, các con ông bà phải bán căn nhà to lớn ấy!
            Đó là sự thực chính tôi đã chứng kiến nhân chuyện tôi đăng bức tượng Champa ở nhà bà Phi Yến lại có bạn là Phuong Hoang Ngoc nhận xét mà tôi cho rất đúng:
        "Dùng đồ chơi người Chăm hầu như đều không tốt về tâm linh . Ai chơi đều thường hay gặp hoạ . Nên tránh . Nếu có nên tặng cho các bảo tàng là tốt nhất" .
           Ảnh chụp minh họa chụp ở bảo tàng Champa- rất tiếc vì thời gian quá lâu cuốn tạp chí có ảnh bức tượng ấy cũng không còn.


HAI CHA CON ĐỀU LÀM QUAN TỔNG ĐỐC.






Hai cha con viên Tổng đốc - Bưu ảnh xưa
HAI CHA CON ĐỀU LÀM QUAN TỔNG ĐỐC.
Cha Vy Văn Lý, Tổng đốc Lạng Sơn - con Vy Văn Định, Tổng đốc Nam Định, Hà Đông. (Ảnh chụp lúc ông 17 tuổi)
        Rể của cụ Vy Văn Định là giáo sư Nguyễn Văn Huyên, giáo sư Hồ Đắc Di, cháu rể là giáo sư Tôn Thất Tùng.
      Là gia đình danh giá, nhiều đời làm quan to ở vùng Lạng Sơn, Cao Bằng.