ngobadung

31 tháng 1, 2022

TRẤN THỦ QUẢNG NAM NGUYỄN PHÚC ANH LÀM PHẢN PHẢI BỊ CHÉM.


Dinh trấn Quảng Nam xưa
TRẤN THỦ QUẢNG NAM LÀM PHẢN PHẢI BỊ CHÉM.
        
Chúa Nguyễn Phúc Nguyên mất, thọ 72 tuổi, con là Nguyễn Phước Lan lên thay. Lúc bấy giờ người em của chúa Lan là Nguyễn Phúc Anh, làm Trấn thủ Quảng Nam sinh bất mãn muốn cướp ngôi người anh, bằng làm phản.
         Phúc Anh tụ tập mấy trăm dũng sĩ Quảng Nam trích máu ăn thề ghi tên vào cuốn sổ "Đồng tâm hướng thuận", Phúc Anh viết mật thư đầu hàng họ Trịnh, rồi phát binh đắp lũy Cu Đê cùng với thủy binh ở Đà Nẵng phối hợp chống lại triều đình.           Được tin dử, Chúa Lan sai Tôn Thất Khê, Tôn Thất Yên, Dương Sơn, Tôn Thất Tuyên thống lĩnh thủy bộ tấn công vào Quảng Nam. Nguyễn Phúc Anh bỏ chạy xuống cửa Đại Chiêm bị bắt đóng gông giải về. Anh khóc lóc van tha, chúa không nỡ giết nhưng các tướng đều cho rằng " Tội phản nghịch phải xử theo phép nước". Chúa bèn theo lời xin.
         Nguyễn Phúc Anh và mấy trăm người có tên trong cuốn sổ "Đồng thuận" đều bị chặt đầu!
      (Viết theo Quốc sử quán triều Nguyễn)
  
         * May cho nhà Nguyễn, ban đầu chúa Nguyễn Phước Nguyên định đưa Phúc Anh ra trấn thủ Quảng Trị nhưng về sau lại đổi vào Quảng Nam. Nếu Anh ở Quảng Trị thì việc liên lạc, tiếp ứng với họ Trịnh sẽ thuận lợi và cơ mưu làm phản sẽ dễ thành hơn.
         Cuốn sổ "phong thần" có ghi tên mấy trăm người Quảng Nam làm phản đã không kịp thủ tiêu mà lại rơi vào tay Cai đội Dương Sơn đã trở thành cuốn sổ gọi hồn của diêm vương đối với mấy trăm "dũng sĩ"!

26 tháng 1, 2022

NĂM 1833 SAIGON - GIA ĐỊNH CÓ BIẾN LỚN

 NĂM 1833  SAIGON - GIA ĐỊNH CÓ BIẾN LỚN
    Bọn giặc là Lê Văn Khôi (con nuôi Lê Văn Duyệt) cùng thủ hạ làm loạn sát hại cả nhà Tổng đốc An Biên(1) Nguyễn Văn Quế, giết Bố chính Bạch Xuân Nguyên, giết Đề lao Nguyễn Như Xuân, thả tù phạm rồi chiếm thành Phiên An, lực lượng của Khôi ban đầu chỉ có 60 người như Nguyễn Văn Bột (2), Thái Công Triều, Lê Đắc Lực, Lưu Tín, Đặng Vĩnh Ưng, Vũ Văn Tiền, Dương Văn Nhã, Đinh Phiên, Nguyễn Văn Chắm, Nguyễn Văn Tâm... là những quan chức Nhà nước bất mãn tham gia tạo phản. Lực lượng chủ yếu gồm binh lính hồi lương(3) và rất đông là người nhà Thanh sinh sống ở đây. về sau lên đến vài ngàn người, lại có voi, thuyền chiến, súng thần công, súng phun lửa chiếm được, tiếp tục uy hiếp các tỉnh lân cận, nhiều tỉnh Nam kỳ bị thất thủ.
        Triều đình gấp rút ra lệnh các tỉnh từ Quảng Nam trở vô và từ Hà Tiên, An Giang, Vĩnh Long, Định Tường đem quân tiếp cứu và cử hơn một vạn quân tấp cập đường bộ, đường biển, vào Nam ứng phó với giặc Khôi.
       Bị bất ngờ, do chủ quan nên ban đầu nhiều tỉnh thành bị giặc chiếm, về sau quân triều đình được huy động phản công vây ép, quân tạo phản phải rút vào thành Phiên An(4) cố thủ, lực lượng chừng 2.600 tên, 17 con voi và nhiều khí giới, lương thực đủ ăn trong 05 năm!
       Sau gần 3 năm vây hãm, tháng 7. 1835 quân triều đình hạ được thành Phiên An, bắt và chém 1832 tên. Quân triều đình chết và bị thương 460 người.
       Lá cờ 5 chữ "Thu phục Phiên An thành" hỏa tốc chạy trạm báo về kinh tin thắng lợi chỉ mất 4 ngày 11 giờ.
       Dọc đường quân dân, già trẻ hò reo tưởng như vỡ chợ!
(Lược ghi theo Quốc sử quán triều Nguyễn)

* 1.832 người bị chôn chung trong vài hố lớn. Về sau gọi là "Đồng mả ngụy". Các tay chủ chốt bị đóng củi sắt giải về kinh trị tội. Lê Văn Khôi đã chết bị đào cốt tán thành tro!
(1) Nay là Saigon - Biên Hòa.
(2)Nguyên là phó vệ úy dinh Tả quân.
(3) Bị phạm tội nhưng cho sung quân.
(4)Thành chính bao gồm hầu hết diện tích quận 1 Saigon hiện nay.
       Ảnh minh họa Thành Quy (Saigon) 1859 khi Pháp nổ súng tấn công. Thành nầy được xây mới nhưng nhỏ hơn nhiều so với thành Phiên An cũ đã bị đập phá thành bình địa sau vụ giặc Khôi bị dập tắt.

19 tháng 1, 2022

VUA HỎI VÌ SAO ĐẤT KINH KỲ (HUẾ) LẠI ÍT NGƯỜI ĐỖ ĐẠT?


Ảnh minh họa về kỳ thi Hội ở Nam Định xưa
VUA HỎI VÌ SAO ĐẤT KINH KỲ (HUẾ) LẠI ÍT NGƯỜI ĐỖ ĐẠT?
"Sao từ trước tới nay những người đỗ kỳ thi Hội đều là người Nghệ An trở ra Bắc; còn ở Quảng Bình vào Nam đều không trúng cách? Vì sao Đế đô là nơi văn vật quy tụ mà sức học của sĩ tử kinh kỳ kém cỏi đến thế?"
Thượng thư Lê Văn Đức tâu" Phép thi trước đây, thể văn phần nhiều theo sáo cũ, người từ Nghệ An trở ra đã quen cách học đó nên dễ đỗ"
Vua lại dụ"Sự học bên Trung Quốc quý ở chỗ nghĩa lý mà phát minh mới. Còn cử nghiệp của ta chỉ cốt đọc thuộc sách cũ, thầy lấy thế dạy, trò lấy thế học, chuyên học thuộc lòng, không có ý gì mới cả. Vậy một phen sửa chữa mới phải". Theo Quốc sử quán triều Nguyễn.
* 200 năm trước mà tầm nhìn của vua Minh Mạng về nguy hại của sự học theo kiểu "tầm chương trích cú" đến nay vẫn như còn mới.
200 năm sau, sau bao lần cải cách. Cũng lối học cũ "thầy đọc trò chép". Cũng lối dạy nặng lý thuyết - nhẹ thực hành vẫn còn. Trong khi những điều cần sửa đổi vẫn loay hoay trên giấy!
Ảnh minh họa về kỳ thi Hội ở Nam Định xưa.




Tourane - Đà Nẵng xưa

Tourane - Đà Nẵng xưa
Y phục cuả người Quảng Nam xưa. Đàn ông, con nít đều không thể thiếu chiếc "khăn" đóng khố treo trước "gió" cho kín đáo!



9 tháng 1, 2022

VUA MINH MẠNG VỚI CHỈ DỤ VỀ QUẦN ĐẢO HOÀNG SA GÀN 200 NĂM TRƯỚC

 Bản đồ cổ khẳng định Hoàng Sa
của Việt Nam
(tài liệu do ông Trần Thắng sưu tầm)
VUA MINH MẠNG VỚI QUẦN ĐẢO HOÀNG SA.
Tháng 9.1833, vua bảo Bộ Công: "Trong hải phận Quảng Ngãi có một giải Hoàng Sa, xa xa trông trời nước một màu, không phân biệt được nông hay sâu, gần đây thuyền buôn thường bị hại (mắc cạn - bị đắm).
Nay nên dự bị thuyền mành, đến sang năm sẽ phái người tới đó dựng miếu, lập bia và trồng nhiều cây cối. Ngày sau cây cối to lớn, xanh tốt, người (đi biển) dễ nhận biết, ngõ hầu tránh khỏi nạn mắc cạn. Đó là việc lợi muôn đời"
(Theo Quốc sử quán triều Nguyễn).
*Gần 200 năm trước Nhà Nguyễn đã thiết lập chủ quyền ở Hoàng Sa bằng nhưng việc cụ thể như xây miếu, dựng bia, trồng cây, cử người ra tuần tiểu và khai thác yến sào với tên gọi Hải đội Hoàng Sa... những việc nầy lịch sử còn lưu chứng tích.
Riêng tôi có gặp người lính Hải quân VNCH là cụ Phạm Công Hối từng sống 06 tháng ở Hoàng Sa, nay đã 84 tuổi, dân gốc Thạc Gián, hiện ở đường Lưu Quý Kỳ, Hải Châu, tp Đà Nẵng có xác nhận khi ấy (1965) ở ngoài đảo còn có miếu, bia đá và nhiều cây nhàu - giống cây nầy vốn được trồng nhiều ở Huế - bài viết đã đăng trong trang nầy.


8 tháng 1, 2022

CON GÁI HÙM XÁM HOÀNG HOA THÁM - BÀ HOÀNG THỊ THẾ

Bà Hoàng Thị Thế đứng bên cha
>BÀ HOÀNG THỊ THẾ
Bà là con gái của Hùm Xám Hoàng Hoa Thám và bà Ba Cẩn.
Cha của bà hy sinh mất xác, mẹ quyên sinh trên đường bị bắt đi đày sang Châu Phi.
Thân phận mồ côi cha mẹ khi mới 7 tuổi. Toàn quyền Doumer mang về Pháp nuôi cho ăn học. Thời gian ở Pháp khoảng đầu thập niên 30 bà có tham gia lĩnh vực điện ảnh, đóng vai chính trong bộ phim La Lettre ( bức thư) của Pháp.
Đầu năm 1960, nghe tin bà muốn về Việt Nam ông Ngô Đình Diệm ngõ ý muốn mời nhưng bà lại muốn về miền Bắc, nơi núi rừng Yên Thế, nơi cha bà đã ngã xuống.
Ảnh1 - bà lúc 3 tuổi được chụp ảnh đứng bên cha.
Ảnh2 Poster film "La lettre"

ÔNG LÊ CÔNG TƯỜNG BỊ MẤT CHỨC VÌ NHẸ DẠ LỠ ĂN CỦA ĐÚT LÓT Ở ĐÀ NẴNG

ÔNG LÊ CÔNG TƯỜNG BỊ MẤT CHỨC VÌ NHẸ DẠ LỠ ĂN CỦA ĐÚT LÓT Ở ĐÀ NẴNG.
Năm 1830 Tàu Phú Lăng Sa(1) ghé Đà Nẵng mua đường cát, Hữu Thị lang Bộ Hộ(2) là Lê Công Tường phụng mệnh đi bán đường, Tường nhẹ dạ ăn của đút lót, bán đường hạng nhất mà nói hạng nhì làm thiệt hại công quỹ.
Sau đó ông Lê Công Tường bị cách chức sai làm tùy phái ở Sở Nội tạo.
* Nghề trồng mía làm đường có nhiều ở Quảng Nam và Quảng Ngãi.
Nhà nước cho lập kho ở gần Cửa Hàn để tiện việc vận chuyển xuống tàu.
Vì nhẹ dạ nên bị lừa và có ăn chút ít của đút lót nên ông Vụ trưởng họ Lê phải xuống làm nhân viên. Chính vì xét tội "nhẹ dạ" là tình tiết giữ mạng cho cụ Lê Công Tường!
(1) Nước Pháp
(2) Tương đương vụ trưởng bây giờ.