ngobadung

27 tháng 9, 2021

Đường Jean Dupuis (tức Đồ Phổ Nghĩa) ở Hanoi xưa


Dựng rào chắn, lập chốt đã có từ xưa ở Hà Nội.
         Ảnh là đường Jean Dupuis (tức Đồ Phổ Nghĩa) tên của một lái buôn chuyên hàng súng đạn sang Trung Quốc thời Pháp. Đường này có kho hàng của ông ta. Sau đổi là phố Hàng Chiếu.
        Xưa người ta lập rào chắn là để kiểm soát một khu vực chuyên buôn bán hàng "quốc cấm".
       Còn bây giờ khắp nơi giăng rào, lập chốt là để ngăn con virus lúc ẩn lúc hiện.

Một tiệm tạp hóa xưa

Một tiệm tạp hóa xưa ở nông thôn miền Nam khoảng đầu những năm 70.
     Hàng hóa đơn giản gồm bia nước ngọt, bánh kẹo, thuốc lá, hương đèn, xà bông, gia vị... chắc hẵn còn có gạo, muối!
     Toàn những mặt hàng "thiết yếu" cho người sống lẫn người chết!

17 tháng 9, 2021

TẢN MẠN NGỒI NHÀ MÙA DỊCH. -ĐI COI TV HỒI XƯA.-


TẢN MẠN NGỒI NHÀ MÙA DỊCH.
-ĐI COI TV HỒI XƯA.-
Hồi đó chưa có màu, chỉ có TV đen trắng. Loại mắc tiền nhất là loại có cửa lùa, bên dưới có 04 chân. Các thương hiệu như Denon, Sanyo, National, Nec... rất được ưa chuộng nhưng không phải ai cũng sắm được vì giá tới hai, ba chục ngàn. Con nít nhà nghèo thường hay đi coi "cọp"!
Ở Đà Nẵng truyền hình ban đầu chỉ có chức năng phát lại vì vậy những trận "túc cầu" thế giới phải coi sau đó vài tuần. Chương trình ca nhạc phong phú như ban Hoàng Thi Thơ, Tiếng Tơ đồng, hợp ca Thăng Long, ban AVT... nhưng thích nhất là chương trình của ban tạp lục Tùng Lâm với nhạc hiệu kết thúc " Sau đây là chấm dứt chương trình của ban Tùng Lâm". Nghệ sĩ hài hồi đó có Thanh Việt, Khả Năng, Phi Thoàn, Tùng Lâm, Thanh Hoài, La Thoại Tân, Bà Năm Sadec... họ diễn nhẹ nhàng, ít nói nhưng thâm thúy. Không như bây giờ chọc cười nhưng khán giả không cười nỗi vì nhiều lúc ăn nói quá vô duyên.
Tối thứ bảy có cải lương nên khán giả phải bám ở cửa sổ để coi. Hằng tuần có "Đố vui để học" do Trung tâm học liệu Bộ GD phát hành với nhiều phần thưởng từ gạo lức Bích Chi cho tới tập vỡ Xích lô, xà bông bột Viso, kem xức mụn Thorakao ... tặng cho thí sinh từ các nhà tài trợ.
Quảng cáo trên TV cũng là tiết mục yêu thích, dễ thương, nhớ lâu "An toàn trên xa lộ, thanh lịch trong thành phố, tiện lợi khi vào ngõ hẽm. Nhất là bà xã rất hài lòng vì nó bền chắc, nó là chiếc xe Suzuki". Kem đánh răng có ông tây đen cười tươi hàm răng trắng toát -Hynos. Thuốc ho nhãn hiệu "lá vàng rơi" Acodine, "ho ho! Đừng có lo đã có Acodine" trong ao thu lá vàng rơi của cụ Nguyễn Khuyến. Không ho sặc sụa dai dẵng với "đờm ho, khó thở" như nôn ọe vào giờ ăn cơm như bây giờ!
Căn bệnh thường gặp của TV thời đó là hay bị nhiễu, bị nhảy, đôi khi hay trôi hình. Những lúc như vậy phải chỉnh nút "Tuning", có khi vặn hoài vẫn không hết, lại phải "thổ" nhẹ bên hông nhưng đôi khi lại được.
Muốn xem đài Mỹ thì phải xoay lại ăng ten, nhích sao cho người trong nhà ra hiệu "rõ rồi" là thôi quay! Đài nầy do quân đội Mỹ phát ở núi Sơn Trà, hình ảnh trong veo, tốt hơn nhiều so với đài Việt. Đài thường hay chiếu các phim bộ như "Combat", Mỹ đánh nhau với Đức trong đó có viên trung sĩ Vic Morrow và một tiểu đội Mỹ mưu trí, gan lỳ, phim dài nhiều tập. Hễ cứ đến đoạn hồi hộp thì có nhạc hiệu " Ênh ênh ênh ềnh ênh -ềnh -ềnh, ềnh -ềnh" là đám con nít yên lặng, nín thở chờ. Nhưng viên trung sĩ Vic và 11 chú lính Mỹ vẫn luôn "bình an vô sự" và chỉ có bọn Đức là chết như rạ mà thôi!.
Phim cao bồi miền tây hoang dã thì có Wild Wild West, phim hoạt hình thì có Lucky Lucke, Tin Tin... đều là những tiết mục hay mà bọn con nít như tụi tui đều rất thích.








Nhắc tuồng






NHẮC TUỒNG
Hồi xưa coi hát bội, cải lương, vì coi ké phía sau nên tui mới thấy có mấy chú cầm sổ đứng trong cánh gà nhắc tuồng khi đào kép ca tới đoạn bị... cà lăm!
Lâu lắm rồi, chừ thấy "nhắc tuồng" cứu chủ mà trên TV có chiếu mới nhớ!

Tá điền

 



     Cậu con của địa chủ chụp ảnh chung với các gia nhân, tá điền và con cái của tá điền ở Bắc Kỳ xưa.

     Nhưng cũng chừng vài năm sau, cũng đám người nầy, họ không chịu chia "tứ lục" nữa. Mà làm ông chủ!
     Dần dà tuy có đất nhưng phần nhiều trong số họ lao động không hiệu quả và kết cục ruộng đất trở lại tích tụ như xưa!

Đại hội cò

Đại hội cò
      Có 10 loại cò chính thức gồm cò lửa, cò ruồi, cò bợ, cò đen, cò nghênh, cò diệc, cò trắng, cò ngang, cò hương, cò lả.
      Ngoài ra còn có các cò mới phát sinh như cò đất, cò nhà, cò xe, cò dịch (vụ), cò chạy (chạy việc, chạy trường, chạy điểm...), cò mồi (tiếp thị sữa)... "ông cò" là chỉ mấy ông hay đi bắt người, chơi xỏ lò thì lại có "cò lắc"!
     Tội cho thân cò, may mà thịt cò dở, nếu ngon như gà, không chừng lại tuyệt chủng!




16 tháng 9, 2021

Bệnh viện 95th của quân đội Mỹ ở Đà Nẵng xưa

photo Gaylen Losser



      Bệnh viện dã chiến của Mỹ ở Đà Nẵng xưa
Một bệnh viện ít người biết mang số 95 của quân đội Mỹ từng được thiết lập dưới chân bán đảo Sơn Trà, thuộc làng Tam Thái tức Thọ Quang bây chừ để sơ cấp cứu cho binh lính Mỹ trước khi chuyển đi.
     Khu vực bệnh viện nầy so với hiện nay là đường Hoàng Sa đoạn có nhiều thuyền thúng neo đậu.

12 tháng 9, 2021

Nghề phối giống bò




Vì là dịch vụ "không thiết yếu" nên suốt mùa dịch ni ông Bốn và con bò giống vẫn ở nhà chớ không tung tăng khắp nơi như lệ thường nữa!

      Nghe ông Bốn nói không kể số lần, cứ "đậu" được là 500 ngàn. Thường thường đi 2,3 lần. Nhiều lúc hên chỉ có 01 lần mà được "năm trăm"!
     Tỏ vẻ tiếc, ông Bốn còn tâm sự "Có ngày đắt phải chạy xô 5,6 chỗ. Phải bồi dưỡng cho "cậu" chục trứng gà ta"!

Bão xưa ở Tourane.



Bão xưa ở Tourane.
Đà Nẵng cũng như miền Trung từ xưa đến nay luôn hứng chịu tai họa do bão lụt hằng năm.
Hơn 100 năm trước, ở Đà Nẵng đã từng chịu những trận bão lớn như năm 1904, 1916...
Hồi đó nhà cửa đa phần đều tạm bợ nên sau bão tài sản đều đi theo bão.
Từng nghe các cụ kể trong lúc bão nhiều người phải ôm cối đá để cầm cự. Vì vậy dân ven biển có tập quán đào hố, đào hầm để tránh bão.
Ảnh là cảnh tiêu điều sau trận bão năm 1904 ở sông Hàn, Đà Nẵng.



Vùng tệp đính kèm

7 tháng 9, 2021

L'hôtel des frères Morin dans le vieux Tourane



Tấm ảnh rất xưa về khách sạn Morin ở Đà Nẵng.
Gồm hai mặt tiền Bạch Đằng và Trần Phú bây giờ.
Morin nhiều lần đổi tên. Hiện nay mang thương hiệu Mỹ - Hilton.
    Dãy nhà nầy trước 75 làm văn phòng cho Air Vietnam, phòng tranh của một họa sĩ và phần nhiều còn lại làm rạp xi nê Kinh Đô. 
    Anh em Morin, người Thụy Sĩ qua Việt Nam mở ba khách sạn ở Đà Nẵng, Huế và Bà Nà. Nay ở Huế và Bà Nà còn giữ tên Morin.

Trước khi có cầu Trường Tiền, người Huế qua lại trên sông Hương bằng phương tiện gì?



     Cầu Trường Tiền là biểu tượng của Huế.
     Cầu hoàn thành vào đầu TK XX, dân Huế lúc đó vui mừng nô nức đi xem, ai cũng khen cầu đẹp.
Có điều trước khi người Pháp xây cầu, dân hai bên bờ sông Hương qua lại bằng phương tiện gì?
     Nhiều người nói qua lại bằng đò vì chưa có cầu vì có cầu sao còn có bến đò Kim Long, Thừa Phủ?
     Có người nói trước đó đã có cầu rồi vì nếu chưa có thì tui đi học qua sông bằng cái chi? (cụ Ưng Bình Thúc Giạ).
     Còn cụ Vân Trình cho rằng nó làm bằng mây tre lót ván, cũng có 06 nhịp nhưng nhịp giữa treo cao để thuyền qua lại.
     

Mời các bạn xem bức tranh của ông Gaston Roullet, vẽ cảnh sông Hương năm 1886 sẽ giải đáp những nghi vấn trên.

Thi cử thời xưa

      Ngày xưa các cụ đi thi chỉ sợ mắc tội phạm quy.
Nếu trong bài có chữ phạm húy. Húy ở đây là tên vua, cha mẹ vua, tên ông bà của vua... ví dụ thay vì viết chữ "hoa", phải viết thành "huê" vì hoa trùng tên mẹ vua Thiệu Trị. Thay vì viết "nhậm" chức thì phải viết "nhiệm" chức vì chữ nhậm trùng tên "tộc" của vua Tự Đức! Thay vì viết "hoàng đàn" thì phải viết "huỳnh đàn" vì "Hoàng" trùng tên ông cố tổ của vua...
      Theo cụ Ngô Tất Tố, khi đi coi bảng, trước tiên thí sinh coi danh sách phạm quy trước, nếu không phạm là phước nhà vẫn còn, chuyện đậu rớt coi sau.
     Cho nên Tú Xương mới thở phào ở hai câu :
"Lộc nước còn mong thêm giải ngạch.
Phúc nhà nay được sạch trường qui." là vậy đó!

Cu Rốc làm tổ



Cu Rốc làm tổ
Tạo hóa thật là kỳ diệu, đã ban cho cu rốc một bộ não rất đặc biệt nên mới chịu được những cú chấn động liên tục khi sử dụng cái đầu như chiếc búa và cái mỏ như chiếc dùi đục để khoét cây làm tổ.
Cu rốc như là bác thợ mộc giỏi chính hiệu.




Lính Mỹ chích vaccin cho học trò thời xưa.


Lính Mỹ chích vaccin cho học trò xưa.
    Không nhớ là chích vaccin gì ? Cũng chẳng chờ cho phụ huynh có đồng ý hay không. Chỉ biết buổi đó cả lớp xếp hàng, vắn tay áo để cho mấy ông Mỹ dùng dụng cụ giống cái pistole xịt sơn ấn vô bắp tay nghe tiếng "xịt bụp" là xong. Cứ thế hết trò nầy đến trò khác đều được tiêm vaccin. Tiêm chỉ đau như kiến cắn và cũng không thấy thay kim tiêm bao giờ.
       Đúng là tiêm vaccin kiểu Mỹ!


Bốn cụ ở Việt Bắc


Bốn cụ trong ảnh là những người nổi tiếng và đều đã quá vãng.
      Một cụ quê Quảng Nam nhưng số lận đận, bị "lên bờ xuống ruộng".
     Cụ thứ 2, dân Huế chính hiệu, nhà thơ mà làm chính trị, mà lại làm rất to.
     Cụ thứ 3 chuyên làm thơ trào phúng. Ốm tong teo nhưng lại có bút danh đầy cholesterol.
    Cụ thứ 4, sinh ở Hải Phòng, tác giả của nhiều nhạc phẩm nổi tiếng và có 01 bài mà ai cũng đã từng nghe, từng biết.
    Bốn cụ đều bỏ quê lên Việt Bắc kháng chiến.
    Mỗi người một số phận. 
  Từ phải sang trái: Cụ Tố Hữu; cụ Phan Khôi; cụ Tú Mỡ; cụ Văn Cao.