ngobadung

23 tháng 2, 2022

CÓ ĐỨA TRẺ ĐƯỜNG PHỐ GỌI VUA MINH MẠNG LÀ CHA.

Ảnh: Đội vệ binh hộ giá nhà vua ở kinh thành

 CÓ ĐỨA TRẺ ĐƯỜNG PHỐ GỌI VUA MINH MẠNG LÀ CHA.
Một hôm (rảnh) vua bảo Hà Tông Quyền(1) rằng: "Năm trước ta chơi phía đông, bên đường có đứa trẻ nhà dân gọi ta là cha. Mẹ nó sợ hãi, vội bồng bế chạy trốn. Vệ binh theo mà quát mắng, ta ngăn lại, bảo chớ làm nó sợ". Nhân nghĩ: "Dân trong thiên hạ đều là con đỏ của ta. Ta tuy không phải là cha, mà cũng như cha vậy".
    Liền nghĩ ra một câu:

"Bất thị ngô nhi, ngô xích tử;
Tuy phi nhĩ phụ, nhĩ nghiêm quân"
   Nghĩa là: "Chẳng phải con đẻ mà là con đỏ của triều đình. Ta chưa phải cha mầy nhưng là nghiêm quân mầy. Vả lại, vua mà yêu dân thì dân cũng coi vua như cha mẹ. Ta chẳng bằng Nghiêu, Thuấn(2) nhưng nghĩ lấy Nghiêu, Thuấn làm khuôn phép mà trị nước vậy".


    * May vua không ngăn lại thì bà mẹ trẻ và đứa con nít cũng thất sắc, ăn không ngon ngủ không yên vì lời lỡ dại của trẻ con với vua.
       Từ chuyện trên vua muốn nhắc khéo ông quan chép sử phải ghi lại chuyện nầy như một minh chứng cho việc yêu dân của vua Minh Mạng.
(1) Hà Tông Quyền, Thị Lang Bộ Lễ, giúp việc Nội các. Đồng tác giả Đại Nam Thực lục.
(2) Thời thịnh trị bên Tàu - của rơi không ai thèm lượm, đêm ngủ không ai đóng cửa.



.

20 tháng 2, 2022

VUA MINH MẠNG RA LỆNH TRỤC XUẤT 800 NGƯỜI NHÀ THANH NHẬP CẢNH TRÁI PHÉP

 


Thuyền Nhà Thanh cập bến Cửa Hàn Đà Nẵng
năm 1860
  Tháng 2 năm Giáp Ngọ 1834 ở Gia Định có 02 chiếc thuyền nhà Thanh đến buôn bán, hành khách trên tàu chừng 800 người. Vặn hỏi thì họ đều ú ớ lại không giấy tờ tùy thân - quan tỉnh tâu.
      Vua dụ: " Năm ngoái giặc Khôi làm phản, có nhiều người nhà Thanh a dua, mang lấy tội chết. Nay bọn khách theo thuyền đến đây, lại không có bang trưởng chịu bảo lãnh trách nhiệm. Vậy truyền chỉ cho bọn thuyền hộ lần nầy tạm tha. Từ nay trở đi những nguời có vật lực đi buôn mới cho đến. Còn chở hàng trăm, hàng nghìn bọn vô lại, du côn thì chủ thuyền bị tịch thu sung công. Nay gia hạn trong tháng 4 phải quay buồm về, nếu cố ý để hành khách lưu lại gây sự, thì chủ thuyền tất bị chém, không tha."
    * Lúc bấy giờ ở dọc biên giới phía bắc và vùng dọc biển Quảng Yên, Cửa Hàn, Bình Định, Gia Định, Hà Tiên có nhiều người Hoa sang sinh sống. Phần lớn là thương nhân, giỏi giang, giàu có. Chính họ đã làm cho thương mại và sản xuất nước ta phát triển nhưng ngược lại cũng có nhiều bọn bất hảo lợi dụng kẻ hở luật pháp trà trộn làm nhiều điều phi pháp có lúc chống lại triều đình.
Trong đó có bọn tàu ô, quân cờ đen gốc là dân thảo khấu cướp bóc, bị nhà Thanh truy đuổi nên chạy sang nước ta.
        Qua đó ta cũng thấy Nhà Nguyễn đã tỏ ra cứng rắn trong việc bảo vệ chủ quyền, xử đúng luật pháp  cho dù nhà Thanh là nước lớn.

BÁNH XÈO BÀ DƯỠNG Ở ĐÀ NẴNG


Bà Dưỡng
BÁNH XÈO BÀ DƯỠNG
Nằm sâu trong kiệt Hoàng Diệu nhưng khách ra vô luôn tấp nập.
     Bà Trương Thị Dưỡng gốc Thanh Quýt, Điện Bàn làm nghề đỗ bánh xèo ở đây chừng 40 năm.
       Khởi nghiệp ban đầu chỉ 03 chiếc lò đất, buôn bán vĩa hè, dần dần thực khách biết tiếng. Quán dọn về nhà sâu trong kiệt nhưng khách mỗi ngày một đông, cơ ngơi quán ngày càng rộng.
       Bà Dưỡng nay ngoài 82, đã nghỉ ngơi, giao quán lại cho con cháu kinh doanh nhưng thương hiệu "Bánh xèo Bà Dưỡng" đã được nhiều thực khách gần xa biết tiếng.
     



Bún bò Huế

Bà Cháu đang múc bún

Bún bò Huế
     Bún bò Bà Cháu có mặt ở Đà Nẵng đã 55 năm trên đường Đống Đa.
    Tuổi gần 90 nhưng vẫn một tay bà múc bún bò cho khách.
    pic: Khách quen đã 40 năm.

14 tháng 2, 2022

VÌ SAO TUẦN PHỦ TRỊNH ĐƯỜNG BỊ TỘI PHẢI BẮT THẮT CỔ ?

Ảnh: Mạc Cửu, thương nhân người Hoa
 người có công khai phá xứ Hà Tiên.

VÌ SAO TUẦN PHỦ TRỊNH ĐƯỜNG BỊ TỘI PHẢI BẮT THẮT CỔ ?
       Trịnh Đường làm Tuần Phủ Hà Tiên, khi quân Xiêm chiếm tỉnh lỵ, Trịnh Đường mang 1.000 quan tiền công quỹ xuống thuyền chạy trốn.       Khi tỉnh lỵ được thu phục, Đường khai số tiền bị giặc lấy mất. Có người biết rõ sự việc mới chỉ đích danh Đường mà hặc (1).
       Vua dụ: "Trịnh Đường trước đây có lỗi, ta đã gạt bỏ vết xấu mà dùng lại. Gần đây do được việc, đã cất nhắc cho đi làm Tuần Phủ. Trước khi đi nhậm chức, ta đã gặp tận mặt và hậu cấp cho bạc lạng làm tiền dưỡng liêm(2). Đáng lẽ phải gắng sức báo ơn mới phải. Thế mà khi đến tỉnh, đã không tỏ rõ sở trường gì lại để Hà Tiên thất thủ, tội khó tha thứ. Lại còn dám nhân lúc ấy lấy cắp tiền công rồi bỏ thành mà chạy. Nay lập tức cách chức cho xích lại, giải về kinh".
         Vừa lúc đó tờ sớ nhận tội của Trịnh Đường tới kinh trước, có đoạn: "Khi tỉnh lỵ thất thủ, tôi mang số tiền ây theo thuyền, tiêu hết 400 quan, còn bao nhiêu vứt xuống sông cả. Lần trước tôi nói giặc lấy đi hết, là sai sót, xin cam chịu tội".
        Khi Bộ Hình dâng án, Trịnh Đường bị thắt cổ ngay!

     * Cụ Trịnh Đường xuất thân từ khoa bảng, làm Tri Huyện Tiên Lữ (nay thuộc Hưng Yên). Do Trịnh Đường có mưu lấy thuyền thúng giả làm voi, đánh trống thúc quân xung trận. Giặc tưởng đại quân kéo đến nên bỏ chạy.
       Sau vụ nầy Trịnh Đường được vua gặp mặt ủy lạo và cân nhắc cử đi Hà Tiên làm Tuần Phủ.
       Khi giặc Xiêm đánh chiếm tỉnh lỵ Hà Tiên. Tội bỏ thành mà chạy chưa xử thì cụ còn "Thừa nước đục thả câu" can tội biển thủ công quỹ rồi báo mất tiền do chiến tranh. Bị truy gắt cụ lại nhận đã tiêu 400 còn 600 ném xuống sông!
        Vua Minh Mạng rất bực tức về chuyện nầy đến nỗi về sau vua hỏi quần thần về việc có nên chọn quan lại chỉ chọn người xuất thân từ khoa bảng như Trịnh Đường nữa hay không?
(1) tố cáo
(2) tiền nuôi dưỡng lòng thanh liêm.
Ảnh: Mạc Cửu, thương nhân người Hoa, người có công khai phá xứ Hà Tiên.



Vùng tệp đính kèm

10 tháng 2, 2022

CHUYỆN ÔNG QUAN HÀ DUY PHIÊN.


Mộ Lê Văn Duyệt và bà Đỗ Thị Phẩm
CHUYỆN ÔNG QUAN HÀ DUY PHIÊN.
    Tuần phủ Hà Duy Phiên có tin đồn nặc danh tố cáo ông là đồng lõa với giặc Lê Văn Khôi khi ông nầy cầm quân vây thành Phiên An (Sài Gòn).
       Hà Duy Phiên biết tin, lòng không yên bèn dâng sớ trình bày với vua.
     "Thần quê ở Thanh Hoa (Hóa) còn giặc Khôi quê ở Cao Bằng, đã không quen biết nhau. Nay giặc Khôi nổi loạn, tội ác đầy dẫy, thần và dân đều căm giận. Chúng liều chết cố thủ trong thành như hồn cá vật vờ nơi đáy chõ, dầu đàn bà hay trẻ con cũng đều biết rằng một ngày không xa chúng đều chụm đầu nhau mà chịu chết. Thần chưa mất lương tâm, há lại đi giao kết với giặc, để mang cái vạ chết cho cả họ ư? Từ khi nghe tin nầy thần lo sợ, ăn không ngon, ngủ không yên tuy vẫn gắng làm việc nhưng đối với sai nha, quân lính thần cũng tự thấy bẽ mặt! Một nổi thống khổ trong lòng không biết tỏ cùng ai. Vậy xin nhà vua cho điều tra việc nầy cho được minh bạch. Nếu thần có tội bất trung thì xin giết cả họ họ nhà thần để tỏ phép nước, nếu chưa phải là kẻ tán tận lương tâm thì nhờ minh xét đó mà rửa được tiếng nhơ".
       Vua phê: "Giặc Khôi tội ác đầy trời, dẫu kẻ chí ngu cũng biết tất phải thất bại. Lẽ nào một kẻ có tước lộc lại vô cớ tìm cái họa tuyệt diệt cả họ? Việc nầy xét cả lý và tình đều nhất quyết là không có. Đó chỉ qua là chuyện vô căn cứ, không cần phải biện bạch. Có điều là lời khao đồn như thế thì Hà Duy Phiên không yên tâm làm việc ở quân thứ được. Vậy triệu hồi về kinh. Giao lại binh quyền cho Tổng đốc Nguyễn Văn Trọng quản lĩnh".

     * Chẳng qua đây là kế ly gián của giặc Lê Văn Khôi nhằm làm lung lạc ý chí của quân triều đình.
Vua Minh Mạng đã sáng suốt nhận ra ngay đâu là sự thực nhưng để yên lòng binh sĩ, nhà vua đã cho vời Hà Duy Phiên về kinh nghỉ ngơi sau đó ông Phiên được thăng chức Tả Thị lang Bộ Lại kiêm việc ở Nội các Chính phủ.
Ảnh: Mộ của Tả quân Lê Van Duyệt và vợ - cha nuôi của Lê Văn Khôi

VUA MINH MẠNG BAN THƯỞNG CHO NGƯỜI CÓ CÔNG GỒM NHỮNG THỨ GÌ?


VUA THƯỞNG CHO NGƯỜI CÓ CÔNG GỒM NHỮNG THỨ GÌ?
Khác với thời vua Gia Long, dưới triều vua Minh Mạng nước Xiêm thường hay mang quân bắt nạt Chân Lạp, Ai Lao và quấy phá Đại Nam.
       Năm 1834 quân Xiêm lại kéo sang khiêu chiến nhưng bị thất bại, 01 đại tướng và 50 thủ cấp Xiêm bỏ lại chiến trường.
      Vua khen thưởng 02 tướng lãnh có công và nhiều binh sĩ.
      Tổng đốc Long-Tường ( Long An - Định Tường) Nguyễn Văn Xuân và Tổng đốc An - Hà (An Giang Hà Tiên) là Trương Minh Giảng, mỗi người được thưởng 01 nhẫn vàng mặt kim cương to bằng hạt đậu trắng; một đồng hồ tây; 03 đồng tiền vàng nhỏ chạm hai con rồng; 02 chi sâm Cao Ly và 01 chi sâm Quan Đông (thứ vua thường dùng).
Riêng 02 biền binh chém đầu tướng Xiêm là Đỗ Đức Tấn và Nguyễn Văn Huy được thưởng 100 lạng bạc, được thăng chức Quản Cơ và Đội trưởng và Huân công Ngân bài để đeo.
       Các trận vong chiến sĩ đều cấp tử tuất chu đáo.
1.500 binh sĩ tham gia chiến trận đều thưởng tiền và áo quần mới. Chọn người biết chuyện, nói năng minh bạch cho về kinh để vua hỏi chuyện.
    
     * Ai Lao (Lào) và Chân Lạp(Miên) lúc nầy là chư hầu của Đại Nam. Quân Xiêm thường hay đem quân quấy nhiễu 02 nước đó để lôi kéo họ quy phục mình. Có lúc họ mang quân sang tận Hà Tiên, An Giang của Đại Nam quấy phá, có lần chúng chiếm cứ tỉnh lỵ Hà Tiên.
       Phần thưởng cho các tướng sĩ là sự khích lệ của vua cho những người có công giữ gìn giang sơn bờ cõi.
       Ảnh: Mộ cụ Trương Minh Giảng ở Saigon.(báo Thanh Niên).
      Trước 1975 Saigon có đường và trường học mang tên Trương Minh Giảng, sau 75 đổi Lê Văn Sỹ. Nay ở Đà Nẵng cũng có đường Trương Minh Giảng ở p.Hòa Hải.

4 tháng 2, 2022

ĐANG Ở TÙ CÒN XIN VUA CHO RA NGOÀI LẬP CÔNG ĐỂ CHUỘC TỘI.


ĐANG Ở TÙ CÒN XIN VUA CHO RA NGOÀI LẬP CÔNG ĐỂ CHUỘC TỘI.
Viên quan tên là Dương Tam, trước làm Bố Chính Cao Bằng bị tội lưu, giam ở Lạng Sơn. Đã 72 tuổi, nghe tin quan quân kéo đánh thổ phỉ Cao Bằng nên Dương Tam xin lấy công chuộc tội.
"Tuổi tôi tuy già không thể cầm kích, vác giáo nhưng trước do có nhậm chức Cao Bằng đã lâu, đối với dân tình nơi ấy, vốn dĩ đã quen biết. Nếu được đến nơi ấy chiêu tập những người Thổ do tôi biết để tìm bắt bọn ngụy, thì sức tôi có thể làm được. Vậy xin cho con tôi là Dương Lâm vào chịu giam thay tôi 03 tháng để tôi gắng sức làm việc chuộc tội".
      Tuần Phủ Lê Đạo Quảng vì Tam mà đề đạt lên.
      Vua thương Tam tuổi già, ra lệnh tạm tha cho và miễn để con chịu giam thay.
     Chuẩn cho Tam đích thân hoặc ủy người thân đi do thám đi bắt hay báo quan bắt được 01 trong các tên đầu đảng giặc thì sẽ tha tội trước ngay, nếu được 02 tên trở lên sẽ hậu thưởng. Còn nói hảo, không nên công trạng gì thì tội càng thêm tội nữa.

    * Lật lại quá khứ thì Bố chính Cao Bằng là Dương Tam vì để cho người nhà Thanh vào phố Lương Mã(1) để bắt tội nhân mà không có giấy tư báo cho Nhà nước Đại Nam.
      Tam bị Bộ Lại nghị án cách chức, chịu tội lưu và bị bắt giam.
      Qua đó cho thấy luật pháp xưa rất nghiêm khắc ngay cả người phạm tội dù là quan lại bất cứ ở cấp nào!
      Bị giam đã lâu, cụ Dương Tam đã 72 tuổi, hồi đó tuổi 72 phần lớn chỉ chống gậy, chân đi không vững làm sao bắt giặc?
      Qua việc trên ta còn thấy "lệ" lạ đời là cụ Tam xin để con chịu giam thay cha 03 tháng.
      Cuối cùng thì giặc thổ phỉ ở Cao Bằng đều bị đánh dẹp nhưng không thấy sử sách nhắc đến công lao của cụ Dương Tam?.
       Không biết sau đó cụ được tha hay vào trại giam thụ án tiếp?

    (1) Còn gọi là phố Thầu, một trong 03 khu dân cư hồi đó ở Cao Bằng.

2 tháng 2, 2022

VUA MINH MẠNG HỎI NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU KINH ĐÔ VỀ TÌNH HÌNH LƯƠNG THỰC.

Kinh thành Huế đầu TK XX. (Bưu ảnh)
VUA HỎI NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU KINH ĐÔ VỀ TÌNH HÌNH LƯƠNG THỰC.
Mùa xuân 1833 vua cho vời Kinh doãn(1) Trần Tú Dĩnh vào kinh.
   -Hỏi: "Nay trời tạnh nắng, dân gian cho là thế nào"?
   -Dĩnh tâu: "Mưa rồi tạnh, thì lúa mạ tốt tươi, dân đều mừng rằng việc làm ruộng đều thuận tiện"
   -Hỏi: "Dân gian trồng hoa màu có những thứ gì"?
   -Dĩnh tâu: "Khoai, đậu"
   -Vua hỏi: "Sao không trồng lúa hồng mạch"?
   -Dĩnh tâu "sợ thứ lúa ấy không hợp với khí tiết mùa đông"
   -Vua dụ: "Đầu mùa đông chưa rét, thứ lúa hồng mạch ấy có thể cấy được. Ta thường sai cấy lúa ấy ở hậu cung. Hễ cấy từ tháng 8 thì nay đã chín, cấy từ tháng 9,10 thì nay đã xanh tốt. Thứ lúa ấy dễ làm, mà có thể giúp dân khỏi đói"
     
       *Vua hỏi tức là đã có câu trả lời trên cơ sở đã thực nghiệm.
      Vườn thực nghiệm ấy lại chẳng đâu xa, ngay hậu cung vua ở. Với giống lúa "hồng mạch" chịu rét, cứng cáp, nhiều hạt lại ngắn ngày, dễ trồng và vua đã cho trồng thử rồi mới kết luận " Đó là thứ lương thực cứu đói cho dân".
       Không biết loại "hồng mạch" mà Đại Nam thực lục nhắc đến có phải là loại gạo đỏ mà dân gian hay gọi là gạo lức có nhiều dinh dưỡng hiện nay không?

    (1) Tương đương chức Đô trưởng.