ngobadung

5 tháng 5, 2021

NGƯỜI ĐÃ TỪNG SỐNG 180 NGÀY TRÊN ĐẢO LỚN HOÀNG SA.

Ông Phạm Công Hối
NGƯỜI ĐÃ TỪNG SỐNG 180 NGÀY TRÊN ĐẢO LỚN HOÀNG SA.
     Ông Phạm Công Hối, 84 tuổi, dân gốc Thạc Gián, trú tại Lưu Quý Kỳ, Phường HCN, Đà Nẵng.
    Từng có thời gian "lưu đày" 180 ngày, làm lao công trên đảo Hoàng Sa, năm 1965 nhóm của ông gồm 06 lính hải quân VNCH bị phạt quân kỷ phải ra đảo làm lao công dưới quyền của viên Trung úy và trung đội TQLC đóng tại đây.
    Trên đảo chỉ có trạm khí tượng với 04 người và hơn 30 lính trấn đảo. Công việc của ông và nhóm lao công là đắp công sự, quét dọn vệ sinh doanh trại hằng ngày. Cơm ăn ngày 02 bữa do bếp của trung đội cung cấp.
      Trên đảo thứ nhiều nhất là chim biển và phân chim, phân đóng dày cả mét. Chim mòng biển rất nhiều nhưng không ăn được vì thịt quá tanh!
Sau chim biển là vích (rùa biển) to bằng cái nia, hay di chuyển lên bờ để đào hố đẻ trứng. Lính đảo chỉ việc lật ngửa vích rồi làm thịt phơi khô dự trữ.
Phần thịt thừa mang đổ ra biển, nghe tanh lũ cá mập kéo vào quậy tung bờ.
      Sò biển to bằng cái bát cũng là đặc sản ở đây, nhiều quá, phải lấy thịt phơi khô để dành ăn dần trong mùa biển động.
     Paracels hay Hoàng Sa chỉ là quần đảo khô cằn, trên đảo chỉ có cây nhàu mọc lưa thưa, ở chỗ cao nhất là một ngôi miếu nhỏ và tấm bia chủ quyền của Việt Nam bằng chữ nôm và chữ Pháp đã cũ kỷ.
Ngoài trạm khí tượng, truyền tin còn có doanh trại lợp ngói cho những người lính trú ngụ. Doanh trại được xây từ thời Pháp chừng 60m2, phía dưới là một hầm mà dung tích cũng chừng 60m3 để chứa nước mưa, nước được hứng từ mái doanh trại theo các máng xối thu xuống. Đây là nguồn nước ngọt duy nhất trên đảo dùng để uống và nấu ăn.
     Trên đảo còn có một giếng cổ nhưng nước lơ lợ chỉ dùng để tắm giặt vì ít ai dám xuống biển do sợ cá mập tấn công!
    Trung đội TQLC có trách nhiệm ra giữ đảo đến 06 tháng lại có trung đội khác ra thay. Về sau mới thay bằng các lực lượng Địa phương quân thuộc huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam ra để thay thế.
     Theo ông Hối, thời gian ra đảo theo quyết định là 03 tháng nhưng do thời tiết biển động nên kéo dài 06 tháng mới có tàu hải quân ra đón về, tuy lao động đơn giản nhưng rất buồn vì không có radio hay phương tiện giải trí gì khác. Suốt ngày chỉ nghe gió và sóng biển rì rào, hơn nữa với thân phận là quân nhân bị kỷ luật nên càng không có tin tức gì về đất liền và gia đình.
       Đã ngoài 80 nhưng ông vẫn còn nhớ như in những ngày trên đảo Hoàng Sa.
"Nếu nói vẽ, tôi có thể nhớ và vẽ đầy đủ các công trình kiến trúc và địa hình trên đảo Hoàng Sa ngày đó".
                                                                                          Ngô Bá Dũng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét