ngobadung

29 tháng 6, 2020

Đại thần Trương Như Cương.

Đại thần Trương Như Cương
             Đại thần Trương Như Cương.
       Đời quan lộ đã kinh qua nhiều chức vụ cao như Tổng đốc Thanh Hóa, Thừa Thiên Phủ doãn (tương đương chức Đô trưởng Saigon hồi trước), rồi Thượng Thư, Phụ chính Đại thần.     
      Ông còn là cha vợ của vua Khải Định và cũng là người nổi tiếng giàu có nhưng hơi... keo kiệt.
       Nhiều lần con rể là Hoàng tử Bữu Đảo (tức Khải Định - lúc đó chưa làm vua) vì ham chơi đã biểu vợ về xin tiền cha. Có lần bực tức vì xin tiền hoài. Vả lại nghe con gái than phiền là ông chồng không "xơ múi, làm ăn chi được" nên cụ Trương giận lắm nên lỡ buộc miệng: "Cái đồ vô hậu, bất lực!".
      Không biết thực hư ra răng nhưng ông ni là người dám chửi vua. Chửi vua là mắc tội "khi quân" cũng là tội chém.
     
May mà lúc đó ông Bữu Đảo chưa làm vua!

Ba cha con người đánh dậm

       Miền Bắc Vietnam 1929

    Ba cha con người đánh dậm, người cha cởi trần, quấn khố để trầm mình dưới nước.
    Cái ôm của người cha với đứa con trai thiệt đẹp và tình cảm. Bé gái xinh với khăn mỏ quạ cũng biết làm gì đó để giúp cha.
    Một bức ảnh đẹp, bắt đúng khoảnh khắc dù diễn tả cái sự nghèo!

Các cụ đi tàu lửa xưa

     
Các cụ đi tàu lửa xưa
Hồi xưa đi tàu lửa là "oai" nhất.
     Đoạn Saigon - Mỹ Tho mới khánh thành trước tiên lúc đó.
     Vì được đi tàu lần đầu nên ai cũng háo hức khăn đóng áo dài chen chúc chọn chỗ tốt.
Hồi ấy toa tàu không đóng bít bùng mà thông thoáng để lấy gió trời cho mát.
    May mà con nít thời đó ít nghịch. Chứ bây giờ là dễ bị ném đá lỗ đầu như chơi!

24 tháng 6, 2020

Đốc Phủ Sứ Trần Bá Lộc

                  
Trần Bá Lộc 1839 -1899.
   Một trong những người bản xứ đầu tiên cộng tác đắc lực cho Pháp. Chưa đến 30 tuổi đã được thăng chức Đốc Phủ sứ. Một chức cai quản nhiều tỉnh ở Nam Kỳ.
    Học giả Vương Hồng Sển mô tả về ông "Người khô ráo dỏng dảy, môi mỏng, cặp mắt có sát khí. Ông ta bắt được địch thủ, nhứt quyết không cầm tù, chỉ chặt đầu y như quân lịnh: chém người như chém chuối, chém không chừa con đỏ".
     Nhiều cuộc khởi nghĩa chống Pháp mà người Pháp dẹp không nổi, phải nhờ tay ông mới dẹp được. Kết quả có hàng trăm người bị ông chủ trương tàn sát không chút nương tay! Ông còn lập công truy bắt được Nguyễn Trung Trực và Thủ khoa Huân.
     Trước khi chết Trần Bá Lộc còn ngạo mạn di ngôn dặn con cháu phải chôn đứng để ông tiếp tục ...nhìn đời!
     Ngôi mộ chôn đứng của ông ở thị trấn Cái Bè là trường hợp đặc biệt ở Việt Nam.

Joseph Lai 1886

  Joseph Lai và vợ -ông xuất thân từ trường dòng nên giỏi tiếng Pháp. Sinh và mất năm nào chưa rõ nhưng bức ảnh nầy chụp khoảng năm 1886. (Được chụp ảnh lúc đó là khá sớm)
    Lúc nầy ông đang làm thông ngôn cho Tổng đốc Hà Nội Nguyễn Hữu Độ.
     Hồi đó người Việt biết tiếng Pháp chỉ đếm trên đầu ngón tay.


.

16 tháng 6, 2020

Trong Nam gọi là thiến heo, ngoài bắc gọi hoạn lợn.

Nghề thiến heo

    Trong Nam gọi là thiến heo, ngoài bắc gọi hoạn lợn. Cũng là nghề cắt tinh hoàn cho heo khỏi động đực để nuôi cho mau lớn.
Khi xưa còn nhỏ, tôi rất ấn tượng bởi ông thiến heo ở bộ bà ba đen, chiếc nón lá và đôi guốc mộc... Đồ nghề đơn giản chỉ là cây gậy với sợi dây thòng lọng, bình vôi, con dao xếp bén nhọn, cuộn chỉ tiêu đã xâu kim sẵn... với tiếng rao the thé "ai t h i ế n... h e o !" nhưng nhiều khi chỉ rao rút gọn có một từ "t h i ế n"!
Nhưng ấn tượng hơn cả là cách hành sự quá dã man của ổng đối với con heo. Mặc cho nó không ngớt vẫy vùng ét ét. Ổng vẫn ung dung thao tác một cách gọn gàng dứt khoát. Thoáng chừng vài phút ổng đã thọt hai ngón tay vào vết rạch rồi cắt ra hai hòn đỏ lòm rồi may xong vết mổ. Sau khi được quẹt chút vôi ăn trầu nơi vừa mới khâu. Chú heo được thả trở vô chuồng rồi ịt ịt mấy tiếng ỉu xìu. Tụi tui đứng coi trông thấy tội!
Xã hội ngày càng phát triển, nhiều nghề như thiến heo cũng mất dần theo thời gian.
Ừ mà thôi, nghề thiến heo có mất đi cũng được.

Kẹo kéo- chưa bao giờ hết hấp dẫn đám con nít


     
Ông kẹo kéo
Kẹo kéo- chưa bao giờ hết hấp dẫn đám con nít ở mọi thời đại. Vì vị ngọt dẽo của đường vừa chín tới và vị beo béo, ngầy ngậy của đậu phụng rang giòn... được ông bán kẹo khéo léo kéo thành que. Cứ que nhỏ chừng gang tay là một đồng hay hai, ba đồng, tùy thời giá!
Ảnh là ông kẹo kéo và đám con nít ở vạn chài Huế cách đây gần 100 năm!

Bức tranh xưa về trận đánh ở Đà Nẵng năm 1858 trên báo Pháp.

Đà Nẵng 1858
Bức tranh xưa về trận đánh ở Đà Nẵng năm 1858 trên báo Pháp.
Khu vực mà tàu Pháp và TBN nổ súng là thành An Hải ở phía hữu ngạn sông Hàn vì phía sau có dãy Sơn Trà.
Chỉ nhìn cách hai bên giao chiến ta thấy đại bác của họ có trái nổ nên có sức công phá lớn, khói bay mù mịt trên núi. Trong khi đại bác của ta chỉ gây nên những cột nước nhỏ dưới sông. Vì đạn chỉ là viên bi sắt đường kính chừng 60ly, không có trái nổ nên bắn trúng mới gây sát thương. Vì vậy trận mở màn chỉ có một sĩ quan Pháp vô phước trúng đạn gãy cổ chết tại trận và vài thuyền chiến địch bị gãy cột buồm. Trong khi thiệt hại về người và tài sản của quân dân ta cũng khá lớn!
Chủ trương của Pháp là đánh nhanh, thắng nhanh. Vì vậy khi cụ Nguyễn Tri Phương vào thay cụ Lê Đình Lý làm tổng chỉ huy thì ta áp dụng cách đánh du kích, lập thêm phòng tuyến mới chạy sâu trong nội địa nhằm gây ức chế ý chí của giặc cũng như tiêu hao sinh lực địch.
Kết quả như ta biết quân Pháp vừa bị dịch bệnh, vừa bị tổn thất do cách đánh "lén" từ nhiều phía nên cuối cùng phải rời ĐN mà không thực hiện được mục đích ban đầu của họ.
Không những rời đi mà họ còn để lại một nghĩa địa với cả chục nấm mồ cô quạnh, hoang phế ở Sơn Trà từ đó cho đến nay!

Cụ Tôn Thất Thuyết

                                    Cụ Tôn Thất Thuyết,
Thượng thư Bộ Binh. Là nhân vật đứng đầu phái chủ chiến trong triều đình Huế.
+ Trong vòng 24 tháng, phái chủ chiến đã thay liền ba ông vua có tư tưởng cầu hòa.
+ Ra lệnh tổng tấn công quân Pháp ở Huế năm 1885.
+ Quân Pháp phản công Kinh thành Huế. Bèn phò tá vua Hàm Nghi xuất bôn kháng chiến. Lập phong trào Cần Vương kháng Pháp trong cả nước.
+ Vua bị bắt, việc lớn bất thành. Ông phải sống lưu vong ở Trung Quốc.
Trong cuộc kháng Pháp, gia đình ông đã mất 11 người, gồm cha, mẹ đẻ, cha vợ, vợ và các em trai, bốn người con trai, con rể và các cháu đã vì nước hy sinh.
Trong cảnh "Nước mất, nhà tan" lòng đau uất hận, ông sinh quẩn trí. Ngày ngày ngồi một mình dùng gươm chém vào đá. Hàng xóm bên Tàu gọi ông là "Đả thạch lão".
Ông mất năm 1913 ở Quảng Châu. Dân Trung Hoa cảm phục trước tấm gương trung liệt đã góp tiền xây mộ, dựng bia cho ông.

Ông Thủ Thiệm

Gánh hát bội ở Tourane  qua bưu ảnh xưa

Ở Quảng Nam có Thủ Thiệm cũng giống bác Ba Phi trong Nam hay Trạng Quỳnh ngoài Bắc. Rất ưa "châm chích" đả phá chính quyền phong kiến.
    Làng Tam Hòa, Núi Thành của ông có hội, làng cho người xuống Hội An mời gánh hát bội về diễn mấy ngày ở đình làng.
    Không hiểu sao đám chức sắc trong làng đều được mời dự khán nhưng họ quên không mời ông. Dù ông cũng là ông "Thủ" ít nhiều có học trong làng.Thủ Thiệm để bụng chơi khăm đám hát bội một bữa. 
     Khoảng cuối giờ thân, ông ăn mặc chỉnh tề, chống gậy dẫn theo đứa cháu nội lân la vào hậu trường, chỗ nghỉ ngơi và nơi treo trang phục như áo mão, hia râu, giáo mác của đám hát bội.Vừa dắt cháu nội, Thủ Thiệm chỉ gậy vào các loại râu treo trên giá, vừa dẫn giải cho đứa cháu nội.
    "Người trung trực thì mang râu đen dài ni nè!  Già phúc hậu thì mang râu bạc dài ni con hỉ! Râu như râu cá trê là đứa gian nịnh nghe! Râu rậm như chổi cùn như ri là mấy ông nóng nảy, dữ dằn! Râu chuột ngúc ngoắc như ri là mấy đứa nịnh bợ nghe con!
Râu dê như ri là mấy thằng ve gái. Còn râu cáo nớ là mấy đứa ti tiện con hỉ."
     Nói chung là râu mô ông cũng dùng gậy chỉ chỉ, chấm chấm vào đó... mà đầu cây gậy ông đã nhúng vào phân người pha loãng ở nhà trước khi đến đây.
    Kết quả là đêm hát bội đó không thể mở màn vì đám kép chính và kép phụ đều không thể nào đeo râu vào mà thở được. Mà hát bội không có râu thì còn chi là hát bội!
               Ngô Bá Dũng

14 tháng 6, 2020

Chân dung ông nghiện xưa qua bưu ảnh.

         
 Chân dung ông nghiện xưa qua bưu ảnh.
      Có hai thứ mà người Pháp khuyến khích dân An Nam dùng là thuốc phiện và rượu SICA.
      Ở Saigon có hẵn một nhà máy chế biến thuốc phiện trên đường Paul Blanchy (nay là Hai Bà Trưng SG). Còn nhà máy rượu SICA thì Bắc, Trung, Nam đều có.
      Rượu thì dựa trên đầu dân mà giao "chỉ tiêu" phải tiêu thụ. Bên cạnh đó "tây nhà đoan" còn tăng cường bắt phạt rượu lậu. Chỉ cần phát hiện có dụng cụ nấu rượu hay bả hèm ở nhà là gông cổ liền!
Còn thuốc phiện được bán như thuốc lá, ai có tiền là mua.
Dù xưa hay nay thì con nghiện mặt mày đều hốc hác. Có điều xưa thì cho hút "thả ga" còn nay thì chứa hay hút cũng đều cho ...vô tù !

Đời sẽ đẹp hơn với chiếc Lambretta"

   
    Đời sẽ đẹp hơn với chiếc Lambretta". Là tiêu đề của trang quảng cáo xưa.
    Ảnh là hai vợ chồng trên chiếc Lambretta LD150 đời 1956, sản xuất tại Ý. Đây là chiếc xe hai bánh thời thượng ở thập niên 50,60 của TK trước.
Hiện nay dòng xe nầy khá hiếm ở Việt Nam. Giới chơi xe cổ có thể bỏ ra trên dưới ba trăm triệu để sở hữu, dù nó đã có tuổi gần 70 năm.

Lambretta  photo by LIFE

Tên đường phố Hội An trước 1930

   
 Tên đường phố Hội An trước 1930
-Đường Bạch Đằng: Lúc đó chưa có tên đường (?)
- Đường Nguyễn Thái Học, lúc đó cũng chưa có tên nhưng lại ngắn hơn bây giờ, chạy tới giáp Lê Lợi là hết(?). Thực tế hiện nay dài thêm một đoạn, giáp Trần Quý Cáp.
- Đường NTMK - Trần Phú nối dài, tên cũ là Khải Định - Pont Japanais. (đường Cầu Nhật Bản)
- Đường PCT - tên cũ là Minh Hương nhưng xưa chỉ giáp Lê Lợi là hết nhưng thực tế hiện nay kéo dài thêm đến Hoàng Diệu (?)
-THĐạo tên cũ là đường Quảng Nam và đường Cửa Đại nối dài.
-Thái Phiên tên cũ Oscar Mouliè.
- Lý Thường Kiệt tên cũ là Gia Long.
-Lê Lợi, tên cũ Republique.
-HVT tên cũ Jules Ferry.
     Như vậy con đường Cửa Đại giữ tên lâu nhất ở Hoian và hai đường Nguyễn Thái Học và Phan Châu Trinh có mở mang thêm(?)

12 tháng 6, 2020

Ông Quách Đàm


Tượng Quách Đàm
Bức tượng bằng đồng cao hơn 01 mét, tạc một người có trang phục Mãn Thanh, ngực đầy "mề đay". Hai tay cầm nhiều cuộn bản đồ, bằng khoán đất đai, chợ búa, trường học... ở Bảo tàng Mỹ thuật tp HCM.
     Hỏi ra mới biết đó là ông Quách Đàm một thương gia người Hoa ở Chợ Lớn - Saigon.
     Khởi nghiệp ban đầu là gánh lạc xoong, ve chai, da trâu, da bò, vi cá ... hầm bà lèng.
     Nhưng buôn những thứ đó thì làm sao mà giàu nhanh cho được?
     Ông chuyển qua buôn đất, 100 năm trước mà ổng đã biết buôn đất rồi! 
   Quách Đàm mua hàng chục mẫu đất ruộng ở Bình Tây rồi "phù phép" chuyển thành "thổ trạch châu thành" thông qua xây chợ. Chuyện chi chớ phục vụ "dân sinh" thì chính quyền thuộc địa chịu liền. Vậy là ngoài ngôi chợ Lớn - Bình Tây được xây dựng (Q6) với bức tượng của Quách Đàm ở chính môn. Liền sau đó là hàng loạt thửa đất được phân lô bán cho tiểu thương cất nhà phố quanh chợ. "Mua một, bán trăm" mà không giàu mới lạ?
   (Hèn chi kế sách nầy Quách Đàm đã dụng 100 năm rồi. Bây giờ mấy quan ta mới bắt chước!).
     Có tiền, Quách Đàm dần xoay qua xuất khẩu gạo, bảo lãnh vay ngân hàng... lĩnh vực nào Quách cũng làm chủ, khuynh đảo thị trường... Đây mới thực "tiền nhiều không biết làm chi cho hết"
     Tiền nhiều chi rồi cũng chết. Quách Đàm biết cũng không mang theo được . 
     Theo cụ Vương Hồng Sểnh "Đám ma Quách Đàm to nhất Cholon. Ai đi đưa đám, dù một đoạn ngắn cũng có người lễ phép mang bia Larue hay nước dừa tới dâng, kèm theo cái quạt có kẹp 5 đồng bạc gọi là đền ơn có lòng đưa tiễn".
      Ông Quách quá giỏi. Làm giàu từ gánh lạc xoong. Đến lúc xuống âm phủ cũng còn huy động được nhiều người đi đưa đám ma mình!
   
Chợ Bình Tây hồi mới xây dựng

Toàn quyền Đông dương Paul Doumer.


Toàn quyền Đông dương Paul Doumer.
   Làm toàn quyền có 5 năm nhưng để lại nhiều dấu ấn quan trọng.
   Cho xây 03 chiếc cầu nổi tiếng: Long Biên -Hà Nội, Trường Tiền -Huế và   Bình Lợi -Saigon ngoài ra còn có cầu Hàm Rồng - Thanh Hóa. Toàn là những chiếc cầu đẹp mang tính lịch sử.
     Có lối làm việc rất sâu sát. Từng cưỡi   ngựa với một cận vệ từ Hanoi đi Tourane (Đà Nẵng) để khảo sát thực tế tuyến đường sắt Vietnam thời bấy giờ. Chuyến đi mất 8 ngày nhưng ông từ chối khéo léo mọi sự bày vẽ đón tiếp rình rang của các địa phương.
     Cho thành lập Viện Viễn đông Bác cổ để lưu giữ các giá trị văn hóa. Ông tài trợ cho BS Yersin khám phá khu du lịch nghỉ dưỡng Dalat.
     Sau nầy vì cảm phục Hoàng Hoa Thám nên khi Hùm xám Yên Thế mất. Ông nhận là cha nuôi của bà Hoàng Thị Thế (6 tuổi), đưa bà về Pháp nuôi ăn học đến thành tài.
     Với tay sai khét tiếng Trần Bá Lộc, Nguyễn Thân ông luôn dè chừng vì thái độ tàn ác của họ với dân chúng. Ông căn dặn những người kế nhiệm về việc sử dụng những người nầy vào việc "đại sự".
       Về sau ông trở thành Tổng thống Pháp rồi bị ám sát chết năm 75 tuổi.
      Chủ nghĩa thực dân gây đau khổ lầm than cho các dân tộc thuộc địa nhưng công bằng mà nói dưới thời của Doumer. Ba nước Đông dương, đặc biệt là "An Nam" được hưởng nhiều thành tựu văn minh 
từ nước Pháp.
                                  NBD