ngobadung

3 tháng 2, 2023

VỀ CÁI CHẾT CỦA VÕ TÁNH VÀ NGÔ TÒNG CHU (Ngô Tùng Châu).

VỀ CÁI CHẾT CỦA VÕ TÁNH VÀ NGÔ TÒNG CHU (Ngô Tùng Châu).
        Hai năm 1800 - 1801 thành Quy Nhơn bị Tây Sơn vây chặt. Đại tướng Võ Tánh và Lễ bộ Ngô Tòng Chu cùng các tướng sĩ liều chết giữ thành. Đã hơn 10 lần bị Tây Sơn tấn công nhưng quân lệnh nghiêm minh không ai trong thành phải nhụt chí.              Có người khuyên phá vòng vây mà thoát. Tánh không nghe "Ta vâng mệnh giữ thành, phải cùng còn mất với thành, nay bỏ thành mà cầu lấy sống thì còn mặt mũi nào nhìn thấy chúa thượng nữa!"
       Cùng lúc trong thành binh sĩ phải giết voi ngựa để ăn nhưng không ai có lòng phản.
       Võ Tánh sai quân lính lấy củi khô chất quanh dưới lầu bát giác. Một hôm Ngô Tòng Chu đến hỏi kế thì Tánh trỏ vào lầu bát giác nói rằng: "Đây là kế của tôi" rồi nói: "Tôi làm chủ tướng, nghĩa là không thể cùng sống với giặc, (ý chỉ Tây Sơn) ông là quan văn, quân địch tất không hại đâu, nên tính cách tự toàn".
        Ngô Tòng Chu cười nói:"Cứ gì văn hay võ, lòng trung cũng là một thôi, tướng quân biết chết theo nạn nước. Chu nầy không biết tận trung sao?"
Thế rồi trở về mặc triều phục hướng về cửa khuyết bái vọng rồi uống thuốc độc mà chết. Tánh hay tin ngậm ngùi than: "Ngô quân đã hơn ta một nước rồi!". Tức thì tới thăm và khâm liệm tống táng.               Xong viết thư cho Trần Quang Diệu nói: Tướng quân nghĩa phải chết là việc của ta, quân sĩ không có tội gì, không nên giết hại".
      Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng chiếm được thành nhưng vì trọng Võ Tánh nên giữ lời, không giết hàng binh.
                        Theo Đại Nam Thực lục

       * Võ Tánh được xem là Đại công thần nhà Nguyễn, Tánh lấy công chúa em của chúa Nguyễn Ánh nên hết lòng phụng sự nhà Nguyễn, con của ông là Võ Mỹ, cháu nội là Võ Khánh được ưu ái đặc quyền dù không có thực tài. Ngô Tòng Chu (Tùng Châu), người Tân Bình (Saigon) học vấn uyên thâm từng là thầy dạy Hoàng tử Cảnh.
         Võ Tánh và Ngô Tòng Chu được thờ ở gian chính miếu Hiển Trung (Miếu ở quận 1 Saigon nhưng nay không còn nữa vì bị Pháp phá).
        Cuộc chiến giữa chúa Nguyễn và Tây Sơn xuất hiện nhiều tướng tài. Không kể Nguyễn Huệ và Nguyễn Ánh, bên phía Nhà Nguyễn có Võ Tánh, Nguyễn Văn Thành, Lê Văn Duyệt, Đỗ Thành Nhân, Võ Di Nguy, Nguyễn Đức Xuyên, Nguyễn Hoàng Đức, Lê Chất...
Phía Tây Sơn có Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân, Võ Văn Dũng, Nguyễn Hữu Chỉnh,Đinh Công Tuyết..
        Một giai đoạn bi thương của dân tộc, đẩy nhân dân đàng trong vào cuộc binh lửa, phiêu tán. Làm hàng vạn binh sĩ hai bên phải bỏ mạng.
      Chú thích tranh: Lầu bát giác nơi Võ Tánh tự thiêu - sau là mộ - ông còn có mộ ở Gia Định nhưng là mộ gió - bài vị ông được thờ ở gian chính ở miếu Hiển Trung.
     Đường Võ Tánh ở Saigon xưa nay là một phần của đường Nguyễn Trãi, còn Ngô Tùng Châu nay là Lê Thị Riêng. Duy nhất hiện nay ở Cần Thơ còn có tên đường Võ Tánh, còn Ngô Tùng Châu có tên đường ở Gò Công, Tiền Giang.
      Còn ở Danang trước 75 con đường mang tên Võ Tánh nay là Núi Thành.
     Hai vợ chồng Bùi Thị Xuân và Trần Quang Diệu, Võ Văn Dũng đều có tên đường ở gần nhau thuộc phường AHB Sơn Trà - Đà Nẵng hiện nay.









Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét