ngobadung

15 tháng 2, 2023

Tuần tra Quân trấn!



Tuần tra Quân trấn!
Kiểm tra giấy tờ trên đường phố trước 75.
"Lạng quạng" là người và xe đạp đều bị xúc lên xe.
Thôi thì về "trung tâm nhập ngũ" chớ gãi đầu chi nữa cha?


12 tháng 2, 2023

Cầu An Hội bắc qua sông Hoài - Hội An.

Photo by HANS PETER
Cầu An Hội bắc qua sông Hoài - Hội An.
Cầu xây vào những năm 67 - 68 thuộc chương trình "Phát triển nông thôn" nhờ đó mà người dân An Hội qua "phố" không phải lụy đò!
Cầu tồn tại đến đầu thập niên 90 được phá bỏ để xây cầu mới gần đó vài mét như ta thấy hiện nay.
Trong ảnh là cầu An Hội cũ, đầu cầu là quán chè đậu ván của ông Ba thợ guốc.

Hội An những năm đầu 90 của TK trước.


Hội An những năm đầu 90 của TK trước.
        Thời đó ít người biết đến Hội An, không mấy ai ở trong nước du lịch đến đây đừng nói chi nước ngoài!
        Khi ấy dân sở tại sống bằng nhiều nghề, chủ yếu là thủ công như đan lát, thêu thùa, gò hàn, dệt vải, làm bánh in bánh ít, xe đạp thồ. Cả thị xã đâu đâu cũng nghe tiếng đập rầm rập đến điếc tai của các khung dệt bằng gỗ. Cạnh đó các "cơ sở gò hàn tự lo" chuyên gò hàn thùng gánh nước, xoa tưới, gàu ... phục vụ cho bà con làm nông cũng mọc lên khắp nơi!
    Bo bo, sắn lát, hến + khoai lang, rau muống...
    Cảnh khốn khó hiện hữu khắp mọi nhà!
                                                       Photos by HANS PETER

10 tháng 2, 2023

LỄ HIẾN PHÙ NGÀY 07 tháng 11 năm Nhâm Tuất 1802



Đồng tiền thời Cảnh Thịnh (Quang Toản)
LỄ HIẾN PHÙ 
    Ngày Giáp Tuất nhằm ngày 7.11 năm Nhâm Tuất tức ngày 1.12.1802, tại Thái Miếu diễn ra lễ Hiến phù - có nghĩa là trình diện các tù binh cấp cao Tây Sơn đã bị bắt để cáo (báo cáo) trước bàn thờ tổ tiên.
Gồm: 
     Nguyễn Quang Toản (vua)
     Tể tướng Nguyễn Quang Duy (em Toản).
     Nguyên soái Nguyễn Quang Thiệu (em)
     Đốc trấn Nguyễn Quang Bàn (em).
     Thiếu phó Trần Quang Diệu
     Tư đồ Võ Văn Dũng
     Tư mã Nguyễn Văn Tứ
     Đổng lý Nguyễn Văn Thận
     Đô ngu Nguyễn Văn Giáp
     Thống tướng Lê Văn Hưng. 
        Những người nầy sau đó bị dẫn ra cửa phía tây kinh thành Huế để bị xử chết, riêng Quang Toản bị xử bằng hình thức cho ngũ tượng (5 con voi) phanh thây. Số còn lại đều bị xử chém.
        Một cuộc hành hình mà vua Gia Long đã nói "Trẫm vì 9 đời mà trả thù" (09 đời chúa).
        Những tử tội đều có bữa ăn thịnh soạn trước khi chết, tuy nhiên cũng có người phản đối như Quang Thiệu đã trách anh là Quang Toản "Vì sao lại ăn mâm mướn của địch"!
         Trước khi chịu tội chết, các tử tội còn phải chứng kiến cảnh hài cốt của Nguyễn Huệ và Nguyễn Nhạc đã bị đào lên để hành hình, sau đó 03 đầu lâu gồm của Nguyễn Nhạc - Nguyễn Huệ - Quang Toản đều bị bỏ hủ sành giam ngục tối cho đến năm 1885 khi xãy ra cuộc biến động ở kinh thành Huế, người ta mang 03 hủ sành đó đi chôn ở đâu đến nay vẫn chưa rõ!
                Theo Quốc sử quán triều Nguyễn.

     * Thực hiện "Nhỗ cỏ phải nhỗ tận gốc", nhà Nguyễn đã tận diệt hầu hết con cháu của nhà Tây Sơn đến gần trăm người. Trong đó có các người em trai của vua Cảnh Thịnh (Quang Toản) gồm Quang Cương, Quang Điện, Quang Tự, Quang Duy, Quang Bàn, Quang Thiệu, riêng Quang Thùy đã tự thắt cổ chết khi bị bắt, một số tướng lĩnh quyết chống cự đến phút cuối cũng vị xử chết chung.
       Tuy nhiên đa số tướng lĩnh và quan chức Tây Sơn đã quy hàng đều được bố trí tiếp tục nhiệm sở như Lê Chất gốc Tây Sơn được phong chức Tổng trấn Bắc Thành (thay NVT). Đối với binh sĩ Tây Sơn, phần đông binh lính gốc đàng ngoài được trưng dụng trở lại quân đội nhà Nguyễn, các binh lính Tây Sơn gốc Quy Nhơn, Phú Yên được cho về nguyên quán để làm ăn mà không có sự trả thù.               Điều đó đã được thể hiện bằng các văn bản do vua Gia Long (chúa Nguyễn Ánh) đã từng ban bố trong dân chúng và binh sĩ nhiều lần trước đó .






Trả lờiChuyển tiếp

Xích lô ở Đà Nẵng xưa




Xích lô ở Đà Nẵng xưa.
      Ảnh do người Mỹ chụp trên đường Trưng Nữ Vương, gần cổng chợ Hòa Thuận hồi đó.
      Cùng với xe Lam, xe xích lô cũng là phương tiện vận chuyển đa dụng. Khi chở người thì chỉ cần lót 2 tấm nệm, lúc chở heo thì cất 2 tấm nệm đi. Có điều khi chở heo thì không cần bóp chuông!
                                            Quá đa dụng!

ÔNG B. SẮM XE HƠI

      Ông B. sắm ô tô khá sớm. Từ hồi về hưu ông cũng ít sử dụng xe. Một phần vì xăng mắc, phần vì chẳng đi đâu xa.
      Thỉnh thoảng ông hay lau chùi, xịt rửa khoang máy, kẻo để lâu chuột bọ làm tổ trong xe!



5 tháng 2, 2023

TƯỚNG TRẦN QUANG DIỆU VỊ TƯỚNG NHÀ TÂY SƠN BỊ BẮT TRONG TÌNH THẾ NÀO?


TƯỚNG TRẦN QUANG DIỆU VỊ TƯỚNG NHÀ TÂY SƠN, (QUÊ GỐC AN HẢI, SƠN TRÀ, ĐÀ NẴNG) BỊ BẮT TRONG TÌNH THẾ NÀO?
Tháng 4 năm 1802 quân Nguyễn do Nguyễn Văn Thành, Lê Văn Duyệt, Lê Chất chia 03 đạo tiến đánh thành Quy Nhơn. Liệu không địch nỗi, mặc dầu đã cầm cự hơn 8 tháng nên Diệu Dũng với 3.000 quân khỏe mạnh và 86 thớt voi bỏ thành trốn đi vào ban đêm theo đường thượng đạo qua đất Vạn Tượng (Lào) để ra Nghệ An (hợp quân với Quang Toản). 
      Chúa Nguyễn ra lệnh cho Quảng Nam và Cam Lộ phái quân đóng giữ các đầu nguồn để chặn bắt, rồi gởi thư cho Vạn Tượng biết.
      Tháng 6.1802 quân của Phó Đô Thống chế Võ Doãn Văn bắt được Trần Quang Diệu ở miền thượng đạo, thuộc Quỳ Hợp, Nghệ An, bị bắt cùng Diệu có các tướng Từ Văn Chiêu, Nguyễn Văn Giáp, Lê Văn Hưng, Nguyễn Văn Mân và 76 thớt voi. Tin thắng trận báo về, vua (Lúc bấy giờ Nguyễn Ánh đã chính thức lên ngôi vua) sai Lê Văn Duyệt đóng xiềng giam giải về kinh. Cùng lúc dân Thanh Hoa bắt được Võ Văn Dũng cũng giải nộp. Các thành Nghệ An, Thanh Hoa, Thanh Hoa ngoại (Ninh Bình) đều đầu hàng nhanh chóng khi biết đội quân của Diệu - Dũng tan rã.
          Vua ban chiếu thưởng cho các cánh quân thủy bộ "Nay buổi đầu lấy lại kinh thành, trước hết thưởng cho bọn ngươi 1.000 lạng vàng, 10.000 lạng bạc và 30.000 quan tiền để khuyến khích. Còn người có công trạng rồi sau sẽ thưởng".
            Theo Quốc sử quán triều Nguyễn.


    * Là dũng tướng nổi bật dưới triều Tây Sơn, ông gốc làng An Hải, huyện Diên Phước, tỉnh Quảng Nam (nay thuộc quận Sơn Trà, tp. Đà Nẵng).
      Trong các tướng lãnh nhà Tây Sơn, chúa Nguyễn Ánh "ngán" nhất là Đại tướng họ Trần. Vì khi có người bàn nên đem quân đánh Bắc Hà. Chúa do dự và nói: "Bỏ nơi gần, mưu nơi xa không phải là thượng sách. Hiện nay trong bọn giặc chỉ có Trần Quang Diệu là ghê nhất. Diệu chưa trừ được thì không nên khinh tiến. Hãy đợi khi hạ thành Quy Nhơn là không phải lo lắng về phương Nam nữa, khi đó tiến đánh Bắc Hà cũng chưa muộn".
       Nhận xét của chúa Nguyễn đủ để thấy vai trò của tướng Trần Quang Diệu quan trọng thế nào?.
Có trong tay hơn 02 vạn quân thủy bộ, Diệu và Dũng đã gây khó khăn cho quân Nguyễn suốt những năm từ 1799 đến tháng 04 1802. Có lúc cán cân nghiêng về phía Tây Sơn. Họ thực sự bị mất lợi thế khi Phú Xuân bị thất thủ đã mất đi sự chi viện từ hậu phương, làm khó khăn về tiếp tế hậu cần và gây tâm lý hoang mang trong binh sĩ. Việc hai ông bị bắt đã báo hiệu cho sự cáo chung của triều Tây Sơn mặc dầu Quang Toản vẫn còn đang lẫn trốn!


Ảnh: Một trường ở Đà Nẵng mang tên TQD.




3 tháng 2, 2023

VỀ CÁI CHẾT CỦA VÕ TÁNH VÀ NGÔ TÒNG CHU (Ngô Tùng Châu).

VỀ CÁI CHẾT CỦA VÕ TÁNH VÀ NGÔ TÒNG CHU (Ngô Tùng Châu).
        Hai năm 1800 - 1801 thành Quy Nhơn bị Tây Sơn vây chặt. Đại tướng Võ Tánh và Lễ bộ Ngô Tòng Chu cùng các tướng sĩ liều chết giữ thành. Đã hơn 10 lần bị Tây Sơn tấn công nhưng quân lệnh nghiêm minh không ai trong thành phải nhụt chí.              Có người khuyên phá vòng vây mà thoát. Tánh không nghe "Ta vâng mệnh giữ thành, phải cùng còn mất với thành, nay bỏ thành mà cầu lấy sống thì còn mặt mũi nào nhìn thấy chúa thượng nữa!"
       Cùng lúc trong thành binh sĩ phải giết voi ngựa để ăn nhưng không ai có lòng phản.
       Võ Tánh sai quân lính lấy củi khô chất quanh dưới lầu bát giác. Một hôm Ngô Tòng Chu đến hỏi kế thì Tánh trỏ vào lầu bát giác nói rằng: "Đây là kế của tôi" rồi nói: "Tôi làm chủ tướng, nghĩa là không thể cùng sống với giặc, (ý chỉ Tây Sơn) ông là quan văn, quân địch tất không hại đâu, nên tính cách tự toàn".
        Ngô Tòng Chu cười nói:"Cứ gì văn hay võ, lòng trung cũng là một thôi, tướng quân biết chết theo nạn nước. Chu nầy không biết tận trung sao?"
Thế rồi trở về mặc triều phục hướng về cửa khuyết bái vọng rồi uống thuốc độc mà chết. Tánh hay tin ngậm ngùi than: "Ngô quân đã hơn ta một nước rồi!". Tức thì tới thăm và khâm liệm tống táng.               Xong viết thư cho Trần Quang Diệu nói: Tướng quân nghĩa phải chết là việc của ta, quân sĩ không có tội gì, không nên giết hại".
      Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng chiếm được thành nhưng vì trọng Võ Tánh nên giữ lời, không giết hàng binh.
                        Theo Đại Nam Thực lục

       * Võ Tánh được xem là Đại công thần nhà Nguyễn, Tánh lấy công chúa em của chúa Nguyễn Ánh nên hết lòng phụng sự nhà Nguyễn, con của ông là Võ Mỹ, cháu nội là Võ Khánh được ưu ái đặc quyền dù không có thực tài. Ngô Tòng Chu (Tùng Châu), người Tân Bình (Saigon) học vấn uyên thâm từng là thầy dạy Hoàng tử Cảnh.
         Võ Tánh và Ngô Tòng Chu được thờ ở gian chính miếu Hiển Trung (Miếu ở quận 1 Saigon nhưng nay không còn nữa vì bị Pháp phá).
        Cuộc chiến giữa chúa Nguyễn và Tây Sơn xuất hiện nhiều tướng tài. Không kể Nguyễn Huệ và Nguyễn Ánh, bên phía Nhà Nguyễn có Võ Tánh, Nguyễn Văn Thành, Lê Văn Duyệt, Đỗ Thành Nhân, Võ Di Nguy, Nguyễn Đức Xuyên, Nguyễn Hoàng Đức, Lê Chất...
Phía Tây Sơn có Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân, Võ Văn Dũng, Nguyễn Hữu Chỉnh,Đinh Công Tuyết..
        Một giai đoạn bi thương của dân tộc, đẩy nhân dân đàng trong vào cuộc binh lửa, phiêu tán. Làm hàng vạn binh sĩ hai bên phải bỏ mạng.
      Chú thích tranh: Lầu bát giác nơi Võ Tánh tự thiêu - sau là mộ - ông còn có mộ ở Gia Định nhưng là mộ gió - bài vị ông được thờ ở gian chính ở miếu Hiển Trung.
     Đường Võ Tánh ở Saigon xưa nay là một phần của đường Nguyễn Trãi, còn Ngô Tùng Châu nay là Lê Thị Riêng. Duy nhất hiện nay ở Cần Thơ còn có tên đường Võ Tánh, còn Ngô Tùng Châu có tên đường ở Gò Công, Tiền Giang.
      Còn ở Danang trước 75 con đường mang tên Võ Tánh nay là Núi Thành.
     Hai vợ chồng Bùi Thị Xuân và Trần Quang Diệu, Võ Văn Dũng đều có tên đường ở gần nhau thuộc phường AHB Sơn Trà - Đà Nẵng hiện nay.









Hai tấm ảnh do người Mỹ chụp ở Hòa Phát - Hòa Vang, Đà Nẵng. (nay là quận Cẩm Lệ) khoảng năm 1969 -1970.

     
Hai tấm ảnh do người Mỹ chụp ở Hòa Phát - Hòa Vang, Đà Nẵng. (nay là quận Cẩm Lệ) khoảng năm 1969 -1970.
       Người trong ảnh chống nạng là cô Hoàng Phương Mai nay vẫn còn sống. Là phụ nữ xinh đẹp, thông minh, đầy nghị lực, giỏi tiếng Anh không may bị tật nguyền. Lúc bấy giờ đang làm thông dịch cho một bệnh viện dã chiến của Mỹ ở phi trường Đà Nẵng.
      Cha của bà là Trung tá HML mất đúng ngày 29.3.1975 và phải... an táng trong ngày!!!