ngobadung

28 tháng 6, 2021

ĐỌC BÁO XƯA - MỤC XE CÁN CHÓ- NGANG QUÁ GHẸ (Lục tỉnh Tân văn 1919.)




         BÁO XƯA - MỤC XE CÁN CHÓ
                Lục tỉnh Tân văn 1919.
                  NGANG QUÁ GHẸ
     "Một thầy đội tây bữa nọ muốn hứng cảnh đêm cho mát, mới bắt một cái xe kéo số 1220 từ dưới đường Mayer (1) chạy vòng xuống kho đạn chơi rồi vô Cholon từ 10 giờ khuya cho đến 5 giờ sáng. Bảo xe đậu tại trại lính tập (2) Cholon rồi vô trỏng ở luôn tuốt không thèm ra nữa, mà tiền xe cũng không thèm trả, làm cho xe kéo ta trông thôi đà mỏi mắt.
        Bớ mong xừ, bớ mong xừ(3) om xòm mà cũng không thấy ai lên tiếng. Tức mình kéo xe lại bót thưa".


***
      Đúng là đã nghèo còn lại gặp eo, kéo cả đêm lòng vòng, chờ chực, không ngủ, hơn 20 cây số lại gặp tây đui không trả tiền!
(1) Đường Mayer sau đổi là Hiền Vương, 1975 đổi Võ Thị Sáu, quận 3.
(2) Có thời là Bộ Tổng Tham mưu quân đội VNCH, nay là THĐ.
(3) Ông ơi! Ông ơi!


Những hoàng tử, công chúa nào là con của Vua Gia Long đã chết vì bệnh đậu mùa?

Vua Tự Đức - Lúc nhỏ từng bị bệnh đậu mùa



        Trước khi có covid, thế giới đã từng có đại dịch như đậu mùa, dịch tả, dịch hạch... đã từng làm chết hàng triệu người.
        Riêng dịch đậu mùa đã cướp đi rất nhiều sinh mạng của các lớp ông bà ta.
         Lịch sử đã ghi lại những cơn dịch đã bùng phát trong những năm 1801, 1819, 1840, 1913...
        Dịch không tha ai một ai từ con vua, cháu chúa cho tới thường dân.
        Riêng vua Gia Long đã có 05 người con đã chết vì bị đậu mùa trong số 11 hoàng tử và 18 công chúa.
       Đó là Anh Duệ Công, Đông cung Thái tử Cảnh. (22 tuổi)
      Quảng Oai Công, Hoàng tử Đích. (21 tuổi)
Thuận An Công, Hoàng tử Hi (20 tuổi)
      Hoàng tử Tuấn (con bà Lâm Thị mới 12 tuổi).
      Công chúa Ngọc Bích con bà Trần Thị, mất vì bịnh Trái giống năm 8 tuổi (1819)
     Trong đó Thái tử Cảnh, Hoàng tử Đích, Hoàng tử Hi đều chết cùng năm 1801, tức trước một năm Nguyễn Ánh làm vua.
     Ngay như vua Tự Đức cũng từng mắc chứng đậu mùa lúc nhỏ (hồi đó gọi là bệnh Trái giống) vì di chứng cho nên vua không thể có con và khuôn mặt bị rỗ.
     Tranh chân dung: Đông Cung Thái tử Nguyễn Phúc Cảnh con trưởng của chúa Nguyễn Ánh khi ông ta theo cha Bá Đa Lộc đến Pháp yết kiến Hoàng đế Napoleon lúc đó ông mới 6 tuổi.
(Tổng hợp từ Nam Kỳ tuần báo và các tư liệu lịch sử)
Đông cung Thái tử Nguyễn Phúc Cảnh, mất vì bịnh đậu mùa năm 1801
(ảnh năm 6 tuổi)


ĐỌC BÁO XƯA Tràng An nhật báo, năm 1937 Tin Tourane (Đà Nẵng) Chủ nhà đánh đập đầy tớ một cách tàn nhẫn ghê gớm.

  ĐỌC BÁO XƯA
             Tràng An nhật báo, năm 1937
        Tin Tourane (Đà Nẵng) Chủ nhà đánh đập đầy tớ một cách tàn nhẫn ghê gớm.
        Hồi 9 giờ sáng 14.5.1937 người ta chở xuống nhà thương một người đàn bà phỏng đầy cả nước sôi, ai thấy cũng động lòng thương xót vô cùng.
Người bị nạn tên Huỳnh Thị Đẩu, 23 tuổi ở làng Trung Lương, huyện Hòa Vang là đầy tớ của bà Lê Thị Lan, người An Nam, nguyên quán Nam Kỳ, nhà tại đường Quảng Nam(1), gần huyện Hòa Vang, bà Lan lấy tây là ông H. đã về nước. Còn Thị Đẩu đi ở mướn gần ba năm và đã mấy lần trốn vì không chịu nỗi sự hành hạ tàn ác của bà ấy, mà lần nào bà ta cũng nhờ người bắt lại được cả.
Đến nay không rõ thị Đẩu làm công việc gì trái ý bà mà bị đánh đập chửi mắng hơn mười ngày mà chưa đã nư giận. Bà còn bắt tên bồi và tên cu ly đè thị Đẩu xuống, lấy giẻ nhét vào miệng cho khỏi la, rồi múc nước đang sôi mà tưới vào mình thị Đẩu đến phỏng cả mình mẩy như con chuột lột.
           Gần một ngày, thị Đẩu sống dở chết dở mà không ai hay biết. Tuy vậy hàng xóm cũng nghe phong phanh muốn vào coi hư thực thế nào nhưng bà Lan lấy súng ra dọa hễ ai vào thì bắn nên không ai dám vào cả.
           Hai vợ chồng ông Mistch là chef STACA(2) ở gần bên biết đích xác nên đi tố giác cho Sở Cẩm(3) hay.
           Khi cò bót lại khám phá và làm ăng két(4) thì nhằm lúc bà ta đang mua hòm vì thị Đẩu đang hấp hối. Thấy tình hình như thế viên cò(5) liền cho lính chở thị Đẩu đi nhà thương còn bà Lan và hai tên cu li (6) đều bị bắt ngay về bót.
          Hiện nay nhờ công chăm sóc tận tụy của viên đốc tờ, thị Đẩu đã tĩnh táo và khai rõ như trên.
Còn bà Lan và hai tên cu li chờ ngày ra tòa. Có gì chúng tôi sẽ đăng thêm.
                                      Phóng viên
Chú thích
(1) Nay là đường Trưng Nữ Vương.
(2) Chủ hãng xe đò chạy Nam - Bắc.
(3) Cảnh sát
(4) Biên bản
(5) viên cảnh sát.
(6) người làm công trong nhà.
Vụ nầy nghe nói tòa Tourane không xử mà chuyển ra tòa đại hình ở Hanoi xử.

8 tháng 6, 2021

Miếu (dinh) Bà Cố ở Bà Rịa Vũng Tàu

                                           

Miếu (dinh) Bà Cố



Thuộc Long Điền - Bà Rịa Vũng Tàu.
           Được biết đây là ngôi miếu thờ một phụ nữ được cho rất linh thiêng từ xa xưa. Không biết người phụ nữ nầy và Bà Rịa, tên nhân vật đặt cho tỉnh BR-VT có mối liên hệ gì không?
          Bưu ảnh do người Pháp chụp nhân dịp các bô lão trong vùng khánh thành Miếu Bà vào những năm đầu TK XX.

Hát bội dưới các triều nhà Nguyễn



       
Các ông vua Nhà Nguyễn rất mê hát bội như Tự Đức, Đồng Khánh, Khải Định.
        Người khai sinh tuồng ở Đàng Trong là Đào Duy Từ, một chiến lược gia tài ba và quân sư của chúa Sãi. Vốn là con nhà "xướng ca vô loại" do bị kỳ thị đã bỏ Đàng Ngoài vào thần phục chúa Nguyễn. Một ông lớn khác mê hát bội là ngài Thừa Thiên Phủ Doãn tương đương với chức Đô Trưởng Huế bấy giờ (to hơn Tổng đốc)đó là nghệ sĩ tuồng Đào Tấn, ông cũng là hậu duệ của Đào Duy Từ.
        Thời kỳ nầy các nghệ sĩ tuồng được đãi ngộ và trọng vọng, nhất là ở Đàng Trong. Trong đó có các đào như cô Ba Phấn, Ba Quyên hay kép Sáu Trũy được nhiều người ái mộ.
        Ảnh cô Ba Quyên, một nghệ sĩ tuồng nổi tiếng thời vua Khải Định chỉ chuyên biểu diễn cho vua và hoàng gia xem.









7 tháng 6, 2021

Hai Hiên và vụ Hà Thành đầu độc năm 1908



       

     
Tháng 6 năm 1908 ở Hà Nội có vụ binh biến nhằm vào quân Pháp bằng thuốc độc mà ta hay nghe nói là vụ "Hà Thành đầu độc".
        Vụ nầy có liên quan đến Hoàng Hoa Thám và binh lính người Việt.
       Sự việc bị lộ, chỉ mới làm cho hơn 200 lính Pháp thuộc 02 trung đoàn Lê Dương bị đau bụng, có một ít hôn mê.
      Sau đó có 13 người Việt gồm đầu bếp và cấp chỉ huy lính người Việt bị xử chém.
     Ảnh là cụ Nguyễn Văn Hiên tức Hai Hiên, quê ở Phú Thọ là đầu bếp chính, cũng là người tổ chức vụ đầu độc đã bị Pháp tuyên án tử.
     Nên nhớ lúc nầy nghề bếp tây rất danh giá, lương rất cao chỉ sau thông ngôn và thầy giáo mà thôi!

1 tháng 6, 2021

Hải Vân Quan


 Hải Vân Quan-Thiên hạ đệ Nhất hùng quan.
         Con đường từ Quảng Nam ra gặp ải án ngữ từ phía chính đông.
         Hồi đó muốn ra Huế chỉ phải đi qua Hải Vân Quan và phải chịu sự kiểm soát nghiêm ngặt của binh lính bố phòng ở đây.
         Ngài Tùng Thiện Vương có 4 câu thơ rất hay về người lính bảo vệ thành Điện Hải (ĐN)- thất trận- bị thương- chống gậy lê bước về nhà (Huế) nhưng vẫn mong ước nếu còn sống vẫn xin tiếp tục chiến đấu dưới màu áo lính đồn Ải Vân!
"Loạn thi tùng lý bạt thân hoàn,
Nhất lĩnh đơn y chiến huyết ban.
Ỷ trượng độc cô sơn tửu điếm,
Tự ngôn sinh nhập Hải Vân quan".

 

    Dịch:
Lê chiếc thân tàn vượt đèo cao.
Một mảnh chiến y thắm máu đào.
Chống gậy cô đơn bên quán núi.
Thầm hẹn ngày về Hải Vân Quan.
Phạm Vũ Bằng (dịch thơ)