ngobadung

13 tháng 9, 2024

TÊN GỌI SÀI GÒN

TÊN GỌI SÀI GÒN
Theo sử gia Trịnh Hoài Đức (1765 -1825) thì SÀI là củi, cây, rừng; GÒN là giống cây gòn, gòn thời xưa mọc như rừng.
Hồi nhỏ ở Phú Nhuận, tôi đã thấy chung quanh có nhiều cây gòn.
Trái gòn hình bầu dục cỡ to như trái khổ qua. Khi già trái tự bóc vỏ còn lại bên trong là ruột tơ xốp như bông gòn y tế.
      Bẳng đi 50, 60 năm, chừ trở lại Saigon không thấy bóng dáng cây gòn đâu nữa?
Mãi đến nay chưa ai giải thích ổn thỏa về địa danh SÀI GÒN nhưng tôi tin theo cách giải thích của ngài Trịnh Hoài Đức, một công thần Nhà Nguyễn, một trí thức người Việt gốc Phúc Kiến và là người am hiểu và sống ở Saigon hơn 200 năm trước.

LỜI TÂU CÀN DỠ CỦA VIÊN QUAN ĐẦU TỈNH QUẢNG NAM

LỜI TÂU CÀN DỠ
Dưới thời vua Minh Mạng các cuộc nổi dậy của con cháu Nhà Lê như Lê Duy Hoán, Duy Lương, Duy Hiển đã bị trừng phạt nhưng những người thân và họ hàng của họ thì được ân xá và đưa vào các tỉnh Quảng Nam, Bình Định... Họ được cấp lộ phí, ruộng đất để ổn định cuộc sống nơi ở mới.
     Năm ấy Hồ Hựu, người đứng đầu tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi dâng sớ tâu vua: "Phàm con cháu nhà Lê đã được sắp xếp về tỉnh hạt, thần xin phép hiến kế dùi thủng lỗ ở vành tai bên tả của bọn họ rồi cho đeo vòng đồng. Để lỡ khi có lẫn trốn thì bắt lại cho dễ".
      Vua Minh Mạng đọc tờ tấu rồi bực tức khiển trách "Làm quan to của một tỉnh há không có phương pháp để răn dân hay sao mà lại cố làm nhục bằng hình phạt phi lý. Lại đem thiển kiến quê mùa, càn bậy tâu nhãm với vua chẳng ra chính thể gì nữa, rất đáng khinh.
        Theo Đại Nam Thực lục.

*Nhà Nguyễn vốn là cựu thần của Nhà Lê, vì vậy khi triều Lê sụp đổ, các vua Nguyễn đã ban cho con cháu Nhà Lê gần ngàn mẫu ruộng để làm ăn sinh lợi, lấy hoa lợi mà thờ cúng, chăm sóc mồ mả.
Mặc khác những người cầm đầu chống lại triều đình trong số con cháu nhà Lê đã bị trừng phạt nhưng người thân của họ lên đến cả vài trăm người được đưa vô định cư từ Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định.
        Số bỏ trốn trở ra chưa thấy sử nêu nhưng việc đòi dùi lổ vành tai rồi đeo vòng đồng đối với những người nầy là đề nghị tầm phào, quê mùa, càn dỡ... như lời phê phán của vua với ông quan Tổng đốc Hồ Hựu!

2 tháng 9, 2024

HÀ NỘI CHÁY TO DƯỚI THỜI MINH MẠNG.

HÀ NỘI CHÁY TO DƯỚI THỜI MINH MẠNG.
Tháng 05. 1837 Hà Nội cháy rất to, có 1.400 căn nhà cháy ra tro, nhiều người bị chết, bị thương, gây ra cảnh "màn trời chiếu đất".
   Nghe tin dữ vua Minh Mạng nói với Bộ Công: "Hà Nội dân cư đông đúc, đường sá cong hẹp, nhà cửa liền nhau, cho nên thường gặp hỏa hoạn. Nếu bắt làm ngói hết thì giàu nghèo không đều, e không thể bắt ép được nhưng sau hỏa hoạn phải chia vạch cho nhà thưa ra theo hàng lối, thứ tự mới giữ được. Vậy sai Tổng đốc Đặng Văn Thiêm trù tính".
        Tổng đốc Thiêm bằng cho mở rộng đường sá, chia đất trở lại cho các hộ dựng nhà. Một mặt nghiêm sức nhà nào cũng phải cụ bị đồ chứa nước, câu liêm, gàu thùng, thang tre... ứng cứu kịp thời khi có hỏa hoạn. Mặt khác chọn đất tốt để dựng đền thờ Hỏa thần, cho dân sở tại Xuân Thu cầu cúng.
Việc tâu lên - vua cho là phải.
                          Theo Đại Nam Thực lục.

   * Hà Nội một thời là kinh kỳ xưa vốn dĩ dân đông, lại nhà san sát nên rất dễ bị bà hỏa viếng thăm nhưng lần nầy hơn 1.400 căn nhà ra tro cũng là đại họa.
     Hà Nội cũng là nơi duy nhất có đền thờ Bà Hỏa để yên dân.
     Ngôi đền ấy đến nay gần 200 năm vẫn còn ở số 30 Hàng Điếu, phố Cửa Ông, quận Hoàn Kiếm Hà Nội.
     Hàng Điếu cũng là nơi chuyên bán đồ điếu đóm, lửa củi phục vụ cho thú hút thuốc thuở xưa.
     Không chừng địa điểm xây đền thờ Bà Hỏa cũng là nơi đánh dấu ngọn lửa bùng phát vào năm Đinh Dậu 1837 ở Hà Nội xưa cách đây gần 200 năm?

Xe Ô tô GAZ 69

GAZ 69 trên trang nước ngoài
GAZ 69
Do Liên Xô sản xuất trong thập niên 50 - 60 thế kỷ trước. Ra đời để cạnh tranh với Jeep Mỹ khi đó.
Xe nầy ở Việt Nam trước đây chỉ có cấp chỉ huy Sư đoàn mới được ngồi.
    Thời chiến tranh nó trèo đèo lội suối giỏi vì gầm cao, máy mạnh lại thêm 02 cầu.
    Vì đã có tuổi sáu, bảy chục năm nên xe đẹp, còn tốt cũng hiếm. Mấy năm trước có chiếc phục chế rao bán ở Hà Nội tới 300 triệu!
    Giũa tháng 03. 1975 lần đầu tiên thấy 02 chiếc kiểu nầy dừng xe ở Ngã Ba Huế, Đà Nẵng, xe đầy bụi đường và lá ngụy trang. Tui và nhiều đứa bu lại tò mò xem xe. Một lát sau thì hai xe rời đi.
    Nghe mấy ông bộ đội nói với nhau - xe của ông tướng Lê Trọng Tấn.

Cảnh sát Sài Gòn đầu thế kỷ XX

Hai ông cảnh sát thời Pháp thuộc ở Sài Gòn.
Từ cổ đến chân đều bình thường. Duy chỉ có cái nón trên đầu là rất lạ.
Nón như nón quai thao thì làm sao mà đuổi bắt quân gian?

VUA MINH MẠNG XỬ TỘI QUAN THAM NHŨNG

HAI BÀN TAY CỦA QUAN THAM NHŨNG BỊ TREO Ở NHÀ KHO PHỦ NỘI VỤ HUẾ.
Năm 1839 kho Phủ Nội Vụ Huế xây xong. Vua tới dự huấn dụ các quan thuộc Phủ và cho đãi tiệc.
    Cũng nhân dịp nầy vua sai mang hai bàn tay còn trơ xương được treo mấy năm trước mang đi tiêu hủy.
     Số là h
ai bàn tay ấy là của hai quan thủ kho có tên Nguyễn Đức Huyên và Hoàng Hữu Nhẫn can tội tham ô tài sản quốc gia mấy năm trước.
     Sự việc đã từng bị phát hiện và mỗi ông bị chặt một bàn tay rồi treo ở kho để răn đe mọi người!
            Theo Đại Nam Thực lục.

  * Vua cho rằng "Sát nhất nhân, vạn nhân cụ" - giết một người để làm gương cho vạn người.
    Kho Nội Vụ giống như kho bạc Nhà nước bây giờ. Nơi tích trữ vàng bạc, châu báu, tiền của, tài sản của quốc gia!
   Vậy mà kẻ có chức quyền đã lăm le xâm phạm.
Hai bàn tay bị treo là của hai người cùng với 56 bản án tử hình khác về tội tham nhũng dưới triều vua Minh Mạng đủ làm cho nhiều người khác phải run tay khi định nhuốm vào tham nhũng.

Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn cuối TK 19

Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn cuối TK 19
     Lúc nầy chung quanh còn thưa thớt, chưa có đường sá, nhà ở.
     Hai tháp chuông Thánh đường còn bằng phẳng, không nhọn như bây giờ.
     Ảnh dưới chụp trước một thời gian ngắn khi Thánh đường chuẩn bị đại trùng tu.

Nhà thờ Đức Bà Saigon