ngobadung

30 tháng 6, 2022

MIỆNG NÚI LỬA Ở QUẢNG NGÃI HÌNH THÀNH CÁCH ĐÂY HÀNG TRIỆU NĂM




Miệng núi lửa cách đây hàng triệu năm
Năm 2015, các nhà địa chất đã phát hiện miệng núi lửa cổ có niên đại 6 triệu năm ở Ba Làng An, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi.
     Ảnh là miệng núi lửa có đường kính chừng 30m và đá dung nham rải rác chung quanh!
     Một hiện tượng thiên nhiên khá độc đáo, đáng để Quảng Ngãi đầu tư phát triển du lịch.







Chiếc xe bò trên đường Thống Nhất - Đà Nẵng xưa


Đà Nẵng xưa
   Chiếc xe bò trên đường Thống Nhất (Lê Duẩn), bên kia đường là "Hợp tác xã tiêu thụ" chỗ nầy nằm trước Bảo tàng Mỹ thuật bây chừ.
      "HTX Tiêu thụ" nầy cùng với trường Trung học Quế Sơn (tản cư)  gần chợ Hoian là tài sản của cụ Ngô Đình Cẩn đã bị tịch thu sau cuộc đảo chính 1.11.1963

NÚI NGỰ BÌNH -HUẾ


Núi Ngự Bình - HUẾ

NÚI NGỰ BÌNH -HUẾ.
      Cao chừng 100m, đỉnh bằng phẵng, có dạng như một hình thang.
      Núi nằm đối diện với kỳ đài kinh thành Huế, có thế phong thủy như một án bình phong che chắn cho kinh thành.
        Đã từ lâu Sông Hương - Núi Ngự luôn là biểu tượng tinh thần của Huế.

Từ Núi Ngự đến Kỳ đài Huế


22 tháng 6, 2022

Quân Cờ Đen


    Quân Cờ Đen
      Xuất phát từ Quảng Tây, Trung Hoa chạy sang nước ta từ năm 1865 để tránh sự truy quét của nhà Thanh.
      Ban đầu chỉ là đảng cướp nhưng về sau họ chống cả người Pháp nên triều đình muốn mượn tay họ để cùng đánh Pháp.
       Gọi quân Cờ Đen vì cờ hiệu có màu đen. Quân số trên 2.000 người, trang bị súng ống đầy đủ. Thủ lĩnh là Lưu Vĩnh Phúc.
      Trong nhiều năm, quân Pháp ở Bắc Kỳ phải chịu thiệt hại không nhỏ bởi đội quân thổ phỉ nầy!


21 tháng 6, 2022

NUÔI TRÂU BÒ Ở QUẢNG NGÃI


Trâu trên cánh đồng Bình Châu
TRÂU BÒ Ở QUẢNG NGÃI
Người ta nuôi chăn thả trên đồng.
Do phối giống ngoại quốc nên trâu bò ở đây thường to lớn hơn những nơi khác.
Đặc sản ở đây là thịt bò khô, các tên tuổi như Mỹ Tuyền, Anh Vũ, Thu Ba, Anh Ký, Cẩn Thạch ... thi nhau có mặt khắp nơi.
Điều lạ là không thấy ai bán "Thịt trâu khô"?






16 tháng 6, 2022

CHUYỆN VẶT TỪ THỜI SAIGON CHƯA CÓ ĐIỆN.

 


CHUYỆN VẶT TỪ THỜI SAIGON CHƯA CÓ ĐIỆN.

     Hồi Saigon chưa có điện, ai ra đường ban đêm phải thắp đuốc, riêng ở chốn thị thành chính quyền bắt buộc người ra đường phải xách đèn lồng, nếu đèn tắt hoặc không có đèn đều bị cò phạt. 
                (Theo cụ Vương Hồng Sển)
*Saigon đến 1922 mới có nhà đèn Chợ Quán, các nơi khác phải sau nhiều năm mới có điện.
Cúp điện vài giờ đã thấy khó chịu, huống chi phải sống triền miên trong cảnh tối tăm!

4 tháng 6, 2022

CHIM CỒNG CỘC THEO LỜI KỂ CỦA LÊ QUÝ ĐÔN


Chim Cồng Cộc (ảnh Ngô Bá Dũng)
CHIM CỒNG CỘC
Theo Lê Quý Đôn mô tả: "Tôi thường đi sứ sang Tàu, đi ngang qua vùng Dương Sóc, Bình Lạc(1) thấy dân bổn thổ phần nhiều nuôi chim cồng cộc nầy. Họ lấy cành tre cột chân nó rồi phóng xuống nước cho nó bắt cá
Người ta cột lỏng sợi dây ở cổ chim khiến nó nuốt cá không được. Khi thấy nó bắt được nhiều thì kéo lên, mở mỏ nó trút số cá khá nhiều. Mỗi thuyền nuôi mấy mươi con, ai nuôi phải đóng thuế".
Theo Vân Đài Loại ngữ.
*Chim nầy có lần tôi đi Tràm Chim Tiền Giang cũng thấy nó bắt cá kiểu như ông Lê Quý Đôn mô tả nhưng nó tự bắt, tự ăn chớ không đi "làm thuê" cho ai cả!
Ảnh chụp ở Tràm chim.
(1) Hai huyện bên Trung Quốc thuộc Quế Lâm xưa.



CHÚA SÃI (Nguyễn Phúc Nguyên) SAI VĂN KHUÔNG ĐI TRẢ LẠI SẮC?


   
Chân dung Trịnh Tráng qua nét vẽ
 của họa sỹ đương thời.
CHÚA SÃI SAI VĂN KHUÔNG ĐI TRẢ LẠI SẮC? .
      Năm 1630 Chúa Nguyễn Phúc Nguyên ( Chúa Sãi) sai Văn Khuông đến Đông Đô để yết kiến chúa Trịnh Tráng.
     Sau đây là mẫu đối thoại giữa Trịnh Tráng và Văn Khuông.
    - Trịnh Tráng: "Trước đây đòi nộp lễ cống nhà Minh tại sao Nam chúa không nộp?"
    - Văn Khuông "Lệ cống xưa nay không có voi với thuyền, mệnh không rõ nên không nộp".
    - Hỏi: "Sao không đưa con ra làm con tin?"
    - Đáp: "Nam Bắc nghĩa như một nhà, đã thành tín với nhau thì dùng con tin làm gì?"
    - Hỏi: "Hoàng đế vời Nam chúa đi đánh Cao Bằng(1) sao không đi?
    - Đáp: "Giặc Cao Bằng đã khốn cùng, sức quân Đông Đô thừa đánh. Chúa tôi vâng mệnh giữ hai xứ Thuận - Quảng, phía Nam thì chống Chiêm Thành, chỉ sợ không yên nên không dám đi xa".
     - Hỏi: "Đắp lũy Trường Dục (2)chống mệnh vua hay sao?"
     - Đáp: " Chịu mệnh giữ đất thì phải phòng bị bờ cõi cho bền sao gọi là chống mệnh?"
     - Hỏi: "Tướng tá phương Nam thế nào?
     - Đáp: " Văn võ như Đào Duy Từ, Nguyễn Hữu Dật thì chẳng kém vài chục người".
       Tráng nghe xong lặng yên hồi lâu rồi quay bảo bầy tôi rằng: "Sứ Nam ứng đối như nước chảy, người Bắc không thể kịp được" rồi tiếp đãi rất hậu. Văn Khuông bưng mâm đồng (2) đầy vàng bạc, có hai đáy, đáy dưới giấu tờ mệnh sắc dâng cho Trịnh Tráng rồi ngay hôm ấy lẻn ra đi về bằng đường sông ra biển.
       (Theo Quốc sử quán triều Nguyễn)
      * Văn Khuông có tài biện báo. Nhiệm vụ của ông rất nguy hiểm, có thể mất mạng vì dưới chiếc mâm 02 đáy, ngoài vàng bạc đặt ở trên, bên dưới còn có tờ sắc mang đi trả và một bức thư chứa nhiều ẩn ngữ chứa 4 chữ "TA KHÔNG NHẬN SẮC" có thể làm ông bị mất đầu.
       Thiệt khổ, khi nhận sắc đã khó đến khi đi trả sắc càng khó bội phần. Trả sắc cũng có nghĩa là sẵn sàng chấp nhận đao binh!
     (1) Đánh nhà Mạc, khi nhà Mạc chạy lên Cao Bằng.
     (2) Công trình phòng thủ do Đào Duy Từ thiết kế để chống họ Trịnh.


Đám ma ông Quách Đàm

Đám ma Ông Quách Đàm
Sống trên vàng bạc, nhung lụa nên lúc chết đám ma to nhất Saigon.
Theo cụ Vương Hồng Sển "Người đưa ma nối dài vài cây số. Có đủ ban nhạc Tây, Tàu, Miên, Ta... tấu inh ỏi liên hồi. Ai đi đường có việc miễn nối gót theo đám ma vài bước là có người lễ phép mang trái dừa hay chai "la de" (bia) và thêm chiếc quạt giấy có kèm theo tấm giấy bạc 05 đồng đền ơn có lòng đưa tiễn".
      Ông viết tiếp "Ngôi mộ ấy nằm trong chùa Giác Lâm - Chợ Lớn nằm trơ trọi điêu tàn, bên cạnh là đống rác to như cây rơm, muỗi, ruồi lằn xanh bay vù vù" ( khi đó là 1960).
    * Giàu như ông Quách Đàm rồi cũng buông thả hai tay. Có điều Quách cụ không trai gái "mèo mỡ" nhưng bàn đèn thuốc phiện thì đốt liên tục cả ngày tới khuya!



CHUYỆN BÊN LỀ CUỘC PHÂN TRANH TRỊNH - NGUYỄN. (2) TRỊNH TRÁNG MƯỢN DANH VUA LÊ


Ảnh: Khu Lăng miếu của tổ tiên Nhà Nguyễn
 ở Quý Hương, Gia Miêu, Hà Trung, Thanh Hóa
.
CHUYỆN BÊN LỀ CUỘC PHÂN TRANH TRỊNH - NGUYỄN. (2)
Tháng 10, 1626 Trịnh Tráng một mặt sai đem 5.000 quân đóng ở Kỳ Anh, một mặt cho người mang sắc dụ của vua Lê yêu cầu chúa Nguyễn đóng thuế đất (nợ nhiều năm) và mời chúa ra Đông Đô yết vua!
      Chúa Nguyễn Phúc Nguyên cười nói "Việc nầy do ý riêng của họ Trịnh chứ hoàng đế nhà Lê nhân từ lại quên công lao dòng dõi công thần nhà Nguyễn sao? Vả lại quân dân xứ Thuận Quảng nầy của cải có bao nhiêu so với ngoài ấy mà tham lam như thế!
      Nếu nghĩ tới tổ tiên ta thì nên cắt cả Nghệ An cho ta nữa cũng chưa xứng huống chi là Thuận - Quảng"
     Ông còn cố ý nói cho sứ giả nghe về nói lại "Họ Trịnh đã quên ƠN mà cứ gây OÁN, cứ muốn lấy THÂN làm THÙ, e chẳng làm trò cười cho thiên hạ sao?"
     Rồi cho hậu đãi sứ giả rồi mời họ về!
                   (Theo Sử quán triều Nguyễn)


      * Ai cũng biết họ Trịnh lấn át vua Lê. Câu cửa miệng của dân Đàng Ngoài bấy giờ là "quyền vua thua phủ chúa" nhưng họ Trịnh vẫn luôn mượn danh Nhà Lê để dễ mờ mắt thiên hạ.
        Chúa Nguyễn ở Đàng Trong luôn cảnh giác và ngày đêm lo phòng bị, ông phớt lờ mọi yêu cầu đóng góp, không thi hành theo sắc mệnh và không bao giờ sa vào bẫy của chúa Trịnh khi đòi chúa Nguyễn đích thân ra yết kiến vua Lê.



Vùng tệp đính kèm