ngobadung

23 tháng 8, 2021

Ở Saigon có người chế được máy bay.



       Dịch - không ra đường, nằm nhà đọc báo xưa - Tràng An báo 1938.
           Ở Saigon có người chế được máy bay.
         Tên ông là Hồ Đắc Cung, người Huế - chế ra "Chiếc máy bay kêu bằng "Con rận trời". Ông Cung đem máy bay lên Tân Sơn Nhứt bay thử. Máy bay lên cao rồi xuống thấp đều như ý.
         Hai lần trước ông cũng thử nhưng thất bại vì chong chóng quay mà cất cánh không lên vì sợi dây buộc cánh lúc lắc.
        Lần khác hôm 26 October máy bay lên được nhưng bất thình lình chúc đầu xuống đất, ông Cung suýt nguy.
       Như vậy lần thứ ba mới bay được. Ông còn nói cuối tháng sẽ bay về Huế".



*Chuyện nầy lạ, chưa có tài liệu nào đề cập. Rất tiếc bài báo không nói rõ ông Cung làm nghề gì, ông dùng linh kiện, động cơ loại nào để chế máy bay?
Nhưng thực nghiệm 03 lần và lần cuối cùng bay được chứng tỏ ông quá giỏi. Sau đó như ông nói sẽ bay về Huế, chắc là nói cho oai mà thôi!

22 tháng 8, 2021

Rạp xi nê xưa ở Hội An




      Ở Hoian xưa có 02 rạp chiếu phim.
         Rạp Phi Anh trên đường Phan Châu Trinh, rạp nầy nổi tiếng vì ông chủ là người giàu có và có tới ba mươi mấy người con. Có giai thoại - gặp con ngoài đường, ổng hỏi "mi con ai" - "con ông chớ con ai!"
         Rạp thứ hai trong ảnh nhưng không mấy người biết.
         Hồi nhỏ, chiều chiều hay chạy theo xe lam có phát loa quảng cáo để xin tờ "prồ gam" (tờ rơi) về đọc nhưng không mấy khi được vô rạp!
         Rạp nầy trên đường Bạch Đằng nhưng nay đã không còn nữa!

20 tháng 8, 2021

Dr. Alexandre Yersin



Dr.Alerxandre Yersin
Nhân chuyện vaccin covid hôm nay, nhớ tới vị ân nhân vĩ đại Alexandre Yersin.
     Sinh ra ở xứ Thụy Sĩ xa xôi nhưng lại chọn Việt Nam làm nơi sinh sống, làm việc và cũng là nơi an nghỉ cuối cùng.
Các thế hệ người Việt Nam từ đầu TK XIX đã may mắn được cứu sống từ vaccin dịch hạch của ông.
      Thành phố Dalat, viện Pasteur, Đại học y khoa cho đến các giống cây nhiệt đới như cà phê, cao su. Các giống ôn đới như hoa layơn, su, cà rốt... cũng do công lao của ông.
      Nhiều đoạn thuộc quốc lộ số1, nhiều đoạn đường sắt Việt Nam được hình thành cũng từ ý tưởng của ông.
      Ông Năm, cái tên thân mật mà người nghèo đã đặt cho ông khi được chữa lành bệnh miễn phí.
      Ông Năm - Bác sĩ Yersin, cha đẻ của vaccin dịch hạch đã từng cứu sống ông bà ta.
      Ông mất đã gần 80 năm nhưng biết đâu mỗi chúng ta còn có được ở trên đời nầy chính là nhờ ơn của ông.

19 tháng 8, 2021

ĐỌC BÁO XƯA TRÀNG AN BÁO 1938 : QUẢNG NAM SỤP ĐƯỢC CỌP




              Duy Xuyên xưa cũng có cọp.
    ĐỌC BÁO XƯA TRÀNG AN BÁO 1938
       QUẢNG NAM SỤP ĐƯỢC CỌP
          Hôm 18.7 (1938) trâu của ông xã Nhạn ở An Bằng, hạt Duy Xuyên thả ăn trong núi, chẵng may bị một con cọp bắt con trâu, ăn hết gần nửa con chủ mới hay.
         Ông xã Nhạn bèn đem bẫy vào gài chỗ nửa con trâu còn thừa lại.
        Sáng hôm sau vào thăm bẫy thì quả nhiên một con cọp mắc bẫy rất to, 4 người khiêng không nỗi.
Một con trâu mà đổi được con cọp, còn rẻ chán.
                                                 PV.
Chú thích: An Bằng thuộc xã Đại Thạnh, Đại Lộc nay, khi xưa thuộc hạt Duy Xuyên, Quảng Nam.


18 tháng 8, 2021

Chùa Hưng Long Saigon - Chùa Linh Yển

        Chùa Hưng Long, có tên cũ là Linh Yển nguyên là ngôi miếu cổ, do chúa Nguyễn Ánh lập năm 1794 để tưởng nhớ người lính tên Yển đã hy sinh nơi đây để cứu mạng mình khi lính Yển cõng ông chạy thoát trước sự truy đuổi của nhà Tây Sơn.
      Nguyễn Ánh có chân mạng đế vương, có không dưới 15 lần ông đã thoát chết trong đường tơ kẻ tóc.
      Theo cụ Vương Hồng Sển chùa ban đầu chùa rất nhỏ, bằng gỗ về sau dân góp tiền trùng tu chùa to như ta thấy trong ảnh trên đường Ngô Gia Tự, Quận
10 Saigon.



Tĩn nước mắm xưa


      Nước mắm là thứ ẩm thực mang tính "Quốc hồn, quốc túy " của dân tộc.
      Nghề làm nước mắm có nguồn gốc từ Chiêm Thành vì vậy nghề nầy vốn phát triển dọc ven biển miền Trung.
      Nước mắm xưa được đựng trong tĩn. Tĩn được làm bằng đất nung được khèn lại kỹ càng nên giữ được hương vị lâu dài.
      Ngày nay người ta không còn dùng tĩn để đựng nước mắm nữa.

14 tháng 8, 2021

Route Mandarine - Tourane 1908

 



        Tourane - dấu bưu điện đóng ngày 12 tháng 9 năm 1908.

        Route Mandarine, tức Đường cái quan, sau nầy gọi là Quốc lộ số 1. Con đường huyết mạch từ Bắc vào Nam đầu TK XX đi ngang qua Đà Nẵng xưa.

Gia đình họ Ngô ở Huế


Gia đình họ Ngô ở Huế.
Theo lệ thường họ thường về ăn tết tại tư gia cụ Ngô Đình Khả ở Huế.
Trong ảnh:
Người xoay lưng là ông Diệm, người mặc áo ca rô là ông Nhu, người mang gương đen là ông Cẩn, người phụ nữ áo sậm màu là bà Hoàng, tức bà Cả Lễ, người áo trắng là bà Hiệp là mẹ của cậu thiếu niên trong hình là Hồng Y Nguyễn Văn Thuận.
        Cả ba trong bốn người đàn ông trong ảnh đều bị chết bởi súng đạn sau 1.11.1963.
        (Nếu kể cả cha con ông Ngô Đình Khôi thì nhà có 05 người chết vì súng đạn dù không có ai đi lính)

Vua Đồng Khánh


             "Một nhà sinh đặng ba vua
      Vua còn, vua mất, vua thua chạy dài" 
                 cadao xưa.
    Vua còn là Đồng Khánh (ảnh) cũng chỉ ngồi ngai vàng được 04 năm, vua mất là Kiến Phúc mới có 06 tháng, vua thua chạy dài là Hàm Nghi phải đi đày tận Algeri xa xôi.
    Vua Đồng Khánh hưởng dương chỉ có 25 tuổi.
Trông tướng mạo của ông cũng tốt nhưng bị cha nuôi là vua Tự Đức chê "tánh đàn bà" nên ngai vàng đã vào tay hai ông em là Kiến Phúc rồi Hàm Nghi trước rồi mới đến Đồng Khánh, mặc dầu Đồng Khánh là anh.
     Một nhà mà có 03 người con đều làm vua. Quả là có một không hai trên thế giới!
         


11 tháng 8, 2021

Cái chết của Cố Du (Marchand Du) 1835




Người trong ảnh là Linh mục Marchand Du - còn gọi là cố Du.

          Ông bị bắt trong thành Phiên An (Quận 1, Saigon) khi quân triều đình bao vây 02 tháng mới hạ được thành. Số người có mặt chừng 2.000 người đã bị giết tại chỗ và chôn tập thể tại đồng tập trận (Quận 3) về sau được gọi là đồng mả Ngụy.
Riêng cố Du và con trai của Lê Văn Khôi là Lê Văn Viễn 7 tuổi cùng 03 người khác bị đóng củi khiêng về Huế chịu tội.
        Cố Du bị nhiều lần tra tấn bằng kẹp sắt nung lửa đến ngất xỉu nhưng không thừa nhận có can dự vào cuộc tạo phản cũng như không chịu bước qua Thánh giá.
       Cuối cùng ông chịu hình phạt lăng trì (lóc thịt)- thân xác bị phân nhiều mảnh rồi đổ xuống biển - năm đó là năm 1835.
      Sau cái chết của Cố Du, vua Minh Mạng càng ác cảm với đạo Thiên Chúa hơn.
Linh mục Marchand Du bị hành quyết năm 1835 ở Huế



8 tháng 8, 2021

Chính sách sát đạo dưới triều Nguyễn

 

Dưới hai triều vua Minh Mạng và Tự Đức đã từng có chủ trương sát đạo Thiên chúa.

       Có hàng ngàn tín đồ, giáo sĩ bị sát hại nhưng ở Bắc và Bắc Trung Kỳ là nhiều nhất.
     Những hình phạt đối với trưởng đạo (giám mục) là xử chém, xử giảo (thắt cổ). Nhà nước treo thưởng cho ai bắt được giáo sĩ nước ngoài được thưởng 600 tiền, giáo sĩ trong nước 300 tiền. Ai chứa chấp thì bị tịch thu gia sản và có thể xử chém hoặc đi đày. Người bị đi đày đều thích vào má hai chử "tà đạo" bằng sắt lửa nung... để nhận dạng.(Phú Yên và Bình Định là nơi có nhiều người bị đi đày).
        Tuy nhiên hình phạt vẫn không ngăn được các các giáo sĩ vào Việt Nam truyền đạo. Có giáo sĩ bị bắt đã thừa nhận có mặt ở Việt Nam hơn 10 năm, điều đó cho thấy nhiều tín đồ và xứ đạo đã ra sức chở che, giúp đỡ.
         Số tín đồ bị giết rất nhiều đến nổi các vị quan đầu tỉnh và huyện khi thanh lọc đã được quyền ra điều kiện rằng:
       Ai bước qua tượng Chúa và thánh giá sẽ được tha tội chết. Một số người lo sợ đã thực hiện nhưng rất nhiều người cương quyết từ chối và dũng cảm nhận lấy cái chết để bảo vệ tín ngưỡng của mình.
117 Thánh tử vì đạo ở Việt Nam và vài ngàn tín đồ đã lựa chọn tử vì đạo như vậy.
       Lịch sử dân tộc đã có nhưng trang bi thương đầy máu và nước mắt.
      Ảnh: Philip Phan Văn Minh, sinh năm 1815 tại Cái Mơn, Vĩnh Long, Linh mục, bị xử trảm ngày 3/07/1853 tại Ðình Khao dưới đời vua Tự Ðức, được phong Chân Phước ngày 27/05/1900 và phong Thánh năm 1988.



Hệ thống giếng cổ của người Chàm xưa

Giếng cổ Bá Lễ ở Hoian

 

Người Chàm rất giỏi trong kỹ thuật chọn điểm để đào giếng.
       Điều kỳ lạ là giữa biển khơi vẫn có những giếng cổ mà nguồn nước trong mát có vị ngọt và quanh năm không bao giờ cạn.
        Đó là chiếc giếng cổ ở Hoàng Sa; giếng Tiên ở Cù Lao Chàm; giếng cổ ở xã đảo Tam Hải; giếng Vua ở đảo Lý Sơn.
        Ven biển, đất liền có giếng cổ Gio An- Quảng Trị; giếng Bá Lễ - Hội An; giếng cổ Bình Sơn - Quảng Ngãi; giếng cổ làng chài Nhơn Lý- Bình Định...
        Đó là hệ thống giếng độc đáo để cung cấp nước ngọt cho các chuyến hải trình ven biển miền Trung mà người Chàm đã xây dựng từ nhiều thế kỷ 
trước.

Thái Y Viện xưa


  Đời người không ai là không đau ốm. Khi có bịnh phải nhờ thầy thuốc.
       Thầy thuốc xưa nước ta rất hiếm do không có trường y đào tạo nên các thầy thuốc chỉ là gia truyền.
       Thời Tự Đức vua ra dụ sai các địa phương tìm thầy thuốc giỏi để tiến cử bổ sung cho Thái Y Viện ở kinh đô.
       Thái Y Viện lập ra chủ yếu chữa bịnh cho vua và hoàng tộc.
       Thời vua Minh Mạng có thầy thuốc nhờ bốc thuốc xổ sán cho vua hết bịnh mà được ân thưởng đặc biệt bằng tiền, vàng nhưng cũng có thầy thuốc gặp tai họa như trường hợp của hai Thái Y Huỳnh Đức Hạ và Đặng Công Tuấn bị bắt giam để chờ xét tội vì kê thuốc không công hiệu.
        Ảnh là một lương y giỏi có móng tay rất dài ở Bắc Kỳ xưa.

2 tháng 8, 2021

Thằng Mõ xưa


 Thằng mõ
      Có nhiệm vụ như đài phát thanh ở làng xã ngày xưa.
      Hễ có thông tri, thông cáo ở trên đưa xuống là mõ "thực thi nhiệm vụ" bất kể ngày đêm, mưa gió.
     Ảnh là "thằng mõ" dầu đã có tuổi, tay cầm vật bất ly thân là cái mõ tre. Áo mặc 03 lớp trông cũng ra ông "quan trọng" lắm!

1 tháng 8, 2021

Bưu ảnh xưa : Quan đầu tỉnh Quảng Ngãi đón khâm sứ Pháp

Phủ Quảng Ngãi xưa.
       Các quan đầu tỉnh chuẩn bị cờ lọng nghinh đón Khâm sứ Pháp vào thăm.
Người ta cho rằng sau vụ khởi nghĩa Duy Tân hội thất bại, vua Duy Tân bị đày, hai ông Thái Phiên và Trần Cao Vân bị xử chém là do công của ông Tiến sĩ Phạm Liệu, một trong "Ngũ Phụng tề Phi" của Quảng Nam góp công(?). Cho nên sau vụ nầy Khâm sứ Pháp vào Quảng Ngãi để khen thưởng nên mới có vụ đón rước linh đình nầy ?
        Ông Phạm Liệu lúc nầy đang giữ chức Án Sát (tương đương Ty công an - Tư pháp bây chừ), sau vụ nầy ông được chính quyền bảo hộ tin tưởng thăng chức Tham Tri rồi Thượng thư Bộ Hình.