ngobadung

12 tháng 11, 2015

Pickup - những kiểu xe cổ điển


Những kiểu xe Pickup cổ điển !
     
Chevrolet Pickup 1941
Pickup là loại xe bán tải có khoang chở hàng phía sau. Đây là sản phẩm được phát minh và phát triển sớm nhất ở Hoa Kỳ.             

    Do đặc điểm địa hình rộng lớn và nhiều đồi núi nên người Mỹ rất thích di chuyển bằng loại xe nầy.  Pickup mang tính đa dụng, mạnh mẽ và khả năng vượt địa hình, nó còn là phương tiện thích hợp cho những chuyến dã ngoại hoặc thám hiểm trên những cung đường dài, xuyên qua các bang rộng lớn của nước Mỹ.
       Vào thập kỷ 20 của thế kỷ trước,  những chiếc Pickup bắt đầu xuất hiện với các thương hiệu như Ford, Chevrolet, Dodge, GMC và các thương hiệu ô tô nổi tiếng khác của Mỹ. Về sau do tính đa dụng của nó, các hãng xe từ Nhật Bản, Đức , Ý cũng lần lượt cho ra đời các mẫu Pickup của họ.
       Ban đầu Pickup rất đơn giản chỉ có cabin trước hai chỗ và thùng chở hàng phía sau, Pickup mang tính thực dụng, các tiện ích mang tính công nghệ và giải trí không được chú trọng. Các chi tiết như đồng hồ, cản xe, khung, thùng và máy móc, phần lớn được làm bằng chất liệu bền bỉ. 
       Ngày nay do nhu cầu cạnh tranh, những chiếc Pickup được trau chuốc và trang bị nhiều công nghệ mới không kém gì chiếc SUV hay sedan hạng sang. Cabin trước cũng tăng diện tích (cabin kép) để chở được 5 người...  Pickup ngày nay không chỉ người Mỹ mà người dân các nước ở Châu Á như Thái Lan, Việt Nam, Indo và các quốc gia vùng Trung Đông, đặc biệt là nhóm IS chống đối  ... cũng rất ưa chuộng.
       Xin giới thiệu những mẫu pickup xưa, tuy cổ điển nhưng vẫn mang vẻ đẹp thời thượng, thậm chí còn đẹp hơn những mẫu xe bây giờ.
                            Ngô Bá Dũng
                        ngobadung.blogspot.com
Berliet 1920 có thể là chiếc Pickup ra đời sớm - 4 bánh xe bằng cao su đặc, hệ thống truyền lực bằng xích. Xe có hệ thống khởi động bằng cần quay tay (ngobadung.blogspot.com)
Ford 1927
Dodge 1935
Chevrolet 1941
  

International 1949
   
GMC 1950
Chevrolet 1955
Mercury 1957
Ford 1956
Ford 1972

VW pickup của người Đức


Mazda Pickup của Nhật
Fiat Pickup của người Ý
Peugeot 203 pickup của người Pháp
 và cuối cùng ... những chiếc pickup truyền thống lâu đời nhất ở vùng Trung đông

Ngô Bá Dũng 
Sử dụng lại từ ảnh và bài viết phải ghi rõ nguồn  ngobadung.blogspot.com




THẤY GÌ QUA NHỮNG TẤM ẢNH XƯA ? XÉT XỬ VÀ HÌNH PHẠT

THẤY GÌ QUA NHỮNG TẤM ẢNH XƯA?
     XÉT XỬ VÀ HÌNH PHẠT
       
Hoạt động xét xử thời xưa
Luật Hình xưa quy định 5 hình thức phạt gồm xuy (đánh bằng roi), trượng (gậy, hèo), đồ (lao dịch), lưu (đày), tử (chết).
       Trong ảnh là hoạt động xét xử do viên quan cấp huyện thực hiện. Phạm nhân là một người đàn ông đứng tuổi, ăn mặc tử tế đang quỳ để nghe quan cật vấn xét tội.
      Tham gia phiên xét xử còn có hai viên thư lại, một ngồi ghi chép, một đứng hầu phía sau. Sai nha gồm hai người, một già, một trẻ, cầm roi, cọc và dây như để sẵn sàng thực thi bản án. - ảnh 1
      Ảnh 2 phạm nhân đang bị sai nha "nọc" ngay tại công đường để thi hành bản án. Có lẽ ông ta bị áp dụng hình phạt xuy, tức là bị đánh bằng roi mây!
       Không biết ông ta chịu đựng được bao nhiêu roi!
                   ngobadung.blogspot.com

11 tháng 11, 2015

Thấy gì qua tấm ảnh xưa ? GA LĂNG CÔ 1950

Lăng Cô 1950 - ảnh sưu tầm.
     
Ga Lăng Cô xưa
Trạm dừng trên tuyến đường sắt Bắc - Nam.

      Đã từ lâu, ngày cũng như đêm. Khi tàu vừa dừng ở ga Lăng Cô, quanh cửa sổ các toa, đã rộn rã tiếng rao, tiếng chào mời khách đi tàu mua bánh bột lọc, trứng gà luộc, mía, khoai sắn ... để khách lót dạ trước khi tàu chuyển bánh.
      Và ...cũng từ lâu lắm rồi, có lẽ do các toa đều gắn máy lạnh và có phục vụ ăn uống nên toa tàu luôn "cửa đóng, then gài". 
   Bây giờ, khách đi tàu không còn nghe tiếng rao, tiếng năn nỉ chào mời nữa. Họ đã tìm kế sinh nhai khác!
                           Ngô Bá Dũng
                   ngobadung.blogspot.com

3 tháng 11, 2015

Thấy gì qua những tấm ảnh xưa ? GIẢI ĐI CHÉM!




    
Trong ảnh, một tử tội dưới thời nhà Nguyễn bị mang gông, áp giải ra pháp trường nhận án chém.
Bức ảnh ( được vẽ lại trên một ảnh nguyên gốc giống y) tuy không chú thích ông ta bị tội gì nhưng trông ông giống một nhà nho hơn là tội phạm hình sự.
        Đi cùng là những người có trách nhiệm áp giải, một đao phủ to lớn nhưng có tuổi (có phải lão Ngáo đó chăng ?). Một người lính cầm đao đi theo, chiếc đao nầy sẽ giao cho đao phủ thực thi bản án.
         Ngày xưa án chém dành cho người phạm trọng tội phản nghịch, đại bất kính, bất hiếu, phạm một trong thập đại ác do Luật Hoàng triều quy định. Dù vậy rất nhiều người truyền đạo Thiên chúa, các giáo sĩ nước ngoài cũng bị xử chém không nương tay dưới triều Nguyễn.
Phía tây bắc kinh thành Huế cách chừng 3km theo đường QL1 có Cống chém An Hòa, nơi tất cả các phạm nhân mang tội tử hình đều bị xử ở đây. Điển hình như các nhà yêu nước Thái Phiên, Trần Cao Vân...
        Lão Ngáo , nhân vật trong bài thơ của Tố Hữu hay Bát Lê, nhân vật trong "Vang bóng một thời" của Nguyễn Tuân là những đao phủ khét tiếng đã từng trảm hàng trăm cái đầu!
"Sống không thù nhau, chết đừng oán trách... Người ngồi cho vững, cho ngọt nhát dao. Hởi quỷ không đầu " Đó là câu nói của đao phủ ngân nga trước khi xuống đao đối với tử tội như một lời giải bày lý do phải thực thi nhiệm vụ !

                                                   Ngô Bá Dũng
                                          ngobadung.blogspot.com

Đội quân cận vệ kinh thành Huế
(người cao lớn cầm gươm đứng  bên trái - rất giống với "lão Ngáo" )




Bài thơ của Tố Hữu

“Hỏi cụ Ngáo”:

“Nghe nói ngày xưa lão chặt đầu,
Đầu xanh, đầu bạc tội gì đâu?
Sao không chặt hết đầu bao đứa,
Mũ mão rồng nay, áo phượng chầu?
Nay lão vác tròng đi thịt chó,
Chó vàng, chó mực tội gì đâu?
Sao không chặt hết bao con đó,
Lém gót giày Tây, béo mượt đâu?”