ngobadung

4 tháng 11, 2014

“ Tang điền biến vi thương hải”


   

          Ông bà ta xưa thường nói “Thương hải biến vi tang điền”, nghĩa là: biển xanh biến thành ruộng dâu. Ruộng dâu biến thành biển xanh. Ý nói cảnh đời luôn luôn biến đổi, không có gì gọi là bền vững vĩnh viễn. Rút gọn câu nói đó, người ta hay dùng từ Tang Thương để chỉ về thảm họa đau xót nào đó do thiên nhiên hoặc con người gây ra cho môi trường, cuộc sống chúng ta.



            “ Tang điền biến vi thương hải”
     Từ đầu tháng 10 cho đến nay bờ biển Cửa Đại, thành phố Hội An luôn bị hiện tượng xói lở rất nghiêm trọng. Hàng ngàn mét khối cát bị sóng và dòng chảy của biển mang đi để lại những vực sâu trên 2 mét chạy dài dọc theo bãi biển. Nhiều cây dừa bị  biển đốn ngã nằm bật cả gốc. Tốc độ xâm thực của biển diễn ra rất nhanh và sự tàn phá của nó cũng rất kinh ngạc. Người dân ven biển cho biết chỉ trong vài ngày biển đã ăn sâu vào vài chục mét. Biến cả bãi biển đẹp, thơ mộng yên bình ở đây thành bãi chiến trường. Mọi người đều bàng hoàng trước sự tàn phá đột ngột và dữ dội của thiên nhiên. Nếu chính quyền không có biện pháp khắc phục nhanh chóng thì việc xâm thực cả tuyến đường ven biển ở đây chỉ còn là thời gian rất ngắn và điều đó thực sự là thảm họa cho môi trường và ngành du lịch của Hội An.
      Xói mòn hay bồi tụ - “ Tang điền vi thương hải” là quá trình diễn ra tự nhiên hàng nghìn năm nay. Tuy nhiên điều nầy đã trở nên bất bình thường ở các quốc gia ven biển ở Châu Á trong đó có Việt Nam khi có sự tác động của các yếu tố tự nhiên như sóng biển, dòng chảy, thủy triều, mưa bão…
      Cùng với các yếu tố tự nhiên thì tác động của con người với sự gia tăng dân số đã gây nên những tác động tiêu cực đối với môi trường như nạn phá rừng, khai thác bừa bãi tài nguyên rừng đã làm gia tăng sự xói mòn bất bình thường vùng thượng lưu, gia tăng lượng bồi tụ của phù sa bồi lấp làm cạn dần các dòng sông (sông Hoài- Hội An). Các tác động khác ở hạ lưu như đắp đập ngăn dòng, san lấp các đầm lầy ngập mặn cùng thảm thực vật ở khu vực ven biển để làm kinh tế đã làm cho lượng phù sa mang ra của biển của sông ngày càng ít đi. Trong khi đó hiện tượng triều cường cao với sóng biển và dòng chảy đã đẩy nhanh hiện tượng xói mòn bờ biển mà vụ xâm thực ở bãi tắm Cửa Đại và đoạn bờ biển phía đông của Hội An là một minh chứng rõ nhất.

                                      Ngô Bá Dũng 
Bãi tăm Cửa Đại tan hoang
Đang gia cố chống kè
Những cây dừa bị quật ngã do sóng





Bãi Cửa Đại Hội An bị xói lở nghiêm trọng



Bãi tăm Cửa Đại cách đây vài năm

1 tháng 11, 2014

Xe Lamb ba bánh.



Xe Lamb ba bánh.
    
Xe Lamb  ba bánh - ảnh sưu tầm
Được sản xuất từ nước Ý qua các thương hiệu như Vespa, Lambertta rồi Lambro. Xe Lamb (không phải Lamborghini đâu nhé), một cách gọi tắt, có tay lái bằng ghi đông, máy nằm ngang được đặt dưới ghế bác tài, máy có tiếng nổ to, giòn tan, nghe rất sướng tai. Vì là động cơ hai thì, dùng xăng pha nhớt nên xả ra khá nhiều khói. Bọn trẻ chúng tôi có đứa rất thích hít mùi khói đó!
        Xe Lamb ba bánh, là phương tiện chuyên chở công cộng phổ biến trước năm 1975, tuy máy có dung tích 198cc nhưng có thể chở được 13 người và hàng hóa. 


        Hồi nhỏ đi học, tôi thường chọn ghế đàng trước, ngồi sát bên bác tài, má tôi dặn đừng ngồi bên trái, tôi cũng không hỏi vì sao?  Ngồi phía trước vừa mát vừa được quan sát đó đây nhưng đôi khi vào cua phải né, vừa thủ thế vì cùi chỏ bác tài thỉnh thoảng thốc vào hông đau điếng. Đôi lúc, xe trở chứng khách ngồi bên bác tài phải xuống để tránh chỗ cho bác tài khởi động cần đạp hoặc lật ghế ra để kiểm tra xăng lửa, chùi bugi.

      Xe Lamb thường chạy các tuyến Đà Nẵng – Phước Tường, Đà Nẵng – Hòa Khánh. Tôi nhớ thời ấy chừng 5 đến 10 đồng cho mỗi cuốc xe, vì máy nổ quá “êm” nên khách muốn xuống ở đâu thì la to “xuống, xuống!” hoặc đập vào thùng xe để bác tài nghe mà dừng … " Xe dừng... đừng nhãy!". Bác tài la lớn rồi dùng cả hai tay, nghiến răng bóp côn, lùi số, giảm ga… rà thắng. Bằng kinh nghiệm tôi tự nhủ cứ còn dưới 100m thì “xin xuống”  để đến  khi xe dừng là vừa!

      Xe Lamb một phương tiện di chuyển công cộng phổ thông, bình dân phù hợp với nhịp sống đô thị vùng ven. Một hình ảnh gắn với ký ức của nhiều người về một thời đã qua.    

              Xe Lamb đã xa rồi còn đâu!

                                      Ngô Bá Dũng
Xe Lamb -ảnh ngobadung
Tài xế xe Lamb