ngobadung

18 tháng 5, 2024

NGÒI BÚT LÁ TRE XƯA

    Ai lớn tuổi chắc còn nhớ thứ nầy!
    Dùng nó thì học trò phải kẹp theo bình mực, muốn viết phải chấm, chấm nhiều thì lem, vì vậy mới sinh ra giấy dậm.
    Đôi khi mặt mũi, vỡ sách, áo quần đều tèm lem khi tan học về. Mặc dù sau nầy bình mực có cải tiến để mực không đổ ra ngoài. Trên bàn học các ông thợ mộc còn khoét nhiều cái lổ để giữ cho nó yên vị.
     Ngòi bút lá tre giúp học trò viết cẩn thận nắn nót, nét đậm nét lợt rõ ràng.
     Ông bà xưa đã nói: nét chữ là nết con người. Quả y như vậy.

Có vị sư đầu trần chân đất, đi bộ hàng ngàn cây số.

   Có vị sư đầu trần chân đất, đi bộ hàng ngàn cây số.     Không tài sản, không tiền bạc.         Khất thực ngày chỉ 01 bữa chay cốt lấy sức để tu. Tối ngủ ngồi nơi hoang vắng. Không một tấm màn, manh chiếu mà tinh thần vẫn vững chãi, ăn nói từ tốn, rõ ràng, đôi mắt vẫn tinh anh.
Người đó phải có một năng lực phi thường, một ý chí bền bỉ mới tự tin trên con đường tu tập của mình.
             Kính phục!
                (ảnh chụp ở Huế - một buổi sáng)

Ngã Năm Đà Nẵng của 60 năm trước


      Có ai hình dung đây là ngã Năm Đà Nẵng của 60 năm trước?
    "Chứng tích" còn sót lại là trạm biến thế sừng sững như cái lô cốt ở đầu đường Hoàng Diệu, nó còn trụ mãi cho đến bây chừ!
       Hai gian nhà ngói âm dương sau nầy là photo Trường Sơn.
                       Ảnh của photo Tự Do

Chi mà buồn rứa cụ?

  Chi mà buồn rứa cụ?
      Buồn vì vận nước nổi trôi, buồn vì vua bị đi đày hay trung thần bị xử chém ?
      Ảnh chụp trong giai đoạn sau 1916. Một viên quan nhỏ ở kinh thành Huế.

8 tháng 5, 2024

HOÀNG THÂN HỒNG KHẲNG/РОЯЛ ХОНГ ХАНГ/ロイヤル ホン カン/KONINKLIJKE HONG KHANG/皇家康康

Hoàng thân Hồng Khẳng
Hoàng thân Hồng Khẳng.
    Ông là con của Ngài Tùng Thiện Vương, từng giữ chức Án sát Thanh Hóa rồi Hà Tĩnh. Ông từng treo ấn từ quan để phản đối đàn áp phong trào chống thuế.         Là em của ông cố vợ tôi là cụ Hồng Tích.
    Ông có căn nhà rất đẹp và to mang tên Tịnh Lạc Viên nằm gần chợ Bến Ngự - Huế.

Hoàng hậu Đại Nam. - Bà Nguyễn Hữu Thị Nhàn/ Queen of Dai Nam/Dai Namin maan kuningatar/Королева країни Дай Нам

Bà Nguyễn Hữu Thị Nhàn

Hoàng hậu Đại Nam.
Bà Nguyễn Hữu Thị Nhàn là chánh phi của vua Đồng Khánh và là con của Đại thần Nguyễn Hữu Độ.
     Bà làm vợ vua mới chỉ có 02 năm thì vua băng hà. Hưởng dương 25 tuổi trong khi bà chỉ mới 19 tuổi.
     Ông Độ có 06 người con. Trong đó 02 người làm vợ vua, 02 người lấy công chúa con vua, 01 lấy chồng là cháu của vua, 01 lấy vợ là cháu của chúa!
      Bà có 02 người con nhưng đều chết sớm. Vì vậy bà có công nuôi dạy Hoàng tử Bửu Đảo (là con của bà thứ phi họ Dương) đến khi ông Bửu Đảo lên ngôi tức vua Khải Định.
    Ảnh nầy chụp sau khi vua Đồng Khánh qua đời.

Đường Trần Hưng Đạo - Đà Nẵng xưa

Trẻ con xóm nhà giàu trên đường Trần Hưng Đạo trước năm 1975 tức Nguyễn Thái Học, Đà Nẵng nay!
Nhìn phía xa thấy ngã tư Yên Báy - Nguyễn Thái Học và chợ Vườn Hoa.
      Con đường nầy ngày xưa ô tô đã nhiều.

4 tháng 5, 2024

VIỆT NAM HÀNG KHÔNG - Họ quảng cáo đường bay Saigon - Phú Quốc vào tháng 11.1957 AIR VIETNAM - Ils ont annoncé la liaison Saigon - Phu Quoc en novembre 1957.

VIỆT NAM HÀNG KHÔNG 1957
     Họ quảng cáo đường bay Saigon - Phú Quốc vào tháng 11.1957.
     Đi du lịch với vé khứ hồi Đi & Về trong ngày. Có kèm ăn trưa và du lịch. Giá trọn gói 1.190 đ.
      Được biết lương công chức bậc trung là 6 hoặc 7 ngàn thời đó.
Bây giờ vé khứ hồi Thành phố HCM - Phú Quốc  chừng 3 triệu với Việt Nam Airline còn Vietjet chừng 2 triệu, mắc rẻ chưa nói.
       Có điều cách đây gần 70 năm mà có đường bay SG - PQ là ngon lắm chớ chẳng phải chơi!

GÁNH HÁT THANH MINH - THANH NGA. và câu nói cửa miệng của người miền Nam : Thôi đừng "thanh minh thanh nga" chi nữa!

GÁNH HÁT THANH MINH - THANH NGA.
      Dân miền Nam thuở xưa hay có câu nói: Thôi đừng "thanh minh thanh nga" chi nữa! (có nghĩa là đừng phân bua, giải thích chi hết - biết rồi). 
      Không biết có phải xuất phát từ tên của một Gánh hát cải lương nổi tiếng như cồn mà người Miền Nam trước đây ai cũng nhập tâm "Gánh hát Thanh Minh - Thanh Nga" ?
       Gánh đóng đô ở Saigon nhưng còn lưu diễn khắp nơi.
       Hồi nhỏ ở Nam Phước, Quảng Nam dầu không biết cải lương hay hiểu gì về tuồng tích nhưng do rạp hát gần nhà nên mỗi lần có Gánh hát nào đến lưu diễn thì biết hết vì mỗi Gánh đều có vài xe "ba lua" chở phông màn, đạo cụ sân khấu, hai bên thùng xe đều có kẻ tên của Gánh để quảng cáo. Còn nhớ xe của các Gánh hát như Dạ Lý Hương, Túy Nguyệt, Trường Thành, Thanh Minh... đều chạy qua trước nhà. 
        Vài hôm sau vào buổi sắp mở màn là có dịp cùng đám con nít ra hậu trường coi các nghệ sĩ kẻ mặt đánh phấn hóa trang, đọc tuồng chuẩn bị cho đêm diễn... vui hết kể.

Ông Phan Liêm 1833 -1836 con trai Đại thần Phan Thanh Giản, một lãnh tụ phong trào chống Pháp ở Việt Nam TK XIX/M. Phan Liem 1833 - 1836, fils du grand mandarin Phan Thanh Gian, leader du mouvement anti-français au Vietnam au 19e siècle

Ông Phan Liêm
(1833 -1896)
Là con trai của đại thần Phan Thanh Giản, khi cha ông uống độc dược chết vì không tròn nhiệm vụ để mất đất, mất nước. Ông tham gia hàng ngũ chống Tây cùng thời với các ông Trương Định, Nguyễn Trung Trực...
Ông cũng có mặt tại Hà Nội trong việc cùng Nguyễn Tri Phương chống Pháp ở đây.
       Thành mất, ông cũng bị bắt cùng với chủ tướng. Về sau Pháp trao trả ông cho triều đình Huế rồi làm quan to đến chức Phủ doãn Thừa Thiên và mất dưới triều vua Đồng Khánh.
       Khi chết được truy tặng hàm Thượng thư Bộ binh.

Hỏa tiễn HAWK ở đồi 327 bảo vệ phi trường Đà Nẵng do người Mỹ bố tri năm 1965/1965年,美国人在保护岘港机场的327高地部署了HAWK导弹。/HAWK missiles on Hill 327 protecting Da Nang airport were deployed by the Americans in 1965./

Đà Nẵng 1965
Có một loại vũ khí mà người Mỹ đem sang Việt Nam mà ít người được nhìn thấy.
   Đó là hỏa tiễn đất đối không tầm trung có tên HAWK được đặt trên ngọn đồi 327 ở núi Phước Tường nhằm để bảo vệ phi trường Đà Nẵng.
     Căn cứ 327 nầy vào năm 1967 đã bị 01 tiểu đội đặc công bất ngờ đánh phá. Một người trong số đó được phong AHLLVT. Đó là ông Trần Ngọc Trung.

ĐÀ NẴNG 1968 -ảnh của ROLLS

ĐÀ NẴNG 1968
Ông già và đứa cháu. (chừng 03 tuổi) Trên khuôn mặt ai nấ
y đầy khắc khoải, lo âu buồn bả vì bom đạn, chết chóc, chiến tranh.
   Ông cụ chắc đã ra người thiên cổ còn đứa cháu nếu còn sống nay cũng đã 60 rồi!
      Ảnh của Rolls

1 tháng 5, 2024

NGOẠI Ô ĐÀ NẴNG NĂM 1967 - photo by US Marines

ẢNH CÓ GHI CHÚ CHỤP Ở NGOẠI Ô ĐÀ NẴNG NĂM 1967.
     Mới 03 tuổi trong tay mẹ nhưng chú có hai ngón kẹp quá sành điệu.
     Nếu còn sống thì chú nay đã tròn 60 xuân xanh, ắt cấp độ "chơi thuốc" của chú cũng đã đạt mức độ thượng thừa trong giới võ lâm?

Trên đường Phan Châu Trinh Tam Kỳ- Quảng Nam năm 1971. Tấm ảnh của Earl Powers


Trên đường Phan Châu Trinh Tam Kỳ- Quảng Nam đã 55 năm.
    Sau 1975 tôi nhớ mỗi lần vô Nam bằng xe đò, xe chạy xuyên con đường nầy. Cảm giác của tôi lúc đó như thấy trong ảnh, đường phố nhỏ hẹp, xe chạy sát nhà dân hai bên đường. Con đường Phan Châu Trinh nầy là "xương sống" của thị xã Tam Kỳ xưa.
     Bảng hiệu xưa được sơn bằng tay nhưng chữ viết rất sắc, đẹp và bền màu. Hiệu uốn tóc Tự Nhiên nầy vẫn còn hoạt động cho đến những năm 2000.
    Tủ sửa đồng hồ vỉa hè ngoài việc sửa còn bán đồng hồ đã qua sử dụng nữa. (bán - sửa có ghi)
Hồi đó toàn đồng hồ xịn của Nhật. Không có đồ dõm nhiều như bây giờ!
                   Tác giả tấm ảnh Earl Powers

Đà Nẵng trước ngày 29 tháng 03 năm 1975 - ảnh của Jack Cahill

Đà Nẵng những ngày cuối tháng ba 49 năm trước.
     Thị xã chỉ từ vài trăm ngàn dân đã tăng vọt lên trên một triệu người do từ các nơi dồn về.
     Khung cảnh trong ảnh người người tập trung dưới lòng đường Trần Hưng Đạo bên hông Chợ Hàn (tức Nguyễn Thái Học ngày nay).
      Ảnh chụp vào sáng 28.3.1975 lòng đường toàn người với người. (Nhưng theo tôi, căn cứ vào hình ảnh thì bức ảnh nầy đã chụp trước đó hơn 01 tuần)
      Các ngã đường từ Huế, Quảng Trị, Quảng Nam về Đà Nẵng đã bị chia cắt. Pháo kích, trộm cướp hổn loạn khắp nơi khi thị xã Đà Nẵng rơi vào tình trạng vô chính phủ.
     Trước đó vài hôm, gia đình cậu tôi ở Phước Tường xuống tàu di tản vô Sài Gòn nhưng chúng tôi ở Đà Nẵng không biết tin tức về gia đình cậu ấy. Mẹ tôi biểu xuống bệnh viện Đà Nẵng xem thử.
     Tôi vào nhà xác thấy nhiều xác đen thui được đắp chiếc drap nằm dưới sàn lòi chân, lòi tay.
    Vài người cũng đến như tôi như tôi nhưng không ai dám mở tấm drap để xem. Vì có mở cũng không nhận diện được!
     Tôi đành về báo: Không có!
        Ảnh của Jack Cahill

PHƯỚC TƯỜNG, ĐÀ NẴNG 1970 - TẤM ẢNH CỦA ROBERT ALEXANDRE

PHƯỚC TƯỜNG, ĐÀ NẴNG 1970.
      Các "chú" học trò trường Lê Bảo Tịnh (nay là PTCS Nguyễn Đình Chiểu) hay Bồ Đề Hòa Phát đi học về, vỡ sách đều kẹp vào sườn xe đạp.
      Phía bên kia đường là Hòa Phát, có đường rầy xe lửa chạy song song. Ta còn thấy một phần bảng hiệu của Photo Lê Toàn. Nếu ai ở Hòa Phát xưa đều biết Photo Lê Toàn, nổi tiếng giống như Photo Bình Minh ở Cẩm Lệ vậy.
      Ngày xưa đối diện Photo Lê Toàn là cổng ra vô của phi trường Đà Nẵng, nơi có bệnh viện dã chiến của TQLC thì phải.
      Nhìn các "chú" chừng 12, 13 tuổi tức sinh năm 1957, 1958 đang học lớp đệ lục hay đệ thất chi đó.
        Photo của R. Alexander