Ngành nghề thủ công và thợ giỏi
Việt Nam thời nhà Nguyễn.
|
Thợ xẻ đá xưa ở Ngũ Hành Sơn - Đà Nẵng (ngobadung sưu tầm) |
Dưới thời các vị vua triều Nguyễn, nước ta đã có nhiều ngành nghề, sản phẩm được xem là tinh xảo, phần lớn phục vụ cho công việc của triều đình. Nhiều thợ giỏi của cả nước được tập trung về kinh đô Huế để sung vào các Đội, Ban thuộc Ty Chế tác (Bộ Công) chuyên sản xuất các dụng cụ, binh khí, hàng hóa phục vụ cho nhiều ngành trong đó chủ yếu phục vụ cho sinh hoạt của cung đình.
Theo Sử quán triều Nguyễn, các thợ giỏi ở các nơi được tập trung rất đông về kinh đô Huế, trong đó có ngành đúc, làm kim hoàn, vẽ, mộc, điêu khắc, khảm, chạm, nề, thuộc da, thuốc súng, làm gạch, ngói, mành mành, làm bành voi, khắc bản in, làm trống, chuôi dao, bồi tranh, đóng sách, thuộc da, đèn lồng, làm mực, tráng gương thủy, làm bút, tạc tượng, than mỏ, kết dùi chiêng, tài công…
Thế mạnh của thợ Quảng Nam và Thanh Hóa lúc bấy giờ là nghề điêu khắc đá, với 102 nghệ nhân, nghề làm gạch ngói có 260 người, nghề lợp ngói (ngói âm dương) có 40 người, nghề mộc (chủ yếu làng Kim Bồng, Hội An) có 30 người. Luyện và đúc đồng gốc Bắc Ninh có 170 người. (ông tổ là Nguyễn Văn Đào). Thợ gốc kinh đô Huế và vùng lân cận chủ yếu làm các nghề tinh xảo, kỷ thuật mới như nghề kim hoàn (ông tổ Cao Đình Độ - người làng Kế Môn, Phong Điền, quê gốc Cẩm Tú, Hà Tĩnh), đóng tàu (ông tổ Hoàng Văn Lịch- người đóng tàu chạy bằng máy hơi nước đầu tiên được vua Minh Mạng khen ngợi), nghề đúc súng, vũ khí bắn đá, nghề in, vẽ, trang trí cung điện, làm mành mành, tráng men, pha lê, thủy tinh, làm bành voi, làm mực, đèn lồng, đóng giày, tài công… phần lớn quê ở Thừa Thiên, Quảng Trị. Nghề chế tác đồ trang sức, trang trí từ sừng, đồi mồi có 30 người, quê quán ở Hải Dương. Chế tạo đạn cho súng Thần công, hỏa mai (ông tổ Nguyễn Viết Túy) thợ ngành nầy có chừng 30 người, quê ở Hà Nội vốn được các thương nhân Hòa Lan và phương tây ở đàng ngoài truyền nghề trước đây.
|
Những người thợ mộc Kim Bồng - Hội An |
Các thợ được biên chế theo từng ban, làm việc ở các xưởng thủ công. Họ được nhà nước trả lương theo ngạch, bậc. Lương tháng của một thợ giỏi là một phương gạo và chừng 1 đến 5 quan tiền. Cũng theo Sử quán nhà Nguyễn thì các thợ giỏi luôn thiếu, phải bổ sung hằng năm, ngoài những thợ được cho về nhà do già yếu hoặc chết. Nhiều thợ giỏi do nhớ nhà, chế độ làm việc cực nhọc, lương ít… đã bỏ trốn. Vì vậy nhà nước luôn khuyến cáo các địa phương phải ưu tiên chọn con em những nhà có nghề truyền thống để đưa vào ngạch thợ, nhà nước nghiêm cấm viên chức lý dịch ở làng xã không được che giấu thợ có tay nghề nhưng đăng vào sổ dân hay vào ngạch khác Nếu phát hiện có ai tư thông, ẩn giấu cho nhau để trốn đăng sổ thợ (trốn việc khó, chọn việc dễ ) thì sẽ bị nghiêm trị. Vì vậy nhiều người đã giấu nghề hoặc không muốn trở thành thợ giỏi. Tâm lý chung của những người giỏi nghề lúc bấy giờ là không dám trổ tài. Vì tài nghệ chỉ chuốc lấy tai họa cho bản than và gia đình. Thật oái ăm, có sản phẩm thêu thùa rất đẹp do thợ thủ công trong nước làm ra nhưng phải mạo danh là hàng ngoại quốc để nhà nước đừng để ý… .Nhiều thợ giỏi không muốn truyền nghề cho con cái hoặc xem nghề như công việc phụ lúc nông nhàn, hoặc bỏ nghề để chuyên làm ruộng. Đây cũng là nguyên nhân vì sao các ngành nghề và sản phẩm thủ công ở nước ta khó phát triển hoặc không trở thành hàng hóa có sức cạnh tranh so với sản phẩm của các nước trong khu vực cùng thời.
Ngô Bá Dũng biên khảo
|
Sản phẩm từ làng mộc Kim Bồng - Hội An |
01 Phương ( đơn vị cổ) bằng 30 bát gạo.
01 Quan tiền có giá trị tương đương một lạng bạc ròng.
Tham khảo: Khâm Định Đại Nam Hội Điển Sự Lệ, quyển 8.9
Sử quán triều Nguyễn
Lịch sử Việt Nam NXB Giáo dục