ngobadung

11 tháng 11, 2024

SAO LA Ở ĐÀ NẴNG_ Pseudoryx nghetinhensis

 

Sao La ở Đà Nẵng
  Tôi mới nhìn thấy Sao La!

   Là loài thú được WWF đưa vào danh sách cực kỳ quý hiếm có thể bị tuyệt chủng.
   Loài nầy cho đến nay chỉ mới phát hiện ở dãy Trường Sơn thuộc miền Trung Việt Nam và Hạ Lào. Lần đầu tiên Sao La được phát hiện vào năm 1992 đã gây ra một tin chấn động trong giới sinh vật học trên thế giới. Tôi còn nhớ trên đài truyền hình, lúc đó ông GS Võ Quý đã giới thiệu phát hiện mới về Sao La ở Việt Nam nhưng chỉ là một tiêu bản là một cái đầu Sao La và cặp sừng dài đặc trưng. Còn con Sao La thật ngoài tự nhiên thì cho đến 06 năm sau mới có người tình cờ phát hiện nó bị mắc bẫy và được giải cứu về tự nhiên sau đó.
      Vì hiếm như vậy nên rất ít người nhìn thấy Sao La ngoài tự nhiên ngoài dân bản địa như Tà Ôi, Vân Kiều... và lần thấy cuối cùng được ghi nhận cách đây hơn 20 năm khi một con Sao La bị mắc bẫy ở A Lưới (TTH) và được kiểm lâm thả về rừng.
       Gần đây tôi cũng may mắn thấy được Sao La tận mắt và đã sờ tay vào sừng nhưng là một tiêu bản do một sợ săn người dân tộc sở hữu và cho tặng từ 30 năm trước khi chưa phát hiện và công bố tính quý hiếm về loài Sao La nầy!
      Tiêu bản nầy có thể nói là độc đáo và duy nhất hiện đang ở Đà Nẵng và được một người dân gìn giữ cẩn thận như một báu vật và nhất quyết không bán dù ai trả giá như thế nào!
     (Tấm ảnh nầy tôi chụp như một bằng chứng - và xin đừng ai hỏi địa chỉ của nó - tuy nhiên ai thích thì nói nhỏ với tôi, tui dẫn chỉ cho - theo lời gia chủ).


Ảnh đồ họa Sao La

Việt Trì 100 năm trước.

Việt Trì 100 năm trước.
Là kinh đô của Nhà nước Văn Lang xưa. Từ thời thuộc Pháp ở đây đã sớm ảnh hưởng văn hóa, văn minh từ Pháp.
      Trong bưu ảnh là một "bồn kèn". Bồn kèn là cách gọi của người Nam bộ khi nói về khu vực hòa nhạc công cộng thời Pháp. Bồn kèn qua sử sách chỉ có ở Hà Nội và Sài Gòn.
      Nhưng qua bưu ảnh nầy ta còn thấy lúc bấy giờ ở Việt Trì cũng có một "bồn kèn" như vậy.
     Đứng gần đây còn có vài người Pháp ăn mặc lịch sự trên tay có nhạc cụ.
      Trong một khung cảnh đẹp bởi những tán cây và gốc cổ thụ. Nơi đây đã từng là quê hương của người Việt cổ.

BỨC TƯỢNG XƯA NGAY TRƯỚC BƯU ĐIỆN TRUNG TÂM SAIGON

Bưu điện trung tâm Saigon xưa.
     Phía trước là bức tượng 02 người đó là Cha Cả Bá Đa Lộc và người thiếu niên đứng cạnh là Nguyễn Phúc Cảnh. Sau nầy ông Cảnh là người giữ chức vụ Tổng trấn Gia Định đầu tiên. Tức thành phố Saigon (HCM) ngày nay. Khi đó ông vừa tròn 20 tuổi.
       Bức tượng đó đã không còn nữa. Thay vào đó là tượng Đức Mẹ như ta thấy hiện nay, đặt trước Nhà thờ Đức Bà

Phố Cờ Đen (Mã Mây)

Phố Cờ Đen (Mã Mây)
Con phố nầy khi xưa là nơi trú chân của Lưu Vĩnh Phúc và bộ hạ. Họ từ phía Nam Trung Hoa lưu dạt sang Việt Nam với tên Cờ đen.
Là đạo quân ô hợp nhưng được trang bị khá tốt lúc bấy giờ. Về sau người Pháp đặt luôn tên "pavillons noir" (cờ đen) cho con phố nầy.
     Quân Cờ đen thường phối hợp với quân triều đình để chống Pháp nhất là sau khi thành Hà Nội bị Pháp đánh chiếm. Hai sĩ quan Pháp nổi tiếng đã bị quân Cờ đen giết ở Ô Cầu Giấy là đại úy F. Garnier và đại tá H. Rivier
     Phố nầy về sau đổi tên là phố Mã Mây cho đến bây giờ.

30 tháng 10, 2024

Những phụ nữ kéo xe ru lô làm đường 100 năm trước ở Hải Phòng.

Những phụ nữ kéo xe ru lô làm đường 100 năm trước ở Hải Phòng.
Đếm cả thảy 26 người cùng kéo chiếc ru lô nặng hàng vài tấn để nén đất.
Đây là công việc nặng nhọc nhưng thường xuyên dành cho họ.

23 tháng 10, 2024

Choi choi vàng


Choi choi vàng.
Sống ở xứ lạnh như Siberi hay Alaska - để tránh mùa đông khắc nghiệt sắp đến. Cứ đến hẹn chúng rũ nhau bay về phương Nam để tìm chút ấm áp.
      Đặt chân đến bờ biển Đà Nẵng nó ngơ ngác tìm miếng ăn còn sót lại sau buổi tan chợ Mai ở biển Thọ Quang!




















8 tháng 10, 2024

CHÚA NGUYỄN PHÚC CHU ĐÃ TỪNG ĐÍCH THÂN CHỈ HUY CHỮA CHÁY. (Năm 1695)

CHÚA NGUYỄN PHÚC CHU ĐÃ TỪNG ĐÍCH THÂN CHỈ HUY CHỮA CHÁY.
Tháng 5 năm Ất Hợi 1695 Thuận Hóa (Huế) có hỏa hoạn.
      Số là Chúa đang đàm đạo với khách quý nước ngoài thì có viên quan hớt hãi chạy vào nói vài câu tiếng Việt. Nghe xong thấy Vương chạy ra, ta lại nghe bên ngoài trống đánh liên hồi. Một hồi sau Vương trở vào thở hổn hển nói: "Vừa rồi trại quân bị lửa cháy, phải chạy qua để cứu chữa, xin chịu thất lễ".
    -Ta hỏi: "Vương tự mình qua cứu"?
    -"Thưa phải, không chờ xa giá, ta đến, quan quân mới tề tựu đông đủ cứu chữa".
    -Lại hỏi: "Sao lạ thế, ngài là vua thiên hạ, quan trọng với xã tắc, với trăm họ muôn dân, há khinh thân vào nơi nước sôi lửa cháy. Biết đâu có kẻ cuồng phu phóng hỏa để dụ Vương ra rồi thừa hư phạm giá thì sao"?
      -Vương nói: "Phải, nhưng biết làm sao. Trong Vương phủ (1) toàn nhà tranh, năm nào cũng có hỏa hoạn. Mỗi lần cháy lan mấy dặm, nếu chẳng cứu thì nhà dân sẽ ra tro hết".
     - Ta hiến kế "Vương nên làm lệnh tiễn (2), gặp nguy cấp, chỉ sai nội giám cầm lệnh tiễn đến. Lệnh cũng như vua đến vậy"!
(Lược ghi từ tác phẩm Hải Ngoại ký sự của nhà sư Trung Hoa TK 17)

   *Đọc mẫu đối thoại giữa Chúa Nguyễn Phúc Chu với vị Đại sư Trung Hoa Thích Đại Sán ta thấy Chúa luôn chăm lo cho nội trị từ việc lớn cho đến việc nhỏ. Hơn 30 năm dưới thời của Chúa cai trị, trăm họ Đàng Trong đều hưởng thái bình, an vui, no ấm. Chúa còn là người rất sùng kính đạo Phật.        Ngôi chùa Thiên Mụ cũng được xây dựng lại với quy mô to đẹp hơn dưới thời của vị Chúa thứ 6 nầy.
(1) Nền cũ của kinh thành Huế bây giờ.
(2)Lá cờ có chữ LỆNH màu vàng - cờ có mũi nhọn như mũi tên.