ngobadung

17 tháng 12, 2011

Ngày xưa vua đi hỏi, cưới vợ cho con như thế nào?

Phủ của một Hoàng tử  bên dòng An Cựu - ảnh ngobadung
   Con vua lấy vợ.
    
      Theo lẽ thường, vua cũng phải cưới vợ cho các  hoàng tử nhưng khác với bàn dân thiên hạ vì vua là Thiên tử cho nên cái cách cưới vợ cho con cũng theo kiểu “ông trời”.
        Có nghĩa là nhà nào có con gái muốn gả cho con vua phải làm đúng các "thủ tục"  quy định mới mong được kết thông gia. Tất nhiên trước khi đi đến lễ hỏi, lễ cưới, nàng dâu phải được Tôn nhân phủ cũng như Bộ Lễ kiểm  tra, thẩm định đủ các tiêu chuẩn về công, dung, ngôn, hạnh cũng như con nhà “môn đăng hộ đối” là tiêu chuẩn hàng đầu.
            Khác với thường dân, vua không trực tiếp đi hỏi, cưới vợ cho con mà sai cận thần đi thay, các ông nầy phải là người có tuổi, đức độ, vợ chồng song toàn, con cái đề huề mới được nhận “Mệnh” và  cùng đoàn tùy tùng đi hỏi cưới. 
          Tại nhà gái, bên bàn hương án,  bà con nhà gái mặc y phục nghiêm chỉnh để đón đoàn nhà trai vào nhà và chờ nhận mệnh, nhận mệnh xong, ông bố lạy ơn vua để được… gả con gái cho hoàng tử. Nguyên văn của mệnh ấy như sau: “Vâng Chỉ * (chiếu chỉ) của vua, lấy thị….làm vợ hoàng tử…đến ngày…mỗ (ông) phải đến Tiện Điện nhận mệnh vua” Bố vợ phủ phục trước bàn hương án  nhận mệnh vua bằng năm lạy.
Phủ Tùng Thiện
       Phẩm vật trong  lễ cưới cũng do vua  (Bộ Lễ) quy định, gồm vàng 4 nén; bạc 6 nén; bông tai 4 đôi; trâm vàng 1 bộ; xuyến 1 đôi; gấm 6 tấm; lụa màu 10 tấm; lụa tốt 20 tấm; vải tốt 30 tấm, trâu, bò, lợn mỗi thứ một con; trầu cau 1 mâm; rượu 2 hủ; áo, mũ, hài, kiệu, lọng… đó là phẩm vật của lễ cưới, đối với lễ hỏi cũng chừng thứ đó nhưng số lượng ít hơn và không có kiệu, lọng.
     Trong lễ cưới tại nhà gái, vua cũng không có mặt, mọi việc đều do hai viên quan chánh và phó sứ lo liệu. Sau khi bố cô gái lạy nhận lễ thì mẹ cô gái dẫn con ra trình diện và lạy để chờ nghe đọc tờ sách chỉ dụ của... vua. 
     Cô dâu và chú rễ ra mắt. Sau lễ mọi người được khoản đãi yến tiệc. Xong việc chánh, phó sứ ra về nộp cờ phục mệnh !
     Ngày hôm sau ông bố mặc phẩm phục đến Tiện Điện ( chỗ ở của vua), bà mẹ đến cung Khôn Đức, nơi mẹ hoàng tử ở, để cùng lạy tạ ơn… vì đã đưa được con gái yêu … “vô nội” !
    Ông bà ta thường nói “cưới con dâu, sâu con mắt” . Quan niệm ấy không dành cho đức vua!

     
                                                Ngô Bá Dũng biên khảo

Người Huế xưa thường có câu "đưa con vô nội" ý nói khó mà mong gặp lại con .

6 tháng 12, 2011

Cảnh đẹp Tràng An

                                       
          Cảnh đẹp Tràng An - một Hạ Long thứ hai
Trên bến Tràng An - ảnh Ngô Bá Dũng
 
     So sánh ấy quả không ngoa bởi nơi đây có một cảnh quan thiên nhiên tuyệt vời mà bất cứ ai đặt chân đến đây cũng phải thích thú trước vẻ đẹp hoang sơ của danh thắng. Gọi là hoang sơ vì người ta mới biết đến thắng cảnh Tràng An mới vài năm gần đây. Nếu Hạ Long với một quần thể hàng nghìn đảo đá vôi lớn nhỏ nằm quần tụ trên vịnh Bắc bộ thì Tràng An cũng có một quần thể gần 100 núi đá vôi cùng với những hang động phân bố rất  hài hòa trên diện tích 1500 ha. Nối liền với những hang động là những đầm sinh thái với các thảm thực vật phong phú mọc bám trên các triền sông, sườn núi,vách đá. Các nhà khoa học cho rằng về mặt địa chất và lịch sử hình thành, các núi đá vôi giữa Hạ Long và Tràng An đều có niên đại và cấu trúc địa tầng, địa chất khá giống nhau. Nhiều di tích và hiện vật cho thấy nơi đây đã từng là nơi sinh sống của người tiền sử, những hiện vật mới được giới khảo cổ công bố  cho thấy chúng đã có niên đại trên 20.000 năm.     
        Thú vị nhất hãy khám phá Tràng An bằng đường thủy, những chiếc thuyền nhỏ, trông rất khéo léo, chở được 6 người sẽ đưa du khách đi theo lộ trình chừng 5 đến 10 km (tùy theo yêu cầu). Thuyền sẽ đưa du khách đi xuyên qua những hang động âm u, mát rượi với nhiều hình thù kỳ lạ của thạch nhũ. Dường như du khách đang choáng ngợp trước vẻ đẹp bất ngờ hay sự hồi hộp trước sự tĩnh lặng ở đây! Không ai nói với ai, một không gian yên lặng, chỉ nghe tiếng mái chèo khua nước róc rách và tiếng kêu chi chít của lũ dơi trong hang. Ra khỏi hang là những khoảng sáng đẹp của đầm sinh thái với nhiều loại chim muông và thực vật, nhiều nhất là những đàn cò trắng đang kiếm ăn, thoảng có bóng người liền vỗ cánh bay lên rờm rợp, những tay săn ảnh chỉ chờ có dịp là bấm máy lia lịa. Trên lộ trình có chừng ba chục đầm sinh thái như vậy, cứ hết tối rồi đến sáng, mỗi đầm sinh thái là một cảnh quan tuyệt đẹp. Mặt nước trông xanh nhưng lại trong vắt, cảnh quan trông lạ mà quen vì dường như ai cũng từng được trông thấy đâu đó trong những bức tranh thủy mạc xưa. Vào mùa khô, nước có thể nhìn thấy tận đáy, điều đó làm an lòng du khách đi trên những chiếc thuyền nhỏ do những phụ nữ thiện nghệ điều khiển bằng chèo hai mái.
        Tràng An quả là thắng cảnh đẹp mà ta không thể tả nỗi, bạn hãy đến đó nếu có dịp. Đến với Tràng An, không những thưởng thức vẻ đẹp của Tràng An mà ta còn được dịp thăm chùa Bái Đính, một ngôi chùa lớn nhất Việt Nam với năm trăm pho tượng Phật La Hán. Thăm cố đô Hoa Lư, nơi ba vương triều Đinh, Tiền Lê và Lý đã phát tích, dựng nên nghiệp lớn cách đây hơn nghìn năm. 
                                   Bài và ảnh của Ngô Bá Dũng
Sử dụng lại bài viết và hình ảnh trong trang nầy phải ghi rõ từ nguồn:  ngobadung.blogspot.com


Sông nước Tràng An - ảnh Ngô Bá Dũng
Đi thuyền thăm Tràng An - ảnh Ngô Bá Dũng
                                               
Hang tối Tràng An - ảnh Ngô Bá Dũng
Phật Di lặc ở chùa Bái Đính - ảnh Ngô Bá Dũng
                 
Tràng An thanh bình - ảnh Ngô bá Dũng













Tràng An - ảnh TTXVN


ngobadung II's Gallery

1 tháng 12, 2011

Trang ảnh Tràng An - The scenic images on Chang'an - Ninh Binh



 Tràng An – Ninh Bình qua ảnh của Ngô Bá Dũng
Trên bến Tràng An - ảnh Ngô Bá Dũng



Bến đền Trình Tràng An - ảnh Ngô Bá Dũng