ngobadung

23 tháng 10, 2023

Đi làm sở Mỹ - thời Đà Nẵng xưa.

 

Đi làm sở Mỹ - thời Đà Nẵng xưa. (Mà cũng không riêng chi ĐN)

  Thời chiến tranh nhiều người dân đi làm cho Mỹ. Công việc chủ yếu ở lĩnh vực dân sự như thông dịch, thư ký (cho đơn vị), cắt tóc, hầu phòng, giặt ủi (cho cá nhân) ...sáng đi chiều về, có xe đưa rước. Gọi chung là "đi làm sở Mỹ".
     Làm sở Mỹ được trả lương cao (được trích từ lương của lính Mỹ, nếu họ có nhu cầu cá nhân) , làm vài tháng, đôi khi có chị được lính Mỹ "tặng thêm" cho cái bụng bầu, chín tháng mười ngày tự nhiên có chú Mỹ con mắt xanh, tóc vàng. Có khi đen thui tóc quăn rất dễ thương... Cũng nhờ chịu khó nuôi mà nhiều chị và gia đình sau nầy được đến Mỹ.
       Hồi đó xóm tôi có ông Tham Liệu, trước làm cho Pháp. Ông lớn hơn bà 10 tuổi, lúc ấy ông đà lọm khọm nhưng bà còn phốp pháp đẫy đà.
Bà đi làm sở Mỹ một thời gian thì có đứa con lai mắt xanh tóc vàng đặt tên là thằng Thính giữa bầy con 5 đứa tóc đen, da vàng, mũi tẹt. Hệt như gà con lông trắng giữa bầy lông đen!
      Thằng Thính là con út nhưng to lớn hơn và khác biệt so với mấy anh chị của nó.
      Cũng từ dạo ấy ông Tham Liệu ít nói, suốt ngày chỉ ở trong nhà còn bà thì vẫn đi làm sở Mỹ.
      Sau 75 một thời gian nghe đâu bà và mấy người con đều đi Mỹ!

Pic 1: Buổi sáng có xe thùng đón các chị đi làm.
Pic 2: Giờ giải lao ở "Sở Mỹ
  

Quán nước và cô chủ thuở xưa.

Quán nước và cô chủ thuở xưa.
    Bán bia nước ngọt và thuốc lá.
    Nhìn hàng hóa toàn nội địa là biết thời nầy Mỹ chưa vào miền Nam.
Bia con cọp, xá xị con cọp, Coca cola, bia 33. Còn tủ thuốc lá toàn Cotab, Ruby, Bastos, Melia ... một thời thuộc Pháp.
      Hồi đó thấy mấy ông vác gạo cho nhà bác tôi hút Bastos xanh - loại nầy rẻ tiền, nặng mùi dành cho lớp bình dân!
     Ruby thì sang hơn, Cotab mắc nhất còn Melia "the the" thì dành cho phụ nữ.

Đà Nẵng trước 1975 - trạm bán xăng di động

    Đà Nẵng xưa trước 1975.
Trạm bán xăng di động trên sông Hàn.
    Do ông Trần Hưng Hiền, tức cây xăng Thái Hòa (ngã ba Cai Lang) làm chủ chuyên cung cấp xăng dầu tận nơi cho các ghe tàu đánh bắt ở Đà Nẵng trước 1975.
    Người đội nón cối là ông Vĩnh Lô phụ trách tàu. Trên tàu có trang bị máy phát, cây bơm xăng và câu mời chào lịch sự.




18 tháng 10, 2023

11 tháng 10, 2023

XÓM ĐƯỜNG RẦY (RAIL) ĐÀ NẴNG XƯA.

XÓM ĐƯỜNG RẦY (RAIL) ĐÀ NẴNG XƯA.
     Ở Hà Nội có xóm đường rầy nổi tiếng, du khách tây chen nhau cà phê "check in" chụp ảnh.
     Đà Nẵng cũng có xóm đường rầy chạy cắt ngang thành phố. Uổng là đường rầy nay đã bị tháo đi rồi.
      Nếu còn đường rầy, còn cầu Vồng thì đây cũng chẳng thua chi Hanoi về cái khoản "check in check out"!
        Từ sau 1975 cho đến nay; xóm đường rầy là "kinh đô" của dép lốp, dây thun cột hàng. Hễ ai cần việc chi liên quan đến cao su là thợ ở đây có thể cắt theo yêu cầu!

PHÉP LỊCH SỰ


PHÉP LỊCH SỰ.
    Nghề làm dịch vụ cần phải ăn mặc lịch sự.
        Nay đeo cà vạt cho kín cổ- xưa đóng khố che hạ bộ thảy đều là phép lịch sự.
        Có điều là lịch sự kiểu ta có khác lịch sự kiểu tây chính là ở chỗ cái nào cần nên che.

4 tháng 10, 2023

ĐÀ NẴNG PHƯỚC TƯỜNG XƯA

ĐÀ NẴNG PHƯỚC TƯỜNG XƯA
  Con đường trong ảnh dẫn đến núi Phước Tường, trên đó có nhiều căn cứ của quân đội Mỹ nên đèn sáng suốt đêm, xe cộ không ngớt.
      Ảnh nầy chụp trước năm 1968 vì còn đường đất đỏ, bụi bay mù mịt khi xe di chuyển. Ai ở dọc đường QL1 (Trường Chinh) đều khổ sở bởi bụi đường đất đỏ, ngày quét nhà không biết bao nhiêu lần! (Chừng cuối năm 1968 người Mỹ mới tráng nhựa đường nầy)
     Chỗ đó nay mở rộng có tên là đường Lê Trọng Tấn, thuộc phường Hòa Phát, Cẩm Lệ Đà Nẵng.

BƯU ẢNH XƯA - BÊN TRONG TỬ CẤM THÀNH HUẾ

BƯU ẢNH XƯA - BÊN TRONG TỬ CẤM THÀNH.
    Là khu vực được canh giữ rất nghiêm ngặt, đi đứng phải đúng phép tắc. Nơi chỉ dành cho hoàng gia, không ai được bén mảng.
      Vậy mà vẫn có 02 người với tư thế đứng ngồi rất tự do? Có thể họ là những viên Thái giám chuyên hầu hạ các bà phi tần trong cung cấm, trong giây phút rảnh rỗi đang đứng ngồi tâm sự!
     Cuộc đời của thái giám thường buồn bã, tẻ nhạt, từ nhỏ đã xa gia đình để học làm các công việc của thái giám - không con cái - về già nhiều người phải nương tựa nơi cửa Phật.
     Chùa Từ Hiếu xưa ở Huế là một ngôi chùa đẹp, có khung cảnh thơ mộng do các thái giám hùn tiền xây dựng để lo cho mai hậu của họ khi về già!

TẤM ẢNH XƯA Ở HỘI AN.

TẤM ẢNH XƯA Ở HỘI AN.

Hai anh em sinh đôi - hai người là anh em bạn dì với tôi.
     Ảnh chụp trước nhà cũng là quán bán tạp hóa của dì tôi trên đường Cường Để trước "chùa" Phúc Kiến. (tức Trần Phú, Hoian bây giờ).
     Quán nhỏ nhưng bán toàn đồ Mỹ như rượu, bánh kẹo, đồ hộp. Mỗi lần tôi từ An Hội ghé qua là mỗi lần được dì ân cần hỏi han khi về còn cho túi đồ hộp B1, B2...
     Hoian hồi đó vắng vẻ và yên ắng, buổi trưa từ đầu cho đến cuối phố người ta có thể nghe rõ những tiếng guốc gỗ khua lóc cóc trên đường, tiếng giũ chiếu bộp bộp trên sông, tiếng rao của chè đậu ván, tàu hủ.
    Hội An nhưng ngày ấy tuy nghèo nhưng hồn cốt, tình người khác nhiều so với bây giờ lắm!



Ký ức về một vụ rớt máy bay ở Đà Nẵng năm xưa


Đà Nẵng xưa - Ký ức về một vụ rớt máy bay.
(Ảnh) 
   Một chiếc xe chuyển hàng hóa của hãng Air Việt Nam trên đường Bạch Đằng.
     Trụ sở bán vé của hãng gần đó trên đường Độc Lập sát hội Việt Pháp (nay thư viện tp)
     Máy bay của hãng đã bay đến nhiều sân bay trong nước và nước ngoài với nhiều loại máy bay lớn nhỏ khác nhau trong đó có Boeing 727 thuộc loại tối tân thời ấy.
      Năm 1969 một chiếc máy bay DC4 của hãng đã rớt ở Hòa Phát, Hoà Vang làm 74 người trên máy bay và 02 người giữ bò thuộc thôn Hòa An chết. (Chỉ có 01 em nhỏ sống sót).
     Vụ nầy tôi có chứng kiến tận mắt, chiếc máy bay lật ngữa phơi bụng, lưng dựa vào dãy tre làng. Lực lượng cứu hộ của Mỹ và Việt không ngừng chuyển xác các nạn nhân bằng băng ca ra xe cứu thương, may mắn máy bay chưa cháy (hoặc chỉ mới cháy) nên các thi thể vẫn còn nguyên. Có người còn thắt cà vạt, có người mặc áo dài xanh màu nước biển là chiêu đãi viên của hãng hàng không.
    Khu vực chiếc máy bay rơi nay ở đâu đó trong khu dân cư, đoạn giữa Tôn Đản và Bắc Sơn ?
    Nhà tôi lúc nầy chỉ cách hiện trường chừng hơn 01 cây số nên tối về đã bỏ cơm!

BẾN NHÀ RỒNG DO CTY MESSAGERIES MARITIMES

NHỮNG DI DÂN NGƯỜI HOA VUI MỪNG KHI SẮP ĐẶT CHÂN ĐẾN VÙNG ĐẤT MỚI SAIGON -ẢNH NẦY KHOẢNG ĐẦU TK XX DO CÔNG TY MESSAGERIES MARITIMES PHÁT HÀNH.

ĐỊA ĐIỂM CHỤP Ở KHU VỰC CẢNG SÔNG TRƯỚC TRỤ SỞ CỦA CÔNG TY TỨC BẾN NHÀ RỒNG.


Rà mìn - công việc thời chiến tranh

Công binh Mỹ đang rà mìn ở một con đường thuộc huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi 1967 (ảnh).
Hồi xưa từ Đà Nẵng vô Quảng Nam thời đó các xe đò phải dừng lại ở cầu Đỏ sau 8 giờ để chờ trong đó rà mìn xong mới được tiếp tục chạy vô. Còn trong nớ ra thì chờ ở đâu không biết?
      Một bãi cức trâu nằm chình ình giữa đường có khi bên dưới là một trái mìn chờ sẵn.
     Chiến tranh mà, mạng người như ngóe - chết như sống - sống như chết, chẳng ai thèm điều tra!


Ở đầu cầu Cẩm Lệ Đà Nẵng năm 1968

Đầu cầu Cẩm Lệ Đà Nẵng năm 1968.
Sau tết Mậu Thân, người Mỹ tăng cường phòng thủ phía Nam phi trường Đà Nẵng bằng cách lập các lô cốt xây bằng "bao cát" lô cốt nầy án ngữ ở đầu cầu Cẩm Lệ.
Hồi đó vùng Hòa Lân, Hòa Phụng là khu Đông của huyện Hòa. Vang. Nơi mà ban ngày quốc gia, ban đêm cộng sản. Hay nói một cách hình tượng bằng từ ngữ lúc bấy giờ là "vùng xôi đậu".