ngobadung

30 tháng 8, 2016

Chùa Diệu Đế

   CHÙA DIỆU ĐẾ - HUẾ

        
Chùa Diệu Đế - Huế
 
Chùa Diệu Đế, là một trong ba ngôi chùa xưa nhất và được nhiều người biết ở Huế. (Thiên Mụ, Báo Quốc và Diệu Đế).  Nếu chùa Thiên Mụ gắn với Tiên Chúa Nguyễn Hoàng, chùa Báo Quốc được Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát ban sắc, đặt tên thì chùa Diệu Đế gắn liền với tên tuổi của Vua Thiệu Trị.
           Nằm ở phía đông kinh thành Huế, trước mặt là sông Gia Hội, có cảnh trí thơ mộng. Nơi đây từng là phủ đệ của Hoàng Tử Miên Tông, tức Vua Thiệu Trị. Vì vậy khi lên ngôi vua vào năm 1841, nhà vua cho lập ngôi chùa Diệu Đế trên cơ sở ngôi phủ đệ của mình. Vua Thiệu Trị đã làm một việc đầy công đức nhằm hiến tặng tài sản của mình cho đạo pháp, vừa báo ân trời phật về một địa linh hội tụ hưng khí đã hun đúc nên bậc thiên tử nối ngôi vua cha đồng thời sau đó là chỗ cho người dân chốn kinh kỳ đi lễ Phật.
          Chùa Diệu Đế đã trãi qua bao phen thăng trầm của đất nước. Những biến cố 1885, 1968... cộng với thiên tai, bão lụt và thời gian đã tàn phá hư hại và thay đổi nhiều so với lúc hưng thịnh thuở ban đầu.
         Chùa Diệu Đế với tôi cũng có vài kỷ niệm. Vào năm 1969, lần đầu tiên tôi được đến cắm trại qua đêm cùng đoàn học sinh Đà Nẵng trong khuôn viên chùa nầy. Trại tôi đóng sát nhà tượng có ba ông hộ pháp to lớn, râu tóc rậm rạp, tay cầm đao kiếm, mặt đỏ phừng phừng đứng hầu, làm tôi suốt đêm không dám ngủ.                        
       Khuôn viên chùa bấy giờ rộng lớn lắm đó là cảm giác tuổi thơ của tôi hay là ngày nay khuôn viên chùa đã bị lấn chiếm? .Xung quanh chùa được trồng rất nhiều nhãn, những cây nhãn cao lớn có thân to đến hai người ôm cũng không xuể. Nhãn rất sai trái, nhãn Huế trái nhỏ nhưng cơm dày và ngọt lịm. Được các thầy và các anh lớn dặn không được hái nhãn, chúng tôi nghe theo dù không hái, không ném dép lên cây nhưng đã có lũ chim và dơi "hái" thay chúng tôi. Nhãn rụng đầy sân, chúng tôi ăn đến chán, không thèm lượm!
       Gần đây ghé thăm lại chùa cũng cảnh cũ nhưng hiu quạnh, vắng vẻ. Chùa vẫn có bàn tay chăm sóc quét dọn. Cổng tam quan cao to vẫn sừng sững phía trước, phía trong là vài bà cụ ốm yếu ngồi vật vờ, buồn bả thỉnh thoảng có vài khách thập phương thăm chùa ghé mua vài thẻ hương. 
       Buổi trưa, bên ngoài trời nóng hầm hập được đi dưới tán lá mát dịu và khung cảnh yên bình trong khuôn viên chùa, lòng du khách cảm thấy bình yên, thanh thản. Nhà chuông, nhà bia, hàng gạch bờ thành xung quanh khuôn viên chùa vẫn còn đó như thuở ban đầu với dấu rêu phong cổ kính của một ngôi cổ tự đã trãi qua 174 năm!
                                                Ngô Bá Dũng
       

Nhà Chuông
Lối vào chùa với những trụ đèn xưa
Tường gạch xung quanh chùa
Chùa Diệu Đế với con đường Diệu Đế có từ xưa
       
Vài bà lão bán hương
Chùa Diệu Đế
Cổng Tam quan

28 tháng 8, 2016

THẢ DIỀU TRÊN BÃI BIỂN ĐÀ NẴNG

Hình ảnh về thả diều trên bãi biển Đà Nẵng
Bãi biển Đà Nẵng ngày hè 


Đà Nẵng ngày hè
Diều Bạch tuộc 
Thả diều
Diều và những niềm vui
Ngóng
Diều 
Những cánh diều lộng gió


Trang trí diều
Trang trí diều
Những cánh diều
Khán giả
Trẻ em với diều
                             

17 tháng 8, 2016

Phóng sự ảnh - Đám cưới giữa thương nhân Nhật Bản Ariki Sotano và Công Nữ Ngọc Hoa.

Đám cưới giữa thương nhân Nhật Bản Ariki Sotano và Công Nữ Ngọc Hoa.
   
Đám cưới Ariki Sotano và công nương Ngọc Hoa 
Đám cưới diễn ra ở Hội An cách đây hơn 400 năm. Là mối tình Nhật - Việt rất đẹp giữa cặp đôi trai tài, gái sắc. Giữa một bên là thương nhân giàu có, thông minh và dày dạn chốn thương trường. Ariki vốn thuộc dòng dõi samurai võ sĩ đạo nổi tiếng xứ Phù tang và một bên là công nương "cành vàng lá ngọc" của xứ Đàng trong. Cha của nàng là Nguyễn Phúc Nguyên, công tử đầy quyền lực, người đứng đầu Dinh trấn Thanh Chiêm (Quảng Nam) tức Chúa Sãi, người kế vị Tiên Chúa Nguyễn Hoàng sau nầy.
      Đám cưới giữa Ariki và Ngọc Hoa được tổ chức rất long trọng tại Hội An lúc bấy giờ. Để rồi sau đó công chúa theo chồng về sống ở xứ Phù tang cho đến cuối đời. Hiện nay tại thành phố Nagasaki có những lớp hậu duệ người Nhật mang dòng máu Việt. Họ luôn tự hào về một người phụ nữ Việt Nam đầu tiên sang sinh sống ở Nhật. Người phụ nữ Việt ấy đã dạy và lưu truyền cho thế hệ sau những phong tục và văn hóa Việt Nam ở thành phố Nagasaki.
       Hôm nay người dân Hội An cũng như nhân dân Việt Nam và Nhật Bản muốn gợi lại ký ức xa xưa của cuộc lương duyên Nhật -Việt. Thông qua việc tái hiện đám cưới giữa Ariki Sotano và Công Nữ Ngọc Hoa như muốn thắt chặt thêm mối quan hệ Việt Nam - Nhật Bản nhân ngày hội văn hóa Việt -Nhật lần thứ 14 tại đô thị cổ Hội An.

                            Ngô Bá Dũng
Múa Rồng đón mừng mối lương duyên Nhật - Việt
Người Hội An tổ chức múa Rồng trên các đường phố 


Đám rước Rồng
Khắp nơi treo đèn kết hoa
Trên bến, dưới thuyền - tập trung xem đám cưới


Sau khi làm các thủ tục lễ cưới. Ariki Sotano đón Ngọc Hoa lên thuyền
Ariki Sotano và Công Nữ Ngọc Hoa trên thuyền tình
Nghi lễ trước chuyến ra biển lớn
Cáo trời đất, tổ tiên
Đoàn thuyền bắt đầu nhổ neo
Nhân dân hai bên Sông Hoài tiễn chào Công Nữ theo chồng về Nhật Bản
Nhiều nơi còn lập bàn hương án để đưa tiễn với ước nguyện đầy may mắn cho chuyến hải hành
Họ nhà gái và người dân đưa tiễn



người dân lưu luyến 
Nhà nhà treo đèn kết hoa
Thuyền tình đi dọc sông Hoài
Công Nữ Ngọc Hoa đầy lo lắng trong khi Ariki tươi cười mãn nguyện
Ngọc Hoa xúc động - Cuộc đời cô bây giờ  như chim kia trong lồng



Thuyền rời xa Hội An - Ngọc Hoa bồi hồi nhìn quê hương lần cuối qua ống Thiên Lý Nhãn
Đó là chuyến đi xa mãi mãi của một Công Nữ triều Nguyễn theo thương nhân Ariki Sotano về xứ Phù Tang xa xôi
     Ảnh, chú thích và bài viết từ Ngô Bá Dũng

11 tháng 8, 2016

Giếng nước Bá Lễ

GIẾNG NƯỚC BÁ LỄ Ở HỘI AN
     
Giếng Bá Lễ - ảnh Ngô Bá Dũng
Hội An mới hơn 400 tuổi nhưng giếng nước Bá Lễ có hơn 1.000 năm tuổi.

      Giếng có miệng hình vuông, xây gạch nung rất chắc chắn. Quanh năm nước trong vắt, mát rượi.             Nhiều người quanh phố ghiền thứ nước từ giếng nầy để pha trà, làm mì Cao Lầu...Vì vậy mà mấy mươi năm dài cụ Nguyễn Đường chỉ làm một nghề gánh nước thuê cho dân Hội An cũng sống đủ qua ngày!
       Giếng do người Chiêm Thành xây dựng từ trước khi Hội An ra đời cả mấy trăm năm. Sở dĩ Giếng còn là do người Việt có quan niệm tối kị  "không nên lấp giếng"!. Giếng nằm trong kiệt trên đường Phan Châu Trinh. Đến Hội An nhưng nhiều người chưa hề biết giếng Bá Lễ.
                                                 Ngô Bá Dũng

9 tháng 8, 2016

Thầy bói xưa

Thầy bói xưa
       
Một thầy bói  đang hành sự  (ảnh xưa sưu tầm)
Cụ trông có vẻ là một nhà nho thất thời lỡ vận hơn là một thầy bói. Dụng cụ hành nghề  là vài quyển sách (nói có sách, mách có chứng). Vài đồng tiền xưa để gieo quẻ, bút và nghiên mực. Thân chủ là một phụ nữ tỏ vẻ lo lắng về chuyện tình duyên chăng?
       Thầy bói xưa thường là những người mù. Ở Huế xưa đã có một làng thầy bói mà phần lớn bị mù, trú ngụ gần kinh thành. Khi kinh đô Huế thất thủ năm 1885, họ rồng rắn, kẻ trước người sau, nối đuôi thành đoàn, mò mẫm đi chạy giặc. Quân Pháp đến gần mới phát hiện nhưng thương tình không nỡ nã đạn!
      Ở Đà Nẵng trước năm 1975, đoạn đường Ông Ích Khiêm, từ chùa Tỉnh Hội cho đến đoạn có đường sắt băng qua (đường Nguyễn Hoàng) là một làng "Chiêm tinh gia"  hành nghề công khai bằng cách che rạp vải  ở hai bên bên vỉa hè với những cái tên rất "nổ" như Chiêm tinh gia Gia Cát Cẩn (Lượng)*, Nguyễn Bỉnh Lộc (Khiêm)*, Huỳnh Lân (Liên)*... chuyên coi gia đạo, tình duyên, công danh sự nghiệp và có cả chuyện có thể cúng để ...cải số trời ! 
                                                                  Ngô Bá Dũng
                                               
* Là những người nổi tiếng trong lĩnh vực tiên tri
             Gia Cát Lượng, thời Tam Quốc
             Nguyễn Bỉnh Khiêm, thời Trịnh Nguyễn phân tranh
             Huỳnh Liên, Chiêm tinh gia từng lên TV đoán vận mệnh Miền Nam và Ông Thiệu trước 1975.