ngobadung

6 tháng 6, 2014

Đôi điều tản mạn về lớp Sử Địa 1976-1977, CĐSP Quy Nhơn của Ngô Bá Dũng. Bài thơ "TƯỞNG CHỪNG" của Nguyễn Tấn Hỷ & bài viết của Trương Kim



        
Lớp Sử Địa CĐSP Quy Nhơn họp mặt tại Đà Nẵng
 
Đôi điều tản mạn về lớp Sử Địa khoá 1976-1977, CĐSP Quy Nhơn
    
      Sau ngày giải phóng, anh em chúng tôi là những thanh niên từ các tỉnh Quảng Nam- Đà Nẵng, Quảng ngãi – Bình Định (Nghĩa Bình) trong đó có nhiều người sinh ra trên đất Bắc cùng theo cha mẹ về Nam  học chung một mái trường Sư phạm, trường CĐSP Quy Nhơn.
     Khóa học hơn một năm, nhưng khối lượng bài vở về chuyên môn, chính trị rất nhiều. Phải học cả ngày lẫn đêm,  để nhanh sao sớm ra trường về giảng dạy vì các trường đều thiếu giáo viên.
     100% giáo sinh khóa sư phạm ngày ấy đều phải nội trú với hai khu, khu A cho khối khoa học tự nhiên như Toán Lý, Hóa Sinh, khu B cho khối xã hội như Văn, Sử -Địa. Thời khóa biểu kín thời gian, buổi sáng, chiều lên lớp, tối tự học hoặc sinh hoạt chung tại hội trường. Những bài hát “Đi bất cứ nơi đâu” “Lên ngàn” … và nhiều bài hát cách mạng khác, anh em chúng tôi đều thuộc và hát say sưa với nhiệt huyết tuổi trẻ. Không chỉ trong trường, chúng tôi còn mang những bài ca, điệu múa tập thể đi cổ động trên các đường phố Quy Nhơn nhân dịp các ngày lễ lớn. Suốt khóa học, chúng tôi được đi thực tế hai lần, một ở làng Sơn Mỹ, Quảng Ngãi và lần lao động giúp dân ở Hoài Nhơn, Bình Định. Những lần đi như vậy, chúng tôi có được những trãi nghiệm bổ ích và thu thập thêm tư liệu sống cho công việc sau nầy.
      Cùng phòng 208 với tôi, có Lữ Bằng (Quảng Nam), Nguyễn Đức Cư (Quảng Ngãi), Nguyễn Văn An (Bình Định) đều là những đứa chăm học, mãn khóa, cả phòng bốn đứa đều là “giáo sinh tiên tiến”. Tôi chơi thân với Trương Kim, người Hội An từ trước. Hắn có cái bụng rất to, luôn mặc bộ bà ba đen có dây quần rút, trang phục của lực lượng “xây dựng nông thôn” . Không biết nhờ có tài gì mà hắn luôn có món cơm cháy khi từ nhà bếp ra, từng miếng cơm cháy lớn được cuộn tròn và giấu trong bụng. Hắn luôn cho tôi vài miếng lót bụng cứu đói chờ giờ ăn cơm. Nói đến giờ ăn cơm là nói đến sự rộn ràng của khu tập thể, mỗi khu có chừng 200 người. Sau tiếng chuông reo báo hiệu là tiếng gõ muỗng với chén vang lên ở khắp các phòng tạo nên âm thanh vừa ồn ào vừa phấn khích. Chỉ chừng năm phút thôi đã có hàng trăm người tề tựu quanh các bàn ăn, mỗi bàn cứ đủ sáu đứa thì tự đứng vào, những thằng ăn nhiều thì thường chọn những bàn có các nhiều con gái để xen vào. Thức ăn thường đạm bạc với vài con cá nhỏ kho mặn, đĩa xào, bát canh rau muống, đĩa mắm cái còn nguyên con cá mắm hoặc đôi lúc thay vào chén nước mắm được pha loãng. Vậy mà bữa nào vét hết bữa nấy! Tuổi thanh niên ăn như trâu. Đứa có tiền được gia đình gởi vào thì buổi sáng điểm tâm có món bún ca ri, hồi nhỏ đến giờ chỉ biết ca ri bánh mì chớ ai lại ăn ca ri với bún!  Trông giống Ấn Độ lai Huế quá nhưng… vẫn thấy ngon. 
     Tối thứ bảy, chủ nhật những đứa ở Bình Định thì xe đò về nhà, những thằng ở xa thì lòng vòng ra vô cho hết ngày, chẵng biết đi chơi ở đâu. Chiều hôm thứ bảy nọ tôi với thằng Kim vừa chạy dọc bờ biển, vừa la, vừa ré để xả stress, chạy hơn 3 cây số bổng thấy ven bờ một người nằm như phơi nắng, lại gần hóa ra xác chết mới bị sóng đánh dạt vào bờ. Hoảng hốt tôi với thằng Kim quay đầu cắm cổ chạy và đánh rơi cây viết “Hero”, nhưng hắn vẫn cứ bỏ của chạy lấy người, dù biết rằng cây viết nầy hồi đó rất đáng giá, không dễ gì có tiền để mua lại được !
          Lại nói chuyện về ăn, do thiếu thốn cứ bày chuyện cá cược để được ăn. Ai cũng biết để thắng độ Nguyễn Tấn Hỷ (nay là nhà thơ) phải ăn một lúc 16 ly chè đậu đen để sau đó…trợn mắt, nằm thở!  
          Buổi tối là giờ tự học, phòng 108 nguyên là nhà kho của khu tập thể nhưng được trưng dụng để ở, vì vậy Phòng nầy được xem như phòng tập thể, có chừng 20 giáo sinh. Do người đông nên phòng thi thoảng có tiếng "la ré" trong giờ tự học! 
         "Lửa cháy! lửa cháy !.... và chờ 5 giây sau hát tiếp...."trong lòng chúng ta !"  ...cứ lập đi lập lại nhiều lần nhưng nhiều người ở khu tập thể cũng giật mình tưởng "Cháy " bởi cái trò "quái quỷ" mà không ai bắt bẻ được. Đó là lời một bài hát không biết do ai sáng tác? bây giờ tìm lại trong google cũng không thấy !
        Lại nói về chuyện thi đua tăng gia sản xuất, lớp có 4 tổ, mỗi tổ   được phân một mãnh đất để trồng rau muống, rau thu hoạch sẽ bán cho nhà bếp để gây quỹ. Tổ 2 của Bùi Phùng luôn dẫn đầu về năng xuất, rau lên mơn mỡn xanh rờn. Về sau mới biết Phùng cùng với 12 đứa trong tổ sáng sáng, chiều chiều múc, gánh từ nhà vệ sinh để tưới đám rau, có lúc phân tươi còn lềnh bềnh trong thùng nước tưới.          
          Lại nói về chế độ phân phối, hồi đó mỗi giáo sinh đều có chế độ phân phối như những CNVC, mỗi tháng mỗi người được cấp 05 gói thuốc lá, 1 lon sữa bột, 10 gói mì ăn liền. Có đứa nghiện thuốc thì mang mì, sữa đổi thuốc. Sữa là món bồi dưỡng “cao cấp” được cất riêng trong tủ (mỗi giáo sinh có 01 giường nằm và 1 tủ riêng) giấu bạn có đứa đi lao động về  liền thò đầu vào trong tủ  để “ăn” sữa. Do sữa bột, lại ăn nhiều nên sặc, miệng mồm, mũi tóc một màu nhuộm sữa !
        Là lớp sư phạm đầu tiên sau ngày hòa bình nên trong lớp cũng có nhiều thành phần đi học, thương binh, bộ đội xuất ngũ, sinh viên năm 1, năm 2 các trường đại học ở miền Nam, học sinh phổ thông vừa đậu “tú tài” khóa đầu tiên 1974-1975, học sinh lớp 10 miền Bắc…có người 18, đôi mươi, có người xấp xỉ gần 40 cùng ngồi ghế giảng đường. Nguyễn Điệu, Nguyễn Đức Chính., Ngô Đúng là lớp đã từng tham gia chiến đấu. Nguyễn Đức Chính với cây đàn Accordéon luôn là linh hồn của đội văn nghệ, anh đã sáng tác nhiều ca khúc, bài ca nổi tiếng “Bài ca dưới mái trường” không một giáo sinh sư phạm Quy Nhơn nào là không thuộc. Ngô Đúng cũng bị thương tật ở bàn tay trái, ngón trỏ trên bàn tay bị cứng khớp, vì vậy trông anh lúc nào nào cũng như đang chỉ đạo. Anh là lớp trưởng luôn sát cánh với thầy chủ nhiệm Lê Khả Trá để xem anh chị nào lười học bài với chiêu thức “ngồi học nhưng mắt thì đã đi ngủ !”  Đặng Công Chung quê ở Nghĩa Hành từng bị tra tấn, mỗi lần lên cơn thì la hét và độc thoại giống nhau như như một cuộn băng cassette đã thâu sẵn!.Nguyễn Điệu, người ốm nhách, cao dong dõng, nằm trên tầng ba, gường tầng, ban đêm ngủ hay mớ, hay ho, trở mình là gải sột soạt.  Nguyễn Tấn Hội tuy là sinh viên nhưng đã có vợ và một con ở quê, trong tủ cá nhân của Hội có tấm ảnh chân dung của vợ được lồng khung trang trọng  (không thấy ảnh của con)  hằng ngày Hội mở tủ trầm ngâm rồi... hát một mình!. Nguyễn Thụy Vũ, người Bình Định, hát hay, có giọng trầm hùng không thua gì ca sĩ Trọng Tấn. Là người vui vẻ, hào hiệp, hay giúp đỡ người khác. Nghe nói anh mất khi còn rất trẻ vì bị chém nhầm vào đêm tối, lúc nầy anh vừa mới ra trường khi về dạy học ở một huyện xa nhà. 
       Hồi đó để được kết nạp Đoàn là một vinh dự to lớn, Chi đoàn phần lớn là đoàn viên sinh trưởng ở miền Bắc. Hằng tuần chi đoàn đều họp kín, không biết bàn chuyện chi nhưng cứ sau mỗi buổi họp, các đoàn viên trông rất hể hã, đầy sự quan trọng. Thú thực tôi với thằng Kim không quan tâm mấy, mà dẫu có quan tâm cũng không đến lượt mình. Nhưng Lữ Bằng, cùng phòng với tôi, luôn nổ lực để được vô Đoàn. Nghe nói sắp chuẩn bị  được đi học lớp đối tượng thì bị dừng lại vì ai đó nhặt được tấm ảnh hồi còn là sinh viên trước 1975, trong ảnh nầy Bằng để tóc dài, quần ống loe, áo ôm, rất Hippi kiểu tiểu tư sản!
      Lại nói về việc học, do tài liệu, sách tham khảo còn thiếu thốn nên việc tự ghi chép, tốc ký trên lớp là chủ yếu, nhiều tiết học phải chép đến rã tay. Việc tranh luận trên lớp vẫn không được khuyến khích, có lần thầy giáo môn Địa lý dạy về sự gia tăng dân số và hệ quả của nó, giáo sinh Trương Văn Song đã đứng lên đề cao học thuyết của Malthus. Với ý kiến nầy anh đã bị một điểm 0 to tướng trong sổ ghi điểm của lớp!.        
      Thời gian học chỉ hơn một năm nhưng có anh chịu không nổi phải tranh thủ về cưới vợ , đó là trường hợp của  Cao Anh Dũng. D viết đơn xin phép nghỉ 03 ngày lý do ông nội mất ở quê, Chi đoàn của lớp cử người về quê thắp hương cho ông cụ, đến nơi không thấy chiêng trống mà là chú rễ với cô dâu cùng hai họ. Để bảo vệ nội bộ thông tin nầy bị giữ bí mật đến giờ mới công bố!
     Lại nói về đường xa cách trở, phương tiện đi lại lúc bấy giờ rất thiếu thốn, khó khăn. Tàu hỏa, xe đò phải “cải lùi” để chạy bằng than. Đón được xe về Đà Nẵng quả là không dễ. Có lần do được nghỉ lễ 3 ngày, tôi, Lữ Bằng, Nguyễn Tấn Hội và Tâm (nhà bánh mì Tiến Thành, nổi tiếng ở Đà Nẵng) bèn đón xe Lambro lên ngã ba Phú Tài để tìm xe về Đà Nẵng. Đón mãi không xe nào dừng, thương tình một chiếc xe tải chở đầy dừa ra Bắc đã cho chúng tôi quá giang sau thùng xe. Dưới dừa, trên người cả bốn thỉnh thoảng phải thay đổi vị trí để được gần lỗ thông gió cho dễ thở.
     Gặp nhau sau 37 năm với bao xúc động, bao kỷ niệm tràn về. Tôi viết mấy dòng hồi tưởng vụn vặt, nhớ đâu viết đó về những  gì đã qua, nhân buổi gặp mặt lớp Sử Địa khóa 1976-1977 Sư phạm Quy Nhơn tại Đà Nẵng vào tháng 6 năm 2014.
                                                 Ngô Bá Dũng


   

Những người bạn lớp Sử Địa 
Những người bạn trong ngày gặp mặt
Ảnh chụp năm 1976 - Một nhóm bạn lớp Sử Địa Quy Nhơn đang đi thực tế tại
làng Mỹ Lai, Sơn Mỹ , Quảng Ngãi
Ảnh của Bùi Phùng được lưu giữ trong ví suốt 40 năm !.

Trong ảnh, hàng đầu từ trái qua phải có Bùi Phùng (thứ hai- đang bò, chỉ chỏ), Nguyễn Thanh Minh (thứ ba -đang quì) vợ chồng cô Cúc và anh Lê Phước Đạt (áo trắng -  tư thế quì) Huỳnh Thị Hậu ( trước Cúc & anh Đạt). Hàng sau cùng có La Huệ Tiềm (thứ 1), Huỳnh Viết Thùy (thứ 3 từ trái sang phải) kế bên là Nguyễn Tấn Hỷ, Ngô Đúng...


  Sau  đây xin giới thiệu bài thơ do nhà thơ, nhà giáo Nguyễn Tấn Hỷ (Hội VHNT Kon Tum) sáng tác trong buổi gặp mặt.                  

                                  

                                 TƯỞNG CHỪNG
(Thân tặng các bạn lớp Sử Địa Qui Nhơn, nhân ngày họp mặt tại Đà Nẵng tháng 06/2014)



                                                                Nguyễn Tấn Hỷ



Tưởng chừng đã lạc mất nhau

Mỗi người một ngã biết đâu mà tìm

Sải dài theo mỗi cánh chim

Chao nghiêng nỗi nhớ lặng thinh giữa đời

Ba bảy năm một quãng đời

Nổi vênh bạt gió một thời bên nhau

Đã từng cộng khổ sẻ đau

Bao nhiêu kỷ niệm nhuộm màu thời gian

Tưởng chừng như đã cũ càng

Bổng dưng gặp lại ngỡ ngàng trong mơ

Tuổi đôi mươi đã xa mờ

Tóc xanh thay sắc bạc phơ mái đầu

Vết chân chim đã hằn sâu

Trong từng ánh mắt bấy lâu mong chờ

Gặp nhau lòng dạ ngẩn ngơ

Nhớ tên quên mặt thẩn thờ đoán suy

Ngày xưa còn lại nét chi

Tìm trong ký ức có gì đổi thay

Dẫu cho bao nỗi chông gai

Tình bạn đẹp mãi như bài ca dao

Mẹ ru ta tự thuở nào !


QUI NHƠN NGÀY ẤY...
           Tác giả TRƯƠNG KIM
Từ trái qua phải Hồ Văn Bá, Bùi Phùng,
Ngô Bá Dũng, Trương Kim
      tại tiệc cưới con trai Hồ Văn Bá ở Điện Bàn
Tháng 6/2014 anh em chúng tôi, những người cùng lớp Sử-Địa I CĐSP Qui Nhơn họp lớp tại Đà Nẵng sau hơn 37 năm xa cách. Buổi gặp thật cảm động.. Bạn bè sau bao nhiêu năm bây giờ gặp lại không nhận hết ra nhau. Có đứa, trong quá trình công tác thỉnh thoảng còn gặp nhau, có đứa xa hẳn bao nhiêu năm rồi bây giờ thay đổi quá nhiều nên không nhận ra nhau. Thật là lâu quá rồi mà. Thời gian gần 40 năm đã qua đi và làm phai mờ đi tất cả...
Nhân đọc bài thơ của Nguyễn Tấn Hỷ và Vài điều tản mạn về lớp Sử -Địa I CĐSP Qui nhơn của Ngô Bá Dũng, người bạn thân một thời gắn bó dưới mái trường Sư phạm và sau này ra trường vẫn gắn bó tình cảm như xưa, tôi mới có ý định cũng viết một cái gì đó về những ngày đáng nhớ của một thời cắp sách đến trường để chuẩn bị cho bước ra đời lập nghiệp...
Sau ngày quê hương giải phóng, tôi vừa tròn 18 tuổi, tuổi thanh niên với biết bao ước mơ và hi vọng khi đất nước vừa trải qua một cuộc chiến điêu tàn hơn 20 năm  biết bao chết chóc, đau thương. Tôi còn nhớ như in trước đó không lâu, khi đang còn ngồi học dưới mái trường TQC mà trong túi tôi luôn mang bên mình là Thẻ học sinh kèm theo giấy hoãn dịch vì lí do học vấn có thời gian gia hạn là ngày 31.10.1975 để sẳn sàng xuất trình khi cảnh sát xét hỏi khi đi trên đường.. Thế có nghĩa là nếu năm học ấy tôi không đỗ tú tài thì chắc chắn quân trường Đồng Đế-Nha trang sẽ chờ thế hệ chúng tôi ở đó. Thế là chúng tôi phải cố gắng học, và học vì bạn bè tôi lúc ấy cũng đã có nhiều đứa phải rời trường đi lính khi mà lứa tuổi lớn hơn tôi mà phải ngồi chung một lớp. Và cũng có đứa ra đi vĩnh viễn khi tuổi đời còn quá trẻ. Chiến tranh mà..Tôi được may mắn còn ngồi lại mái trường đến ngày giải phóng và học tiếp chương trình cách mạng để được thi và tốt nghiệp tháng 8.1975 với tấm bằng TN.THPT do nhà nước Cộng hòa Miền Nam Việt Nam cấp, một tấm bằng tốt nghiệp có một không hai của đất nước Việt Nam từ xưa đến nay, vì chỉ có năm ấy mới cấp tấm bằng này thôi !.
Khi ấy, quê hương vừa mới giải phóng, đất nước thanh bình. Lúc bấy giờ thế hệ chúng tôi vừa mới lớn, lại vừa Tôt nghiệp phổ thông mà cơ hội nghề nghiệp đang mở ra thật rộng rãi. Tôi đăng ký thi Đại học y khoa ở Huế nhưng không đỗ. Tôi lại tiếp tục đăng ký thi vào Sư phạm Qui nhơn. Và thật may với những kiến thức còn nong hổi, tôi đã đỗ và được gọi nhập học. Cả nhà mừng rỡ vì tôi là con trưởng trong nhà với một bầy em nheo nhóc mà không đi học, đi làm thì lấy gì nuôi sống bản thân. Hơn nữa lúc bấy giờ mà ra trường làm giáo viên cấp hai là oách lắm chứ…


Tôi vẫn còn nhớ ngày đầu tiên vào trường nhập học. Đó là một buổi sáng đầy sương của những ngày đầu Xuân năm 1976, tôi dậy thật sớm với mọi hành trang đã chuẩn bị từ mấy ngày hôm trước. Đúng 5 giờ sáng, chiếc xe máy của ông bố người bạn là Nguyễn Thị Kiều, vừa là bạn học cùng lớp hồi 12 lại cùng thi đậu và cùng nhập học với tôi tại QN vừa đến trước nhà và chở tôi cùng với Kiều lên bến xe Hội An để ra Đà nẵng mua vé xe vào Qui nhơn. Và cũng thật tình cờ sáng hôm ấy, tôi và Kiều cũng gặp Phạm Thị Thêm, sau này cũng cùng lớp đi học như chúng tôi. Cả ba chúng tôi mua được vé và rời Đà nẵng khi đã gần 9 giờ sáng. Đến quá trưa xe mới vào Thị xã Quãng Ngãi và dừng lại tại chợ Quãng Ngãi để dùng cơm trưa. Mãi đến 5 giờ chiều hôm ấy xe mới vào đến Qui nhơn. Chúng tôi hỏi đường về trường CĐSP và đến trường khi trời chập choạng tối. Lần đầu tiên xa nhà, xa người thân, ban đêm lại ở một Thành phố xa lạ, bạn bè chung quanh lại không một người quen biết, với tôi đó là cảm giác nhớ nhà, khó tả cho mọi nỗi buồn vây kín. Những ngày sau đó cũng vậy, tất cả đối với tôi đã là quá xa lạ vì lần đầu tiên tôi phải xa nhà hơn 300 cây số mà không có ai thân thiết ở bên mình. Tôi nhớ đã nhiều lần viết thư về nhà và hỏi ba tôi xem kết quả lớp Sư phạm Quảng Nam lúc ấy có tên tôi không để tôi xin về gần nhà học lại. Vì trước khi thi vào Qui Nhơn tôi cũng đã làm một hồ sơ gửi xét tuyển Sư phạm Trung cấp Quảng Nam và nghe nói có rất nhiều người bạn như tôi cũng đã được xét tuyển và đang nhập học tại Hòa Vang gần Đà Nẵng. Sau này tôi mới biết đó là khóa Sư phạm trung cấp không học chuyên môn mà chỉ học chính trị và giáo học pháp có 4 tháng rồi ra dạy, dạy bất cứ môn gì cũng được vì để phục vụ cho trường lớp cấp cơ sở đang ngày mở ra càng nhiều trên quê hương vừa mới giải phóng của chúng tôi. Ba tôi không trả lời vì chắc ông muốn tôi phải học một trường bài bản như Qui Nhơn để đáp ứng cho tương lai của mình. Chính vì thế mà tôi phải tạm yên tâm ở lại với mái trường này. Ban đầu, tôi được bố trí vào lớp Hóa-Sinh theo khả năng vì trước giải phóng tôi học lớp 12  ban A. Tại đây tôi mới quen với Nguyễn Quang Hùng, người Điện Bàn, một cây bóng chuyền của QN-ĐN mỗi khi đấu với Nghĩa Bình.
Sau hai tháng học tập chính trị với nhiều chủ trương và đường lối mới, chúng tôi được đi thực tế và kiến tập dạy học tại Xã Cát Hanh, Phù Cát-Bình Định. Tôi nhớ những ngày 3 cùng để  sống với dân Phù Cát thật ấn tượng. Bây giờ mỗi lần có dịp vào miền Nam, khi xe chạy ngay qua Phù Cát, tôi lúc nào cũng giương mắt thật to để nhìn lại quê hương Cát Hanh một thời gắn bó. Cũng tại đây tôi đã có ý định xin qua học lớp Sử-Địa khi một lần kiến tập một thầy giáo già dạy môn Sinh học lớp 7 tại Cát Hanh. Tôi nhớ mãi giờ học hôm ấy thầy dạy cho học sinh bài “Con tôm đồng”. Khi vào lớp một tay thầy bưng một chậu thủy tinh, tay kia thầy ôm chiếc cặp giáo án. Khi Thầy vào lớp đứng chào học sinh và chúng tôi thì bất ngờ một con tôm nhảy ra khỏi chậu và sau đó như một dây chuyền, các con tôm khác cũng nhảy theo ra ngoài và chẳng mấy chốc, bầy tôm mà thầy mang theo làm giáo cụ trực quan đã nằm hết dưới nền lớp học và đang nhảy lung tung... Thầy lúng túng, trong khi học sinh thì lại cười ha hả khi thấy 5,7 con tôm nhảy tưng tưng trong nền phòng học. Có lẽ lần ấy đã đập vào trí óc của tôi và tôi thầm nghĩ, không có lẽ nào suốt cuộc đời đi dạy của mình sau này lại cứ như ông giáo già kia ư.
Để rồi sau đợt thực tập về trường chuẩn bị cho đợt học chuyên môn của từng bộ môn, tôi đã mạnh dạn làm đơn và lên phòng giáo vụ xin chuyển qua lớp Sử-Địa để học. May thay, xét thấy lớp Sử-địa còn thiếu nên các thầy đã đồng ý cho tôi sang học ở lớp Sử-Địa I khóa đồng bằng. Chả là ở khóa Sư phạm đầu tiên sau ngày giải phóng này của chúng tôi. Trường CĐSP Qui Nhơn đào tạo các khóa học để phục vụ vừa cho đồng bằng lại vừa cho miền núi Tây nguyên. Tại đây, tôi lại phải làm quen với bạn bè mới vì mới thay đổi lớp học. Cũng tại lớp này, tôi đã thân với Ngô Bá Dũng, người ở gần Ngã ba Huế, Hòa Vang. Tôi và Dũng đã biết nhau trước đó ở Hội An và luôn coi nhau như anh em ruột thịt. Mặc dù tôi ở phòng 202 với mấy người bạn Nghĩa Bình như Việt, Cao Xuân Dũng, Nhơn . Hằng tuần, tối thứ bảy và ngày chủ nhật nghỉ, cả hai đứa rũ xuống phố Quy Nhơn để an bánh Pate xô, uống sữa đậu nành …bồi dưỡng và thi thoãng thăm thú nơi nầy nơi kia cho vui. Có vậy nên Dũng có kể về chuyến hai thằng ra biển một buổi chiều và gặp một xác chết trôi làm tôi phải mất cây bút Herro đáng quí. Tôi nhớ mãi, Dũng là con nhà giàu nên ba, mẹ hay gửi tiền vào ăn tiêu đều đều và tôi đôi lúc được Dũng cho hưởng chế độ “ăn theo”
Lại nói về Trường và lớp học Sử-Địa I. Hồi ấy, Trường CĐSP Qui Nhơn tọa lạc trên con đường dọc biển ngoại ô Thành phố, mà muốn đến trường, mọi người phải đi qua một khúc eo đường mà khi chúng tôi vào thì nó đã có tên hẳn hoi. Đó là “eo nín thở”.. Chả là, trước ngày giải phóng, đây là khu hố rác của Thành phố cứ tha hồ hằng ngày nhận rác thải của cư đân, nhất là rác khắp thành phố tuồn ra biển nên luôn bốc mùi "nồng nàn" nên mọi người phải nín thở khi qua lại đoạn đường này..Chính vì vậy mà nó có tên là "eo nín thở". Đến khi chúng tôi vào trường, cho dù đã giải phóng hơn nữa năm nhưng thói quen của dân Qui Nhơn vẫn vậy nên khi đi ngang qua lại đoạn đường này chúng tôi vừa chạy lại vừa nín thở nên cũng có lúc phải bở hơi tai…Trường của chúng tôi nguyên là Trường Sư phạm của chế độ cũ, do Hàn quốc xây dựng, tài trợ gì đó cho ngành Giáo dục, trường chuyên đào tạo giáo viên tiểu học trước giải phóng nên sau giải phóng chính quyền mới đã tiếp thu và hoạt động. Khóa đầu tiên là khóa Sư phạm Trung cấp Khu Trung Trung bộ chỉ học có 4 tháng từ tháng 9/1975 đến tháng 12/1975, mà hầu hết là xét lý lịch sau khi có trình độ TNPT 12/12, chả là tôi cũng có một ông anh cô cậu ruột của tôi học khóa nầy. Sau đó Trường chuyển lên Cao Đẳng Sư phạm và lớp chúng tôi là lớp được tuyển sinh đầu tiên một cách bài bản bằng thi tuyển đầu vào nên chất lượng tốt hơn. Hơn nữa thời gian học tập của chúng tôi lại dài hơn, gần một năm với đủ các phân môn chuyên biệt Đặc biệt giờ học của 2 môn Sử Địa thì khỏi phải nói, nó chiếm phần lớn thời gian biểu vì chúng tôi sau này ra dạy phải dạy môn này mà.  Với lại, đối với thế hệ chúng tôi lúc ấy, nghe từ “Cao đẳng ” thì thật sướng tai, tưởng chừng như oai và oách như Đại học ấy chứ.
Tôi còn nhớ mãi Trường chúng tôi hồi ấy do Thầy Tô Uyên Minh làm Hiệu trưởng, thầy rất hiền hậu lại đẹp lão nữa. Dáng vẻ của Thầy đúng chuẩn mực là con nhà sư phạm vì thầy ăn nói nhỏ nhẹ, quần áo bảnh bao, chỉnh tề. Sau này đọc hồi ký “Đường xa gánh nặng” của Thầy, tôi mới biết thầy đúng là con nhà sư phạm, tốt nghiệp ĐHSP Hà Nội. Trong chiến tranh thầy làm ở Ban tuyên huấn Khu V. Thầy hay gần gủi giáo sinh. Có lần tôi và Dũng đang đi trong sân trường thì thầy kêu lại hỏi chúng tôi học ở lớp nào. Chúng tôi thưa thầy và nói rõ lớp học thì thầy lại hỏi một câu về Lịch sử rất dễ mà chúng tôi đã thuộc làu. Đó là Cách mạng tháng Tám diễn ra ở Hà Nội vào ngày, tháng, năm nào và ý nghĩa của cuộc cách mạng đối với đất nước ta ? Thầy khen, hú hồn, tưởng thầy hỏi câu khó lắm…Lại nói về lớp. Lớp chúng tôi có Thầy Lê Khả Trá , chủ nhiệm. Thầy rất nghiêm khắc với chúng tôi, nhưng cũng thương chúng tôi hết mực. Đặc biệt mắt thầy bị lé nên khi nhìn mình mà mình cứ ngở như nhìn bạn khác, chính vì thế mà nhiều bạn bị Thầy bắt liệt vị khi nói chuyện hoặc khi quay cóp khi kiểm tra. Tôi là học sinh khá của lớp. Tôi nhớ mãi có lần Thầy vào lớp dạy Địa lý và hỏi; Các chủ trương của Đảng và Nhà nước phải thực hiện như thế nào cho tốt? Cả lớp ai cũng không hiểu ý thầy. Tôi mạnh dạn giơ tay và trả lời với Thầy là tủy theo tình hình thực tế tại địa phương. Thây khen và cho tôi điểm 9. Ngoài Thầy Trá, tôi còn nhớ nhiều Thầy dạy rất hay nữa như Thầy Cảnh dạy Lịch Sử phần hiện đại của Việt Nam từ khi Đảng Cộng Sản ra đời. Thầy hay lồng ghép việc đọc thơ của Tố Hữu để minh họa cho từng bài giảng Lịch sử của Thầy. Vì thế chúng tôi có đứa há hốc mồm ra để nghe và hiểu. Rồi Thầy dạy Thể dục trẻ trung, Thầy Ba dạy Nhạc, đã sáng tác những bài hát rất hay cho Trường như; Đoàn ta ra quân, Tiếng hát dưới mái trường, Mừng ngày thống nhất Bắc-Nam…
Đến đây, tôi mới nhớ chuyến cả trường chúng tôi, nam thì mang gậy, nữ thì mang vòng và chúng tôi xuống đường hát mừng Ngày Quốc Hội họp ở Hà Nôi để thống nhất đất nước hai miền Nam-Bắc vào tháng 2 năm 1976. Cả trường hàng ngàn giáo sinh chúng tôi vừa đi vừa hát theo loa phóng thanh của xe dẫn đầu. Đặc biệt trong đoàn diễn hành ấy có cả múa Lân, Sư tử và ông Địa nữa. Tôi nhớ mãi Nguyễn Tấn Hỷ đóng vai Tề Thiên dẫn đấu cả đoàn. Thằng này con nhà võ nên nó cầm cây gậy múa may thật đẹp. Thỉnh thoảng đến ngã tư chúng tôi dừng lại và đồng diễn bài Thể dục vòng, gậy thật hoành tráng..Tuổi thanh xuân mà. Ấn tượng ấy không bao giờ quên trong lòng mỗi một chúng tôi cho dù thời gian đã qua đi gần 40 năm rồi. Lại nữa, tôi còn nhớ có một đêm trường chúng tôi bị cúp điện. Thấy vậy thầy giáo dạy Văn đã tập trung tất cả giáo sinh ở khu B xã hội chúng tôi và trong đêm ấy thầy đã thuyết giảng cho chúng tôi nghe bài Tiểu đội xe không kính. Chúng tôi ngồi dưới nền gạch và nghe thầy say sưa vì thầy bình giảng thật hay, mặc cho không gian chung quanh tối thui như mực. Trong khóa học chúng tôi cũng được nhà trường mời các nhà thơ như Xuân Diệu về nói chuyện và bình thơ Trần Đăng Khoa, anh hùng Đinh Núp về kể chuyên đánh giặc…Những kỷ niệm ấy không bao giờ quên trong mỗi chúng tôi…
Tôi vẫn còn nhớ mãi hình ảnh ngày ra trường của khóa chúng tôi. Đó là ngày 8.1.1977, ngày cuối cùng chúng tôi có một ngày trọn vẹn ở đất Qui Nhơn nặng nghĩa ân tình. Để rồi, sáng sớm hôm sau, ngày 9.1.1977 một đoàn xe ca sẽ đến trường và đưa chúng tôi đi mỗi người một ngã. Sẽ có người lên đất Tây Nguyên để  gắn bó với công tác giáo dục miền núi, sẽ có bạn ở lại đất Nghĩa Bình ( Quảng Ngãi và Bình Định) có bạn sẽ về Quảng Nam- Đà Nẵng….
Tôi nhớ như in cái đêm hôm ấy, sau khi dọn dẹp, xếp gọn các hành lý, tôi và Dũng hai đứa đi loanh quanh trong sân trường và từng góc nhỏ của khuôn viên nhà trường, nơi mà hai đứa chúng tôi đã gắn bó một thời với biết bao kỷ niệm êm đềm của tuổi đầu đời xa nhà học tập để mai ra trường giúp ích cho đời.
Và cái đêm hôm ấy, đêm gì? Chúng tôi ngạc nhiên thực sự ngạc nhiên. Vì là đêm chia tay của biết bao cặp từng hẹn hò trong quá trình vào học tại trường. Từng góc nhỏ của khuôn viên rộng lớn của trường, từng gốc cây trong sân trường đều có từng cặp đôi ôm nhau thắm thiết trong nước mắt chia tay. Tuổi trẻ sôi nỗi thế đấy, mà cũng yêu mãnh liệt thế đấy. Sau này ra trường, chúng tôi mới biết, từng cặp đã lén lút yêu nhau. Chính vì thế, mà ngay ở lớp chúng tôi đã có 5 cặp trở thành vợ chồng với nhau sau khi ra trường. Và cho đến nay vẫn sống hạnh phúc.
Sáng hôm sau, chúng tôi dậy thật sớm để chia tay nhau và tạm biệt Qui Nhơn để về. Mới 5 giờ sáng mà sân trường đã rộn rã hẵn lên, từng tốp giáo sinh chúng tôi, hành lý đã sẵn sàng từ đêm hôm trước, vội vã tập kết xuống sân. Trong sân trường hàng chục chiếc xe ca lớn đã chờ sẵn chúng tôi tự bao giờ.. Lại là những giây phút chia tay thật là buồn và cảm động. Nhiều người bịn rịn vẫn không muốn về, nhiều cặp yêu nhau bây giờ công khai ra phết, họ không sợ gì nữa khi mà cuộc chia tay của họ có biết bao giờ gặp lại hay không. Tôi và Dũng cũng vậy. Dù chưa có người yêu hay một chút tình cảm với cô nào ở lớp nhưng chúng tôi cũng thật buồn khi phải tạm xa mái trường một thời kỹ niệm của tuổi thanh niên. Khi xe bắt đầu nổ máy thì tiếng khóc của ai đó bật lên thật to và tiếng thổn thức ấy như một dây chuyền lan tỏa ra khắp xe khác. Những tiếng thổn thức đã kìm nén trong những trái tim giờ đây đã khóc thành tiếng. Các xe lần lượt chuyển bánh lên đường. Chiếc về Tây Nguyên, chiếc về Khánh Hòa, chiếc về Quảng Ngãi.
Tuần lễ sau, lớp Quảng Nam -Đà Nẵng chúng tôi lại tập trung về Sở Giáo Dục và nghe đọc quyết định ra trường. Lại mỗi đứa một nơi, người thì Duy Xuyên, Điện Bàn, người thi Đại Lộc, Quế Sơn, kẻ thì Đà Nẵng, Tam kỳ… Tôi được về Điện Nam, quê hương vùng cát Điện Bàn, cũng gần với Hội An quê mình. Cũng tạm ổn, vì trước đó ba tôi đang làm ở PGD Hội An, đã xin cho tôi về gần rồi mà. Sau một học kỳ, mẹ tôi mất, tôi xin về được Hội An

Chặng đường dạy-học của tôi tiếp đó với biết bao buồn vui, vất vả, bận rộn.  Rồi năm tháng cũng đã qua đi. Địa bàn Hội An tôi đã đi qua gần như trọn vẹn, kể cả Cù Lao Chàm tôi cũng đã công tác 2 năm. Cuối cùng của đời dạy học  cấp trên cũng thương tình cho tôi về xứ Cẩm Nam ven sông Thu Bồn, ngó qua phố cổ. Trường này chỉ có 8,9 lớp cấp hai, làm quản lý cũng đỡ vất vả hơn những trường khác. Và như vậy, bây giờ chỉ còn chờ ngày về hưu là vừa. Đến bây giờ tôi cũng chỉ còn 3 học kỳ nữa là nghỉ theo chế độ thôi, trong khi bạn bè cùng lớp nhiều đứa đã nghỉ hưu tự bao giờ, nhất là mấy chị em nữ nghỉ ở tuổi 55. Hôm họp lớp lần đầu tiên vào tháng 6 vừa qua ở Đà Nẵng, nhiều đứa đã mất như Liễu, Đạt, Vũ… chúng tôi không khỏi bùi ngùi, xúc động khi nghe tin bạn bè mình như thế. Cũng có đứa nay đã làm quan quản lý như Dũng ở Phòng GD-ĐT, Phùng làm HT, Cư quản lý ngành thiết bị của thành phố, Thùy  HP suốt đời, Lữ Bằng thì chuyển qua giám đốc xuất nhập khẩu Đà Nẵng,… Và biết bao đứa đã thành đạt khi chuyển ngành hoặc bỏ nghề giáo ra làm nghề tự do như Hòa Palace, Cư doanh nghiệp..
Thoáng chốc đời người rồi cũng đi qua, hôm nay nhân dịp họp lớp , tôi có đôi điều tâm sự tản mạn cho một thời đã qua với biết bao kỷ niệm của tuổi thanh niên, những kỷ niệm xưa cứ như cuốn phim quay chậm ùa về, tranh thủ ngồi vào bàn phím để những giòng chữ mang theo những kỷ niệm êm đềm của ngày xưa cứ tuôn trào.  Viết mấy cũng không đủ cho những kỷ niệm ngày xưa.. Thôi đành khép lại ở đây để còn phải lo cho cơm, áo, gạo, tiền của cuộc đời thường nhật nữa. Những ai là bạn cũ cùng thời nếu có đọc cũng xin mạo muội bỏ qua cho những phút giây lãng mạn sôi động của mình.
 Chào thân thương tất cả các bạn nhé!
                              Hội An, tháng sáu năm 2014
                                           Trương Kim
     (Nguyên Hiệu trưởng các trường THCS Cẩm Nam, Cù Lao Chàm ở Hội An)

Các bạn xem Video clip về buổi họp mặt, xin copy vào đường dẫn dưới đây và dán vào thanh công cụ ở trên để xem: 
          https://www.youtube.com/watch?v=AJktRVyXgbA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét