ngobadung

22 tháng 6, 2012

BÀ NÀ đăng sơn


Bà Nà đăng sơn !
Khách sạn Morin thời Pháp thuộc - nằm trên đỉnh Núi Chúa
       Cách đây tròn 80 năm, bà Huỳnh Thị Bảo Hòa (1896-1982),  một nữ sĩ danh tiếng của đất Đà Thành đã đến Bà Nà. Chuyến đi của gia đình được tổ chức vào tháng 6 năm 1931  được bà ghi chép tỉ mĩ và đã đăng trên Nam Phong tạp chí. 
Địa điểm KS. Morin xưa, nay là ngôi chùa- ảnh Ngô Bá Dũng
                   Mấy ngày đăng sơn
                   lên thăm núi “Chúa”
 “Ðường đi lên núi thì xa thăm thẳm, trong chốn rừng già quanh co hàng mười mấy cây số, trèo non lội suối khó khăn, phải ngồi kiệu mới lên được”…Ðường núi có nhiều cây cối rậm rạp bùm tum, bóng tre mát rợp đường, không phải giương ô đội nón, càng lên cao thì càng mát, thanh khí nhẹ nhàng, làm cho tinh thần khoan khoái, mường tượng như giữa tiết trời xuân ở xứ hàn đới, khác hẳn với Tourane đương gần ngày hạ chí vậy…”
 … “Ngồi trên kiệu ngó xuống đường, bên thì sườn núi vắt vẻo, bên thì hố sâu thăm thẳm, những cây cao lớn mọc đầy la liệt, thành hàng ngay thẳng, ngó chẳng khác chi binh lính bồng súng đứng chào, còn các thứ ký sinh như dây tơ hồng, chàm gởi, khô mộc, ổ rồng bám trên cành cổ thụ lủng lẳng, chằng chịt như treo đèn kết hoa, trông rất ngoạn mục, có chỗ đi qua mùi thơm sực nức, mà tìm không thấy hoa gì, có lẽ hoa lan mọc trong hang sâu chăng”…           Huỳnh Thị Bảo Hòa

         Những trang "Ký sự Bà Nà" tác giả đã viết cách đây hơn 80 năm, một tư liệu quý cho việc tìm hiểu Bà Nà và Đà Nẵng xưa.
      Đường bộ lên Bà Nà được hoàn thành vào cuối năm 1930, nhưng đó chỉ là đường đất mới được khai phá. Có đoạn lát đá, có đoạn hiểm trở không làm đường được  thì bắt cầu tạm bằng mây tre để qua. Đường tuy có mở rộng hơn nhưng chỉ dùng cho đi bộ, Giữa năm 1938, người Pháp có thành lập vài tuyến du lịch từ Sài gòn, Hà Nội đến Bà Nà. Nhưng  xe hơi, xe ngựa cũng chỉ đến địa phận thôn An Lợi  rồi  thay bằng  võng hoặc kiệu dể đi tiếp. Kiệu chỉ là chiếc ghế dựa được cột vào hai đoạn tre. Phu kiệu là trai tráng khỏe mạnh là cư dân địa phương làm dịch vụ để đưa khách lên. 

Phu kiệu du khách đi Bà Nà .

   Một số ảnh do người Pháp chụp lúc bấy giờ còn lưu lại cho thấy đường lên Bà Nà rất hiểm trở, khó khăn. Vì vậy để đưa một du khách lên chơi Bà Nà phải có ít nhất là 6 phu phục vụ, bốn phu khiêng kiệu, một dự bị thay đổi, và một  chuyên gánh hành lý, lương thực…
        Đi du lịch đối với đa số người Việt lúc bấy giờ là thú chơi xa xỉ, ngay như gia đình bà Huỳnh Thị Bảo Hòa, gốc làng Đa Phước, Hòa Minh, huyện Hòa Vang. Do sống không xa Bà Nà - Núi Chúa là bao, lại là giới tân tiến nên mới có điều kiện đi nghỉ mát Bà Nà.  Theo thống kê của người Pháp cho thấy, đến năm 1925 chỉ mới có 120 người đến nghỉ mát ở đây, và mãi đến năm 1937 khi đường sá được hoàn thành thì số người đến nghỉ ở Bà Nà cũng mới tròn 1.000 nhưng đa số là người Pháp. Tròng khi dân Việt chỉ đếm trên đầu ngón tay.
       Sau năm 1945, người Pháp lần lượt rời Việt Nam, Bà Nà chẵng còn ai để ý, một phần do chiến tranh, một phần do bỏ hoang cộng với thời tiết khí hậu và sự phá hoại của con người nên trở thành hoang phế.
      Đến năm 1988, chính quyền thành phố Đà Nẵng đã đầu tư xây dựng, tu bổ, phục chế một số công trình dân dụng, khu văn hóa phật giáo với tượng Phật Thích Ca ngồi tự thiền hướng ra biển. Một tuyến đường ô tô  dài 15 km lên đến đỉnh Bà Nà…  Những động thái trên đã đánh thức và làm sống lại một Bà Nà xinh đẹp với khu du lịch nghỉ mát, sinh thái hấp dẫn được nhiều người biết đến.
     Tuy nhiên, đường lên Bà Nà lúc nầy với những đoạn đèo dốc quanh co, uốn lượn. Những khúc cua ngặt “cùi chỏ” đã làm không ít du khách thót tim “toát mồ hôi hột”. Tài xế đưa du khách lên xuống Bà Nà lúc nầy là những người rất thuộc lòng đường sá ở đây . Vì vậy  những chiếc xe trên 12 chỗ ở địa phương khác đến, buộc phải dừng lại ở chân núi để  tiếp tục trung chuyển hành khách. Nhiều người có cùng nhận xét, đèo Hải Vân quanh co, nguy hiểm là vậy nhưng chẵng “thấm tháp” vào đâu so với đường đèo ở Bà Nà !
           “Chưa đi chưa biết Bà Nà
        Đi rồi mới thấy Bà Nhà sướng hơn !”
       Hai câu trên  của mấy anh đàn ông ở Đà Nẵng bắt chước ai đó, dần dần thành câu nói đùa ở cửa miệng khi đi Bà Nà về. Họ “nịnh khéo” Bà Nhà cho có văn, có thơ  chứ tuyệt nhiên không thể chê vào đâu được với vẻ đẹp tuyệt vời của Bà Nà hoang sơ !
       Đường lên Bà Nà, du khách không còn vất vả phải trèo đèo, lội suối như xưa, hoặc sướng ích gì  để gọi là… “trãi nghiệm”  khi bắt người khác phải khiêng, vác ! Và cũng không còn cảnh “thót tim, đổ mồ hôi hột” khi qua những khúc cua ngặt như “cùi chỏ” ngày nào.
       Ngày nay, du khách đến Bà Nà bằng cáp treo là trãi nghiêm mới, đầy lý thú khi được ngắm toàn cảnh Bà Nà trên độ cao 1400m thông qua cabin kính trong suốt. Di chuyển với tốc độ 6m/s, chiều dài trên 5 cây số. Với 15 phút trên cabin cáp, du khách như lạc vào chốn bồng lai, tiên cảnh, nơi con người được đứng trên mây!
      Từ cáp treo nhìn xuông dưới là những thảm thực vật phong phú, nhiều tầng lớp, nhiều họ, nhiều màu sắc. Những tán cây xanh  bạt ngàn, tồn tại từ thời nguyên sinh, những con suối, suối Mơ, suối Tóc Tiên… róc rách chảy từ ngàn năm nay, đã xâm thực và bào mòn vào địa hình tạo thành những khe sâu với những hình thù và màu sắc kỳ lạ. Trên các sườn núi cao xuất hiện vài phiến đá khổng lồ, bằng phẵng có kích cở to lớn dị thường, nằm cheo leo bên triền núi. Dễ chừng đây là nơi chưa hề  có dấu chân  con người đặt đến bao giờ! Nhìn về phía đông, thành phố Đà Nẵng đẹp với sông Hàn và biển xanh bao quanh. Ban đêm, thành phố càng đẹp  với những dãy đèn lấp lánh,những công trình nhà cao, nhà thấp,  những con đường thẳng tắp, những chiếc cầu rực rỡ được thắp sáng bởi nghìn ánh đèn  đêm .
                                              Ngô Bá Dũng