ngobadung

10 tháng 1, 2012

TẾT !






Đèn hoa trên đường Bạch Đằng - ảnh ngobadung
Tết Nhâm Thìn 2012 đang đến gần,  thành phố Đà Nẵng như thay áo mới để đón xuân. Ban đêm trên nhiều phố chính như Nguyễn Văn Linh, Bạch Đằng, 2.9... lung linh muôn ánh đèn màu. Những con đường hoa, những vườn tượng ở Quảng trường 2.9, Bạch Đằng bắt đầu được trang hoàng. Chợ tết đã mở, chợ hoa đang chuẩn bị. Mọi người đều đang tất bật cho một cái Tết đoàn tụ, đầm ấm. Đường phố đông hơn ngày thường. Các dịch vụ "ăn theo"  như quét vôi, đánh bóng lư đồng, rửa xe, làm vàng mã...đua nhau nở rộ. Các quầy hàng phục vụ tết như thực phẩm, bia rượu, hoa tươi, trái cây, các hàng bán bánh như bánh chưng, bánh tổ, bánh tét..đủ thứ bánh, bày la liệt. Mọi năm chừng 28, 29 trở đi, xung quanh các chợ chật ních người, mọi người túa ra đường hối hả mua sắm, mua và mua, mua mấy cũng thấy còn thiếu. Người ngoại quốc ở Việt Nam nhận xét dân Việt ăn tết to thiệt! Dường như họ làm lụng cả năm để  lo cho ba ngày tết?. Người giàu thì ăn tết lớn, người nghèo mong sao có đủ thịt heo,  bánh tét, quần áo mới cho con. Dù giàu hay nghèo ai cũng đón tết.
       Những năm gần đây Nhà nước có tổ chức bắn pháo hoa mừng đón giao thừa.  Giao thừa là thời khắc thiêng liêng nhất mà mọi người luôn thức để chờ đón. Vì giờ phút nầy ông bà, người thân đã khuất sẽ trở về thăm và ở lại  cùng với con cháu trong mấy ngày tết. Vì vậy có nhà phải lo cơm bưng, nước rót, ngày ba bữa cho đến ba ngày.
        Người Việt Nam luôn coi trọng ngày Tết. Tết là dịp thảnh thơi, cháu con đoàn tụ sum vầy. Mọi người thường chúc tụng cho nhau những lời tốt đẹp nhất. Những ngày đầu xuân người ta thường chọn giờ và hướng tốt để xuất hành, hái lộc, xông đất. Người đến nhà thờ, đến chùa, viếng mộ, thăm bạn bè. Họ cầu nguyện và xin Trời Phật, ông bà ban  những điều may mắn, hạnh phúc và tài lộc cho một năm mới. 
       Trước đây tết thêm rộn ràng với pháo đì đùng, những năm gần đây cấm pháo, ban đầu cảm thấy thiếu thiếu nhưng dần dần cũng quen. Mong sao Nhà nước lại cho đốt pháo trở lại. Đốt ít, mỗi nhà một phong thôi! để  đủ hương vị trọn vẹn ngày tết. Tết là niềm vui của mọi người, trẻ con được người lớn mừng tuổi bằng những phong bao "lì xì" nên chúng là những người vui nhất, sung sướng nhất .Năm nay trẻ con được nghỉ tết gần 15 ngày vì vậy người lớn cũng có dịp vui xuân, đón tết dài hơn.       
             Tết đến - rộn ràng, Tết đi - lại tiếc, già còn vậy, huống gì trẻ con.  Ôi  Tết!  
                                                          Ngô Bá Dũng


Áo mới cho cầu sông Hàn - ảnh ngobaadung
                                                                     
Đường Nguyễn Văn Linh - ảnh Ngô Bá Dũng











đường Bạch Đằng - ảnh ngobadung














3 tháng 1, 2012

Ngành nghề thủ công và thợ giỏi Việt Nam thời nhà Nguyễn.


Ngành nghề thủ công và thợ giỏi
                        Việt Nam thời nhà Nguyễn.
Thợ xẻ đá xưa ở Ngũ Hành Sơn - Đà Nẵng (ngobadung sưu tầm)

        Dưới thời các vị vua triều Nguyễn, nước ta đã có nhiều ngành nghề, sản phẩm  được xem là tinh xảo, phần lớn phục vụ cho công việc của triều đình. Nhiều thợ giỏi của cả nước được tập trung về kinh đô Huế để sung vào các Đội, Ban thuộc Ty Chế tác (Bộ Công) chuyên sản xuất các dụng cụ, binh khí, hàng hóa phục vụ cho nhiều ngành trong đó chủ yếu phục vụ cho sinh hoạt của cung đình.
        Theo Sử quán triều Nguyễn, các thợ giỏi ở các nơi được tập trung rất đông về kinh đô Huế, trong đó có ngành đúc, làm kim hoàn, vẽ, mộc, điêu khắc, khảm, chạm, nề, thuộc da, thuốc súng, làm gạch, ngói, mành mành, làm bành voi, khắc bản in, làm trống, chuôi dao, bồi tranh, đóng sách, thuộc da, đèn lồng, làm mực, tráng gương thủy, làm bút, tạc tượng, than mỏ, kết dùi chiêng, tài công…
       Thế mạnh của thợ Quảng Nam và Thanh Hóa  lúc bấy giờ là  nghề điêu khắc đá, với 102 nghệ nhân, nghề làm gạch ngói có 260 người, nghề lợp ngói (ngói âm dương) có 40 người, nghề mộc (chủ yếu làng Kim Bồng, Hội An) có 30 người. Luyện và đúc đồng gốc Bắc Ninh có 170 người. (ông tổ là Nguyễn Văn Đào). Thợ gốc kinh đô Huế và vùng lân cận chủ yếu làm các nghề tinh xảo, kỷ thuật mới như nghề kim hoàn (ông tổ Cao Đình Độ - người làng Kế Môn, Phong Điền, quê gốc Cẩm Tú, Hà Tĩnh), đóng tàu (ông tổ Hoàng Văn Lịch- người đóng tàu chạy bằng máy hơi nước đầu tiên được vua Minh Mạng khen ngợi), nghề đúc súng, vũ khí bắn đá, nghề in, vẽ, trang trí cung điện, làm mành mành, tráng men, pha lê, thủy tinh, làm bành voi, làm mực, đèn lồng, đóng giày, tài công… phần lớn quê ở Thừa Thiên, Quảng Trị. Nghề chế tác đồ trang sức, trang trí từ sừng, đồi mồi  có 30 người, quê quán ở Hải Dương.  Chế tạo đạn cho súng Thần công, hỏa mai (ông tổ Nguyễn Viết Túy) thợ ngành nầy có chừng 30 người, quê ở Hà Nội vốn được các thương nhân Hòa Lan và phương tây ở đàng ngoài truyền nghề trước đây. 
Những người thợ mộc Kim Bồng - Hội An
     Các thợ được biên chế theo từng ban, làm việc ở các xưởng thủ công. Họ được nhà nước trả lương theo ngạch, bậc. Lương tháng của một thợ giỏi là một phương  gạo và chừng 1 đến 5 quan tiền. Cũng theo Sử quán nhà Nguyễn thì các thợ giỏi luôn thiếu, phải bổ sung hằng năm, ngoài những thợ được cho về nhà do già yếu hoặc chết. Nhiều thợ giỏi do nhớ nhà, chế độ làm việc cực nhọc, lương ít… đã bỏ trốn. Vì vậy nhà nước luôn khuyến cáo các địa phương phải ưu tiên chọn con em những nhà có nghề truyền thống để đưa vào ngạch thợ, nhà nước nghiêm cấm viên chức lý dịch ở làng xã không được  che giấu  thợ có tay nghề nhưng đăng vào sổ dân hay  vào ngạch khác  Nếu phát hiện có ai tư thông, ẩn giấu  cho nhau để trốn đăng sổ thợ (trốn việc khó, chọn việc dễ ) thì sẽ bị nghiêm trị. Vì vậy nhiều người đã giấu nghề hoặc không muốn trở thành thợ giỏi. Tâm lý chung của những người giỏi nghề lúc bấy giờ là không dám trổ tài. Vì tài nghệ chỉ chuốc lấy tai họa cho bản than và gia đình. Thật oái ăm, có sản phẩm thêu thùa rất đẹp do thợ thủ công trong nước làm ra nhưng phải mạo danh là hàng ngoại quốc để nhà nước đừng để ý… .Nhiều thợ giỏi không muốn truyền nghề cho con cái hoặc xem nghề như công việc phụ lúc nông nhàn, hoặc bỏ nghề để chuyên làm ruộng. Đây cũng là nguyên nhân vì sao các ngành nghề và sản phẩm thủ công ở nước ta khó phát triển hoặc không trở thành hàng hóa có sức cạnh tranh so với sản phẩm của các nước trong khu vực cùng thời.

                                                  Ngô Bá Dũng  biên khảo
Sản phẩm từ làng mộc Kim Bồng - Hội An

01 Phương ( đơn vị cổ) bằng 30 bát gạo.
01 Quan tiền có giá trị tương đương một lạng bạc ròng.
Tham khảo: Khâm Định Đại Nam Hội Điển Sự Lệ, quyển 8.9
                     Sử quán triều Nguyễn
                    Lịch sử Việt Nam NXB Giáo dục