ngobadung

15 tháng 11, 2010

Hội An - Faifoo

Hội An -  Faifoo
Hoian
       Hội An ngày nay còn có tên Faifoo, cái tên nầy do người Âu đặt ra. Theo Alerxandre De Rhodes thì Faifo lúc đầu là xóm của người Trung Hoa, người Việt bản xứ đọc là Hải Phố, người Bồ phiên âm là Pây pô, người Pháp viết thành Faifoo. Nhưng cũng có thuyết cho rằng Hội An nằm bên dòng Thu Bồn còn có tên sông Hoài, người  Trung Hoa vì nhớ quê hương gọi là Hoài phố, từ nầy viết theo chữ latin là Hai Fo rồi biến thành Faifoo
       Trong thời thịnh đạt của mình, Hội An có rất đông người ngoại quốc đến làm ăn, sinh sống. Đông nhất là người Trung Hoa, rồi người Nhật, người Âu  như Pháp, Bồ Đào Nha…
              Hội An xưa - Tranh vẽ của họa sĩ Bồ Đào Nha TK XVI -ngobadung sưu tầm
       Ngay từ đầu, chúa Nguyễn đã cho phép người TrungHoa và người Nhật được phép lập thương điếm để buôn bán, tụ họp chợ tại đây.   Vào giữa thế kỷ 16, Hội An được gặp vận may bất ngờ. Đó là nhà Minh chỉ cho phép buôn bán, xuất khẩu với các nước Đông Nam Á,  nhưng lại hạn chế buôn bán với Nhật Bản. Chính vì chủ trương nầy mà Hội An gặp vận may và trở thành nơi giao thương lén lút giữa các thương nhân Trung Hoa và Nhật Bản. Vì vậy số thương thuyền Nhật Bản cập cảng Hội An rất đông và dĩ nhiên là các thương thuyền Trung Hoa cũng vậy. Dần dần các phố người  Trung Hoa và phố người Nhật cũng được hình thành, các dãy phố nầy có kiến trúc văn hóa đặc trưng như phố người Trung Hoa, phố người Nhật, phố người Âu. Cư dân sống, sinh hoạt theo phong tục của dân tộc họ.
    Chợ Hội An xưa *ngôi nhà ngói có cây phía trước là Chùa  Ông * thờ Quan Công, ngày nay    vẫn còn- ngobadung sưu tầm
       Như vậy ngoài chính sách “thoáng” ( Nhân Hòa) của chúa Nguyễn cộng với vận hội, thời cơ mới (Thiên Thời ). Đất Quảng Nam còn là nơi tập trung nhiều sản vật phong phú về lâm, thổ sản (Địa lợi). Một thương nhân Trung Hoa đã nhận xét … “Thuyền từ Sơn Nam (đàng Ngoài) về, chỉ mua được củ nâu, thuyền từ Thuận Hóa (Huế) về chỉ mua được hạt tiêu. Còn thuyền từ Quảng Nam thì hàng trăm hóa vật, không thứ gì là không có…”
       Vachet, một thương nhân người Âu đã nhận xét “ Ở đây có nhiều vàng bột (vàng cám) được bòn đãi từ các sông, suối đổ xuống. Tôi đã thấy những cục vàng ròng bằng những hạt hạnh nhân cở vừa phải. Bọn con buôn trong xứ chỉ có một ít nhưng nhà vua thì có rất nhiều. Những người ngoại quốc đến mua bán ở đây đều mang về một số vàng khá bộn…” Vì giá vàng tại đây chỉ bằng 1/2 giá vàng trong khu vực!
                                             Chùa Cầu Hội An vào ban đêm (ảnh Ngô Bá Dũng)

                                                         Chùa cầu xưa - ngobadung sưu tầm

         Theo các tài liệu do các giáo sĩ phương tây, thuyền từ châu Âu thường ghé vào Hội An để thu mua các loại lâm, hải sản và hàng hóa thủ công như: yến sào, sừng tê, đồi mồi, ốc hương, ngà voi, tôm khô, trầm hương, kỳ nam, vây cá, đường tán, đường phèn, quế , tiêu, gạo, đậu... và họ cũng mang theo các hàng hóa mà vùng nầy chưa có để mua bán như: lưu huỳnh, diêm sinh (để làm thuốc súng), bạc thoi, kẽm, đồ sành sứ, vải nỉ... 
    Trong khi đó các thương nhân Trung Quốc thì mang các hàng hóa đa dạng hơn như: vải gấm nhiều màu, thuốc bắc, giấy, kim tuyến, thuốc nhuộm, y phục, giày dép, kính, pha lê, bút mực, đèn lồng, bàn ghế, đồ thiếc, trái cây khô…
     Nhờ buôn bán với nước ngoài và qua học hỏi, bắt chước. Các thợ thủ công tài hoa của vùng đất Quảng  đã  sản xuất ra những hàng hóa mới như dệt gấm, sa, lãnh, nhuộm vải, luyện vàng, làm đồ gốm, đóng thuyền,  đóng ghe bầu.  (Phủ Thăng (Duy Xuyên), phủ Điện (Điện Bàn) "dệt được vải lãnh, the, lụa hoa hòe tinh xảo không kém gì lụa Quảng Châu"!
      Chính vì những yếu tố đó mà Hội An đã nhanh chóng phát triển và trở thành một nơi đô hội sầm uất bậc nhất trong nước thời bấy giờ. Với vị thế quan trong đó mà các chúa Nguyễn luôn xem trọng Hội An ,Quảng Nam  là cửa ngỏ giao thương  quan trọng của xứ Đàng Trong . Vì vậy các Chúa luôn cử những người tâm phúc  hoặc con cái (1) vào trấn nhậm ở  đất Quảng Nam để thay Chúa cai trị.
http://picasaweb.google.com/mr.ngobadung   http://ngobadung.blogspot.com/                                                 
 Ngô Bá Dũng biên khảo
     
(1) Nguyễn Phước Nguyên (con thứ 6 của Tiên Chúa Nguyễn Hoàng), Nguyễn Phước Kỳ (con cả của Nguyễn Phước Nguyên)...

7 nhận xét:

  1. Ảnh chùa Cầu của anh thật tuyệt vời .Tôi đã xem nhiều ảnh của nhiều tác giả nhưng ảnh của anh là số 1 các bạn tôi cũng có nhận xét như thế

    Trả lờiXóa
  2. Cảm ơn anh Hoàn đã xem và nhận xét. Rất vui với lời khen của anh và các bạn.

    Trả lờiXóa
  3. Xem ảnh chùa Cầu có cảm giác thật huyền ảo. Không biết anh đã chụp vào thời gian nào? Vì tôi cũng đã có dịp đến đây vào buổi tối -nhưng không phải ngày rằm- và cảm thấy tối tăm lặng lẽ khi đi vào khu này. Những sưu tập của anh thật quí giá.

    Trả lờiXóa
  4. Những sưu tập của anh thật hay và thật qui giá. Rất cám ơn đã đọc được bài này

    Trả lờiXóa
  5. Những biên khảo của anh thật giá trị. Phố Hoài và tình người đất Quảng chơn chất mà sâu lắng biết bao!

    Trả lờiXóa
  6. Những biên khảo của anh rất gía trị. Phố Hoài và tình người xứ Quảng chơn chất mà sâu lắng biết bao!

    Trả lờiXóa